• Chó sói đông cứng 44.000 năm còn nguyên hàm răng

    Chó sói đông cứng 44.000 năm còn nguyên hàm răng

    Một nhóm nhà khoa học Nga khám nghiệm xác chó sói cổ đại bị chôn vùi 44.000 năm trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu ở Siberia.

    Các chuyên gia cho biết con chó sói đực trưởng thành tìm thấy ở Yakutia, phía đông nước Nga, có bộ lông, xương, cơ quan nội tạng cũng như hàm răng còn nguyên vẹn. Xác chó sói được chuyển tới Phòng thí nghiệm bảo tàng voi ma mút thuộc Đại học Liên bang vùng Đông bắc ở Yakutsk để tiến hành khám nghiệm, Mail hôm 21/6 đưa tin.

    Hàm răng còn nguyên từng chiếc của con chó sói cổ đại. (Ảnh: Michil Yakolev).

    Đất đóng băng vĩnh cửu là lớp đất đông cứng quanh năm, ngay cả trong những tháng mùa hè, và có thể giữ nguyên như vậy suốt hàng nghìn năm. Xác sinh vật cổ đại trong lớp đất đóng băng vĩnh cửu thuộc loại hoàn chỉnh nhất từng được khai quật bởi băng ngăn vật chất hữu cơ phân hủy.

    Con chó sói được người dân địa phương phát hiện năm 2021 ở độ sâu khoảng 40m bên sông Tirekhtyakh ở quận Abyi thuộc Yakutia, khu vực lạnh nhất của Nga. Các chuyên gia cho biết đây là xác chó sói lâu đời nhất mà họ từng khám nghiệm, thậm chí dạ dày của nó vẫn còn tồn tại.

    Theo tiến sĩ Albert Protopopov, trưởng khoa Nghiên cứu động vật của Viện hàn lâm Khoa học Yakutia, dạ dày của con chó sói vẫn tách biệt và không bị nhiễm khuẩn. Nhóm nghiên cứu hy vọng kết quả khám nghiệm sẽ giúp họ thu được lát cắt trực tiếp về sinh vật ở thế Canh Tân. “Đây là động vật săn mồi lớn và tích cực hoạt động. Chúng tôi sẽ có cơ hội tìm hiểu những gì nó đã ăn. Ngoài ra, dạ dày của nó cũng chứa thức ăn của con mồi”, Protopopov chia sẻ.

    Tiến sĩ Maxim Cheprasov, người đứng đầu Phòng thí nghiệm bảo tàng voi ma mút, cho biết ông và cộng sự tách một chiếc răng để xác định độ tuổi sinh học của con chó sói. Tuy nhiên, dựa trên độ mòn của răng và sự phát triển của đỉnh dọc giữa, họ chắc chắn đây là con sói đực trưởng thành.

    Giáo sư Artemy Goncharov, giám đốc Phòng thí nghiệm hệ protein và hệ gene ở Viện y học thực nghiệm, nhận định nghiên cứu xác chó sói có thể mang lại nhiều lợi ích. “Chúng tôi nhận thấy vi khuẩn sống có thể tồn tại trong hóa thạch động vật suốt thiên niên kỷ, đóng vai trò nhân chứng đối với thời cổ đại. Chúng tôi hy vọng kết quả nghiên cứu sẽ giúp tăng cường hiểu biết về quần thể vi khuẩn cổ xưa, chức năng của chúng và khả năng ứng dụng trong y học và công nghệ sinh học hiện đại”, Goncharov nói.