• GỎI BÔNG BẦN

    GỎI BÔNG BẦN
    GỎI BÔNG BẦN
    GỎI BÔNG BẦN
    GỎI BÔNG BẦN
    GỎI BÔNG BẦN
    GỎI BÔNG BẦN
    GỎI BÔNG BẦN
    GỎI BÔNG BẦN

    GỎI BÔNG BẦN

    – Đổi vị ngày hè oi ả.

    ———————-

    Muốn ăn mắm sặc bần chua

    Chờ mùa nước nổi, ăn cho đã thèm.

    Dân gian đã có những câu ca dao để người ta dễ dàng nhớ những mốc thời gian của những món đặc sản. Như muốn ăn “bần chua” thì chờ “nước nổi” vậy. Nhưng trước khi những trái bần tròn ụ, chua ngã ngửa được lên mâm, thì từ mùa Hạ, những bông bần tim tím đã lên dĩa trước rồi.

    Người ta nói cây bần “Lá xanh bông trắng, lại gần không thơm” là để ví von cái số hẩm hiu của cây: chẳng có gì thu hút. Nhưng giờ số phận cây đã khác khi món gỏi bông bần ra đời.

    Mùa nước nổi hàng năm bắt đầu khoảng tháng 7 Âm lịch, tuỳ theo con nước tới sớm tới muộn mà thời gian có chênh lệch đôi chút. Mùa này nước cuồn cuộn đổ về hạ nguồn sông Cửu Long, các cây cà na, cây bần, trái quằng trên nhánh. Nhưng chỉ độ những ngày giữa hạ, tầm tháng 3-6 âm lịch, những nhánh bần đã loi nhoi trổ bông, đơm trái.

    Hoa bần là hoa lưỡng tính, tức trên hoa có cả Nhuỵ và Nhị (Nhị mang phấn, Nhuỵ nhận phấn từ Nhị). Người ta chỉ thu hoạch Nhị để làm gỏi và chừa Nhuỵ lại. Phần vì để cây thụ phấn để trái lớn, phần vì nếu để lẫn Nhuỵ thì món gỏi sẽ tiêm nhiễm vị chát.

    Khi những bông hoa còn e ấp nụ thì chưa thể thu hoạch ngay, phải đợi chúng nở bung ra một chút xíu thì Nhị hoa mới dài và ngon. Hoa bần chớm nở lúc nửa đêm, tầm 3-4 giờ sáng thì người ta lọ mọ đi hái bông. Bởi nắng lên thì gió lay, chim đậu, ong ve vãn để phần Nhị rụng hết, không gom lại được.

    Nhị hoa thu hoạch về rửa sạch, rồi để ráo nước. Sau đó chuẩn bị một chén nước sốt với chút mặn và thơm của nước mắm, chút ngọt với đường và chút chua chua của giấm. Món này muốn ngon thì phải thêm điểm nhấn từ cái đậm đà của mấy con tép đồng.

    Có người ăn gỏi bông bần với thịt bò, với tai heo, với tôm, nhưng riêng mình đặc biệt thích ăn với tép. Người ở miệt Trà Vinh họ gọi là tép bạt. Con nào to thì là tép bạt đất, con nào nhỏ thì gọi tép bạt non. Hoặc tép bò – tép chong cũng là nó. Con tép càng to thì thịt càng dai, càng ngọt. Tép bắt về rửa sạch, luộc chín, gắp ra, để ráo nước rồi lột vỏ, bỏ đầu. Sau đó trộn đều bông bần và tép, thêm nước sốt vào là đã hoàn thành món gỏi. Và nhớ là cho thêm vài lá rau thơm cho dậy mùi, cũng thêm chút đậu phộng cho có vị bùi bùi, béo béo.

    Món gỏi bông bần có vị chua thanh, ngọt nhẹ, có thơm thoang thoảng mùi của những hạt phấn còn đọng lại trên bông bần. Thêm cái giòn giòn, mọng nước của bông bần, cái hương thơm rơm rạ trong tép, cái béo nhẹ của đậu phộng. Ai ăn một lần rồi là nhớ hoài.

    ============

    #khangheo

    #yeudulichthichanngon

    #khoailangthang