• Visa Schengen - làm gì sau khi bị từ chối?

    Visa Schengen - làm gì sau khi bị từ chối?
    Visa Schengen - làm gì sau khi bị từ chối?

    Visa Schengen – làm gì sau khi bị từ chối?

    Mình thấy nhiều người bị từ chối visa vì mục số 10 khi xin visa thăm thân và du lịch tự túc. Mình xin chia sẻ quá trình xin visa 2 lần cho ba mẹ mình.

    Mình có chồng Pháp và 2 con quốc tịch Pháp. Gia đình mình sinh sống ở Việt Nam. Hè này mình làm visa cho ba mẹ mình đi Pháp chơi với gia đình mình, và mình đã chọn mục đích là du lịch bởi vì gia đình mình không ở với người thân, mọi năm về Pháp sẽ ở camping hoặc Airbnb cho thoải mái. Ba mẹ mình chỉ mới đi các nước Phật giáo như Ấn Độ, Nepal, Bhutan, Đài Loan. Ba mẹ mình xin đi 25 ngày, khi về sẽ về chung với gia đình một người bạn thân của mình vì nhà mình sẽ ở lại Pháp thêm 1 tháng nữa.

    Mình rất tự tin về hồ sơ của ba mẹ mình luôn, vì mình đã làm visa thành công cho dì mình trước đây dù hs yếu hơn của ba mẹ mình. Vậy mà, sau 2 tuần nộp hồ sơ, ba mẹ mình rớt với lí do số 10 (xem hình danh sách hồ sơ)

    Mình rất sốc và buồn luôn, vé và nơi ở mình book hết, một số cái non refundable luôn, tất cả đều là tâm huyết của mình, nên phải đi! Mình đã liên hệ với một người bạn của mình, chuyên làm visa để nhờ tư vấn, và bạn bảo mình rớt là do quá chủ quan Với hồ sơ của ba mẹ mình, bạn nói có thể đậu lại 80% và khuyên mình nên appeal.

    Mình ngay lập tức làm lại hồ sơ, đăng kí lịch hẹn lại. Và, lịch hẹn kín hết đến tháng 7 luôn (lúc này là đầu tháng 6), ngày cả lịch cuối tuần cũng sau đó 2 tuần, có thể trễ chuyến bay đầu tháng 7 của mình nếu họ xét duyệt hơn 2 tuần, nên mình đã book lịch ngoài giờ gần nhất để có mã số cuộc hẹn, sau đó gọi điện cho TLSC để nhờ kiếm slot gần nhất cho mình. Và họ đã offer mình ngay ngày thứ 7 sau ngày mình apply 6 ngày.

    Mình đã thêm vào hồ sơ như sau:

    1. Mục đích: đổi thành thăm thân + du lịch.

    3. Thư mời của chồng mình viết, mời ba mẹ đi du lịch chung với gia đình mình để gặp gỡ gia đình anh ấy, gia đình mình cung cấp nơi ở và phương tiện di chuyển cho ba mẹ. Giải thích tại sao phải thuê nhà ở thay vì ở với gia đình chồng bên Pháp!

    4. Sao kê tài khoản 6 tháng của chồng mình (trong đó có tiền lương hàng tháng).

    5. 2 giấy khai sinh của con mình => chứng minh mối liên hệ giữa ba mẹ mình với cư dân Pháp – cháu ngoại ==> đối với các dạng thăm thân, rất quan trọng mục giấy tờ chứng minh các mối quan hệ họ hàng.

    6. Một thư giải trình rất tâm huyết nêu lên mục đích của chuyến đi (thăm sui và du lịch) và lí do ba mẹ mình đi Pháp dịp này (đã lớn tuổi, nếu đợi nữa sẽ yếu và không đi xa được, chưa gặp sui gia bao giờ, xem chỗ ở tương lai của gia đình mình – mình có nói trong thư là trong tương lai sẽ quay trở lại Pháp định cư), giải thích lí do ba mẹ không đi du lịch nhiều mà đa phần đi các nước Phật giáo như Ấn Độ, Bhutan, Đài Loan …, khẳng định sẽ về vì có cuộc sống hạnh phúc và con cháu ở VN, giải thích tại sao ba mẹ phải về chung với gia đình bạn (mình sợ ba mẹ bị lạc) => thư dài 2 trang luôn

    7. Giấy book Airbnb + khách sạn của nhà mình sau khi ba mẹ mình về (mình chuyển sang nhà nhỏ hơn)

    8. Passport và visa của gia đình người bạn sẽ dẫn ba mẹ về

    9. Còn lại là hồ sơ và lịch trình như cũ – tạo table, nội dung ngắn gọn theo lịch book chỗ ở chứ không phải theo hoạt động từng ngày (ở gần gia đình chồng trong 2 tuần, và 1 tuần đi đến thành phố khác chơi – chỉ ở Pháp).

    Sau 1 tuần nộp hồ sơ, ba mẹ mình đã có visa

    *** Kinh nghiệm từ trường hợp của mình:

    1. Bạn không nên chỉ viết thư kháng cáo, mà phải làm lại một bộ hồ sơ mới với hồ sơ bổ sung kèm thư giải trình, giải thích rõ ràng lỗi do mình làm cho người ta hiểu lầm về mục địch chuyến đi và lịch trình cũng như làm sáng tỏ lỗi sai đó. Nếu bạn quyết định nộp lại hồ sơ, có thể nộp lại liền mà không cần phải chờ đợi vài tháng hoặc sang năm!

    2. Chỉ nộp lại nếu bạn có thêm hồ sơ bổ sung để cải thiện lỗi của hồ sơ vừa rồi. Nếu bạn giữ nguyên hồ sơ mà chỉ giải trình thì khả năng rớt tiếp cũng rất cao.

    3. Lỗi số 10: do mục đích chuyến đi cũng như lịch trình/ điều kiện ở không rõ ràng => xem lại mục đích chuyến đi có phù hợp với lịch trình hay không, có giải thích rõ ràng hợp lí hay không, lịch trình có rõ ràng mạch lạc hay không, có các giấy tờ chứng minh mối quan hệ họ hàng khi thăm thân hay không?

    4. Trong thư giải trình, nên giải thích thật rõ ràng về mục đích chuyến đi, nếu bạn đi thăm thân kết hợp du lịch thì phải nói cho rõ mục đích nào là chính, cái nào là phụ. Nếu thăm thân là chính thì lịch trình phải ở bên người thân lâu hơn là đi du lịch. Bên cạnh đó, bạn cũng giải trình nếu bạn có hoàn cảnh du lịch đặc biệt: đi với ai, ở đâu, gặp ai, tại sao …(giải thích lý do làm cho chuyến đi của mình có logic, dễ hiểu => rất quan trọng luôn).

    5. Bạn nên xem xét về việc tìm một công ty dịch vụ visa uy tín để làm appeal. Vì họ có kinh nghiệm làm nhiều loại visa, họ sẽ nhìn ra được hồ sơ của bạn thiếu những gì và viết thư giải trình rất chuyên nghiệp và thuyết phục luôn. Mình là giáo viên tiếng Anh, nhưng khi nhận thư thuyết trình bạn viết cho mình, mình tự nhận là mình không thể lập luận được như bạn

    Đây chỉ là những kinh nghiệm mà mình học hỏi và đúc kết được từ case của gia đình mình, hy vọng sẽ giúp ích cho các bạn. Về phần thư giải trình, đây là do bạn mình viết cho mình nên mình không thể chia sẻ nó ở đây vì đó là một phần công việc của bạn. Chúc mọi người sớm có được visa nha!

    Xem thêm bài có từ khoá:

    xin visa,

    camping,

    ấn độ,

    bhutan