• Du lịch quá cảnh

    Du lịch quá cảnh
    Du lịch quá cảnh
    Du lịch quá cảnh
    Du lịch quá cảnh
    Du lịch quá cảnh
    Du lịch quá cảnh

    Du lịch quá cảnh như một chuyến cưỡi ngựa xem hoa, khi trên đường từ A tới Á, còn ghé một vài chỗ ở giữa nữa. Đi lại giữa hai thành phố trên thế giới vốn dĩ không phải lúc nào cũng có đường bay thẳng nên nhiều khi phải dừng đâu đó ở đoạn giữa hành trình như Singapore, Bangkok, Tokyo, Seoul, Dubai,… Và câu chuyện là:

    Những lợi ích khi bay quá cảnh:

    – Visa: xin visa du lịch thường tốn kém và nhiêu khê. Tuy nhiên, visa dạng cưỡi ngựa xem hoa thì khá nhẹ nhàng. Ví dụ, người mang hộ chiếu Việt Nam, khi transit từ 8 tới 24 tiếng ở một số thành phố lớn của Trung Quốc như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, rồi đi tiếp một nơi khác có thể đủ điều kiện xin tem miễn visa tại nơi quá cảnh. Qatar có visa loại transit với thời hạn lên tới 96 tiếng, được tài trợ miễn phí khi bay với Qatar Airways. Transit ở UAE với Etihad hay Emirates có thể xin visa transit thời hạn 48 tiếng miễn phí, còn visa transit thời hạn 96 tiếng chỉ tốn khoảng 300k, trong khi visa du lịch thì 2 triệu. Hàn Quốc có chương trình miễn visa 30 ngày khi transit ở Hàn rồi bay tiếp tới Mỹ, Canada hay một vài nước phát triển khác. Visa du lịch Nhật Bản không đơn giản, tuy nhiên hồ sơ xin visa transit thì vô cùng đơn giản với chi phí khoảng 150k, mà thời hạn cho phép lên tới 15 ngày, không khác gì visa du lịch. Bay transit Thổ Nhĩ Kỳ với một số điều kiện có thể xin e-visa, nhẹ nhàng hơn visa du lịch.

    – Chi phí: ngành hàng không cũng ngộ không giống người ta lắm, bay nhiều, bay xa lắc chưa chắc mắc, bay ít chưa chắc rẻ, do phụ thuộc nhiều vào cung cầu hơn. Ví dụ vé bay ngày Tết mắc hơn ngày thường, vé bay Vinh đi Sài Gòn mắc hơn Vinh đi Sài Gòn rồi đi tiếp sang Kuala Lumpur.

    Hồi trước mình mua vé khứ hồi Houston về Sài Gòn, quá cảnh ở Bắc Kinh với giá $520. Chiều đi transit 15 tiếng, đủ để vào thăm quan Vạn Lý Trường Thành, mà còn được vào lounge miễn phí. Chiều về transit 22 tiếng qua đêm, được cho khách sạn miễn phí cùng xe đưa đón 2 chiều. Một lần khác mình bay từ Sài Gòn đi Houston, quá cảnh ở Doha vào dịp hè. Nếu chọn chuyến có thời gian chờ 8 tiếng thì giá vé khoảng $1800, còn nếu chọn ở Doha chơi 2 ngày thì vé chỉ $570, được tài trợ visa, và khách sạn 5 sao, xe đưa đón 2 chiều chỉ với 28$/ đêm. Hãng Etihad mình vừa bay có giá vé khá mềm, mà còn được offer 2 đêm khách sạn 4 sao miễn phí. Trong hành trình từ Sài Gòn tới Abu Dhabi, mình bay với Asiana Airlines rồi chờ khoảng 12 tiếng để bay tiếp, lẽ ra nếu có visa nhập cảnh Hàn Quốc thì còn được đi city tour miễn phí nữa.

    Trong những dịp cao điểm, giá vé từ Mỹ về Việt Nam khá cao, tuy nhiên nếu bay tới Đài Bắc, Singapore, hay Kuala Lumpur rồi mua vé riêng về Sài Gòn thì giá dễ chịu hơn nhiều. Hôm rồi mình chọn bay Houston về Tùng Sơn, Đài Bắc, transit 20 tiếng ở Toyko, được dịp vào Tokyo chơi một chút, rồi mới sang Đài Bắc thăm thú vài ngày. Từ Đài Bắc về Sài Gòn thì hãng chị Thảo bao vé rẻ. Một lần khác nữa, để trải nghiệm một trong những chuyến bay nội địa dài nhứt ở Mỹ, mình stack chuyến bay đó vào chặng Sài Gòn – Tokyo – Hawaii – New York – Houston. Với hành trình như vậy, giá vé được hiểu theo kiểu bay từ Sài Gòn tới Houston, được ghé Waikiki một chút, 2 kiện hành lý toàn chặng, mà còn rẻ hơn so với vé cho hành trình Hawaii – New York – Houston.

    – Chương trình hội viên: bay lòng vòng có thể tích được nhiều dặm thưởng hơn, được tính nhiều chuyến bay xét hạng hơn, do đó dễ ngồi gần phi công hơn và dễ lên hạng hội viên hơn. Bông Sen Vàng của Vietnam Airlines có 2 cách tính xét hạng, một là khoảng cách bay, hai là số chuyến bay. Để lên thẻ Titan thì cần 15000 dặm, hoặc 20 chuyến. Đi dừng nhiều chặng thì cách nào cũng có lợi, chỉ không có lợi về thời gian.

    (Hình ảnh một số quốc gia chúng mình đi du lịch quá cảnh).

    Xem thêm bài có từ khoá:

    xin visa,

    thổ nhĩ kỳ,

    sài gòn,

    new york