• "NGHĨ GIÀU, LÀM GIÀU" VÀ SỰ GIÁC NGỘ CỦA ĐỨC PHẬT

    “NGHĨ GIÀU, LÀM GIÀU” VÀ SỰ GIÁC NGỘ CỦA ĐỨC PHẬT

    Có lẽ phát hiện vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại chính là sức mạnh tinh thần của một người có khả năng tạo ra hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc đời họ. Thế giới bên ngoài chính là tấm gương phản chiếu thế giới trong con người bạn, nó tạo nên một triết lý vô cùng giá trị: Bạn sẽ trở thành những gì bạn thường nghĩ đến nhất.

    Trong cuốn sách kinh điển “Nghĩ giàu, làm giàu”, tác giả Napoleon Hill không thực sự nói về tiền mà đề cập đến tầm quan trọng của điều khiển suy nghĩ, kiểm soát cảm xúc, tự hoạch định số phận, cũng như năng lượng phát xạ ra thông qua suy nghĩ và cảm xúc sẽ thu hút được những thứ tương ứng. Ông đề cập đến một “bí mật” để thành công, được gián tiếp mô tả nhiều lần trong mỗi chương sách. Ông nói rằng điều bí mật ẩn giấu trong cuốn sách không có tên gọi củ thể, vì nó dường như sẽ trở nên tuyệt vời hơn nhiều khi không được hé mở, mà được sáng tỏ ở những nơi có những con người sẵn sàng tìm kiếm. Nó không phải là thứ cho không, nhưng cũng không phải là thứ có thể mua bán bằng tiền, bởi nó có hai phần mà một phần trong đó đã tồn tại ở những con người sẵn sàng đón nhận.

    “Nghĩ giàu, làm giàu” ẩn chứa bí mật quan trọng của mọi thời đại. Bí mật lại vô cùng đơn giản để thay đổi mọi thứ. Bí mật này chính là năng lực thực hiện điều thần diệu được tìm thấy trong tiềm thức. Bí mật này chính là một quy luật của vũ trụ. Bí mật chính là Luật hấp dẫn.

    Luật hấp dẫn là một quy luật áp dụng cho mọi cấp độ vi mô và vĩ mô, mà người Việt gọi là Luật đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu (cùng thanh âm thì ứng đáp, cùng tính khí thì tìm nhau). Luật hấp dẫn nói rằng bạn như một thỏi nam châm hút về phía bạn bản chất của những gì bạn nghĩ và cảm nhận.

    Cuộc sống luôn tuân theo Luật hấp dẫn nhưng nó ở tầng tiềm thức. Tiền bạc ở đó, sự giàu có ở đó nhưng nếu không thể cảm thấy được, không thể diễn đạt được nó, chính do bản thân của bạn đã tạo ra những cảm xúc làm bạn thấy không xứng đáng có nó. Đây là phần việc bạn phải giải quyết với tiềm thức của mình để bạn có thể cảm nhận thấy trong tiềm thức một mức độ khác của cuộc sống, về những gì đang xảy ra với sự dư dả và thịnh vượng.

    Hầu hết mọi người theo đuổi không mệt mỏi sự đầy đủ mang tính vật chất trong suốt cả cuộc đời, nhưng niềm hạnh phúc trọn vẹn vẫn lảng tránh họ và cuối cùng họ ra đi mà vẫn không thấu hiểu được hạnh phúc thực sự là gì. Đầu óc họ quá bận bịu với sợ hãi và tham vọng nên bất kỳ cảm giác hạnh phúc nào đều không thể kéo dài. Mặt khác, có vô số ví dụ về những người đạt được thành công – hạnh phúc tinh thần trọn vẹn từ bên trong con người – và cuối cùng cũng vẫn tận hưởng một cuộc sống vật chất sung túc. Hạnh phúc thật sự không phụ thuộc vào các yếu tố bên ngoài, mặc dù nó vẫn phải được nuôi dưỡng về mặt vật chất.

    Đạo Phật không phải là lĩnh vực về niềm tin hay tôn giáo mà tập trung sâu hơn vào sự phát triển của tư duy. Bạn mở mang trí tuệ của mình bằng cách thực tập nhận thức hiện tại. Mục đích của việc luyện tập này là học hỏi nhiều hơn về những hoạt động bên trong của trí óc và quan sát xem suy nghĩ cùng cảm xúc được nảy sinh như thế nào. Một khi bạn đã hiểu được bản chất thật sự của đầu óc mình, bạn có thể kiểm soát tốt hơn những hoạt động bên trong và nắm bắt được những cảm xúc đang xuất hiện trong bạn. Khi bạn đã điều khiển được suy nghĩ và cảm xúc của mình, hiểu đó chính là nguồn gốc của nỗi đau, bạn sẽ trở bên bình thản và an nhiên.

    Cho đến khi bạn đạt được tới trạng thái thức tỉnh hoàn toàn và liên tục, bạn sẽ nhìn thấy toàn bộ chân lý trong vũ trụ về bản thân mình và bạn sẽ được giải thoát khỏi mọi nỗi đau.

    Ánh sáng giác ngộ không phải là thoát khỏi nỗi đau mà là hiểu biết về nỗi đau, hiểu biết những cơn giận, hiểu biết những nỗi khổ tâm – hiểu chứ không nên che giấu, ngụy biện – hiểu sâu trong bản chất vấn đề: “Tại sao tôi lại đau khổ, tại sao tôi lại lo âu đến thế, giận dữ đến thế, cái gì đã tạo ra tất cả những cảm giác đó?”. Nếu hiểu được căn nguyên một cách rốt ráo, chúng ta sẽ thoát khỏi mọi tâm trạng tiêu cực khổ sở.

    Chỉ khi nào thấu hiểu nỗi khổ của bản thân mình, bạn mới được giải thoát. Và bạn sẽ thực sự sống trong ánh sáng giác ngộ viên mãn. Giác ngộ không phải là một cái gì ở bên ngoài đến với bạn. Thấu hiểu mọi cảm xúc, cảm giác tiêu cực của mình (đau khổ, giận dữ, lo lắng) và làm tiêu tan chúng, đó là giác ngộ. Lúc ấy, những cảm xúc liên tục xô đẩy mà bạn từng trải qua không còn là nguyên nhân tạo nên cuộc sống của bạn nữa. Giác ngộ là khi bạn chứng nghiệm lần đầu tiên sự hài lòng thực sự, niềm vui thực sự, niềm an lạc đích thực. Trong tâm trạng đặc biệt đó, bạn mới nhìn nhận lại những gì đã qua. Bạn thấy hài lòng, vì rằng trước đó bạn đã không hề hài lòng; bạn thấy hạnh phúc vì trước đó bạn không hề hạnh phúc. Niềm vui giác ngộ không gì có thể so sánh nổi.

    Nguồn: FB Lâm Thái Sơn

    Xem thêm bài có từ khoá:

    vũ trụ