Đà Lạt

Âm nhạc từ thiên đường

âm nhạc từ thiên đường

Tùy bút Âm nhạc từ thiên đường, có thể nói, là một trong những hồi ức hiếm hoi của nhạc sĩ tài hoa Lê Uyên Phương viết về thế giới quan âm nhạc lồng trong văn hóa đô thị Đà Lạt, nơi ông sinh ra, lớn lên và tận hưởng mật ngọt tình yêu. Hiện tùy bút này có được đăng tải trên một số trang mạng. Vì giá trị đặc biệt của bài viết ở phương diện ký ức đô thị và tính văn chương, Chuyện Đà Lạt xin giới thiệu lại, có đối chiếu với nguồn (ghi rõ cuối bài). _CHUYỆN ĐÀ LẠT

Trong tuổi nhỏ của tôi, ít nhất là bốn lần – những lần tôi còn nhớ được – âm nhạc đã đến với tôi, đã xòe mười ngón tay kỳ diệu của nó vuốt ve trái tim tôi, để rồi từ đó tôi đã thả nổi cuộc đời tôi theo những âm thanh trầm bổng, dài ngắn, to nhỏ của cuộc đời và đã vô tình bước vào một định mệnh đầy những bất ngờ như những nốt nhạc bật lên từ một xúc động cùng cực đến lạc điệu trong đời sống.

Lần đầu tiên, đó là một buổi chiều tuyệt vời của Đà Lạt, tôi vào khoảng tám, chín tuổi, cùng với người anh họ, anh Bửu Ấn, đồng thời cũng là người bạn chí thân của tôi, anh hơn tôi hai tuổi, chúng tôi đang ngồi trên một ngọn đồi thấp gần ngôi trường tiểu học nằm giữa thị xã, trước mặt là con đường dốc dẫn xuống hồ Xuân Hương, dọc theo hai bên đường những cây mai hồng đang nở rộ, trông như những khóm bông gòn màu hồng nhạt, lúc nào cũng tưởng chừng như sắp rời ra từng mảnh nhỏ dưới cơn gió chiều hiu hiu của Đàlạt. Mặt hồ phẳng lặng như mặt gương, xa xa ngọn tháp nhọn của Lycée Yersin nổi bật lên trên nền trời đầy những ráng vàng của buổi hoàng hôn, sau lưng chúng tôi vọng lại những tiếng động của một hội chợ Tết trong khuôn viên của những ngọn đồi thuộc trường tiểu học. Một chiếc loa phóng thanh phát ra những bài hành khúc, thỉnh thoảng xen vào các mục quảng cáo, tìm trẻ lạc. Chúng tôi ngồi đó nhìn xuống con dốc, vừa bắt những ngọn cỏ xanh, vừa nói đủ mọi chuyện trời trăng mây nước. Buổi chiều đang xuống dần, xuống dần. Chúng tôi bỗng phát giác ra câu chuyện đã ngưng bặt từ lúc nào, hình như một điều gì khác thường đang xảy ra. Phải, cả hai chúng tôi đang lắng nghe, và thật vậy, trong không gian lúc bấy giờ đang tràn ngập những tiếng đàn vĩ cầm, chồng lên nhau, quấn vào nhau, đuổi theo nhau như một dòng suối, những tiếng đàn vĩ cầm đến từ chiếc loa phóng thanh của hội chợ, một đoạn valse của Johann Strauss, thỉnh thoảng một vài nốt dương cầm rơi trên dòng suối đó như những ánh phản chiếu của mặt trời, rồi một giàn kèn đồng trổi lên như một làn gió nhẹ làm lung linh mọi thứ trong không gian. Tôi buột miệng: Nhạc gì mà hay quá vậy? Bửu Ấn trả lời: Nhạc cổ điển. Trong đầu óc của một đứa bé như tôi lúc bấy giờ, từ nhạc cổ điển chỉ có nghĩa là đàn tranh, đàn kìm, đàn nhị… hay các điệu hò, câu hát mà tôi thỉnh thoảng đã từng được nghe. Tôi ngạc nhiên nhắc lại: Nhạc cổ điển? Bửu Ân nhìn tôi mỉm cười, tỏ ra sành sõi: Nhạc cổ điển Tây phương.

Chúng tôi cùng im lặng sau đó, và cùng lắng nghe những gì đang tràn ngập không gian. Tôi hình dung ra trong trí não non nớt của tôi một thế giới vô cùng kỳ diệu, một thế giới mà ở đó thứ âm nhạc như thế đã được thành hình. Ôi! Hạnh phúc biết bao, con người đã tạo nên được những âm thanh kỳ diệu như thế. Từ đó, tôi bắt đầu có thói quen nhận thức thế giới chung quanh tôi qua cái “nghe” của những âm thanh của buổi chiều hôm đó. Tôi nghe bầu trời, tôi nghe cây cỏ, núi đồi, tôi nghe xúc động trong tôi, tôi nghe xúc động trong người cùng lúc với những gì tôi nhìn thấy chúng.

Hàng trăm lần sau buổi chiều hôm đó, tôi thường ngồi ở cái mép của khoảng đất trống trên đường Hàm Nghi, nhìn xuống thung lũng chỗ có rạp hát Ngọc Hiệp trên đường Phan Đình Phùng để nghe vọng lại những âm điệu của cái concerto en C majeur của Mozart viết cho dương cầm được phát ra từ chiếc loa của rạp hát trước giờ chiếu phim, để sống lại cái cảm giác kỳ diệu bất chợt đã đến với tôi khi lần đầu tiên được nghe những bài luận vũ của J. Strauss từ cái loa trong hội chợ.

âm nhạc từ thiên đường

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương – Tranh Đinh Cường.

*

Cái tuyệt vời nhất của Đà Lạt là có thể nhìn cảnh vật chung quanh ta ở nhiều cao độ khác nhau. Những ngôi nhà, những con đường dọc theo sườn đồi, những con đường xuyên qua thung lũng, những con dốc… Đó là đặc điểm thú vị nhất của Đà Lạt.

Trên sườn của một ngọn đồi giữa đường Hàm Nghi – đường nhà tôi ở – mọc lên một ngôi nhà thờ Tin Lành, ngôi nhà thờ ở một vị trí cao tuyệt đẹp, từ đó ta có thể nhìn thấy những căn nhà nằm san sát dưới thung lũng trên con đường Phan Đình Phùng, phía xa hơn là những căn nhà nằm dọc theo sườn đồi của đường Hai Bà Trưng, xa hơn nữa, ở chỗ cao nhất là nhà tu của các soeur áo trắng – Domaine De Marie – và cách một thung lũng xa bên phía tay trái của Domaine De Marie là nghĩa trang lớn của thành phố.

Chúng tôi, tôi và những đứa trẻ cùng tuổi, thường tụ tập dưới cái vòm cong của ngôi nhà thờ này mỗi chiều sau giờ tan học, vui đùa cho đến khi chiều tối mới trở về nhà, nhưng chưa bao giờ chúng tôi dám bước chân vào bên trong, sau cái cánh cửa dày trên có đóng những mũi tên bằng sắt thật to và những nút sắt tròn bí mật của nhà thờ.

Một buổi tối, có thể là một đêm Giáng Sinh hay một buổi lễ thánh lớn nào đó, tôi đã không ngăn được tò mò, len lén bước vào trong nhà thờ, tìm một chỗ trên hàng ghế sau cùng, ngồi xuống kín đáo quan sát mọi chuyện dưới cái ánh đèn sáng trưng của buổi lễ đêm đó.

Bắt đầu là sáu cô gái mặc áo trắng, trên tay mỗi cô cầm một cuốn thánh ca màu đen. Phía dưới, bên trái của giảng đài, một cô gái áo trắng khác ngồi dạo đại phong cầm. Tiếng hát trong vắt như thủy tinh của những cô gái bỗng cất lên, một chuỗi âm thanh ngọt ngào, trong sáng bỗng đổ ập xuống không gian nhà thờ, tôi choáng váng và sững sờ với những gì đã đột ngột xẩy ra lúc đó. Những giọng hát quyện vào nhau trong một niềm hân hoan chung, trong một ước muốn chung, trong một hy vọng chung, rực rỡ, thành kính và tròn, đầy. Lần đầu tiên, tôi được làm quen với loại âm nhạc này và tôi đã vô cùng hạnh phúc vì những gì đã được nghe lúc đó. Sau đó một vị mục su lên giảng đài, đọc vài đoạn thánh kinh, rồi người ta cho trình chiếu cuốn phim Chúa bị đóng đinh trên Thập tự giá.

Đèn trong nhà thờ vụt tắt, hình ảnh Chúa vác cây Thập tự giá hiện lên với thân hình gầy ốm, những dòng máu chảy dài trên khuôn mặt lộ nét đau đớn vì những vết thương, lết qua các con đường đá giữa những gươm dáo, những khuôn mặt tàn ác, lạnh lùng của những tên lính thời đó, tất cả đã khiến cho không khí trong nhà thờ giao động, những tín hữu bắt đầu khóc lóc, gào thét, miệng lầm bầm, Chúa tôi! Chúa tôi! Chúa tôi! Một vài người tự đấm vào ngực mình như muốn chia sẻ với Chúa nỗi đớn đau mà ngài đang chịu đựng. Tôi cùng cực hoang mang giữa khung cảnh đó. Đèn bỗng vụt bật sáng lên và những cô gái áo trắng bắt đầu một đoạn hợp xướng xưng tụng vẻ đẹp của Thiên Chúa. Tôi không biết mình đang ở đâu và những gì thực sự đang xảy ra chung quanh tôi lúc đó. Nhưng những hình ảnh đớn đau cùng cực mà Chúa phải chịu đựng cho con người, những tiếng khóc của các tín đồ, những tà áo trắng, những giọng hát cao vút, rực rỡ, trong sáng, hân hoan cứ trở đi trở lại trong trí não tôi và không ngừng gây cho tôi những xúc động vô cùng lớn lao về nỗi cùng khổ của con người và sự thăng hoa của nỗi thống khổ đó trong âm nhạc.

Vài ngày sau, tôi đã trở lại nhà thờ để ăn cắp cuốn thánh ca có cái bìa bằng da màu đen tôi thấy để trước mặt các tín đồ trong buổi lễ. Và tôi đã làm quen với Mendelson, với Bach, với Schubert từ đó. Cuốn thánh ca đã trở thành cuốn sách gối đầu giường của tôi nhiều năm trời sau đó. Tôi đã cố gắng tìm hiểu những gì có thể tìm hiểu được ở cái tuổi của tôi, sự liên hệ của những nốt nhạc đã được ghi trong cuốn thánh ca. Không được bao nhiêu; nhưng sự háo hức khám phá cái thế giới thần kỳ của âm nhạc thì càng lúc càng tăng. Tôi tự nhủ một ngày nào đó, có thể tôi cũng sẽ viết được những điều như thế.

âm nhạc từ thiên đường

Đường Phan Đình Phùng thập niên 1960 – Ảnh: Tư liệu.

*

Vài năm sau đó, gia đình tôi dọn ra ở trên một con đường gần viện đại học bây giờ, bên cạnh nhà là gia đình của một ông đại úy. Ông bà đại úy có một đứa con trai tên là Vi Liêm Pha. Pha thua tôi vài tuổi, biết được sự ưa thích nghe nhạc của tôi nên thỉnh thoảng khi có chương trình nhạc nào phát ra từ cái radio của ông đại úy, Pha thường rủ tôi qua ngồi nghe. Một hôm chúng tôi khám phá ra từ 1 giờ đến 1 giờ 30 chiều, đài phát thanh Đà Lạt có cho phát một chương trình đặc biệt gọi là chương trình âm nhạc Hoa kỳ. Từ đó đúng một giờ trưa là tôi chui hàng rào qua ngồi trước cái radio của Pha. Vì lúc đó là giờ ngủ trưa của bà đại úy, nên anh em tôi chỉ vặn volume thật nhỏ, nhiều lúc tôi phải kể cả lỗ tai gần sát mặt vải của cái radio để hút vào trong óc những âm thanh kỳ diệu đến từ một khung trời xa xôi nào đó của thế giới. Nhạc Jazz đã đến với tôi trong cái tiếng thì thầm kỳ lạ của chiếc máy, trong khi tim tôi muốn bứt tung ra dưới cái sức ép mãnh liệt của cảm xúc trong tôi. Tôi thầm ước một lúc nào đó, có thể mở hết volume của cái radio ra để có thể nghe tất cả những gì còn ẩn dấu sau những dòng nhạc Vô cùng quyến rũ đó. Tôi không thấy có một cái gì giống như nhạc Jazz ở thế giới chung quanh tôi lúc đó, âm nhạc này là một cái gì thật mới mẻ, thật lạ lùng đối với tôi. Qua lời giới thiệu, tôi biết đây là một loại âm nhạc của người da đen, nó thể hiện những ẩn ức của con người bị chèn ép, bị bức bách, những con người trong những tình cảnh nghiệt ngã của kiếp người, nhưng tôi vẫn thấy xa lạ với những gì người ta muốn diễn dịch cho loại âm nhạc đó. Điều tôi mê say là những tiết điệu của nó, tiết điệu nhịp nhàng của trái tim con người bên cạnh những buông thả của hơi thở, của cảm xúc con người thể hiện qua tiếng kèn đồng nóng bỏng. Nhạc Jazz là sự hòa điệu tự nhiên giữa hơi thở và sự vắng bặt của lý trí của con người, tôi bị mê hoặc bởi nhạc Jazz là vì điều đó.

Duke Ellington, Bessie Smith, Louis Armstrong, Lil Hardin… đã đến với tôi từ cái mặt vải của cái radio cũ kỹ, tôi đã học được bài học lớn lao về cái gọi là chất tươi của âm nhạc, là máu của âm nhạc, là loại âm nhạc sống trong từng giây từng phút của chính nó, và tôi đã luôn luôn nhớ đến điều này trong suốt cuộc đời âm nhạc của tôi.

Thời gian qua, đã trăm ngàn lần tôi được nghe mọi loại âm nhạc của loài người, từ một chiếc cassette rẻ tiền cho đến một giàn máy vô cùng đắt giá, tôi đã dự những buổi hòa nhạc với vài chục người cho đến những buổi hòa nhạc với hàng chục ngàn khán giả, tôi đã đi khắp nơi, đã nghe mọi loại nhạc trong mọi khung cảnh trên mặt đất này. Nhưng đôi môi nóng bỏng của âm nhạc đã hôn lên con tim tôi trong những ngày thơ ấu ở cái vùng đất kỳ diệu xa xôi đó, quả thật đã như những con dấu in đậm nét trên định mệnh tôi. Tôi biết rằng tôi đã thuộc vào một nơi nào đó rất chênh vênh giữa lý trí của con người, linh hồn của thượng đế và hơi thở của tình yêu.

19 tháng Hai 1987

Tùy bút của Lê Uyên Phương

(Trích trong: Không có mây trên thành phố Los Angeles; Tập truyện và tùy bút của Lê Uyên Phương, Tân Thư, Hoa Kỳ xuất bản, 1990)

Đăng bởi: Đoàn Chơn Hoài Thanh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก