Ninh Thuận

Luật tục Chăm trong hôn nhân, gia đình – Phần II: Hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Tiếp tục phần II với những quy định trong Luật tục Chăm về hôn nhân và gia đình. Khám phá Ninh Thuận xin mời bạn đọc cùng tìm hiểu nhiều điều thú vị về hình thức phạt trong Luật tục hôn nhân và gia đình.

Mục lục nội dung bài viết

Cấm kết hôn với người khác dân tộc mình, khác tôn giáo hay người cùng dân tộc song khác tôn giáo

Trong gia huấn của cộng đồng Chăm và Bàni có viết: “Chăm Bàlamôn, Chăm Bàni khác tôn giáo. Do đó không được phép kết hôn với nhau. Kết hôn với nhau bị xóm làng cười chê. Phạt đòn roi cho đến chết, chỉ vì em thương người Bàni”.

Vốn như vậy là vì theo quan niệm của người Chăm, người khác dân tộc, khác tôn giáo là người không cùng tục thờ thần, không cùng tiếng nói với mình và nếu hết hôn như thế là không bảo đảm tính thuần khiết của nòi giống.

Họ bị xem là người ngoại lai, người uế tạp và bị tước đi mọi quyền lợi, nghĩa vụ. Con cái của họ khi chết đi sẽ không được chính thức hóa thân: ở đạo Bàlamôn sẽ không được nhập Kut, ở đạo Bàni sẽ không được nhập Ghur.

luật tục chăm trong hôn nhân, gia đình – phần ii: hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Họ không được tham gia vào các nghi lễ tôn giáo như đám tang, lễ nhập Kut, nhập Ghur của cha hoặc mẹ khi chết, mà theo phong tục Chăm tham dự các nghi lễ trên là nghĩa vụ thiêng liêng của người con có hiếu và phải hoàn thành cho chu đáo, đó là dịp người con trả ơn công lao sinh thành và dưỡng dục cho cha mẹ.

Đây cũng là lý do vì sao mà khi kết hôn như thế, họ bị coi là người con bất hiếu, bị cha mẹ từ chối, bị làng hay cộng đồng tôn giáo của mình loại bỏ.

luật tục chăm trong hôn nhân, gia đình – phần ii: hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Mặt khác, mọi người Chăm đều thuộc vào một tôn giáo và họ muốn bảo vệ tôn giáo mình. Họ sợ mất người của tôn giáo mình nên không muốn có quan hệ hôn nhân với người có tôn giáo khác. Đặc biệt, vì theo chế độ mẫu hệ, con trai cư trú bên vợ, con cái tính theo dòng họ mẹ, nên không muốn cho con trai đi cưới vợ bên tôn giáo khác.

Ngày nay, tuy hôn nhân giữa hai người cùng dân tộc, song khác tôn giáo trong cộng đồng dân tộc Chăm không bị nghiêm cấm khắt khe nữa. Trong cộng đồng đã có một số trường hợp họ lấy nhau, song ảnh hưởng của các quy định trên vẫn còn đè nặng trong đời sống tinh thần của mỗi cá nhân và cộng đồng.

Dẫu là vậy, nhưng so với nhiều dân tộc anh em ở vùng Tây Nguyên, trường hợp anh chết, Luật tục Chăm không ép buộc em phải lấy vợ của anh mình, hay anh chết thì phải lấy vợ của em mình, cũng như khi chồng của chị hoặc em chết, thì em hoặc chị không buộc phải lấy chồng của chị hoặc em mình.

Luật tục Chăm và những hình thức phạt và trong hôn nhân, gia đình 

Như đã đề cập ở phần trên, Luật tục của dân tộc Chăm quy định rất rõ là sẽ không chấp nhận hôn nhân trong trường hợp không có sự chứng kiến, đồng ý của cha mẹ và tộc họ hai bên. Nếu vi phạm, không chỉ người con trai bị tộc họ xử phạt, mà nhà gái cũng bị tộc họ nhà trai phạt vạ bằng lễ trầu, rượu.

Tuy nhiên, trong trường hợp “cưới lén”, tuy không có sự chứng kiến của cha mẹ nhà trai, song Luật tục Chăm vẫn cho phép khi người con trai hoặc người con gái đã lớn tuổi (lớn hơn 30 tuổi), hoặc hai người đã góa vợ, góa chồng. Khi có con, họ phải đem lễ vật “trầu rượu” để thú tội với tổ tiên tộc họ nhà trai.

luật tục chăm trong hôn nhân, gia đình – phần ii: hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Trường hợp cưới người con gái không có chồng mà mang thai, Luật tục Chăm quy định tộc họ phải phạt vạ bằng roi để tìm ra cha của đứa bé trong bụng. Nếu người mang thai khai ra cha đứa  bé, mà người con trai đó chưa có vợ, thì Luật tục Chăm buộc người đó phải kết hôn với người mang thai. Còn khi người con trai đó đã có vợ, theo Luật tục Chăm, sẽ bị phạt vạ bằng lễ trầu rượu, váy, áo, vòng tay cho bên nhà gái.

Còn trong trường hợp, người mang thai không khai ra cha đứa bé trong bụng thì người đó bị kết tội là loạn luân. Nhưng không phải chịu chế tài bỏ giỏ thả trôi sông như các hành vi loạn luận khác, mà cả cha mẹ đứa con sinh ra sau này sẽ bị loại ra khỏi cộng đồng, khi chết không được gia nhập vào nghĩa địa của dòng họ.

Luật tục Chăm cũng quy định hôn nhân một vợ, một chồng và không chấp nhận tình trạng đa thê. Tuy nhiên, người Chăm quan niệm mục đích lấy vợ là để sinh con nối dòng, về sau có con thờ phụng. Vì thế, Luật tục Chăm quy định nếu hai vợ chồng chung sống với nhau đã lâu mà không có con thì sẽ có hai trường hợp xảy ra.

luật tục chăm trong hôn nhân, gia đình – phần ii: hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Trường hợp thứ nhất, nếu được vợ cả đồng ý thì người chồng có quyền đi lấy vợ lẽ để có con nối dõi và thờ phụng, song quyền của vợ lẽ không được xem như ngang bằng vợ cả, mà vợ lẽ chỉ chung sống với chồng, với mục đích sinh con cho chồng. Vì thế người chồng không được làm ăn, sinh sống bên nhà người vợ lẽ.

Luật tục Chăm cũng quy định nếu chồng đi lấy vợ lẽ mà không có sự đồng ý của vợ cả thì người vợ cả có quyền đưa chồng về giao cho cha mẹ người chồng. Điều này có nghĩa là ly hôn.

Trường hợp thứ hai, hai vợ chồng có thể xin con nuôi và Luật tục Chăm quy định con nuôi có quyền và nghĩa vụ như con đẻ, trừ trường hợp đã thừa kế nêu trên. Tuy nhiên, đứa trẻ nhận làm con nuôi phải là những người con trong dòng họ, trước hết là dòng họ mẹ nhằm bảo vệ quyền cho đứa trẻ về sau.

Quy định về ly hôn sau quá trình kết hôn trong Luật tục Chăm

Không những là các quy định khắt khe trong kết hôn mà sau khi kết hôn, chính xác là ly hôn, Luật tục Chăm còn quy định cụ thể điều kiện ly hôn, thủ tục ly hôn và hậu quả khi ly hôn.

Quy định về điều kiện ly hôn và thủ tục ly hôn

Luật tục Chăm quy định cho phép chồng ly hôn  trong các trường hợp sau đây:

  • Vợ ngoại tình (với điều kiện người chồng phải bắt được quả tang người vợ ngoại tình)
  • Vợ chửi chồng và cha mẹ tổ tiên nhà chồng.
  • Vợ bỏ nhà, bỏ chồng trong thời gian ba tháng không có lý do chính đáng.
  • Vợ không chăm sóc gia đình, con cái, chửi bới cha mẹ, xóm làng.

Ngược lại, vợ được phép ly hôn chồng trong các trường hợp sau:

  • Chồng chửi bới vợ, cha mẹ tổ tiên bên vợ thậm tệ.
  • Chồng uống rượu bỏ bê nhà cửa, không làm ăn nuôi vợ con hay theo người con gái khác (vợ bé) khi không được vợ cả đồng ý.

luật tục chăm trong hôn nhân, gia đình – phần ii: hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Để lý hôn, Luật tục Chăm quy định người chủ động xin ly hôn phải tới nhà cha mẹ tinh thần (vợ chồng làm inâ – amâ (chủ hôn) trong lễ cưới) và trưởng tộc họ trình bày lý do xin ly hôn.

Nhận được lễ xin ly hôn, cha mẹ tinh thần phải hòa giải, nếu hòa giải không được thì làm lễ ly hôn. Lễ ly hôn tổ chức bên nhà gái có sự chứng kiến của hai họ bao gồm trưởng tộc, cha mẹ, cha mẹ tinh thần, hai người xin ly hôn và một số bà con thân thuộc.

Bắt đầu buổi lễ, người chủ động xin ly hôn giải trình lễ trầu rượu lên hội đồng xét xử và trình bày lý do ly hôn. Quyết định ly hôn phải được cha mẹ tinh thần thực hiện bằng một lễ cúng trình báo tổ tiên tộc họ bên vợ, xin loại trừ người chồng ra khỏi gia đình vợ.

Sau đó làm lễ “chẻ đũa”, chẽ cây đũa làm hai (với người Chăm Bàlamôn), và lễ “xé lá trầu”, xé lá trầu làm hai (với người Chăm Bàni), đưa cho hai người, mỗi người một nửa trước sự chứng kiến của hai họ, và từ đây, ly hôn có hiệu lực.

Qua lễ ly hôn, người chồng có quyền đi lấy vợ khác ngay, còn người vợ phải ba tháng sau mới được đi lấy chồng khác. Trong trường hợp người vợ không đi lấy chồng khác thì người chồng có thể trở lại với vợ cũ, khi đó họ phải làm lễ cúng tạ tội với dòng họ, …

Xử lý hậu quả sau khi ly hôn

Luật tục Chăm trong những quy định về hôn nhân và gia đình quy định rất nhiều, và rất khắt khe. Từ lúc kết hôn cho đến lúc chết. Hậu quả sau ly hôn cũng vậy.

Theo Luật tục Chăm, hai vợ chồng khi ly hôn, ai là người có lỗi thì phải bị phạt vạ bằng lễ cúng trầu, rượu để cúng thú tội với tổ tiên và thiết đãi họ hàng phía bên kia.

Về phân chia con cái sau ly hôn, vì dân tộc Chăm theo chế độ mẫu hệ, người con trai khi ở nhà vợ là người ngoại tộc và chỉ có một thiên chức truyền nòi giống cho vợ sinh con.

luật tục chăm trong hôn nhân, gia đình – phần ii: hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Khi con trai về nhà cha mẹ vợ, thì người con trai góp phần xây dựng gia tài, sự nghiệp cho gia đình vợ, nên khi ly hôn, người chồng không được mang con theo và sẽ không được bất kỳ gia đình nào thừa nhận ngoại trừ gia định mẹ nó.

Đứa con này khi lớn lên không họ tộc nào đứng ra chịu trách nhiệm dựng vợ gả chồng cho nó, chết đi cũng không được nhập Kut hay Ghur. Vì thế khi ly hôn, tất cả các con đều thuộc về người vợ, đứa con này mới có đầy đủ quyền lợi.

Về phân chia tài sản, sau khi ly hôn Luật tục Chăm quy định khi ly hôn mà có tài sản, song không có con nối dõi, lỗi thuộc về vợ thì tài sản chia làm ba phần: chồng một phần, vợ hai phần.

luật tục chăm trong hôn nhân, gia đình – phần ii: hỷ hôn, tảo hôn và các hình thức phạt vạ

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

Nếu lỗi thuộc về chồng thì chồng không được chia tài sản mà chỉ được vác một cây rựa về nhà bố mẹ. Nếu hai vợ chồng đã có con, khi ly hôn lỗi thuộc về vợ thì tài sản chung của hai vợ chồng khi ly hôn được chia làm ba phần: chồng, vợ mỗi người một phần và các con mỗi người một phần. Còn lỗi thuộc về người chồng thì anh ta không được chia gì cả.

Luật tục Chăm cũng quy định trong trường hợp chồng chết thì vợ phải làm tang cho chồng, để tang một năm xong thì vợ có quyền tái giá và hưởng toàn bộ tài sản chung cả hai vợ chồng.

Nếu chồng chết chưa mãn tang mà vợ đi tái giá thì gia đình tộc họ chồng có quyền yêu cầu phía vợ chia lại một phần tài sản để họ cúng tế cho người chồng đã mất. Trường hợp này vợ bị xem là người ngoại tình, bị cộng đồng lên án và bị xử tội như người ngoại tình.

Bài viết được tổng hợp từ sách “Văn hóa phi vật thể người Chăm Ninh Thuận” của tác giả Phan Văn Dốp – Phan Quốc Anh – Nguyễn Thị Thu, Nxb Nông Nghiệp.

Blogger Hiếu Tử

Ảnh: Photo Nguyễn Hữu Định

TagsTìm hiểu văn hóa – lịch sử

Đăng bởi: Nguyễn Châu Tuệ Mẫn

YOLO! Khám phá các huyện ở Ninh Thuận

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก