Đà Lạt Lâm Đồng

Nhất Linh, cha tôi – Kỳ 3: Chọn Đà Lạt làm nơi ẩn dật

nhất linh, cha tôi – kỳ 3: chọn đà lạt làm nơi ẩn dật

Quả nhiên, qua năm 1955, ông xách kèn lên Đà Lạt và quyết định ở luôn trên ấy mấy năm. Thu xếp xong chỗ ở, ông nộp đơn để xin cho tôi thi nhập học vào một trường trung học công lập trên ấy, thế là một lần nữa tôi lại theo ông lên sống trên miền cao nguyên.

Nhất Linh, sau thời gian chữa bệnh bên Pháp, lại rất thích hợp với khung cảnh nên thơ và khí hậu mát mẻ của Đà Lạt, dạo này rất khỏe mạnh. Ông thường đi bộ một ngày đến hơn cả chục cây số. Mỗi buổi sáng sớm, từ căn phòng thuê trên lầu hai nhà hàng Poinsard & Veyret, số 12 đường Yersin, ông thả bộ xuống khu chợ Hòa Bình, ăn điểm tâm tô phở Bình Dân đường Hàm Nghi, rồi đi vòng bên kia bờ hồ Xuân Hương, vượt mấy ngọn đồi phía cuối hồ, đến tận khu Chi Lăng gần hồ Than Thở. Lâu lâu ông rủ tôi thả bộ cùng với ông. Hai bố con lặng lẽ đi bên nhau, vì ông thường đắm mình trong những kỷ niệm và suy tưởng riêng tư, cho đến lúc tôi mệt nhoài, đòi về. Có lần, đi ngang qua sân cù, ông chỉ về cái tháp cao của khu trường Trung học Yersin và khách sạn Palace thấp thoáng trong sương phía bên kia bờ hồ Xuân Hương nói với tôi là chính tại ngôi trường đó, gần mười năm trước, ông đã cầm đầu phái đoàn Việt Nam dự hội nghị sơ bộ Pháp-Việt và cũng thời gian đó, trước nhà hàng Palace kia, nơi thềm xi-măng mặt tiền khách sạn, ông vẫn thường ngồi uống rượu để thưởng ngoạn khung cảnh Đà Lạt với bác Thụy tôi, hai người vẫn nhìn sang rặng đồi thông bên này, nơi chỗ chúng tôi tản bộ ngày nay.

Cái khung cảnh thơ mộng đó, mười năm sau, đã trở về trong ký ức của ông; nhưng lần này khung cảnh đó ông đã thưởng ngoạn với sự bình thản hơn nhiều của tâm hồn. Nhất Linh hầu như không bao giờ tâm sự với con cái về chính cuộc đời của ông, nhất là cuộc đời chính trị, nhưng có một lần hiếm hoi ông đã tiết lộ với chúng tôi, thời gian khổ sở nhất trong cuộc đời của ông là lúc ông đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp.

Cha tôi có biệt tài nhận xét và quan sát rất bén nhậy khiến tôi phải cảm phục. Năm đó tôi đã trúng tuyển kỳ thi nhập học vào lớp Đệ lục trường Trung học Quang Trung. Vì số học trò dự thi vào trường công năm đó rất đông mà nhà trường thì chỉ còn chỗ để thu nhận thêm vài ba học sinh thôi, nên hôm đi thi về tôi đã nói trước với cha tôi là không có một tí hy vọng nào cả. Ngày đi xem bảng, không ngờ lại thấy tên mình trong danh sách những người trúng tuyển, tôi mừng quýnh, vội bỏ về nhà ngay. Lúc bước chân vào nhà, vì muốn dành cho cha tôi một sự ngạc nhiên, tôi đóng vai thiểu não, báo cho ông biết là mình đã thi trượt. Nhất Linh chỉ cười và nói chắc là tôi đã đậu rồi. Sau đó ông giải thích với tôi sở dĩ ông biết chắc tôi thi đậu vì lúc trước đó từ trên lầu hai ông đã quan sát dáng đi của tôi từ xa trước hai dãy phố, cái cách đi cắm cúi của tôi như chỉ muốn đi nhanh cho chóng về nhà đã khiến ông tin chắc tôi có gì vui ở trong lòng, như vậy thì làm sao mà tôi có thể trượt được.

Một bữa kia trong buổi đi tản bộ thường lệ buổi sáng, cha tôi bất ngờ trông thấy và chỉ cho tôi coi một đóa phong lan mọc lưng chừng cao trên một cây thông già khẳng khiu bên bờ hồ Xuân Hương. Vẻ đẹp thiên nhiên của đóa hoa khiến Nhất Linh ngây người ngắm nghía, nhất là dáng mảnh mai thướt tha của chùm hoa buông thả xuống tương phản hẳn với nét mạnh mẽ cứng cáp của bẹ lá và cánh hoa có màu vàng tươi nổi bật lên trên nền nâu đậm của gốc thông. Ông bèn sai tôi trèo lên gỡ nhánh lan xuống.

Nhất Linh hẳn là phải xúc động lắm khi ông bất ngờ tìm được thứ hoa quý này vì tôi thấy ông không để ý đến việc thằng con ông trèo lên thân cây cheo leo dám có thể sẩy tay ngã lắm mà chỉ luôn miệng nhắc chừng tôi cầm kheo khéo để khỏi làm gẫy nhánh hoa.  Mang được cây lan quý về nhà, ông liền trồng lên một khúc cây mục, lại sai tôi đi tìm rêu để đắp vào rễ cho giữ độ ẩm, rồi treo ngay trên tường trong phòng ngủ, cả ngày hôm đó ông say sưa ngắm nghía mãi không chán.

Thế rồi từ đó Nhất Linh mê chơi lan. Mê đến độ quên ăn quên ngủ và quên luôn cả việc viết lách, vì dạo này tôi ít thấy ông thức khuya ngồi viết như trước.  Cái thú tản bộ của ông không còn mang mục đích tập thể dục buổi sáng hoặc để giúp ông thả hồn trong dòng suy tưởng nữa mà lúc này đã mang một mục đích mới: ông đi tầm lan, có khi đi suốt ngày, băng rừng lội suối, ông đi một mình hay đi cùng với những người bạn cùng mê lan như ông, để rồi chiều chiều về đến nhà mệt nhoài nhưng hí hửng với một hay hai đóa hoa lạ trên tay.

Hôm nào không đi tìm lan thì ông đi tìm những khúc rễ cây lớn có hình thù lạ mắt về nhà gọt dũa để gắn hoa phong lan lên trên hoặc ông lui cui xếp và đóng những thanh gỗ với nhau để làm rổ treo lan, mỗi rổ có một kiểu cọ khác nhau, rồi ông treo lan lên tường, treo cùng khắp gần như kín cả phòng. Mẹ tôi rất bận rộn buôn bán ở Sài Gòn ông cũng gọi lên Đà Lạt sống với ông ít ngày để cùng thưởng lan với ông. Cái nhiệt tình của Nhất Linh đã lây sang rất nhiều người khác làm sống dậy phong trào chơi lan và tầm lan của dân Đà Lạt những năm 1956-1957.

nhất linh, cha tôi – kỳ 3: chọn đà lạt làm nơi ẩn dật

Nhà văn Nhất Linh thổi hắc tiêu (clarinet) bên hoa lan. Ảnh: TL.

Riêng anh em chúng tôi thấy ông vui thì cũng tham dự với ông nhưng trong bụng không thấy hứng thú gì cho lắm, trái lại lắm lúc còn bực mình vì ông cứ hay sai chúng tôi đi gỡ từng mảnh rêu để mang về cho ông, một công việc mà chúng tôi rất ghét làm. Rêu đúng loại tiêu chuẩn mà ông mong muốn thì chỉ có thể tìm thấy dễ dàng ở vệ đường gần cái ống cống; giữa phố xá đông đúc người qua lại mà lại ngồi bệt xuống vỉa hè tẩn mẩn bóc gỡ từng mảng rêu xanh bỏ vào trong một cái rổ thì nom có vẻ kỳ quặc, khó coi quá.

Nhất Linh chơi lan công phu hơn những người khác vì ngoài việc tầm lan ông còn ra thư viện tra cứu hoặc đặt mua từ bên Pháp các sách ngoại quốc viết về hoa phong lan trên thế giới, rồi ông tỉ mỉ phân loại, so sánh với hoa ở địa phương; ông lại vẽ từng đóa hoa một, đặt tên hoa, ghi chú từng đặc tính, với dụng ý sau này làm tài liệu viết một cuốn sách về việc sưu tập hoa phong lan. Và chiều nào ông cũng thổi hắc tiêu, nói là thổi cho lan nghe. Ông thổi bản: J’ai rêvé de vous, vous đây chính là đám hoa quấn quýt xúm lấy ông, nào là Nhất Điểm Hồng, Huyết Nhung Lan, Bạch Hạc, Tím Đồi Mồi, Hoa Cô Dâu, Bạch Ngọc, Thanh Ngọc, Văn Bao… thứ treo trên vách, thứ cắm trong chậu, thứ bầy trên bàn. Mỗi chiều thứ Bẩy, ông lại tổ chức hòa nhạc tại gia, ngoài tiếng hắc tiêu của ông, lại có sự phụ họa lục huyền cầm của Giáo sư Vĩnh Tường, khiến khách đi đường phải dừng chân trước khách sạn Du Paque, kẻ ngừng xe hơi, người ghếch xe đạp, để lắng nghe tiếng nhạc hòa tấu vẳng ra từ căn lầu nơi góc đường Yersin trong bầu không khí êm ả yên tĩnh của buổi chiều Đà Lạt.

Qua năm sau, vì số lượng hoa sưu tập được mỗi ngày một nhiều, nhất là từ lúc Nhất Linh chuyển hướng đi tìm loại hoa đất là loại hoa do cụ Nghị Biên (em ruột bà nội tôi) khởi xướng thì căn lầu trên đường Yersin trở nên chật chội quá. Mấy bố con tôi dọn qua một căn nhà mới, số 19 đường Đặng Thái Thân, do ông chủ garage Lê Đình Gioãn, một người bạn lan của cha tôi, để lại. Từ đầu dốc đèo Prenn phải đi vào một con đường trải đá ngoằn ngoèo mới tới được căn biệt thự nằm biệt lập trên một triền đồi nhìn xuống một thung lũng thông trùng điệp.

nhất linh, cha tôi – kỳ 3: chọn đà lạt làm nơi ẩn dật

Căn biệt thự 19 Đặng Thái Thân, nơi nhà văn Nhất Linh từng ở, theo đuổi thú chơi lan. Hiện ngôi biệt thự này đã không còn. Ảnh: TL

Tại đây Nhất Linh đã biến căn biệt thự thành một trại lan nhỏ với đủ các loại hoa trồng khắp từ trong ra đến tận ngoài nhà. Lúc này cha tôi đã lôi kéo được những người bạn của ông từ Sài Gòn lên tận Đà Lạt để cùng đi tầm lan với ông. Nhà văn Đỗ Tốn với chiếc xe hai ngựa và thi sĩ Tô Kiều Ngân với chiếc sáo trên tay vẫn thường đi tìm lan với chúng tôi; và vì có phương tiện xe hơi của Đỗ Tốn và của ông Gioãn nên vùng tầm lan cũng rộng hơn nhiều, trong phạm vi đến cả trăm cây số, từ đèo Ngoạn Mục xuống tới Phan Rang hay đèo Bảo Lộc xuống đến Định Quán. Một vài chính khách như ông Phan Huy Quát thỉnh thoảng cũng có mặt trong các chuyến đi của chúng tôi.

Một bữa nọ, trong lúc đi thơ thẩn trong khu rừng thông gần nhà, tôi ngạc nhiên thấy có dăm ba người lính đứng gác ở bìa rừng xung quanh nhà tôi. Lúc tôi về nhà thì được biết tướng Dương Văn Minh cũng vừa lên xe ra về. Tướng Minh có mang đến biếu cha tôi một chậu hoa phong lan và nói chuyện với cha tôi khoảng một tiếng đồng hồ trong phòng khách. Anh tôi kể lại với tôi tướng Minh là người cũng mê chơi lan, nhưng ông đến thăm cha tôi hẳn là còn có mục đích khác ngoài việc xem lan không thôi. Nhưng cha tôi cứ vờ coi như người khách đến thăm chỉ để thưởng lan; trong một giờ đồng hồ ông cứ mải miết nói với tướng Minh về cách thức trồng hoa lan để hai người khỏi phải đả động đến các vấn đề khác. Một hôm khác chúng tôi đi săn lan ở đèo Bảo Lộc. Chúng tôi đi rất đông trên hai chiếc xe hơi. Trong đám người săn lan, ngoài các văn nghệ sĩ còn có một cựu bộ trưởng, một chính khách, một nhà cách mạng từng bôn ba hải ngoại, nhưng tất cả không ai nói chuyện thời sự, chính trị. Khi đoàn xe trở về Đà Lạt ngang Liên Khương thì bị chặn lại.

Quốc lộ 20 bị kẹt xe đến cả cây số và chúng tôi phải đậu xe bên vệ đường chờ đợi đến cả hai tiếng đồng hồ. Không ai biết chuyện gì xẩy ra và đều rất bực mình vì phải chờ đợi quá lâu. Sau đó dò hỏi, chúng tôi được biết lý do kẹt xe là vì Tổng thống Ngô Đình Diệm đi kinh lý trên Đà Lạt, chuyến bay chở Tổng thống bị trễ và vì không biết lúc nào phi cơ đáp xuống phi trường Liên Khương nên tốt nhất là chặn tất cả xe cộ lại, bắt chúng tôi phải chờ đợi không biết đến lúc nào.

Khi biết chuyện này Nhất Linh nói đùa với đám chúng tôi: “Nếu trong số đây mai sau có ai lên làm tổng thống thì nhớ đến cái ngày hôm nay phải chờ đợi bực mình như thế này nhé!”.

(Trích Nhất Linh, cha tôi, tác giả Nguyễn Tường Thiết, Phanbook & NXB Phụ Nữ, 2020)

[Đón đọc kỳ 4: Cơn bão đi qua Thanh Ngọc Đình]

Đăng bởi: Hiếu Nguyễn Văn

YOLO! Khám phá các huyện ở Lâm Đồng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก