Đà Lạt

Những chuyện rời về ông Trưởng Ty

những chuyện rời về ông trưởng ty

“Huyễn mộng tan rồi, rượu cạn theo” – Một câu thơ của Việt Trang Phạm Gia Triếp.

1.

Một buổi chiều mùa đông giá rét của năm 1957, một chiếc xe Willys Jeep màu xám chậm chạp di chuyển từ ngôi nhà Ty Thông Tin trên đường Nguyễn Trường Tộ qua những con phố đìu hiu, về xóm Lò Gạch ở đường Trần Nhật Duật và dừng cạnh dăm ba chái tole của góc chợ chiều đã vắng bóng người.

Trong khung cảnh êm đềm bình lặng như mọi buổi chiều trôi qua trên thành phố này, ta chỉ có thể nhận ra một dấu chỉ của niềm vui nho nhỏ thắp lên: Trên ban công và bậc thềm dãy những căn biệt thự, bọn trẻ con mặc những chiếc áo len tối màu đang tụ tập, háo hức mong chờ một chuyến du ngoạn. Một lát nữa thôi, ông Trưởng Ty sẽ lái chiếc Willys Jeep có thùng sau bít bùng chở chúng dạo một vòng bờ hồ Xuân Hương để nhìn ngắm thành phố lên đèn trong sương mờ hư ảo.

Ông Trưởng Ty Thông Tin Đà Lạt với chiếc Willys Jeep bụi bặm đó, từ lâu đã quen với bọn trẻ và những cư dân của xóm Lò Gạch.

Còn chiếc Willys Jeep, đó là tài sản đáng kể mà đô trưởng Trần Văn Phước đã cấp cho ông Trưởng Ty đi lại. Người ta kể rằng, nó đã nhiều lần đùa ác với chủ. Nhiều buổi sáng trời lạnh, sắp muộn giờ làm, nhưng chiếc xe lại từ chối nổ máy. Những lúc như thế, sau một hồi loay hoay, ông chỉ còn cách nhờ đến đàn con chổng mông đẩy xe lấy trớn để chạy. Chiếc xe thường tuột nửa con dốc mới chịu khẹt khẹt truyền động, rồi vọt đi hút sau mấy con phố, bỏ lại bọn trẻ đứng thở hổn hển, quệt mồ hôi hột. Có lần, bọn nhỏ đẩy được một đoạn thì xe lao đi như con ngựa bất kham, ông không kịp đánh lái, bánh xe đã đảo qua cán nát mấy thúng rau, cá ở khu chợ trước khi phóng thẳng tới trụ sở Ty Thông Tin. Cả khu chợ một phen nháo nhác như ong vỡ tổ. Những người buôn bán gặp xui xẻo mặt mày buồn xo nhưng vẫn cám ơn trời phật đã giữ lại cái mạng của mình. Biết đó là xe của ông Trưởng Ty nên chẳng ai dám hé miệng phàn nàn. Vậy mà sau đó, bà vợ ông Trưởng Ty phải lặng lẽ đi hỏi từng sạp hàng để xin mua vét từng mớ rau, rổ cá về vớt vát nấu cho đàn con ăn, coi như một cách lặng lẽ đền bù thiệt hại mà ông chồng trong mơ màng vụng về đã gây ra…

Vào những tháng trời mưa dầm, trên đường chở con đến trường, ông Trưởng Ty thường lái chiếc Willys Jeep ghé nhà nọ nhà kia đón tụi nhỏ trong khu phố đi cùng; và, sau giờ làm việc buổi chiều thì ghé trả từng đứa về nhà.

Bọn trẻ con trong khu phố cũng thường “dựa hơi” ông để đi xem phim miễn phí. Có thể đây là thói quen “lạm quyền” buồn cười, đáng yêu nhất của ông. Cứ mỗi lần các rạp Hòa Bình, Ngọc Hiệp có phim mới cho thiếu nhi, các con ông sẽ biết tin trước tiên, chúng sẽ báo cho bạn bè trong khu phố để chọn giờ xem. Sau đó, cứ tốp bốn đứa rủ nhau đến rạp, tự tin vào cửa soát vé bằng một mảnh giấy nhỏ ghi “Xin cho bốn cháu vào xem” (bốn cháu ở đây có thể là một đứa con của ông đi cùng ba đứa con hàng xóm), với chữ ký bên dưới của ông Trưởng Ty. Cứ lượt bốn đứa này đến bốn đứa khác cầm mảnh giấy có bảo chứng làm bùa hộ mệnh là chữ ký của người đứng đầu ngành thông tin văn hóa thành phố để vào xem phim mà không phải lo lắng tiền vé.

Con gái lớn trong nhà ở vào tuổi dậy thì thích xem phim tình cảm, thì ông Trưởng Ty sẽ bỏ thời gian đi xem phim với chúng. Thường thì vào rạp ông ngủ từ khi phim mới bắt đầu, đến khi rạp đóng cửa, cô con gái sẽ đánh thức ông dậy để ra về.

Từ những chuyện vui vui như vậy, mà gia đình ông Trưởng Ty Thông Tin Đà Lạt chẳng lấy gì làm xa cách với mọi người trong khu phố.

những chuyện rời về ông trưởng ty

Gia đình ông Phạm Gia Triếp tại căn nhà số 8, Trần Nhật Duật. Ảnh chụp Tết năm 1966. Ảnh: Tư liệu gia đình.

2.

Năm 1950, thất thế, một người đàn ông trẻ tuổi đã phải để lại vợ và hai con ở Huế để vào Đà Lạt tìm một hướng đi khác cho cuộc đời mình trên vùng đất mới.

Anh từng là công chức trẻ của phòng căn cước, bị vu hoạt động kháng chiến, phải ngồi tù vài tháng trước khi được người thân bảo lãnh lên danh đô Hoàng triều cương thổ tìm kế mưu sinh.

Như cách tính toán của những người Huế nhập cư Đà Lạt trong thời điểm này, anh ổn định công việc, chỗ ở, rồi sẽ đưa gia đình vào.

Trong thời gian chờ chồng bôn ba tìm chỗ dừng chân vững vàng trên vùng đất mới, người vợ tảo tần vẫn giữ hai sạp hàng ở chợ Đông Ba để lo cơm áo, ăn học cho hai con, chờ ngày đoàn viên.

Nửa năm sau, người vợ tay bế tay bồng hai con lên Đà Lạt theo chồng. Thời gian đầu nhập cư ở thành phố xứ lạnh, họ thuê được một căn nhà ở đường Phan Đình Phùng, sau đó thì chuyển sang thuê một căn khác ở đường Hoàng Diệu, nằm trong xóm Lò Gạch, thuộc khu nhà cho thuê của nhà thầu nổi tiếng Võ Đình Dung.

Hai năm sau, anh chồng xin được việc làm và cất nhắc ở Ty Thông Tin; được nhà nước cấp cho căn nhà số 8 Trần Nhật Duật, gần khu chợ xổm lụp xụp.

Những đứa con đã lần lượt ra đời tại ngôi nhà thân thương trong khu xóm Lò Gạch này. Chồng ăn lương công chức, ngạch trưởng ty, vợ mở sạp bán thịt ở chợ Đà Lạt, họ nuôi một bầy con trong chật vật, nhưng ngôi nhà lúc nào cũng hòa thuận, rộn ràng tiếng cười.

Thời bấy giờ, khi còn Tây, sạp thịt của chị vợ chỉ được mở bán vào thứ Bảy và Chủ nhật. Năm 1967, chị vợ chuyển sang nghề làm bánh phở. Phở từ “lò phở Hoàng Diệu” tuy không để bảng nhưng nổi tiếng khắp thành phố. Đây là nơi cung cấp bánh phở hằng ngày cho cả trăm quán phở tại Đà Lạt.

Nhờ lò phở của bà mà 12 người con được ăn học đàng hoàng. “Nương vào lò phở, mà mạ tôi nuôi chúng tôi thoải mái, mười hai đứa con đi học, đứa vào đại học, đứa mới mẫu giáo, đứa thích hội Việt Pháp, đứa chọn hội Việt Mỹ. Mạ tôi chiều theo ý thích của mỗi đứa chẳng nề hà tốn kém.”, một người con trong gia đình kể lại trong cuốn Hồi ký Phạm Gia Family.

Đồng lương công chức của anh chồng nhận về giao hết cho vợ, rồi chia bầy con ra ba tốp để phân phát.

Nhưng không phải bao giờ công việc ở Ty Thông Tin cũng thuận lợi, nhất là trong những khoảng giao thời về chính trị, công việc liên quan đến truyền bá văn hóa ít nhiều bị ảnh hưởng theo.

Dẫu vậy, là người coi trọng sự học của con cái, sau giờ làm, anh chồng để lại chuyện thế sự cho công sở, về nhà ngồi vào bàn khảo bài từng đứa. Có khi không gượng nổi cơn mỏi mệt, con chưa kịp đọc bài thì cha đã ngã lưng trên ghế sô pha và ngáy khò khò.

Sách báo trong nhà không thiếu. Anh chồng sẽ là người sắp xếp, giới thiệu sách để chúng được đọc theo đúng độ tuổi. Nhưng bọn trẻ thường tinh nghịch, lén đọc cả những quyển sách ông đã giấu dưới góc tủ.

Khi rảnh rỗi, thong thả, anh chồng sẽ chơi đàn mandolin, thổi sáo trúc cho vợ và các con nghe. Chị vợ vẫn nhớ hình ảnh thời mới quen, anh chồng ngày ngày thong thả vẫn ra bờ sông An Cựu ngồi thổi sáo và làm thơ. Cuộc sống của anh dường như không lấy gì làm nặng nề bởi dung hòa được trách nhiệm thực tế với sự bay bổng của những tâm hồn yêu văn nghệ.

Cư dân xóm Lò Gạch cũng đã quen với những giai điệu xa vắng của những bản nhạc tiền chiến qua tiếng sáo bên thềm nhà, dưới hai cây mimosa vàng của ông Trưởng Ty mỗi khi gia đình họ có khách văn đến chơi.

Một dạo, nhờ liên đới công việc, anh giao du với nhiều người nổi tiếng: Quách Tấn, Võ Phiến, Lê Xuân Lợi, Trần Vấn Lệ, Tô Kiều Ngân và cũng từng làm việc với các công sự là ca sĩ thành danh như Thanh Tuyền, Ngọc Minh hay xướng ngôn viên Hồng Quế…

Vai trò của Ty Thông Đà Lạt thể hiện rõ nhất có lẽ là giai đoạn 1954 đến 1963, dưới thời Đệ Nhất Cộng hòa. Đây là thời kỳ Đà Lạt khởi phát nội lực văn hoá, trở thành không gian đô thị mang lại nguồn cảm hứng lớn, thu hút nhiều tinh hoa văn hóa của miền Nam tìm đến và để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng.

những chuyện rời về ông trưởng ty

Ông Phạm Gia Triếp tại văn phòng Ty Thông Tin Đà Lạt cùng hai con trai của ông Ngô Đình Nhu là Ngô Đình Trác và Ngô Đình Quỳnh. Ảnh: Tư liệu gia đình.

3.

Dưới thời đô trưởng Trần Văn Phước, ngoài sự mở mang xây dựng các công trình văn hóa, giáo dục bề thế và danh giá, văn hóa đô thị Đà Lạt cũng được chú trọng khuếch trương. Thành phố có một tờ báo do Ty Thông Tin thực hiện dưới hình thức in ronéo, đó là Tuần san Đà Lạt. Không ai khác, chính ông trưởng Ty Thông Tin Phạm Gia Triếp chủ biên cùng với các cộng sự Hồ Thượng Hiền (trình bày nội dung), Trịnh Văn Minh (phụ trách ronéo), Huỳnh Uyên Đường (vẽ bìa). Mỗi số báo Tuần san Đà Lạt được in khoảng 500 bản, phát miễn phí cho các cơ quan công quyền, trường học và một số điểm bán sách báo trong thành phố.

Lật lại những số báo của Ty Thông Tin thực hiện, có thể nhận thấy những trục nội dung chính mà cơ quan này phải làm: thông tin các chính sách văn hóa mà chính quyền đương thời khuếch trương, triển khai ở Đà Lạt, các bút ký, biên khảo lịch sử văn hóa Đà Lạt và cả những sáng tác thơ văn, tranh biếm họa, thời luận, tài liệu học tập… Có những số báo, chính ông Trưởng Ty Thông Tin vừa làm thơ, biên khảo, viết luôn lời giới thiệu (dĩ nhiên, với những bút danh khác nhau).

Tồn tại từ khoảng năm 1957 đến 1964, số phận tờ báo này cũng phản ánh những chọn lựa khó khăn của những người làm công chức văn hóa trước và sau cuộc đảo chánh năm 1963.

Vào khoảng năm 1957, ông Phạm Gia Triếp hoàn thành một biên khảo khá quan trọng về Đà Lạt, dài khoảng 20 trang đánh máy, mà sau này, nhiều nhà nghiên cứu khi viết về lịch sử, địa chí, kinh tế, tôn giáo, chính sách sắc tộc, văn hóa giáo dục thành phố vào thời kỳ này thường phải tham khảo và trích dẫn. Trong tư cách Trưởng Ty Thông Tin Đà Lạt, ông Triếp đã có đề nghị Bộ Văn Hóa lúc bấy giờ trợ cấp để thực hiện công trình này để giúp hệ thống hóa, phổ biến tri thức về thành phố Đà Lạt, song vì nhiều lý do, không được chấp thuận. Nhưng không vì vậy mà ông Triếp dừng lại. Ông vẫn thực hiện bài khảo cứu độc lập này và công bố 5 kỳ liên tục trên Tuần san Đà Lạt vào tháng 10, 11 năm 1957.

Ngoài ra, ông Trưởng Ty cũng chấp bút thực hiện một biên khảo khác về tỉnh tuyên Đức, cũng công bố dài kỳ trên tờ Tuần san Đà Lạt do ông phụ trách. Bên cạnh các bài biên khảo, bình luận dài, ông Phạm Gia Triếp cũng ký tên Việt Trang dưới những bài thơ có ngôn từ bay bổng, lãng mạn ở trang thơ của tờ báo, bên cạnh sáng tác mới của các cây bút: Vi Khuê, Nguyên Hồ, Mạc Lê Kiều, Tường Linh…

Dưới thời ông Phạm Gia Triếp làm Trưởng Ty Thông Tin Đà Lạt, các rạp phim, đài phát thanh tại Đà Lạt cũng có sự khởi sắc. Người Đà Lạt có thể xem các phim mới cùng thời với khán giả ở đô thành Sài Gòn và thưởng thức những sáng tác mới, tiếp nhận những dòng nhạc nổi tiếng đương thời qua sóng radio.

Những điều này cho thấy đóng góp đáng kể của người coi sóc đời sống văn hóa đô thị.

Ngoài tờ Tuần san Đà Lạt, ông Triếp còn trực tiếp tổ chức ấn hành Đặc san Cao Nguyên, như một ấn bản đặc biệt của Ty Thông Tin Đà Lạt trong các dịp lễ, tết, đại hội thông tin toàn quốc…

Tờ Tuần san Đà Lạt tồn tại được qua biến cố đảo chánh 1963; tục bản được vài số nữa trong năm 1964 với định dạng bộ mới, măng-sét khác trước đó, và dĩ nhiên, với tinh thần nội dung cũng khác. Tờ báo bắt đầu có những bài chỉ trích chính sách gia đình trị độc đoán của anh em ông Ngô Đình Diệm và các tiêu cực của chính quyền cũ.

những chuyện rời về ông trưởng ty

Ông Phạm Gia Triếp với người bạn thân- nhà nhiếp ảnh Trần Văn Châu. Ảnh” Tư liệu gia đình.

4.

Năm 1973, sau những biến động chính trị, ông Phạm Gia Triếp về làm Đài Phát Thanh Đà Lạt. Ông thường sai cậu con trai thứ mười – Phạm Gia Cẩn – chiều chiều ra khu Hòa Bình chờ mua những tờ báo Chính Luận, Trắng Đen, Sóng Thần… về thu thập, điểm tin để ông xem lại, đem đi phát trên đài.

Không tìm được những trang viết nói về tâm trạng của ông trong lúc này hay đoạn trước đó, biến cố 1963 – khi Ty Thông Tin Đà Lạt buộc thay đổi lập trường dưới sự chi phối của một bộ máy quyền lực chính trị khác. Chỉ có thể thấy sự xuất hiện của ông mờ nhạt dần trên diễn đàn – tờ báo – mà ông từng gầy dựng.

Chiếc Willys Jeep trở nên ọp ẹp vẫn đi đi về về khu chợ chiều đìu hiu cho đến 1975, trước cuộc chính biến.

Một người con của ông đã nhớ về những ngày đầu tháng 4-1975, khi Đà Lạt chìm trong rối ren loạn lạc, có thể chiếc xe thân quen của gia đình họ đã nằm lại, cháy trơ khung bên một góc phố.

Dẫu vật đổi sao dời, người ta vẫn thấy nơi ông Phạm Gia Triếp là mẫu hình của một công chức văn hóa mẫn cán của thời cũ, không màng chính trị phe phái trong một đô thị vốn dĩ êm đềm. Ông đi qua những biến thiên thời cuộc với một tâm thế (dường như) khá bình lặng.

Xóm giềng ở khu phố Lò Gạch vẫn quen gọi ông là ông Trưởng Ty, do thói quen, cho đến sau 1975. Những người con của ông kể lại rằng, chính quyền mới đã chú ý tới ông, nhưng rồi cuối cùng, họ nhận ra ông chỉ là một công chức tận tụy chẳng có mối bận tâm nào khác văn hóa, văn nghệ; cũng không tìm ra một hành tung chính trị nào đáng để “ra biện pháp”. Họ cũng nhắc lại chuyện một lần kia, khi đương chức Trưởng Ty Thông Tin, chứng kiến cảnh quân cảnh bắt hai người bị coi là “Thượng Cộng”, ông đã phản ứng gay gắt; cho rằng hai người sắc tộc này chỉ là nhân viên làm văn hóa, không phải nằm vùng hoạt động cho ai cả. Ông lấy danh dự của mình để bảo lãnh cho họ thoát nạn.

Những năm cuối đời, ông bà Phạm Gia Triếp sống thanh đạm, nhẹ nhàng. Ông vẫn giữ tình thâm, lui tới với nhà nhiếp ảnh Trần Văn Châu, ông Ngô La (từng là ấp trưởng ấp Đa Hòa), xướng họa thơ ca với các bạn thơ Chơn Toàn (Tôn Thất Mậu), Duy Việt (Huỳnh Chùm)… Ông cùng các thi sĩ cùng thời trong thành phố lập nhóm thơ Trà Sơn. Nhóm thi hữu này gồm có các thành viên: Phong Vũ Lê Xuân Lợi, Trần Vấn Lệ, Tâm Minh Ngô Tằng Giao, Cam Lĩnh Nguyễn Thái Em, nhà sư Viên Ngộ Lê Trung Trang, Thích Minh An, Xuân Đài Nguyễn Thị Nghĩa, Lan Hinh Nguyễn Ngọc Dĩnh, Duy Việt Huỳnh Chùm và ông, Việt Trang Phạm Gia Triếp. Họ thường gặp gỡ, đọc thơ, nói chuyện thời cuộc. Họ trao nhau những bài thờ chép tay, xướng họa trên giấy và gửi ra nước ngoài để công bố trên đặc san của trường Trung học Bùi Thị Xuân – Trần Hưng Đạo…

Ngày ngày, ông sống đời sống nhẹ nhàng của người đã đi qua những thác ghềnh thời cuộc bằng một tâm hồn bình thản. Ông dành thời gian đi thăm viếng, cà phê và chuyện trò với bạn bè cùng thời trong thành phố. Khi thư nhàn, ông trồng hoa lan, chơi kiểng theo cách chăm cỏ cây của người không cầu kỳ.

Vào năm cuối đời, một lần, thấy cha khoe một chậu lan mới nở, người con gái ở xa về đã hỏi ông: “Sao ba không kiếm thêm một ít lan về treo thêm cho đẹp?”. Ông trầm ngâm: “Một cành lan khi trồng phải vài năm mới có hoa, biết mình còn sống đến ngày ấy để ngắm nụ hoa mới nở không?”

Ông Việt Trang Phạm Gia Triếp mất năm 2010, tại Đà Lạt.

7 năm sau, cụ bà Nguyễn Thị Huệ, người bạn đời chịu thương chịu khó của ông cũng qua đời.

Lò phở của gia đình cho đến nay vẫn còn cung cấp phở cho nhiều nơi trong thành phố Đà Lạt. 12 người con của họ trưởng thành, kẻ ra ngoại quốc, người ở lại Đà Lạt, khi gặp nhau vẫn say sưa ôn chuyện những ngày ấu thơ đầy kỷ niệm ở xóm Lò Gạch, dưới mái nhà đầm ấm và trong thành phố thanh bình tươi đẹp một thời.

5.

Chuyện bắt đầu như những thước phim chậm về một Đà Lạt đã cũ…

“Một buổi chiều mùa đông giá rét của năm 1957, một chiếc xe Willys Jeep màu xám chậm chạp di chuyển từ ngôi nhà Ty Thông Tin trên đường Nguyễn Trường Tộ qua những con phố đìu hiu, về xóm Lò Gạch ở đường Trần Nhật Duật và dừng lại cạnh dăm ba chái tole của góc chợ chiều đã vắng bóng người…”

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

[Bài đăng trên tạp chí Người Đô Thị, số 133, tháng 07-2022]

Đăng bởi: Hà Phương

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก