Đà Lạt

Thành phố hài hòa

thành phố hài hòa

Từ những trang đầu trong lịch sử sáng lập và phát triển, Đà Lạt đã là một thành phố của sự hài hòa. Và đi qua nhiều thăng trầm thời cuộc, phẩm chất đó được âm thầm gìn giữ như một nét tâm tính, bản sắc đô thị.

Người lạ không lạ!

Bác sĩ, nhà thám hiểm Alexandre Yersin tìm ra Đà Lạt vào năm 1893. Sau đó, vùng đất hoang vu trên cao nguyên Langbian trở thành một khu nghỉ dưỡng dành cho sĩ quan, binh lính Pháp ở Đông Dương.

Trong thời đô thị manh nha hình thành, người bản địa (Chil, Lạch[1]) đã biết mở lòng, sống cạnh những người da trắng đầu tiên, xa lạ đến từ trời Âu. Điều này có thể nhận ra trong các bưu thiếp ghi lại cảnh dân bản địa đóng khố đứng cạnh các tay săn người Pháp cao lớn. Họ đồng hành trong một chuyến săn thú rừng và cùng chia chiến lợi phẩm từ rừng… Lại có thể thấy hình ảnh của họ trong các bích chương, quảng cáo mà người Pháp giới thiệu về “trạm nghĩ dưỡng trên cao” này. Trong tâm thức những chính khách đến từ châu Âu thời đó, yếu tố bản địa mang lại cho một “Paris nhỏ” giữa cao nguyên Đông Dương này màu sắc hương xa (exotic) – những gì mà xứ nhiệt đới mang về cho nước Pháp.

Hơn thế, đó là thứ bản sắc không thể áp đặt hay mưu toan xóa nhòa bằng những cuộc áp đặt văn minh. Trong khoảng từ 1910 đến 1945, hơn 1.000 biệt thự, dinh thự phương Tây được tạo ra bởi bản vẽ của các kiến trúc sư tài năng như: Alexandre Léonard, Paul Veysseyre và Arthur Kruze… trên phông nền những bản quy hoạch, chỉnh trang đô thị đầy lý tính của nhiều thế hệ quy hoạch sư Pháp: Ernest Hébrard, Louis Georges Pineau, H. Mondet, Jacques Lagisquet. Nhưng ta vẫn có thể thấy trong các bức ảnh tài liệu của giai đoạn này đặc tả hình ảnh quen thuộc: dưới những con đường rợp tán thông, bên hồ nước bàng bạc sương khói hay góc chợ sớm, từng nhóm người Thượng từ Đam Rông, Tà Nung sang, từ Langbian về tụ tập và mua bán, trao đổi thổ sản. Nhịp sống thường nhật của họ dường như không đổi thay gì trong một đô thị kiểu Âu đang “biến hình” từng ngày. Văn minh thảo mộc đã sống chung với văn minh đô thị phương Tây trong thời kỳ ấy.

Hình ảnh đó còn tồn tại mãi đến hôm nay. Như thể có một tiếng chiêng hội ngày ngày âm vang dưới lòng hồ Xuân Hương – trái tim thành phố, mời gọi bước chân người Lạch quay về. Cái tên thành phố trở về với chiều kích lịch sử, sự đồng vọng sâu thẳm của mình (địa danh Đà Lạt, từng được giải nghĩa là Da Làc, tức, dòng nước của người Lạch[2].)

thành phố hài hòa

Cuộc thi sắc đẹp dành cho các sơn nữ bản địa Đà Lạt năm 1936. Ảnh: Tư liệu.

Một hình ảnh có sức gợi, đó là vào năm 1936, người Pháp tổ chức cuộc thi sắc đẹp đầu tiên cho các sơn nữ tại Đà Lạt. Bưu thiếp giai đoạn này ghi lại hình ảnh những thiếu nữ bản địa chân trần, quấn xà rông thổ cẩm, khoe những cặp vú săn chắc. Họ đứng xếp hàng ngang trên những chiếc ghế dài. Cổ họ đeo một vòng có bảng trắng (có lẽ là bảng tên hoặc số thứ tự). Sau lưng họ là đám đông hiếu kỳ và những ngôi biệt thự phương Tây thấp thoáng. Hình ảnh này nói lên nhiều điều về sự cởi mở văn hóa nhìn từ cả hai phía: bản sắc và du nhập.

Từ 1950-1955, Đà Lạt như một thủ đô hành chánh của thời Hoàng triều cương thổ do Quốc trưởng Bảo Đại đứng đầu. Việc bãi bỏ luật lao động cưỡng bách được thực thi, đồng thời tăng cường các chính sách cải thiện an sinh, định vị vai trò chính trị của con dân bản địa. Cho đến thời Việt Nam Cộng hòa, các chính sách nghiên cứu phát triển cộng đồng này được đặt dưới sự điều phối của Bộ Phát triển Sắc tộc. Người dân bản địa chưa từng “đi vắng” trong khung cảnh chính trị phát triển của thành phố này qua nhiều thời kỳ trước đây. Ngược lại, thế giới trong các bon (làng) cũng mở ra, khoảng cách từ chân núi Langbian đến chợ Đà Lạt không xa đối với những bước chân sơn cước lang thang về phố, coi phố là quê hương gốc gác của mình, coi những cộng đồng khác đến đây là những người anh em.

Cuộc gặp gỡ Đông – Tây

Đà Lạt là một thành phố được quy hoạch bởi người Pháp, kiến trúc mang đậm phong cách châu Âu. Nhưng nếu nói rằng Đà Lạt là một “phiên bản Pháp” thôi, thì không chính xác. Đó, đúng hơn, là một cuộc gặp gỡ và đối Đông – Tây trong sự tiếp biết văn hóa bản địa đầy thú vị.

Chỉ nhìn riêng ở lịch sử thương mại diễn ra trong khu quảng trường Hòa Bình, sẽ thấy ngay từ thời kỳ đầu xây dựng thành phố (thập niên 1920-1930), đây là vùng giao thương quan trọng giữa các nhóm người: Pháp, Hoa, Ấn và Việt. Trong bảng phân lô các cửa hiệu và những ô đất lớn ở khu trung tâm năm 1936, có thể thấy những cửa hiệu do người Hoa làm chủ như: Đức Xương Long, Vĩnh Chấn, Mạch Niên, Mạch Khương, Mạch Kiên Sanh,… bên cạnh những cái tên Việt nắm quyền hành trong hội đồng thành phố như Nguyễn Ngọc Chúc.

Kiến trúc các cửa hiệu khu Hòa Bình cho đến những năm 1970 vẫn mang dấu ấn Pháp – Hoa với nhà phố một tầng lầu liên kế, từng cửa hiệu có ban công nhỏ và mái đổ dốc về phía đường chính. Và trong ký ức người Đà Lạt xưa, sẽ còn in sâu những nhà hàng mang phong vị Việt, Hoa nổi tiếng khu này như: Mekong, Shanghai,… hay những tiệm mì Tàu nổi tiếng trên đường Phan Đình Phùng, gần rạp Ngọc Hiệp cũ. Những tiệm mì Tàu, món bánh mì xíu mại, cách pha chế cà phê kho mang dấu ấn ẩm thực Hoa. Kể cả thói quen ăn bánh bao uống cà phê kho ban sáng của người Đà Lạt bình dân cũng cho thấy có sự tiếp nhận văn hóa ẩm thực từ cộng đồng Hoa kiều khá rõ nét.

thành phố hài hòa

Trước Chợ Đà Lạt, 1961. Ảnh: LIFE/ John Dominis.

Có thể nhận ra một cấu trúc “lãnh địa” văn hóa đặc biệt của Đà Lạt nếu ta trở ngược về khoảng 1945 – thời kỳ văn hóa thành phố phát triển rực rỡ: 1) cộng đồng Pháp với khu biệt thự Hùng Vương kéo dài sang hướng Cam Ly, định vị trung tâm là dãy dinh thự hành chính, khách sạn nghỉ dưỡng ở đoạn Yersin (đường Trần Phú ngày nay, gần nhà thờ Chánh tòa Đà Lạt và cụm khách sạn Hôtel du Parc, Dalat Palace); 2) cụm giao thoa văn hóa kinh tế mang đậm dấu ấn Việt, Hoa khu Hòa Bình.

Một sự kiện đáng lưu ý khi đề cập đến sự gặp gỡ văn hóa Đông Tây tại thành phố này. Vào năm 1956, Tòa Thị chánh Đà Lạt đưa ra Chương trình phục hưng kinh tế Đà Lạt. Lúc bấy giờ, dân số thành phố là 53.732, thì có 554 người Pháp, 1.438 Hoa kiều. Tài liệu này cũng xác định cơ cấu nghề của từng cộng đồng: “Đồng bào Việt Nam phần đông làm vườn, trồng rau và hoa, một số buôn bán, còn một số ít là lao động trí óc và chân tay. Hoa kiều thì chuyên buôn bán, Pháp kiều thì làm đồn điền, trồng tỉa hay làm kỹ nghệ, khai thác rừng núi, điện lực hoặc mở tiệm ăn, bán thực phẩm”[3]. Tính riêng ở khu vực nội thành (không kể các tiệm nhỏ trong các ấp, xóm), cả thành phố Đà Lạt vào năm 1956 có có 842 cửa hiệu buôn bán, trong đó 497 cửa hiệu do người Việt làm chủ, 102 hiệu của người Hoa kiều và 6 cửa hiệu của Pháp kiều, 2 cửa hiệu của Ấn kiều.

Với người Việt ở Đà Lạt trước 1975, nếp sống văn minh của người Âu vẫn là thứ mà tầng lớp thị dân trưởng thành từ các nôi đào tạo thuần Pháp như trường Grand Lycée Yesin, Collège D’Adran… hướng tới. Họ kín đáo, nhỏ nhẹ và thanh lịch theo nề nếp Pháp, như những người Pháp, nhưng cũng bặt thiệp và cởi mở như những người Hoa trong cung cách làm ăn, đối nhân xử thế với đồng bào mình.

Các yếu tố văn hóa tinh hoa đến từ các cộng đồng nhập cư có tính quốc tế đã chung sống trong một khung cảnh thanh bình cùng với những giá trị văn hóa bản địa.

Cuộc gặp gỡ Bắc-Trung-Nam

Những xóm người Việt đã xuất hiện từ sớm, khoảng thập niên 1910 – thời thành phố mới hình thành. Trong số này, phải kể đến những cư dân đầu tiên của ấp Ánh Sáng với cộng đồng Huế. Người Việt tham gia vào bộ máy chính quyền thành phố, người Việt buôn bán và làm vườn, người Việt đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nhân công cho các công trình kiến tạo khung sườn chính yếu của một đô thị.

Bản quy hoạch năm 1923 của Ernest Hébrard, đã có khái niệm về “ngôi làng An Nam” ở phía bắc thành phố. Dù có khi điều này được diễn dịch như một sự phân biệt đối xử hay khoanh vùng để tránh lây lan bệnh tật (do trong mắt người Pháp, ý thức giữ vệ sinh trong các khu người Việt thời kỳ này không đảm bảo). Như mọi thành phố thuộc địa khác, những xung đột quyền lợi giữa người Pháp và dân bản địa đã diễn ra qua các lần chỉnh sửa phân khu chức năng nhưng nhanh chóng được “cân chỉnh” một cách êm đẹp.

Nhưng giữa miền đất lạnh lẽo, các đợt di cư lớn từ các miền Bắc, Trung, Nam vào đô thị này bắt đầu từ thập niên 1930, đi cùng các chính sách di dân và sự tác động của những biến cố lịch sử. Địa chí Đà Lạt viết rằng, từ những năm 1931-1932 đã có 40 hộ người Bắc, Huế và Quảng di chuyển đến Đà Lạt làm công và sinh sống tại trại chăn nuôi bò Dankia. Năm 1952, họ rời Dankia đến lập các ấp Tây Thuận, Trung An và Đông Hòa (sau này, 3 ấp được nhập thành một, lấy tên là Đa Phú). Cư dân ấp Đa Phú chủ yếu làm nghề trồng trọt.

thành phố hài hòa

Đường phố Đà Lạt trên tạp chí Life năm 1961. Ảnh: John Dominis.

Năm 1938, ông Hoàng Trọng Phu tổ chức một đợt di dân quy mô; đưa người từ các lành Nghi Tàm, Tây Thu, Quảng Bá, Ngọc Hà, Văn Phúc, Xuân Thảo thuộc Hà Đông vào lập ấp Hà Đông (đến 200 người, tính tới năm 1942) (2). Sau người Hà Đông, thì có một đợt di dân của người Nam Định, Hải Dương, Hà Nam, Bắc Ninh đến ấp Hà Đông sinh sống vào đầu thập niên 1940. Sau 1954 thì ấp Hà Đông là nơi nhiều người miền Nam, miền Trung di cư đến làm thuê, ở lại. Ấp Nghệ Tĩnh được thành lập cạnh đó sau một vài năm, thành phần cư dân chính là người Nghệ Tĩnh, Nghệ An. Ông Phạm Khắc Hòe và Nguyễn Thái Hiến là những người dẫn đạo để cư dân xứ Nghệ có nơi sinh sống lý tưởng ở thành phố cao nguyên Đà Lạt.

Hà Đông và Nghệ Tĩnh là hai ấp cư dân khá thuần nhất, đa số làm nông.

Lịch sử hình thành các vùng này cùng với đặc thù tổ chức mô hình làng ấp truyền thống đã tạo ra một khuôn mẫu những nhóm cư dân thuần nhất ở vùng vành đai thành phố về sau. Thời Hoàng triều cương thổ (1950-1955), cộng đồng người Huế – đa số là quý tộc, gia đình quan lại, ngự lâm quân và công chức văn phòng chuyển vào Đà Lạt cũng khá đông. Tiếp đó, các trại nhập cư từ sau 1954 với hơn 1.000 dân ở khu Du Sinh, Đa Thiện, Đa Minh, Thánh Mẫu, Saint-Jean… Họ đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh và từ các tỉnh phía bắc trong cuộc thiên di sau Hiệp định Genève.

Trong từng làng, ấp, có đình, có những hương ước và khế ước văn hóa. Giữa làng này với làng kia có sự hòa nhã cởi mở và sẻ chia bởi họ tìm thấy ở nhau sự tương đồng về hoàn cảnh ly xứ, tìm kiếm tương lai nơi đất mới. Họ hòa trộn tiếng nói từ các vùng miền khác nhau để quyện thành “giọng Đà Lạt” mang đủ ba yếu tố thổ âm Bắc, Trung, Nam. Chất giọng Đà Lạt nhẹ nhàng, vì đã gạn lọc hết những gai góc “cực đoan” vùng miền, để giữ lại sự bặt thiệp nhẹ nhàng của một cộng đồng ly xứ biết sống chung trên vùng quê hương mới, chung chia một hệ giá trị sống mới.

thành phố hài hòa

Ga Đà Lạt nay. Ảnh: NVN

Nhìn rộng ra, các cộng đồng đến từ nhiều vùng miền khác nhau, nhưng khi chung sống giữa một thành phố thơ mộng và lạnh lẽo, họ đã tìm được một sự gắn kết như một phương thế tự nhiên để cuộc sống trở nên ấm áp, chan hòa và dễ dàng hơn. Điều này cũng được cộng hưởng với bối cảnh đô thị chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục và du lịch để làm nên sự sang cả, tao nhã.

Một khung cảnh tự nhiên tươi tốt, trong lành, một khung cảnh tinh thần hài hòa, bặt thiệp – đó là những thuộc tính của Đà Lạt. Những điều đó làm nên hệ giá trị Đà Lạt.

Nếu những thuộc tính nhân văn cốt lõi ấy bị triệt tiêu, thì Đà Lạt chỉ còn là địa danh của sự mất mát.

NGUYỄN VĨNH NGUYÊN

(Bài đăng trên BáoLao Động, Giai phẩm Xuân 2020)

[1] Lạch (Làc, Lat, M’Lates) là một nhóm của tộc người K’ho.

[2] Còn được lý giải bằng  lời của công sứ Cunhac trong bài báo La naissance de Dalat (Khai sinh Đà Lạt) đăng trong tạp chí Indochine (Đông Dương) số 182, 2 – 1944: “Ở vị trí hồ có một dòng suối nhỏ của người Lạch và người ta gọi là Đà Lạt (Da hay Dak: nước).

[3] Hồ sơ 123, Phông Bộ Công chánh và Giao thông, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia 2, TP.HCM.

Đăng bởi: Nguyễn Đức Tuấn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก