Đà Lạt

Vị Thừa sai có trái tim trên miền cao nguyên

vị thừa sai có trái tim trên miền cao nguyên

Khi nói Đà Lạt mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp trong quá khứ, thì có thể thừa nhận một điều quan trọng khác, đó là sự đóng góp không nhỏ của môi trường giáo dục Công giáo. Ngoài nhiệm vụ truyền giáo, các giáo sĩ thừa sai, cha dòng đến từ Pháp còn là những nhà nhân văn và góp phần bảo tồn văn hóa bản địa. Linh mục Marius Boutary, phụ trách Trung tâm Sơn Cước Cam Ly là một trường hợp điển hình.

Cha xứ nhà thờ Cam Ly

Giáo sĩ Marius Boutary đến Đà Lạt nhận nhiệm vụ truyền giáo trong một thời kỳ khó khăn, có nhiều chuyển biến lớn về chính trị.

Ông sinh năm 1923 tại Mayran (Aveyron), thụ phong linh mục năm 1948 tại Hội Truyền giáo Hải ngoại (Pháp) và đến Sài Gòn trong cùng năm đó. Để trở thành một nhà truyền giáo vùng cao nguyên Đà Lạt, ông đã dành hơn năm năm học tiếng Việt tại Mỹ Tho và tiếng K’ho tại Di Linh. Ông từng làm giáo sư đại chủng viện Sài Gòn, từng được bổ nhiệm làm cha xứ tại nhà thờ Saint-Nicolas (tức, nhà thờ Chính tòa Đà Lạt nay). Trong công việc mục vụ, ông gắn bó với người Thượng ở Đà Lạt từ những năm cuối thập niên 1940. Năm 1952, Trung tâm Sơn cước Cam Ly được thành lập với mục đích chăm sóc giáo dục, y tế và đời sống tâm linh cho giáo dân bản địa, Marius Boutary đóng vai trò cốt cát. Ông đã tiếp nối nhiệm vụ của một vị thừa sai khác, cha Octave Lefèvre, phụ trách, lèo lái trung tâm này cho đến khi buộc phải rời khỏi Việt Nam (1975).

vị thừa sai có trái tim trên miền cao nguyên

Cha Marius Boutary. Ảnh: Tư liệu

Có thể mượn một tên sách của nhà văn William Saroyan để nói về Marius Boutary – “người có trái tim trên miền cao nguyên”. Bởi ngoài vai trò một giáo sĩ làm nhiệm vụ truyền giáo,  ông là một người yêu văn hóa của người Thượng bản địa và yêu Đà Lạt lạ lùng. Trung tâm Sơn cước Cam Ly do ông phụ trách đã kết nối với các dòng tu khác tổ chức các lớp học giáo dục con em dân tộc biết tiếng Pháp, Việt và yêu ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Đây còn là nơi cấp phát thuốc, chăm sóc y tế và đón tiếp những cộng đồng nhập cư thiếu số mới (như người Thái đến từ phía Bắc sau năm 1954), tổ chức lớp dạy nữ công gia chánh và gửi con em dân tộc bản địa đi học ở các trường dòng danh giá khác trong thành phố như: Couvent des Oiseaux, Collège d’Adran… (Theo tài liệu Các cha của hội Thừa sai Paris với sự hình thành của giáo phận Đà Lạt, tác giả Giuse Bùi Văn Tường).

Và cũng như nhà truyền giáo Jacques Dournes (tác giả của: Rừng, đàn bà, điên loạn, Miền đất huyền ảo, Pötao, một lý thuyết về quyền lực ở người Jörai Đông Dương) đã từng bị văn hóa Jơrai mê hoặc, giáo sĩ Marius Boutary đã bị văn hóa người bản địa Đà Lạt quyến rũ. Ông lặng lẽ thực hiện những cuộc điền dã, ghi âm dân nhạc của người Cil dưới chân núi Langbian, từ các lời ru đến chuyện kể. Cho đến nay, một phần dữ liệu trên còn được lưu trữ trên trang archives.crem-cnrs.fr.

Cha Marius cũng là người chỉ đạo xây dựng nhà thờ Cam Ly vào năm 1961. Đó là một ngôi nhà thờ theo lối kiến trúc mang đậm dấu dấn bản địa do linh mục Jean Kermarrec thiết kế bản vẽ. Sách Lịch sử giáo phận Đà Lạt (1991) viết: “Nằm ngay ở thành phố Đà-lạt, gần thác Cam-ly. Đây là ngôi nhà thờ do cha Boutary, thuộc Hội Thừa sai Paris, cùng với nhà thầu Nguyễn Thanh Hổ xây cất để phục vụ giáo dân dân tộc. Công cuộc xây cất kéo dài từ 1961 đến 1968. Ngôi nhà có kiến trúc kiểu nhà rông với hai mái dốc đứng (cao khoảng 17 mét) được lợp bằng 80.000 viên ngói thẳng, nặng trên 90 tấn… Nơi tiền đường có hình hai con thú mà người dân tộc vốn tôn sùng: con cọp tượng trưng cho sức mạnh, con phượng hoàng tượng trưng cho sự tinh khôn. Người dân tộc cảm thấy an toàn khi có con cọp canh giữ ở gần và con phượng hoàng báo tin từ xa… Tại cung thánh, một bàn thờ (3,9m x 0,9m) làm bằng gỗ của một cây thông được lấy từ đỉnh núi Langbiang, được phơi khô 15 năm trước khi khởi công xây dựng nhà thờ. Dưới chân thánh giá, có treo ba cái đầu trâu. Đối với người dân tộc, con trâu vừa là bạn khi cày cấy, vùa là con vật được dùng để tế Yàng khi được mùa.”

Con đường hẹp

Năm 1973, đã có nhiều văn bản trao đổi qua lại của Bộ Phát triển Sắc tộc gửi cho linh mục Marius Boutary xin hỗ trợ tài liệu sách báo, hiện vật về dân tộc bản địa để sưu khảo, trưng bày, giới thiệu nhân lễ khánh thành Trung tâm Nghiên cứu Sắc tộc Đà Lạt. Chỉ bấy nhiêu có thể thấy Trung tâm Sơn cước Cam Ly lúc bấy giờ có một vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và nghiên cứu văn hóa bản địa vùng Đà Lạt (Theo Phông Bộ Phát triển sắc tộc, Hồ sơ số  250, TTLTQG2).

vị thừa sai có trái tim trên miền cao nguyên

Nhà thờ Cam Ly, tháng 11-2019. Ảnh: NVN

Tuy nhiên, ảnh hưởng càng lớn trong dân chúng bản địa thì cũng dẫn đến những quy chụp chính trị ngày càng nặng nề. Năm 1974, Marius Boutary suýt bị trục xuất vì bị cho là có dính líu đến hoạt động của phong trào Fulro và lợi dụng việc truyền giáo để làm gián điệp cho Pháp. Một công văn đóng dấu “Mật, Khẩn” của ông Nguyễn Hợp Đoàn, Thị trưởng Đà Lạt lúc bấy giờ, gửi đến Bộ Phát triển Sắc tộc ở Sài Gòn ngày 24-6-1974 viết: “Sự hiện diện của đương sự (tức, Marius Boutary) tại vùng cao nguyên sẽ nguy hại cho an ninh trật tự địa phương, và có thể đương sự sẽ sách động đồng bào Thượng nổi loạn, tranh đấu đòi tự trị và ly khai khỏi chánh quyền Việt Nam Cộng hòa.”

Tuy nhiên, trước những vu cáo có nguy cơ dẫn đến việc trục xuất vị cha xứ Cam Ly, thì chính giáo dân ở các vùng đồng bào bản địa đã lên tiếng phản ứng, xin giữ vị chủ chăn ở lại với mình. Ngày 14-5-1974, 10 giáo dân bản địa cư ngụ ở các ấp Bondeung-Dangia và Klong-Ngơr A thuộc xã Lát, quận Lạc Dương, tỉnh Tuyên Đức (gồm: K’Djrang, K’Sao, Liêng-Hot K’Hai, K’Hai Krajan, K’Srôn, K’Cinh, K’Lêu, K’Tinh, Ha-Tang, Ha-Teng) đại diện cho hơn 3.000 tín đồ Công giáo thuộc Trung tâm Sơn cước do cha Marius phụ trách đã gửi một lá đơn cho Đại tá tỉnh trưởng Tuyên Đức, kiêm Thị trưởng Thị xã Đà Lạt, xác nhận: “Kể từ ngày Linh mục đảm nhận truyền đạo tại địa hạt chúng tôi đến nay, chúng tôi chỉ nghe Linh mục rao giảng giáo lý, dạy dỗ tình yêu thương Chúa Ki-tô mà không hề nghe Linh mục dạy làm chính trị hoặc bất cứ một hành động sách nhiễu, gây xáo trộn an ninh quốc gia như một vài người, vì thù nghịch về quyền lợi và tì hiềm cá nhân đã vu cáo ngài”.

Ngày 18-5-1974, ông chủ tịch ủy ban Công giáo Đam Rông, chánh xứ Yenglé và ông Andre Liang-Hot-Iah cũng có thỉnh nguyện thư cho Đại tá tỉnh, thị trưởng Tuyên Đức Nguyễn Hợp Đoàn xin cho linh mục Marius Boutary “tiếp tục truyềnđạo và giáo dục cho con em thượng tại Trung tâm Sơn cước Cam Ly, Dalat, của giáo dân Đam Rông”. Bức thư này cũng bày tỏ sự tha thiết: “Nếu linh mục Marius Boutary không được trở lại để lãnh phận sự giữa giáo dân của Linh mục, thì sợ rằng con em và giáo dân của chúng tôi sẽ tan rã và mất đi người chăm sóc và dạy dỗ”. Bức thư của ông Liang-Hot-Iah còn có 8 chữ ký khác của các thành viên ban hành giáo thuộc giáo xứ Yenglé.

Trước áp lực đó, Cảnh sát Đà Lạt đã làm một cuộc điều tra kỹ lưỡng và Thị trưởng Đà Lạt đã khẳng định ông Marius Boutary không liên đới với Fulro, và chấp nhận cho ông tiếp tục ở lại Trung tâm Sơn cước Cam Ly trong vai trò nhà nghiên cứu, giáo dục và là vị chủ chăn trong đời sống tâm linh của người Thượng nơi đây.

Những ngày cuối năm 2019, người viết trở lại ngôi nhà thờ Cam Ly và được các nữ tu nơi đây cho hay, cha Marius Boutary hiện đang được tĩnh dưỡng trong một nhà hưu trí dành cho các linh mục ở Pháp. Ông vẫn mong ước một ngày được trở lại thành phố cao nguyên mà mình đã gắn bó suốt thời tuổi trẻ, gặp lại những giáo dân mà ông đã dạy dỗ, chăm sóc năm xưa.

Nguyễn Vĩnh Nguyên

(Một phần bài viết này đã đăng trên báo Thanh Niên, số ra ngày 24-12-2019)

Đăng bởi: Đáng Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก