• Người phụ nữ sống sót khi thang máy rơi 75 tầng

    Người phụ nữ sống sót khi thang máy rơi 75 tầng

    Cách đây 79 năm Betty Lou Oliver may mắn sống sót sau bị thương nặng khi máy bay lao vào tòa nhà rồi rơi tự do trong thang máy cùng ngày.

    Vào ngày 28/7/1945, một thảm kịch xảy ra ở New York. Một chiếc máy bay ném bom B-25 Mitchell tình cờ đâm vào tòa nhà Empire State khi bay trong lớp sương mù dày. Tai nạn cướp đi sinh mạng của 14 người. Nhưng câu chuyện của một trong những người sống sót là Betty Lou Oliver vẫn tiếp tục thu hút sự chú ý sau gần 80 năm. Hôm đó, Oliver thoát chết hai lần, trong đó lần thứ hai cô sống sót sau vụ rơi thang máy, theo IFL Science.

    Betty Lou Oliver (chống nạng) bình phục sau tai nạn vài tháng và sống thêm 54 năm. (Ảnh: History Collection).

    Theo lịch trình, máy bay ném bom sẽ hạ cánh ở sân bay LaGuardia nhưng không được do sương mù dày đặc. Phi công yêu cầu hạ cánh ở Newark, do đó máy bay bay ngang qua khu Manhattan. Phương tiện bay rất gần tòa nhà Chrysler. Sau đó, phi công có thể mất phương hướng do sương mù và lái chệch hướng, khiến máy bay đâm thẳng vào sườn hướng bắc của tòa nhà Empire State.

    Vào 9h40 sáng ngày hôm đó, chiếc B-25 đâm vào tòa nhà giữa tầng 78 và 80. Ba người trên máy bay và 11 người trong tòa nhà tử vong. Lửa cháy lan khắp tòa nhà và được dập tắt sau 40 phút. Đây là vụ cháy kết cấu cao nhất mà lính cứu hỏa từng kiểm soát thành công. Độ kiên cố về mặt kết cấu của tòa nhà không bị ảnh hưởng, dù một động cơ lao xuyên qua tòa nhà và rơi trên studio nghệ thuật cách đó một tòa trong khi động cơ còn lại, càng hạ cánh và một người trên máy bay rơi vào hố thang máy.

    Betty Lou Oliver khi đó mới 20 tuổi và làm công việc vận hành thang máy trong tòa nhà. Cô ở tầng 80 khi máy bay đâm trúng tòa nhà. Vụ va chạm mạnh đến mức Oliver bị văng ra khỏi thang máy và khi đám cháy lan rộng, cô bị bỏng nghiêm trọng. Sau khi gặp nhân viên sơ cứu, Oliver được đặt trong một chiếc thang máy khác để di chuyển xuống tầng trệt. Họ không biết dây cáp đã hỏng. Khi thang máy bắt đầu di chuyển, dây cáp bị đứt và thang máy rơi thẳng qua 75 tầng.

    Thang máy có nhiều dây cáp có thể đỡ trọng lượng lớn hơn một chiếc xe và cũng có phanh khẩn cấp. Những trường hợp hy hữu dẫn tới nhiều hỏng hóc. Oliver vẫn tỉnh táo hoàn toàn. Cô chia sẻ bản thân cảm thấy như thang máy đang lao xa khỏi mình và cô phải bám vào thành thang máy để khỏi trôi nổi.

    Nhiều khả năng một số yếu tố đã cứu mạng Oliver ngày hôm đó. Đầu tiên, áp suất không khí trong hố kín giúp làm chậm tốc độ buồng thang máy khi lao qua hầm. Thang máy đâm vào bộ đệm dầu ở đáy hố. Thứ hai, dây cáp tích tụ ở đáy hố cũng giúp đỡ va chạm. Có thể Olive nằm sấp khi bám vào thành thang máy, góp phần lan tỏa lực va chạm khắp cơ thể tốt hơn.

    Tuy nhiên, Oliver vẫn bị gãy xương ở nhiều chỗ, bao gồm xương chậu, lưng và cổ. Cô mất vài tháng để hồi phục hoàn toàn và sống thêm 54 năm. Đây là cú rơi thang máy tự do dài nhất có người sống sót.

    Xem thêm bài có từ khoá:

    new york