Thời Trang

Audrey Hepburn – biểu tượng thời trang thế kỷ 20 trong ống kính của Philippe Halsman

Audrey Hepburn là một trong số rất ít được gọi một cách đơn giản là “biểu tượng” (icon).

Những ngôi sao lớn của Hollywood thế kỷ 20 thường được gán những danh xưng để nêu bật sự đặc biệt của họ. Marlon Brando là “huyền thoại màn ảnh” (screen legend), Montgomerry Clift là “heart-throb” (đốn tim), Lauren Bacall được ca ngợi là “nàng tiên cá” (siren), còn nàng thỉnh thoảng được gọi là “biểu tượng của sự trang nhã” (icon of elegance) hay “biểu tượng thời trang” (style icon). Nàng là một trong số rất ít được gọi một cách đơn giản là “biểu tượng” (icon). Nàng là Audrey Hepburn (1929-1993), diễn viên điện ảnh người Anh.

diễn viên, nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia, thế giới thời trang, audrey hepburn – biểu tượng thời trang thế kỷ 20 trong ống kính của philippe halsman

Biểu tượng thời trang Audrey Hepburn. Ảnh của Philippe Halsman.

Trong bức ảnh này của nhiếp ảnh gia Philippe Halsman (1906-1979), nàng Audrey Hepburn đang độ đẹp nhất. Đó là năm 1955, khi Audrey 26 tuổi và bức ảnh chụp ở Roma, thủ đô của nước Ý, đã được đăng trên bìa của tờ báo ảnh nổi tiếng Life số ra giữa tháng 7/1955.

Halsman, lúc bấy giờ đã là một nhiếp ảnh gia chụp chân dung nổi tiếng, đã chụp rất nhiều ảnh chân dung và ảnh đời thường của Audrey Hepburn, nhưng sau này, ông luôn khẳng định rằng, đây là bức ảnh ông thích nhất về “biểu tượng” và Audrey cũng đồng tình với ý kiến ấy. Audrey, mảnh mai, dịu dàng, luôn luôn nổi bật trong các bức ảnh lưu lại những khoảnh khắc đẹp đẽ và để đời của nàng, trở nên gần gũi, đằm thắm và đáng yêu vô cùng.

Lúc ấy, Audrey đã là một ngôi sao lớn của Hollywood, đang hạnh phúc với cuộc hôn nhân (đầu tiên) với diễn viên Mel Ferrer, người mà nàng đã cưới tháng 9/1954. Năm 1954, nàng toả sáng rực rỡ trong phim “Sabrina”, bên cạnh tài tử Humphrey Bogart và William Holden.

Một năm trước đó nữa, năm 1953, Audrey trở thành một cái tên chói sáng nhất trên màn ảnh rộng với vai diễn nàng công chúa Ann trong phim “Kỳ nghỉ ở Roma”. Trong bộ phim ấy, nàng và Gregory Peck sánh vai nhau trong một câu chuyện kinh điển về tình yêu đẹp và lãng mạn nhưng bị ngăn cách vì xuất thân, với những cảnh quay bất hủ cùng chiếc Vespa trên đường phố Roma cũng như những cảnh bên sông Tevere.

diễn viên, nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia, thế giới thời trang, audrey hepburn – biểu tượng thời trang thế kỷ 20 trong ống kính của philippe halsman

Nàng thơ Audrey Hepburn. Paramount-photo by Bud Fraker, Public domain, via Wikimedia Commons.

Hơn một năm trước đó, khi đạo diễn William Wyler (1902-1981) thử vai cho nhân vật công chúa Ann, ông đã kêu lên “chính là cô ấy” khi thấy nàng diễn vài cảnh. Lúc ấy, nàng mới xuất hiện thành công trong vở Gigi của sân khấu Broadway chứ chưa gây được tiếng vang trên phim.

Các nhà sản xuất ban đầu muốn chọn Elizabeth Taylor (1932-2011) cho vai này, bởi khi ấy Liz đã cực kỳ nổi tiếng rồi. Nhưng Wyler gạt phắt đi. Ông đã có một sự lựa chọn đúng.

Sau này, ông nhớ lại: “Cô ấy có tất cả những gì tôi tìm kiếm cho vai diễn, quyến rũ, trong sáng, và tài năng. Cô ấy cũng rất vui vẻ nữa”. Tên nàng lúc đầu còn dự định bị đặt dưới tên của tài tử lừng danh Gregory Peck, nhưng Peck đã đề nghị Wyler để tên nàng cạnh tên ông trên poster, với cỡ chữ to tương đương.

“Cô ấy có tất cả những gì tôi tìm kiếm cho vai diễn, quyến rũ, trong sáng, và tài năng. Cô ấy cũng rất vui vẻ nữa”.

“Kỳ nghỉ ở Roma” thành công vang dội, đoạt một loạt giải thưởng lớn và là bệ phóng để Audrey vươn mình trở thành một diễn viên nổi tiếng. Đó gần như là một sự bù đắp cho Audrey, từ nhỏ đã mơ lớn lên sẽ trở thành một vũ công ballet nhưng cuối cùng không thành, và song song với sự nghiệp đóng phim, nàng cũng diễn trên sân khấu kịch Broadway.

diễn viên, nhiếp ảnh, nhiếp ảnh gia, thế giới thời trang, audrey hepburn – biểu tượng thời trang thế kỷ 20 trong ống kính của philippe halsman

Một bức hình Audrey Hepburn khác được chụp bởi Philippe Halsman. Ảnh: Artsy.

Sau khi nổi tiếng, Audrey trở thành nàng thơ cho các nhiếp ảnh gia chân dung nổi tiếng. Chụp nàng có các tay máy xuất sắc như Richard Avedon, Inge Morath và David Seymour, nhưng ít ai lột tả được vẻ đẹp nội tâm của nàng như Halsman, người chuyên chụp cho các tạp chí nổi tiếng đương thời, như Life.

Trong những bức ảnh của ông, dù là chân dung hay đời thường ngoại cảnh, Audrey luôn hiện lên dịu dàng, đằm thắm và quyến rũ như một nàng công chúa mảnh dẻ, dễ thương.

Audrey còn nhiều vai diễn để đời trong những năm tiếp theo, như trong các phim “Ăn sáng ở Tiffany’s” (Breakfast at Tiffany’s, 1961), “Charade” (1963) hay “Yểu điệu thục nữ” (My Fair Lady, 1964).

Nàng kết hôn một lần nữa vào năm 1969, rồi lại chia tay, trước khi sống với một người đàn ông khác (không kết hôn) cho đến khi qua đời vào năm 1993 vì ung thư.

Những năm cuối đời, Audrey Hepburn là Đại sứ của UNICEF và được ca ngợi vì những đóng góp cho các hoạt động nhân đạo và từ thiện.

Halsman qua đời trước đó nhiều năm, vào năm 1979 ở tuổi 73, để lại phía sau một sự nghiệp lẫy lừng mà rất nhiều người nổi tiếng đã làm mẫu cho ông chụp chân dung. Không chỉ có Audrey Hepburn mà còn có Tổng thống Mỹ John F.Kennedy, Thủ tướng Anh Winston Churchill, các diễn viên Marily Monroe và danh hoạ Pablo Picasso…

    Đăng bởi: Như Ái

    ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก