Tâm Sự Tình Yêu

Có người đàn ông nào phải sống cả đời bên cạnh một chai nước mắm hay không?

Nhìn bề ngoài, không biết bao nhiêu người ao ước được như chị. Chị có những thứ mà người khác chật vật phấn đấu cả đời không được. Nhưng chồng chị vẫn ngoại tình và đòi ly hôn.

chuyện phái đẹp, hôn nhân, ngoại tình, tình cảm vợ chồng, tình yêu, có người đàn ông nào phải sống cả đời bên cạnh một chai nước mắm hay không?

Nhân vật của tôi lần này là một phụ nữ trung niên thành đạt. Trải qua một thời gian dài của tuổi trẻ vật lộn với thương trường và gánh vác việc gia đình con cái, bây giờ chị đã có một cơ ngơi bề thế, có khả năng đầu tư cho con cái đi học ở xa và cũng có điều kiện để chăm sóc bố mẹ già cũng như chi viện cho các em các cháu bên chị đúng như tấm lòng thơm thảo của chị.

Nhìn bề ngoài, không biết bao nhiêu người ao ước được như chị. Chị có những thứ mà người khác chật vật phấn đấu cả đời không được: đó là sự no đủ về vật chất, sự nhẹ nhõm thoải mái trong tiêu pha nghĩa là được ”mạnh về gạo bạo về tiền” như các cụ nhà ta vẫn thường nói. Những tưởng là chị không có mong ước gì hơn …. Nào ngờ…

Suốt cả buổi, chị ngồi kể cho tôi nghe về ”lão chồng khốn kiếp bội bạc” của mình: nào thì ”lão ấy” phủi tay quay lưng lại với những ngày tháng chị chắt chiu nuôi chồng ”trên răng dưới … cát tút” ăn học hết bằng nọ cấp kia, nào là chị có ngờ đâu ”lão ấy” nào có đẹp đẽ trẻ trung gì nữa đâu mà còn đổ đốn cặp bồ. Mà nào chỉ có ngoại tình bồ bịch chim chuột không đâu, chính ”lão ấy” còn chủ động đề nghị ly hôn ly dị, khăng khăng quyết tâm bỏ mẹ con chị để đến với ”một con bỏ mẹ” khác…

Tôi ngồi lặng. Cảm xúc đầu tiên là xót xa cho chị vì tôi biết công sức chị đổ vào gia đình con cái là không gì có thể so sánh được. Để an ủi và xoa dịu cơn hỏa đang bốc lên ngùn ngụt trong chị, tôi thủ thỉ hỏi chị có bao giờ chị bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân nào dẫn đến sự bạc tình trắng trợn của ông chồng chị không? Rằng chị có biết mặt ngang mũi dọc, nghề nghiệp cũng như tính tình gia cảnh của ”nàng kia” không để tôi còn biết đường mà gỡ rối cho chị trong mọi khả năng mà tôi có.

Thế là chị bắt đầu kể một thôi một hồi cho tôi nghe về ”của nợ” kia. Đại loại cô ta chỉ được cái trẻ hơn chị chứ học vấn không bằng chị, các nét trên mặt cũng không bằng chị, tiền của thành đạt cũng không bằng chị. ”Chỉ được cái nũng nịu nhẽo nhoét và điệu chảy nước ra thôi em ạ. Cái đấy thì chị thua. Chị chịu, chị không thể như ”nó” được!”…

Hình như tôi bắt đầu hiểu ra được vài điều khi chợt nhìn lại chị bằng một con mắt đầy khách quan của một người đàn bà nhìn ngó bình phẩm một người đàn bà khác.

Và những gì mà mắt tôi nhìn thấy là một người đàn bà hết sức xộc xệch trong bộ quần bò áo phông nhàu nhĩ và cũ mèm. Chị túm tóc chị bằng vài vòng dây chun vàng ệch, thứ dây chun người ta vẫn chuyên để buộc cho đủ thứ hàng họ: gói chè bưởi của hàng chè, chằng ngang bọc mực khô của sạp hàng khô ngoài chợ … nghĩa là người ta dùng để buộc đủ thứ chứ không phải là thứ đặt lên mái tóc của một người đàn bà trau chuốt, đỏm dáng.

Tôi nhớ đã nhắc chị một vài lần về chuyện ”đầu tư” vào ăn mặc, chị nói chị không cần xanh xanh đỏ đỏ như cào cào châu chấu ấy. Chị tin ở khả năng giao tiếp của chị, tin ở tài thao lược trên thương trường của chị. Tất cả những cái đó làm nên thế mạnh của chị, làm nên sự tôn trọng của người khác dành cho chị chứ không phải là cái mẽ ngoài quần là áo lượt.

Cũng một vài lần tôi định lên tiếng phản bác chị, nhưng lần nào tôi cũng bị chị chê là quá cầu kỳ nên tôi lại thôi. Với chị, không cần thiết phải ”rách việc” đến độ bộ quần này áo này phải kết hợp với khăn này, giày này, túi này … Chị chỉ cần nhất bộ là xong, mà chỗ nào có chị là chỗ ấy vui như tết, chuyện nổ như pháo, có thấy ai chê bai bình phẩm gì đâu.

Tôi lại liên tưởng đến một hai lần đến nhà chị dự ”bữa cơm thân mật” do chính chị và người giúp việc ”tiến hành” đầy hăm hở và hỉ hả. Nhưng thú thật là tôi rất sợ sự tùy tiện đến mức bừa ẩu của chị từ khâu thao tác bếp núc đến lúc bày những ngồn ngộn những thịt những rau đều xếp vào hạng đắt tiền lên bàn. Đấy là chưa nói đến cái cách chị co hai chân lên ghế ăn mới thoải mái vì ”đã quen như thế mất rồi”….

Thú thật là sau một hai lần ”thực mục sở thị” tài bếp núc của chị tôi đâm ngại, từ đó chị em nhớ nhau cần kể lể tâm sự tôi đều chủ động mời chị ra một cái quán lãng mạn nhẹ nhàng mà tôi rất ưng ý. Tôi chỉ thích chuyện trò cùng chị trong khung cảnh như thế mà thôi…

Một thời gian ngắn sau, rất tình cờ tôi gặp người chồng đang một mực muốn ly hôn của chị. Biết chúng tôi thân nhau, anh nói cho tôi cái điều mà tôi cho là mấu chốt của vấn đề. Những câu nói của anh khiến tôi suy nghĩ và … ở một góc độ nào đó, tôi cảm thông với anh.

Anh đã nói với tôi bằng một giọng hết sức ngao ngán rằng không biết trên đời này có người đàn ông nào phải sống gần hai chục năm bên cạnh một chai nước mắm hay không? Anh thừa nhận là chị đảm đang nhanh nhẹn, anh tự hào vì chị thông minh thành đạt. Chị càng thành đạt bao nhiêu, các con anh được nhờ bấy nhiêu, đó là hồng phúc của anh mới có được chị trong đời.

Nhưng trong góc riêng tư thầm kín vợ chồng, anh phải sống với một người đàn bà không một giây một phút nào dành chỗ cho những đỏm dáng tối thiểu của đàn bà. Là chồng chị nên anh biết, chị không có nhu cầu dùng lược chứ chưa nói gì đến son phấn hay giày dép mũ áo. Trước kia thì chị nói chị phải toàn tâm toàn ý cho chiến lược thoát nghèo – anh hiểu điều đó nên cũng im lặng cho qua. Về sau khi đã có đồng ra đồng vào, nhắc chị thì chị kêu vẽ sự, ”tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, hay gì cái thứ đàn bà suốt ngày chỉ lo làm đỏm…

Ngần ấy thời gian vợ chồng, chị ăn nói với anh như hai thằng đàn ông ngồi quán bia bỗ bã. Nhiều khi anh nhăn mặt nhắc nhở thì chị cáu lên to tiếng, đổ diệt cho anh cái tội chỉ thích vợ chồng phường chèo. Với chị, như thế là ”diễn”, là không thật lòng với nhau, chị thích có chuyện gì cứ nói ”trắng phớ” với nhau như thế cho thoải mái đầu óc.

Đỉnh điểm của lần cãi nhau ”chuyện nọ xọ chuyện kia” của vợ chồng chị là lần anh đi công tác nước ngoài, anh mua tặng chị nước hoa và một vài thứ kem dưỡng da ban ngày ban đêm của phụ nữ mà anh thấy hầu hết phụ nữ đều rất ưa thích. Chị nhận quà một cách thờ ơ hờ hững và không đụng đến dù chỉ một lần. Anh vẫn tiếp tục ngủ với mái đầu tổ quạ bốc mùi mồ hôi và thức ăn muôn thuở của chị.

Đúng lúc đó anh gặp người phụ nữ khiến anh ngất ngây đúng nghĩa ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh không bị mất tự chủ bởi nhan sắc cũng như tuổi trẻ, cả hai thứ đó đều đã lướt qua người đàn bà anh yêu. Anh yêu cô bởi sự nhẹ nhàng đầy nữ tính và đặc biệt anh bị chinh phục bởi một mùi hương quyến rũ rất thanh tao từ người cô toát ra.

Bề ngoài anh chịu cái án chung thân của một gã đàn ông bạc tình, phụ bạc người vợ bao nhiêu năm tần tảo một cách tuyệt hảo để anh có cơ ngơi ấy, cương vị công tác ấy, những đứa con học hành giỏi giang ấy. Nhưng tận sâu thẳm của nỗi lòng đàn ông anh thấy ngán ngẩm, thậm chí rất sợ hãi, khi mường tượng ra những năm tháng tiếp theo phải tiếp tục sống bên chị.

Thôi thì nói với tôi một lần rồi anh sẽ im lặng vĩnh viễn trước mọi đàm tiếu, anh thèm khát được sống với bản năng đàn ông thường tình của mọi thường tình là được ôm ấp, được âu yếm một cơ thể đàn bà sạch sẽ với mùi hương tự nhiên của da thịt hoặc mùi hương nhẹ nhàng tinh tế của nước hoa hay mỹ phẩm. Không có lẽ sự sạch sẽ thơm tho lại bị đánh đồng với những thứ đại loại như hư hỏng đổ đốn và quá xa xỉ so với điều kiện kinh tế của vợ chồng anh?

Đấy là chưa kể sống bên chị lúc nào anh cũng có cảm giác đang trĩu trên vai một món nợ đời không có khả năng chi trả. Ngột ngạt vì bất mãn và khao khát không được giải tỏa, anh bị hút hồn bởi một giọng nói nhẹ nhàng, bởi những ngúng nguẩy dỗi hờn nhiều khi vô căn vô cớ mà cũng khiến anh ngất ngây hạnh phúc.

Xét cho cùng anh chỉ cần một người đàn bà đúng nghĩa đàn bà. Một quan bà quyền sinh quyền sát ở thương trường, một phụ nữ xộc xệch hôi hám ở trên giường không thích hợp với một người đàn ông bình thường như anh….

Những gì nghe được từ cả hai ”đương sự” đều khiến tôi phải suy nghĩ. Với cả hai, tôi đều dành cho họ những tiếng thở dài và tự rút ra cho cuộc sống của mình những bài học nhỡn tiền đầy thiết thực.

Tôi quyết định ghi lại ra đây một cách trung thực không thêm bớt về câu chuyện của họ và tự nhủ: ”Ra là vậy. Chuyện đời quả là không đơn giản chút nào….”

Theo Saomai Pham

Đăng bởi: Đại Thắng

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก