Ninh Thuận

GIẢI MÃ NGUỒN GỐC tên họ người Chăm xưa & nay – Phần 2: Tên họ của người Chăm thường dân

Kết thúc phần 1 với nội dung chính trong việc giải thích nguồn gốc tên gọi các vua Chăm, phần 2 tiếp tục đề cập đến vấn đề “Nguồn gốc tên họ của người Chăm thường dân”.

So với phần 1, phần 2 theo nội dung ghi chép của quyển sách, tác giả Sakaya (Trương Văn Món) đã có nghiên cứu mang tính chất thực tiễn về nguồn gốc tên họ người Chăm từ thời vua Minh Mệnh cho đến nay. Qua nội dung này, độc giả sẽ có dịp hiểu rất rõ một cách chi tiết về tên họ của người Chăm xưa và nay.

Vài nét về tộc họ và tên tộc họ của người Chăm

Người Chăm theo chế độ mẫu hệ. Họ định cư theo công xã thị tộc. Mỗi làng Chăm được tập họp nhiều họ sinh sống với nhau. Mỗi tộc họ là bao gồm một nhóm người cùng chung một huyết thống được tính từ phía mẹ.

Tất cả thành viên trong tộc họ đều mang một tên gọi của tộc họ mình, khi chết đi nằm chung một nghĩa địa gọi là kut, ghur, không được kết hôn với nhau; cùng chung tài sản tộc họ (ruộng đất, trâu bò, đồ cúng lễ); cùng thờ cúng tổ tiên là một “ciet atau” và những lễ nghi cúng tế thần linh liên quan đến tộc họ.

Tên tộc họ của người Chăm thường gắn liền với địa danh đất đai, ruộng lúa, cây cối như kut amil apuei (Kut: cây me lửa), kut phun dannak (kut cây đa), ghur din (Nghĩa địa cùng Din), ghur ia malan (Nghĩa địa vùng nước chùm bầu), ghur ca-nduk (Nghĩa địa vùng Ca-nduk…)”.

Tên họ theo giới: Nữ gắn với từ Muk, Nam gắn với từ  Ja

giải mã nguồn gốc tên họ người chăm xưa & nay – phần 2: tên họ của người chăm thường dân

Tên họ người Chăm theo giới

Bên cạnh tên tộc họ, mỗi người Chăm đều có tên riêng nhưng tên không gắn với như họ tên của người Việt (Kinh). Bằng chứng, tư liệu hoàng gia Chăm vào thế kỷ XVIII bằng chữ Chăm mang kí hiệu P.140 (16b) còn ghi lại nhiều tên riêng, sổ đinh để nộp thế cho triều đình.

Qua tư liệu này cho thấy tên người Chăm chỉ phân theo giới chứ không phân theo họ: giới nữ gắn với từ Muk và giới nam gắn với từ Ja.

Cụ thể tên đàn bà thường mang từ Muk đi trước và sau đó gắn với một tên riêng nào đó như Muk Ni Kaok, Muk Bait, Muk Gin, Muk Tih, Muk Kakam… Và tên nam thường mang từ Ja và sau đó gắn một tên riêng như Ja Tik Kaok, Ja Baok Wa, Ja Tala Akaok, Ja Bay, Ja Tupai, Ja Sin, Ja Praok và Ja Aik Wa…

Ngoài ra, chúng ta còn gặp một số tư liệu sử Việt Nam viết về người Chăm có họ: Ông, Ma, Trà, Chế. Dòng họ này hiện nay còn ở một nhóm người Việt (Kinh) – Chăm ở Huế, Đà Nẵng, Bình Định như Ông Ích K, Ma Văn K, Chế Thị Hồng H, Trà Công T…

Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu đã tra cứu và tìm hiểu nhiều tư liệu trên tất cả bia ký từ thế kỷ II – XIV và tư liệu hoàng gia Chăm (từ thế kỷ XVII – XIX) được lưu giữ từ Pháp và Mã Lai nhưng không thấy họ Chăm gốc nào có tên như trên.

Điều này không có gì ngạc nhiên vì như đã chứng minh trên, người Chăm kể cả vua chúa và thường dân đã không có họ. Thế thì một vấn đề đặt ra ở đây, họ Ôn, Ma, Trà, Chế từ đâu ra?

Họ Ôn, họ Ma, họ Trà, họ Chế, … và những giải thích CHI TIẾT 

giải mã nguồn gốc tên họ người chăm xưa & nay – phần 2: tên họ của người chăm thường dân

Những giải thích chi tiết về các họ Ôn, Trà, Ma, Chế

Nếu căn cứ theo Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Minh Mệnh Chính Yếu ghi ở trên là các dân tộc thiểu số không có họ, chỉ có tên thôi thì họ Ôn, Ma, Trà, Chế không phải là họ của người Chăm như một vài tư liệu Việt Nam sau này hay viết. Mà nó chỉ là những ngôi thứ bậc trong hệ thống gia đình (hệ thống thân tộc) của người Chăm mà người Việt (Kinh) – những người thống kê dân số, ghi số đinh bị nhầm lẫn là họ của người Chăm theo kiểu văn hóa của người Việt (Kinh) sau khi đã bình định xong Champa.

Vì lúc đó, trình độ tiếng Việt của người Chăm ở làng chẳng bao nhiêu cho nên có thể họ không câu hỏi quan lại của quan lại người (Việt) đi làm công tác thống kê ghi tên họ vào sổ đinh mà trả lời bị sai lệch. Cụ thể là:

  • Họ Ôn: gốc từ chữ ong của người Chăm mà ra, có nghĩa là ông nội, ông ngoại.
  • Họ Ma: gốc từ chữ muk của người Chăm nghĩa là bà nội, ông nội hoặc có thể từ amaik: mẹ.
  • Hò Trà: gốc từ chữ Ja của người Chăm để chỉ giới tính nam (có thể dịch là ông, thằng).
  • Họ Chế: gốc từ chữ Cei (chei) của người Chăm có nghĩa là chú hoặc có gốc từ Cri. 

Qua những vấn đề trình bày trên chúng tôi chỉ muốn đưa ra một vài tư liệu và sự suy nghĩ riêng của mình để gợi mở cho hướng nghiên cứu tiếp theo về tên họ của người Chăm, đặc biệt chú ý đến họ Ôn, Ma, Trà, Chế….

Còn tên họ của người Chăm hiện nay ra sao? Dựa theo tư liệu Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, Minh Mệnh Chính Yếu đã nêu trên thì các dân tộc thiểu số ở miền thượng du chỉ có tên mà không có họ, vua Minh Mệnh mới ra lên cho các dân tộc thiểu số lấy họ như người Việt (Kinh). Từ đó người Chăm mang họ như người Kinh (Việt).

Cụ thể sau khi bình định xong người Chăm, Minh Mệnh thứ 17 (1837) xuống chiếu bắt người Chăm phải thay đổi họ, đổi tên và ăn mặc theo kiểu của người Việt (Kinh).

Lúc bấy giờ đàn ông thì mang họ cha để đứng bộ đính theo tổ quán cha, đàn bà thời mang họ mẹ để đứng bộ điền thổ theo chánh quán mẹ, rồi lưu truyền đến nay”.

Từ đó đa số người Chăm mang các họ Việt (thực ra là họ Hán) như: Lượng, Sầm, Thạch, Lưu, Hán, Châu, Phú, Dương, Sử, Thành, Lộ, Trương, …Từ các họ vua chúa người Việt (Kinh) thì không được lấy đặt cho người Chăm như họ Nguyễn, Lê, Lý, Trần, … Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp nào có công lớn với người Việt (Kinh) thì mới được vua chúa, quan lại người Việt ban phước cho lấy họ Nguyễn.

Xác định tên họ theo huyết thống dòng họ Mẹ

giải mã nguồn gốc tên họ người chăm xưa & nay – phần 2: tên họ của người chăm thường dân

Xác định tên họ theo dòng họ mẹ

Khi muốn xác định trên họ truyền thống, người Chăm không bao giờ căn cứ trên họ trong giấy khai sinh như trên mà họ luôn xác định dòng họ theo huyết thống phía bên mẹ (Kut, Ghur) như họ Kur amil appuei (nghĩa địa cây me lửa), Kur phun dandak (nghĩa địa cây Da Đá), Ghur din (nghĩa địa vùng Din), Ghur Cana (nghĩa địa vùng Cà Ná), …

Nếu ai có tên họ Kut, Ghur trùng với nhau là người cùng một tộc họ, cùng huyết thống, không được lấy nhau, lấy nhau là loạn luân  (agam). Còn họ người Chăm sử dụng trong khai sinh, giấy tờ theo họ của người Việt hiện nay là vô nghĩa xét về mặt huyết thống mà chỉ để thuận tiện trong việc giao dịch dân sự trong hệ thống hành chính hiện hành của Việt Nam ngày nay mà thôi.

Nói chung, tất cả những trên đất, tên vùng, tên họ của người Chăm kể cả vua chúa, bình dân đều bị mất, một phần do hậu quả chiến tranh phong kiến để lại, một phần do việc tự đặc hoặc dịch sang tiếng Hán, tiếng Việt một cách tùy tiện trong chính sách đồng hóa thời phong kiến để lại, ví dụ như thời Minh Mạng (1837).

Hậu quả của chính sách này đến nay vẫn còn gây khó khăn trong việc xác định tên gọi dân tộc, địa danh, tên đất, tên vùng và cả vấn đề xác định nhân thân cho các tộc người thiểu số về sau. Cụ thể liên quan đến tên họ Chăm có một số trường hợp sau đây mà chúng ta cần lưu ý.

  • Một số tư liệu Trung Hoa, Việt Nam thường ghi và phiên âm từ biệt hiệu của vua Chăm là Sri/Cri thành Chế, rồi sau đó hiểu như kiểu văn hóa người Trung Hoa và người Việt cho rằng Chế là một họ. 

Thực ra từ Sri/Cri (Chế) như giải thích ở phần trên đối với người Chăm chỉ là một biệt hiệu, chứ không phải là một họ. Đây là điều nhầm lẫn đáng tiếc trong lịch sử Trung Hoa và Đại Việt.

Ngày nay các dòng họ vua chúa người Chăm không còn nữa nên không ai nối dòng để lấy tên biệt hiệu của vua Chăm. Tuy nhiên, một số người Chăm do ảnh hưởng văn hóa Việt và một phần vì lòng ngưỡng mộ vua chúa Chăm như Jaya, Sri/Cri (Chế), Po, … để đặt tên hoặc bút danh của riêng mình như Jaya Mata Harei, Chế Linh, Musa Po Romé, Hansan Po Klaong, v.v nhưng họ cứ tưởng rằng đó là họ của người Chăm].

  • Một số trường hợp khác, do muốn khẳng định sắc tố Chăm của mình, nên bên cạnh tên chính thức bằng tiếng Việt trong khai sinh, một số người Chăm còn lấy thêm Chăm như Inrasara, Cahya, Mưlang, Yami, Sakaya, Ariya, Anakhan. 

Tuy nhiên một số người Chăm khác là nhà thơ, nhà văn, nhà biên soạn chữ nghĩa nhưng vì vô tình, cố ý hay chưa hiểu hết ý nghĩa của từ vựng Chăm mà họ đã dùng nhiều từ Chăm kiêng kỵ, báo hiệu những điều không tốt lành để đặt tên cho cuốn sách hoặc bút hiệu của họ.

Chẳng hạn: Tập san Tagalau 6 mang tên Kraung Dung (tên một dòng sông tử biệt, hay còn gọi là dòng sông chết) trong bài đồng dao Chăm Ja Laow, Ja Lai, bút danh Kayamưh: nghĩa là chết, tận số, linh cữu, xác chết. Bút danh Jalan Riya: đường cái lớn (đường cho người đi xe, xa chạy, trâu bò đi, ….).

  • Một số trường hợp khác thì lấy tên của mình đầy đủ như tên họ của người Việt (Kinh) như Thành P, Phú Văn H, Bá Trung P, Phú T, …v.v. 

Những người này nếu về sau nổi tiếng thành những doanh nhân trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, dân tộc học, văn chương được Việt Nam ghi vào sử sách, thì khoảng một năm sau nếu ai đó đọc sử ấy gặp tên Thành P, Phú Văn H, Bá Trung P, Phú T thì không ai biết họ là người dân tộc Chăm, vì họ đang mang tên họ của người Việt (Kinh).

  • Một số trường hợp người Chăm Hồi Giáo thường lấy tên họ liên quan đến các vị thánh Hồi giáo (tên thánh) như Fatimah, Ali, Abduloh, Suluman, Jamilah… Đây là những tên thánh mà người Chăm Hồi Giáo rất ưa thích với tên của mình. 

Nhưng khi làm giấy tờ, khai sinh, sổ hộ khẩu gia đình, chính quyền địa phương phiên âm tên họ của họ sang tiếng Việt một cách tùy tiện, mất thẩm mỹ khi có xúc phạm đến họ. Ví dụ, ông Abduloh chính quyền tùy tiện và phiên âm tên họ của họ sang tiếng Việt và tự đặt tên cho họ là “Chòm Ló” để viết trong giấy tờ hành chính; Abubakar viết là Chàm Cơ, Fatimah viết là Chàm Má, …

Thậm chí có tên người Chăm được chính quyền tự tiện viết tắt, rút ngắn đến mức chỉ còn một mẫu tự như Chàm S, Chàm Y, Thi A, … thay vì viết đúng tên của họ như Asari, Safiy, Rafiah, …, Thậm chí các tên như Asari, Illas, Atikah, … được chính quyền viết lại thành Chàm Tôn, Chàm Ếch, Chàm Dế, Chàm Cá, …

Khi mới nghe chúng ta nghe dễ hiểu lầm nguồn gốc của họ tên này bắt nguồn từ một số loại vật trong khi đó tên họ là những tên thánh có ý nghĩa linh thiêng.

Nguồn: “Văn hóa Chăm – Nghiên cứu và phê bình”, Sakaya (Trương Văn Món), Nxb Phụ Nữ.

Đăng bởi: Văn Sỹ Lê

YOLO! Khám phá các huyện ở Ninh Thuận

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก