Thế Giới

Làng Tự do - nơi phân cách hai miền bán đảo Triều Tiên

Bên trong Khu phi quân sự phân cách hai miền bán đảo Triều Tiên, có một ngôi làng nhỏ chỉ có vỏn vẹn 207 cư dân Hàn Quốc sinh sống. Họ chấp nhận cuộc sống bị hạn chế về nhiều mặt, luôn đặt trong tình trạng an ninh cao độ. Đó là làng Tự do - nơi được xem là khu vực “đáng sợ nhất Trái Đất”. 

Ngôi làng ở vùng biên giới đáng sợ nhất thế giới

Nơi kẹt giữa “họng pháo” hai miền bán đảo Triều Tiên

Làng Tự do, hay còn gọi là Taesung hay Daeseong-dong, là nơi duy nhất có dân thường Hàn Quốc sinh sống. Làng Tự do Taesung là một ngôi làng nhỏ ở Hàn Quốc và rất gần biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Sự an toàn của dân làng Taesung là điều tối quan trọng vì lính Bắc Triều Tiên có thể và đã từng vượt qua biên giới.

Làng Tự do, làng Taesung, Taesung, làng tự do
Ngôi làng Tự do Taesung sát vách Triều Tiên (Ảnh: Getty)

Làng Taesung và làng Kijong-dong nằm bên lãnh thổ Triều Tiên là hai ngôi làng duy nhất được phép tồn tại trong Khu vực phi quân sự sau khi Hiệp định ngừng bắn 1953 được ký kết. Bất kỳ ai tìm cách vượt qua giới tuyến DMZ sẽ châm ngòi một cuộc đấu súng giữa lực lượng hai bên.

Làng Tự do Taesung thuộc xã Josan-ri, huyện Gunnae, thành phố Paju, tỉnh Gyeongi. Đây là nơi cư trú dân sự duy nhất trong khu vực phía nam của DMZ. Chỉ những người dân đã từng sống ở làng trước khi Chiến tranh Triều Tiên nổ ra hoặc con cháu của họ mới được phép chuyển đến sinh sống ở làng. Ở đây sự phân chia của Bán đảo Triều Tiên rất rõ ràng: đó là những lá cờ quốc gia đối địch trên những cột cờ khổng lồ được dựng lên ở hai ngôi làng.

Cư dân của làng Tự do được xem là công dân Hàn Quốc và chịu sự điều chỉnh của luật pháp Hàn Quốc. Cư dân trong làng có một số đặc quyền đi kèm với các hạn chế mà không nơi nào trên lãnh thổ Hàn Quốc có được.

Họ có quyền được bỏ phiếu và hưởng chế độ giáo dục như những vùng khác nhưng được miễn nghĩa vụ quân sự và thuế. Đó là những “phần thưởng” để dân làng tiếp tục bám trụ tại nơi được cho là giới tuyến vũ trang dày đặc và đáng sợ nhất thế giới với bãi mìn, hàng rào kẽm gai, công sự chống tăng và hàng loạt binh đoàn đối mặt nhau luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên dân làng cũng chịu một số hạn chế như khách đến thăm làng phải đăng ký trước tối thiểu 2 tuần, và giờ giới nghiêm là 23 giờ.

Làng Tự do, làng Taesung, Taesung, làng tự do
Làng Taesung được gọi là “nơi đáng sợ nhất trên Trái đất” (Ảnh: Businessinsider)

Hoạt động kinh tế chủ đạo của làng Tự do là nông nghiệp. Các bao gạo được in nhãn hiệu DMZ. Các cư dân trong làng cũng được cấp nhiều mảnh đất lớn và nhiều hộ dân ở đây thuộc nhóm những nông dân có thu nhập cao nhất Hàn Quốc.

Làng Tự do Taesung có một trường tiểu học nhỏ cùng tên với làng, từng được lên kế hoạch đóng cửa do thay đổi nhân khẩu học của làng. Hiện nay có tổng cộng ba mươi học sinh theo học.

Làng Tự do cũng là nơi sự kiện “Cuộc chiến cột cờ” diễn ra. Đó là trong thập niên 80, chính quyền Hàn Quốc cho xây dựng một cột cờ cao 98,4m ở Taesung và treo lá cờ Hàn Quốc nặng 130 kilôgam. Chính quyền Triều Tiên đáp trả bằng cách xây dựng cột cờ Bàn Môn Điếm cao 160m tại làng Kijong-dong với lá cờ Triều Tiên nặng 270 kg tung bay cách đường biên giới chỉ 1,2 km. Và nó là một trong những cột cờ cao nhất thế giới.

Hồi cuối năm 2019, dân làng Tự do bắt đầu nhận thêm một số ưu đãi mới cho việc chấp nhận sống trước họng pháo. Đó là họ được nhà mạng điện thoại di động hàng đầu Hàn Quốc KT Corp lắp đặt mạng 5G tốc độ siêu cao tại Taesung, biến làng thành một trong những khu dân cư đầu tiên của Hàn Quốc được lắp đặt mạng không dây thế hệ mới nhất.

Làng Tự do, làng Taesung, Taesung, làng tự do
Phụ nữ ở Taesung tập yoga qua video nhờ có mạng 5G (Ảnh: Reuters)

Mạng 5G giúp giảm bớt các hạn chế trong cuộc sống người dân sống tại DMZ. Trước đây, mỗi khi cần đến hồ trữ nước cách làng hơn 1,5km để mở máy bơm, người dân phải nhờ binh lính hộ tống. Giờ đây, họ có thể thực hiện thao tác này từ xa thông qua một ứng dụng trên điện thoại thông minh, ứng dụng cũng điều khiển luôn hệ thống vòi phun nước trong các ruộng đậu.

Công nghệ viễn thông giúp phụ nữ trong làng xem hướng dẫn tập yoga trực tuyến tại trung tâm cộng đồng. Trẻ em có thể trải nghiệm trò chơi tương tác trên mạng. Những điều này vô cùng quan trọng để giữ cho ngôi làng tiếp tục tồn tại.

Cuộc sống thấp thỏm giữa hai phòng tuyến

Người dân làng Taesung đã chứng kiến nhiều giai đoạn căng thẳng giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Nhiều thập kỷ trước, nơi đây thường xuyên xảy ra các tai nạn như dân làng đạp phải mìn còn sót lại sau chiến tranh, hoặc bị quân nhân Triều Tiên bắt cóc. Khi căng thẳng lên cao, quân đội Hàn Quốc phải liên tục sơ tán người dân từ ruộng đồng xuống các hầm ngầm trú ẩn.

Suốt nhiều thế kỷ trước cuộc chiến, dân làng Taesung và Kijong là láng giềng thân thiết, nhiều người tại làng này có họ hàng sinh sống ở làng kia. Tuy nhiên, sau lệnh ngưng bắn năm 1953, mọi liên lạc giữa hai bên bị cắt đứt và nghiêm cấm. Vì thế nhiều người cao tuổi ở làng Taesung không cách nào biết được người thân ruột thịt của mình ở làng Kijong còn sống hay đã mất, dù họ chỉ cách nhau hơn 1,5 km.

Làng Tự do, làng Taesung, Taesung, làng tự do
Toàn cảnh làng Tự do Taesung (Ảnh: USA Today)

Trong giai đoạn hậu chiến, hai ngôi làng trong DMZ là quân tốt cho cuộc chiến tuyên truyền giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Chính phủ hai miền đầu tư xây dựng Taesung và Kijong như một cách để cạnh tranh hệ thống chính trị.

Theo Hàn Quốc, làng Kijong của Triều Tiên giờ đây không còn nhiều người sinh sống. Trong khi đó, chính quyền Hàn Quốc những năm qua vẫn quyết tâm thuyết phục người dân ở lại Taesung. Điều này cũng không hề dễ dàng vì họ phải đánh đổi tự do và nhiều dịch vụ tiện ích mà phần lớn người dân Hàn Quốc xem là hiển nhiên phải có.

Những ruộng lúa làng Tự do cách đường phân cách liên Triều chưa tới 400 m. Người dân đi làm đồng luôn được giám sát bởi quân đội. Họ quen sống với lệnh giới nghiêm từ giữa khuya đến khi mặt trời mọc. Nhân viên an ninh mỗi đêm lại gõ cửa từng nhà điểm danh.

Với những người đã đi du lịch Hàn Quốc đều công nhận làng Taesung là một vùng đất tách biệt với thế giới và “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Khi ôtô đi vào khu vực giới nghiêm, bản đồ định hướng của phương tiện lập tức thành màn hình trống, trắng xóa. Mọi người khách đến thăm làng đều được quân nhân hộ tống không rời nửa bước.

Làng Tự do, làng Taesung, Taesung, làng tự do
Trẻ em chơi game thực tế ảo nhờ công nghệ 5G hỗ trợ ở trường tiểu học Taesung (Ảnh: Reuters)

Mỗi ngày chỉ có 4 lượt xe buýt đi vào làng Tự do. Ở Taesung không có phòng tập thể thao, bệnh viện, siêu thị hay nhà hàng. Nếu ai đó trong làng muốn đặt món ăn tại nhà hàng, người giao hàng chỉ được phép mang đồ đến trạm kiểm soát quân sự nằm ngoài cùng DMZ, sau đó người trong làng phải ra tận trạm kiểm soát để mang đồ về nhà.

Làng Taesung ngày nay có bề ngoài giống như bao ngôi làng khác ở Hàn Quốc, với những cánh đồng lúa vàng óng trải rộng giữa nắng thu. Tương tự nhiều vùng thôn quê ở Hàn Quốc nhiều thập kỷ qua, thanh niên trẻ tuổi ở Taesung thường rời làng vào thành phố lớn tìm kiếm cuộc sống tiện nghi hơn.

Khi mà các nỗ lực ngoại giao hòa bình đang có tiến triển tốt, đã giúp giảm bớt căng thẳng dọc biên giới, người dân ở làng Tự do đều có ước mong hòa bình lâu dài sẽ thực sự đến với bán đảo Triều Tiên và họ có thể thoát được cách sống “đặc biệt” này./.

Nguyễn Ngân

Đăng bởi: Nguyễn Văn Thường

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก