• #nepaltrekking

    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking
    #nepaltrekking

    #nepaltrekking #annapurnabasecamp

    NEPAL TREKKING ABC (7N), KATHMANDU & POKHARA (6N) – 22 TRIỆU!!

    Xin chào cả nhà, nhóm mình vừa có một chuyến trekking Annapurna Base Camp (ABC) và ăn chơi ở Kathmandu, Pokhara thuận buồm xuôi gió, cực kỳ hài lòng với chi phí 22 triệu cho tổng cộng 13 ngày (Lúc đầu nhóm dự trù khoảng 25 triệu tuy nhiên thực tế lại tiết kiệm được kha khá).

    Thời điểm nhóm mình đi ABC là 2 tuần sau khi Nepal chính thức không cho phép solo trekkers, tức là cần phải có guide/porter đi cùng (1/4/2023). Hi vọng review này (hơi dài, cả đời mình chưa bao giờ viết cái review dài như thế) sẽ hữu ích cho các bạn có ý định trekking cung ABC trong thời gian tới. Thanks Admin duyệt bài 😉

    1. THỜI GIAN VÀ CHI PHÍ

    – 15/4 – 30/4 (Tổng 16 ngày tính door to door), trong đó bao gồm Trekking ABC 7 ngày từ Pokhara và 6 ngày ăn chơi, thăm quan ở Kathmandu và Pokhara.

    – Tổng chi phí 22 triệu (935$), trong đó bao gồm 495$ cho vé máy bay, visa, bảo hiểm du lịch; 390$ cho cả gói 13 ngày trekking ABC, tip guide và ăn chơi ở KTM, PKR.

    – Nhóm gồm 2 nữ (Thể lực trung bình, đã leo núi ở Việt Nam nhưng không thường xuyên chơi môn thể thao nào). Guide có kinh nghiệm, chu đáo nhiệt tình và kiêm luôn porter cho nhóm (không nhiều đồ).

    2. LỊCH TRÌNH CHI TIẾT (ĐIỀU CHỈNH THEO THỜI TIẾT THỰC TẾ)

    ABC trek (7N): Pokhara – Jhinu – Himalaya – MBC – ABC – MBC – Sinuwa – Chhomrong – Ghandruk

    – 15/4: Bay HN – New Delhi (Vietjet, chuyến tối, tới ND làm xong các thủ tục nhập cảnh, hành lý khoảng 11h đêm, nghỉ đêm ở Visitor Lounge, Terminal 3, rộng rãi, yên tĩnh, có thể dùng túi ngủ)

    – 16/4: Bay New Delhi – Kathmandu (Air India, chuyến 7h sáng. Terminal 3, check in từ 4h sáng). Trưa tới Kathmandu, check in hotel ở Thamel, thăm thú quanh khu Thamel, chợ địa phương, đổi tiền các thứ. 7h tối đi night bus tới Pokhara

    – 17/4: 5h sáng tới Pokhara, check in hotel khu Lake side (Phewa Lake). Nghỉ ngơi buổi sáng, buổi chiều đi chơi loanh quanh, ngắm hoàng hôn Phewa Lake. Buổi tối gặp Guide phổ biến các thông tin cho chuyến ABC và pack đồ.

    – 18/4: 7.30 sáng xe jeep đón chở tới Jhinu, bắt đầu trek từ đây. Chiều tới Lower Sinuwa. Nhóm chọn trek từ Jhinu vì không có nhu cầu hot spring lúc về cộng thêm muốn tiết kiệm sức. Trời mát mẻ nhưng hơi mù. Cung trek bắt đầu từ cây cầu dây dài gần 300m, đi qua các làng địa phương, nhẹ nhàng yên ả.

    – 19/4: Lower Sinuwa – Bamboo – Himalaya. Buổi chiều bắt đầu mưa nhỏ, rồi mưa đá dữ dội khi còn khoảng gần 1 tiếng nữa thì tới teahouse ở Himalaya. Cung trek có rất nhiều cây đỗ quyên. Những đoạn đi trong rừng thì không có gì đặc biệt, same same rừng các cung Tả Liên, Pu ta leng nhưng version đường to hơn, không dốc. Trên đường bắt đầu lác đác thấy view núi tuyết xa xa.

    – 20/4: Himalaya – Deurali – MBC. Tới MBC khoảng 1h chiều, đến 3h chiều bắt đầu lại mưa đá nhỏ. Từ đây cung trek (với mình) bắt đầu có sự khác biệt, đoạn từ Himalaya tới Deurali tầm nhìn vẫn chưa thoáng lắm nhưng từ Deurali – MBC rất đẹp, nhưng cũng nguy hiểm vì là khu vực có nguy cơ tuyết lở cao.

    – 21/4: MBC – ABC – MBC: 5.30 sáng nhóm trek lên ABC thì trời bắt đầu tuyết rơi. Tuyết rơi càng lúc càng nhiều, tới khi trở về MBC thì tuyết đã dày gần 40cm. Do tuyết rơi nhiều, nguy cơ tuyết lở trên đường xuống Deurali cao nên Guide quyết định không xuống núi ngay hôm này.

    – 22/4: MBC – Deurali – Upper Sinuwa. Mặc dù tuyết rơi cả ngày hôm trước nhưng đêm ngừng, buổi sáng nhóm phải xuất phát sớm để trek xuống Deurali. Trời trong, bình minh núi tuyết rực rỡ. Trên đường có một vài đoạn tuyết vẫn lở. Buổi chiều trên đường xuống Bamboo trời lại mưa nhỏ, lúc mưa lúc nắng đan xen.

    – 23/4: Upper Sinuwa – Kimrong: Ban đầu định trek tới Grandruk nhưng sau khi ăn trưa ở Kimrong trời mưa tầm tã, sấm chớp ầm ầm, ngại đi nên ở lại Kimrong chill chill luôn.

    – 24/4: Kimrong – Ghandruk – Pokhara. Kimrong và Ghandruk đều là 2 làng đẹp.

    – Tổng kết 7 ngày trek ABC thì trời không mù thì mưa đá, không mưa đá thì mưa tuyết tuy nhiên được cái không ảnh hưởng lắm tới chuyến đi. Những lúc mưa rào, mưa đá đều rơi vào những đoạn trek trong rừng hoặc gần tới các điểm nghỉ. Trải nghiệm trek trong tuyết ở ABC và MBC cực kỳ thú vị. Hôm về Chhomrong trời nắng đẹp. Kể cả khi ngồi trong teahouse ở Kimrong ngắm mưa cảm giác rất yên bình. Trong 7 ngày nhóm mình được trải nghiệm đa dạng thời tiết, cảnh quan, mãn nguyện hết sức

    – 25 – 29/4: Ăn chơi, thăm quan ở Pokhara, quay lại Kathmandu (night bus), ăn chơi tiếp ở Kathmandu sau đó bay qua New Delhi chơi một ngày trước khi về HN.

    3. CÁC KINH NGHIỆM KHÁC

    Lựa chọn thời điểm trek: Mùa cao điểm trekking ở Nepal là mùa thu (Tháng 10-11), thời tiết ổn định, khô ráo, trời trong xanh đảm bảo những tấm hình pờ phẹc, núi tuyết trắng trên nền trời trong xanh, còn tháng 4 cuối mùa xuân tuy không sánh bằng mùa thu nhưng vẫn có nhiều điểm cộng: giá rổ rẻ hơn, trời vẫn mát mẻ, không quá lạnh, ngắm hoa đỗ quyên, mưa nắng hên xui, khả năng cao gặp tuyết/băng, vào ngày trời đẹp thì vẫn pờ phẹc như đi mùa thu. Thấy các bác Nepal bảo mùa mưa thường từ giữa tháng 5 tới tháng 7-8 thì không trek thôi còn lại ai thích đi mùa nào cũng được cả.

    Độ dài và cung trek: Không tính tới yếu tố thời tiết, di chuyển tới Pokhara thì tùy thể lực và độ rong chơi của bạn mà chọn trek ABC trong vòng bao nhiêu ngày. Thường thì mọi người hay trek từ Ghandruk sau đó chiều về thì đi hướng Jhinu (tăm suối nước nóng) hết tầm 5-6 ngày. Như nhóm mình thể lực trung bình với thời tiết 2 ngày mưa gió tuyết lở nên mất 7 ngày. Các bạn Nepal gặp trên đường có bạn đi như bay bảo tao mất chưa tới 4 ngày Xe Jeep chở tới Kimche (trek lên Ghandruk) hoặc Jhinu, đường kiểu offroad Nhìu Cồ San version đường to hơn, đá to hơn và bụi giăng trắng lối. Đoạn offroad đi Jhinu thì dài và phê hơn Kimche, cứ thả lỏng người coi như đi mát xa

    Đồ ăn: Mạn ABC từ Sinuwa đi lên chỉ có đồ chay. Menu của các teahouse 99% là giống nhau, giá càng lên cao càng tăng lên một chút. Giá mùa cao điểm (mùa thu) sẽ cao hơn các mùa còn lại. Như đợt nhóm mình đi, tháng 4, giá các món dao động từ 350 – 1000 rupee. Ai mang theo đồ ăn thêm thì lưu ý các sản phẩm từ thịt lợn, nếu có dùng cũng không nên quá lộ liễu vì ở các vùng này người địa phương coi lợn/các sản phẩm từ lợn là điềm gở, người ta thấy người ta không vui, không vui thì không giảm tiền ở cho. Các set ăn đa phần khá lớn, ăn thoải mái no nê. Nếu thấy ăn không hết nổi thì share cho bác Guide ăn đỡ, vừa đỡ lãng phí đồ ăn, vừa tiết kiệm tiền ăn cho bác.

    Nước uống: Khác với bên mạn EBC, bên ABC không dùng nước đóng chai dùng 1 lần mà chỉ có nước lọc bán ở các teahouse trên đường. Giá khoảng 130-200 rupee/1 lít. Nếu muốn tiết kiệm khoản này thì bạn có thể mang đủ bình để chứa nước tự lọc bằng aqua tab, hoặc mang theo 1-2 chai nhựa mua ở Pokhara để dùng chứa nước tự lọc. (1 hộp Aqua tab 50 viên bán ở KTM/PKR giá 250 rupee, mỗi viên lọc được 1 lít nước).

    Nghỉ đêm ở teahouse: Nếu bạn ăn bữa tối, bữa sáng, hoặc nhiều bữa ở teahouse thì khả năng được giảm giá tiền ở cao, thậm chí miễn phí. Trả tiền ở qua Guide thậm chí còn được giá thấp hơn khách trả trực tiếp khá nhiều.

    Đồ dùng: Cái này thì vô cùng, tùy nhu cầu của từng người tuy nhiên như nhóm mình đi 2 người cùng 1 guide kiêm porter nên số cân đồ gửi cũng giảm tối đa để bác guide đỡ vất, 4-5kg đồ/người bao gồm cả đồ dùng và đồ ăn thêm trong suốt chuyến đi. Ở teahouse ấm áp và có thể mượn 2 chăn/người nên không cần mang túi ngủ. Quần áo (quần, áo giữ nhiệt, áo phông, fleece/áo nỉ, down jacket/áo lông vũ, áo gió chống thấm, quần trek), mũ nón đi nắng đi tuyết, tất chân, găng tay chống thấm, áo mưa các kiểu thì mỗi món mang một cái, chỉ có áo phông, quần trek và tất thì mang thêm 1 bộ. Ai sợ lạnh thì mang thêm mấy miếng dán giữ nhiệt. Tính ra 7 ngày mặc dù dính mưa nhưng do quần dạng nhanh khô, đi không ra mồ hôi nhiều nên cũng chẳng cần thay mấy hehe.

    Say độ cao (Altitude Mountain Sickness – AMS): Trong bộ ảnh mình có chụp lại các triệu chứng và lưu ý cho AMS. Kinh nghiệm của mọi người là không nói trước được ai sẽ bị/không bị AMS cho nên bạn nên có sự chuẩn bị. Ngoài việc trước đó vài tháng nên uống hoạt huyết dưỡng não, ăn uống đủ chất thì tới lúc đi có thể dùng thuốc. Diamox không sẵn có ở VN/bán theo đơn nhưng có thể dùng Acetazolamide thay thế (Cái này mua ở VN rất sẵn). Chi tiết hơn về AMS và sử dụng Acetazolamide có thể tham khảo thêm ở đây (https://wwwnc.cdc.gov/travel/yellowbook/2020/noninfectious-health-risks/high-altitude-travel-and-altitude-illness)

    Sạc pin, wifi ở teahouse: Với cung ABC thì ở một số điểm như Sinuwa (Upper and Lower), MBC sạc điện free, còn lại mất phí. Các bạn mang sạc dự phòng có thể tranh thủ sạc thêm ở các điểm này. Lên đoạn nào lạnh quá có thể đi ngủ ôm sạc dự phòng cho ấm, đỡ bị sụt pin. Như mình ngoài chụp ảnh bằng điện thoại thì không dùng làm việc gì khác nên đêm thường tắt nguồn luôn cho tiết kiệm pin. Buổi sáng chả cần để báo thức bằng điện thoại vì sáng ra trời bắt đầu hửng sáng là khoảng 5.30-6h dậy là vừa. Wifi ở teahouse cũng mất phí nhưng gặp được bác guide tốt bụng lén share wifi cho (các Guide đều được dùng wifi free) tuy nhiên mình cũng không có nhu cầu giao tiếp xã hội trong mấy ngày trek nên cũng không cần wifi hehe.

    Tour guide: Mặc dù đường đi được chỉ dẫn rất rõ ràng, tuy nhiên vẫn cần có tour guide có kinh nghiệm để xử lý các tình huống trên đường đi. Đối với cung ABC thì đoạn trek nguy hiểm nhất có lẽ là từ Deurali – MBC vì đoạn này thường xuyên xảy ra tuyết lở (avalanche) mà trekkers như mình mù tịt. Mùa đông 2020 có một nhóm trekkers người Hàn đã bị thiệt mạng do tuyết lở ở đoạn này, trên đường đi có cả bia tưởng niệm. Cung này cũng có trạm cứu hộ do CP Hàn Quốc hỗ trợ. Guide sẽ hướng dẫn đoạn nào cần đi nhanh, cần quan sát hay thậm chí không tiếp tục trek để tránh tuyết lở. Guide hỗ trợ các thứ hậu cần ở teahouse, giúp tiết kiệm chi phí hoặc khi khách bị say độ cao. Nhóm mình cũng may được một bác guide rất pro (là một Sherpa, T.Anh tốt, trên đường đi giải thích giới thiệu nhiều thứ, có hơn 20 năm kinh nghiệm dẫn các kiểu cung trek, hồi trẻ cũng đã từng đi Everest 2 lần).

    Công ty tour:Tiện nhất là liên hệ công ty tour ở Nepal họ lo cho từ A-Z. Nhóm mình liên hệ bên Eagle Eye Treks and Expedition (https://eagleeyetrek.com/) đặt hết các dịch vụ: Đưa đón sân bay 2 chiều, Hotel ở Thamel ở KTM và Lake Side ở PKR cho 6 ngày, Guide ABC trek 7 ngày, night bus 2 chiều, 1 ngày sightseeing ở PKR, các loại giấy phép trekking, xe jeep riêng đưa đón 2 chiều. Mỗi người trả 250$. Tự túc tiền ăn, ở trong 7 ngày trek. (Thực tế tổng tiền ăn, ở, wifi, điện đóm, hot shower cho 7 ngày nhóm mình hết khoảng 115$ (2tr7)/người, trung bình 400k/ngày.

    Đi lại: Vé máy bay: Sau Covid thì có nhiều hãng bay hoạt động trở lại. Từ Việt Nam tới Kathmandu không có chuyến bay thẳng mà phải transit ở Ấn Độ (New Delhi), Thái Lan (BKK), Malaysia (KL) hay Singapore. Nếu không có ý định du lịch thêm ở Ấn Độ thì mình khuyên các bạn không nên transit ở New Delhi vì nơi này rất xô bồ, lộn xộn. Đi từ KTM – PKR có thể bay (mất 25p) giá vé dành cho người nước ngoài khoảng 9000 – 12000 rupee (1tr8 – 2tr5) khứ hồi trong khi vé dành cho người Nepal chỉ khoảng 3000 rupee. Đường bộ tới PKR thời gian này đường đang mở rộng nên đi xóc long óc (có 200km thôi nhưng đi mất gần 10 tiếng, đêm cũng như ngày) nhưng sau khi hoàn thành (khoảng năm 2024) thì đường đẹp, 6 làn xe chạy bon bon. Nếu nhóm đông có thể thuê xe đi ban ngày còn night bus có 2 loại, loại đắt nhất là sofa bus giá 3000 rupee khứ hồi.

    Visa: Đối với người VN thì có thể dùng visa on arrival (VOA) tới Nepal. Khai form trước (http://online.nepalimmigration.gov.np/tourist-visa) sau đó in ra cầm theo tới sân bay KTM đóng tiền (30$ – đổi sẵn tiền mặt vì ở đó không chấp nhận trả thẻ, tốt nhất là đổi đúng 30$ vì nếu đưa tờ to hơn họ trả lại bằng tiền rupee tỉ giá thấp hơn đổi ở Thamel nhiều).

    Điện thoại/Internet: Nhóm mình sử dụng gói Roaming của Viettel (15 ngày, 5GB dùng được 150 nước, trong đó có cả Nepal và Ấn Độ, giá 500k). Gói này tiện ở chỗ chỉ cần đăng ký Roaming ở VN, sang tới nước nào nó tự tìm mạng của nước đó kết nối luôn, khỏi mất công đi đăng ký sim thẻ tháo ra lắp vào phiền phức mà chất lượng 3G/LTE vẫn ổn. Mobifone cũng có nhưng không rõ gói cụ thể thế nào.

    Trước chuyến đi này nhóm mình cũng lê la các hội nhóm, hỏi các bạn đi trước để tham khảo thông tin. Các bạn có hứng thú với ABC nói riêng hay các cung trek ở Nepal nói chung nếu muốn tiết kiệm chi phí mà vẫn đảm bảo chuyến đi an toàn, vui vẻ thì cũng phải dành kha khá thời gian tìm tòi, tham khảo, lựa chọn lộ trình phù hợp (tất nhiên cuối cùng vẫn có thể điều chỉnh cùng với công ty tour và guide). Lúc ở Ghandruk nhóm mình gặp một ca rất ối giời ơi, một em người Mỹ được bạn giới thiệu một công ty tour ở Nepal, đặt cọc 1500$ để được đi ABC, được thấy Himalayas xong đến nơi bị đưa đến Ghandruk, bảo là ABC chẳng có gì đâu, ở Ghandruk này là mày thấy được Himalayas rồi, Himalayas dịch sang tiếng Anh là mountains/núi đó. Trả 1500$ đến Nepal được thấy núi thật hehe.

    Dưới đây là vài shot ảnh của chuyến đi và thông tin về AMS.

    Xem thêm bài có từ khoá:

    ăn trưa,

    leo núi,

    ngắm hoàng hôn,

    pu ta leng,

    ấn độ,

    suối nước nóng,

    nhìu cồ san,

    thái lan,

    malaysia