Điểm Đẹp Trải nghiệm

An Giang: Khai thác giá trị văn hóa Chăm để phát triển du lịch

An Giang không chỉ nổi tiếng với những danh thắng tuyệt đẹp mà còn có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật tôn giáo độc đáo và nét văn hóa đặc sắc của cộng đồng người Chăm. Đây chính là nguồn tài nguyên có thể phát triển nhiều loại hình, sản phẩm du lịch trong thời gian tới.

An Giang: Khai thác giá trị văn hóa Chăm để phát triển du lịch

Theo thống kê, người Chăm ở An Giang có hơn 11.000 người, sinh sống tập trung dọc theo hai bên dòng sông Hậu thuộc các huyện An Phú, Phú Tân và thị xã Tân Châu. Những nơi này có nhiều thánh đường và tiểu thánh đường, trong đó nổi tiếng nhất là thánh đường Mubarak ở thị xã Tân Châu đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Thánh đường Mubarak được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 18, đến nay trải qua 4 lần trùng tu, lần gần nhất vào năm 1965. Những ai đã từng đến các quốc gia vùng Trung Đông, hẳn sẽ cảm nhận thánh đường Mubarak mang phong cách kiến trúc giống các thánh đường ở Trung Đông, bởi sự sang trọng và vẻ đẹp lộng lẫy từ những hoạ tiết tinh tế, lạ mắt. Bên trong thánh đường rộng lớn, thoáng mát được tô điểm bởi tông màu trắng và xanh tôn thêm vẻ trang nghiêm. Nơi đây thường xuyên diễn ra các buổi lễ cầu nguyện và thánh lễ mang đậm nét tôn giáo của người Chăm.

Hàng năm, lễ hội Ramadan của người theo đạo Hồi thường được gọi là “tháng ăn chay”, diễn ra vào tháng 9 Hồi lịch. Việc “nhịn ăn” trong tháng này nhằm mục đích nhắc nhở con người phải biết thương những người nghèo khó, đói khát, chống những cám dỗ vật chất… Vừa chấm dứt tháng chay Ramadan là bước sang đón Tết cổ truyền Roya, là những ngày vui nhất của bà con Chăm. Nhà nào cũng tề tụ đông đủ người thân, không khí ngập tràn hạnh phúc. Bà con Chăm rất thân thiện và hiếu khách.

An Giang: Khai thác giá trị văn hóa Chăm để phát triển du lịch

Thánh Đường Hồi Giáo Mubarak – Điểm đến ấn tượng của An Giang

Sản phẩm dệt thổ cẩm của người Chăm đa dạng về chủng loại, kiểu dáng… rất được du khách ưa chuộng. Nổi bật là làng lụa Châu Giang, một làng lụa nức tiếng xa gần, góp phần quan trọng hình thành trung tâm tơ lụa một thời lớn nhất miền Nam. Từ những lò ươm tơ ở đây hình thành nên con đường tơ lụa huyền thoại ngày trước, đưa những sản phẩm tơ lụa ngày đêm bồng bềnh trên sông nước Cửu Long, len lỏi khắp xứ Nam Kỳ lục tỉnh, lên đến tận Sài Gòn và vượt ra khỏi biên giới quốc gia để đến các nước bạn. Có một thời gian dài, làng dệt lụa Châu Giang tưởng đâu “dẹp tiệm” vì gặp khó trong khâu tiêu thụ. Vào thời điểm khốn khó khi ấy, có quá nửa người làm nghề ở đây bỏ nghề dệt chuyển sang làm công việc khác để mưu sinh. Nhưng rồi, khoảng chục năm trở lại đây, những người làm nghề dệt được hỗ trợ vốn, hỗ trợ đầu ra sản phẩm, làng nghề tưởng chừng thất truyền đã hồi sinh và dần phát triển. Ngày nay du khách mỗi khi đến An Giang rất thích lụa Tân Châu, bởi kỹ thuật dệt và phẩm màu nhuộm được làm bằng những loài hoa cỏ tự nhiên.

An Giang: Khai thác giá trị văn hóa Chăm để phát triển du lịch

Thổ cẩm Châu Giang, nơi những sợi tơ hoá thành nghệ thuật

Ngoài nghề dệt lụa nổi tiếng, bà con người Chăm ở An Giang còn có nghề chế biến món tung lò mò (lạp xưởng bò) cũng nổi tiếng không kém. Món ăn lạ miệng và vô cùng độc đáo này trước đây chỉ được xem là món ăn dân dã trong văn hóa ẩm thực của người Chăm, gần đây dần trở thành đặc sản cộng đồng được nhiều du khách đến An Giang tìm mua về làm quà cho người thân. Tung lò mò là 1 trong 9 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh An Giang, đồng thời cũng là món ngon nằm trong chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” được triển khai mạnh mẽ ở An Giang. Để làm được món “tung lò mò” ngon đúng điệu, thì thịt bò phải lấy thịt bò ngon như đùi, bắp hoặc thịt bò nạc được chăn thả rông. Để thưởng thức món ăn độc đáo này có nhiều cách chế biến, thực khách có thể chọn cách hấp, chiên hoặc nướng. Với nhiều người sành ăn, “tung lò mò” khi được nướng trực tiếp trên bếp than hồng có màu vàng rụm, mùi thơm của nó gia tăng kích thích hương vị độc đáo thêm phần hấp dẫn. Nhưng nếu thưởng thức ngay khi còn bốc khói kèm theo vài cọng húng quế, ngò gai và nước tương… thì mới ngon tuyệt. Ngoài ra, một số món ăn người Chăm thường làm trong dịp Tết là “Ga Pội” (giống như cà ri) với thành phần chính là thịt bò, dầu dừa, dừa, dầu lạc và ớt chín. Món “Pài Pa Gênh” (canh thính) với thành phần chính là thính, cà ri, cà pháo, đu đủ sống, củ cải, cà rốt, trái bứa và ít mắm bò hóc. Món dê nước xiên, mắm cá lòng tong, cơm nị – cà púa… nghe tên có vẻ lạ lẫm nhưng qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ Chăm, những món ăn ấy lôi cuốn vị giác của bao người.

An Giang: Khai thác giá trị văn hóa Chăm để phát triển du lịch

Lạp xưởng bò của người Chăm An Giang

Theo định hướng phát triển du lịch của tỉnh An Giang sẽ tập trung phát triển du lịch theo chiều sâu đối với bốn loại hình du lịch truyền thống: du lịch tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, sông nước; du lịch tham quan các di tích văn hóa lịch sử tại 04 khu du lịch trọng điểm núi Cấm, núi Sam, khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng và khu di tích kiến trúc nghệ thuật Óc Eo. Trong đó riêng đối với tiềm năng văn hóa của người Chăm, ngành Du lịch An Giang tập trung đa dạng hóa các sản phẩm du lịch gắn với đời sống văn hóa đặc sắc như hát dân ca, múa trống Paranưng, kèn Saranai…; nâng cao chất lượng loại hình du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo như lễ hội văn hóa Búng Bình Thiên – Tháng chay Ramadan, Tết Roya Haji của dân tộc Chăm huyện An Phú…; mở rộng, khai thác các tour du lịch tìm hiểu đời sống văn hóa, đặc biệt là các làng nghề truyền thống như chương trình tham quan một số thánh đường gắn với tham quan làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm Châu Phong…

                                                                                Phương Cường

Đăng bởi: Thọ Lê

YOLO! Khám phá các huyện ở An Giang

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก