Chùa

Dấu ấn Phật giáo trong nền văn hóa xứ chùa Vàng

Từ Ấn Độ, Phật giáo đã vượt qua dãy Hymalaya và lan toả ra toàn thế giới. Từ đó, tôn giáo này đã có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nền văn hóa của nhiều quốc gia, trong đó có Thái Lan. Được du nhập vào Thái Lan khoảng năm 241 TCN, tồn tại cùng lịch sử lập quốc của Thái Lan, đến nay Phật giáo có thể coi là quốc giáo của Thái Lan. Vai trò Phật giáo trong nền văn hóa, tín ngưỡng của người dân Thái Lan là vô cùng quan trọng, ngay cả trong hiến pháp vai trò của phật giáo cũng được biểu dương. Chính phủ và người dân Thái Lan vô cùng tôn trọng và tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển.

Với những giá trị nhân văn sâu sắc của mình, Phật giáo trở thành chỗ dựa trong đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận quần chúng. Các chuẩn mực của đạo đức Phật giáo có tác dụng điều chỉnh hành vi, nhân cách con người, ảnh hưởng tích cực đến thái độ – hành động của quần chúng nhân dân. Vì vậy, ngoài những tên gọi như: “Vương quốc của loài voi”; “Vương quốc của nụ cười”; “Vương quốc của sự mê hoặc”… Thái Lan còn được nhiều người biết với những tên gọi mang đậm dấu ấn, màu sắc Phật giáo như: “Vương quốc của những chiếc áo Cà sa”; “Vương quốc của ngàn ngàn ngôi chùa”.

Như vậy có thể khẳng định rằng văn hóa Thái Lan là nền văn hóa mang đậm màu sắc phật giáo.

1. Những ngôi chùa Thái Lan

Thái Lan còn được gọi là “Nước Phật áo vàng” với 95% dân số theo đạo Phật. Và đó cũng là lý do tại sao Thái Lan là quốc gia có tất cả hơn 36.000 ngôi chùa – một con số được coi là rất lớn. Nhà chùa đóng vai trò giữ gìn nề nếp trong xã hội và duy trì nền văn hóa truyền thống của người Thái. Chùa là nơi những đứa trẻ đi học, nơi kết duyên cho những cặp vợ chồng sắp cưới và là nơi hỏa táng người mất. Mỗi đứa trẻ được cha mẹ dắt vào chùa từ lúc 3 tuổi để học đạo lý làm người, để học và tình yêu thương, vị tha và sự nhường nhịn. Người Thái dạy trẻ từ khi tâm hồn chúng còn non nớt là một tờ giấy trắng được thấm nhuần cái thiện cao đẹp. Chính vì thế khi chúng lớn lên làm sao chúng nghĩ và làm điều xấu được?

thái lan, văn hóa thái lan, dấu ấn phật giáo trong nền văn hóa xứ chùa vàng

Là một miền đất có đạo phật rất phát triển nên những ngôi chùa ở đây mang kiểu kiến trúc độc đáo và có phần đặc trưng của văn hóa Thái Lan: những ngôi chùa dát vàng, những ngọn tháp hình xoắn ốc, nghệ thuật chạm trỗ tinh vi,… tất cả tạo nên vẻ rực rỡ lung linh đến sững sờ, thể hiện được phần nào phong cách kiến trúc của người Thái nói chung và kiến trúc chùa Thái nói riêng.

Mặc dù cùng với sự phát triển cũng như thâm nhập của các nền văn hóa khác nhau, nhưng những lối kiến trúc bản địa, lối kiến trúc của nét văn hóa Thái Lan không hề thay đổi, có chăng là sự tu bổ thêm những chi tiết phức tạp khác trên nguyên bản kiến trúc cổ xưa, ngay cả những ngôi chùa được xây mới vào nửa cuối thế kỷ 20 vẫn còn bảo tồn được nghệ thuật cổ điển độc đáo của mình, tạo nên một phong cách kiến trúc Phật giáo rất Thái.

2. Nhà sư Thái Lan luôn được tôn trọng.

Những người nam giới theo đạo Phật đều phải đi tu ít nhất một lần trong đời, người Thái gọi đó là “buatphra” có nghĩa là đi tu cho cha mẹ. Nam giới đến tuổi trưởng thành từ 20 – 21 sẽ vào chùa tu để trả ơn cho cha mẹ, đền đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Họ có thể đi tu 1 tháng, 3 tháng hay một năm. Nếu ai đang đi làm mà hồi trẻ chưa đi tu thì được nghỉ phép để đi tu, sau đó quay lại làm việc tiếp. Người Thái đi tu là họ xuống tóc, mỗi ngày chỉ ăn 1 bữa bằng cách đi khất thực tại nhà dân. Người dân cho gì nhà sư ăn đó bất kể là đồ chay hay đồ mặn.

thái lan, văn hóa thái lan, dấu ấn phật giáo trong nền văn hóa xứ chùa vàng

Đi theo Phật giáo, các thầy tu đất Thái luôn né tránh những người phụ nữ, tránh đụng vào họ và không nhận trực tiếp bất cứ thứ gì từ tay phụ nữ. Vì vậy, khi du lịch Thái Lan, những quý cô nên chú ý và tỏ ra tôn trọng các thầy tu.

Cụ thể, nếu gặp thầy tu trên đường, hãy cố tránh sang một bên nhường đường cho họ, tránh chạm vào các thầy tu khi muốn nhờ giúp đỡ, và khi dâng đồ cúng. Hãy đặt chúng ở phía trước thầy tu hoặc cho vào các túi mà thầy tu thường mang theo để họ có thể tự cầm những món đồ đó. Trong cuộc sống, các thầy tu thường được những người dân xung quanh giúp đỡ trong việc nhận đồ cúng từ phía các quý cô quý bà.

3. Điệu múa Thái mang âm hưởng của phật giáo

Ai đã từng đến Thái Lan mà chưa thưởng thức qua những điệu múa cổ truyền của dân tộc này thì thật là một thiếu sót lớn. Những vũ công xinh đẹp, những điệu múa dịu dàng, đằm thắm và hết sức hấp dẫn…, có rất nhiều thứ để nói về vẻ đẹp của nghệ thuật múa Thái Lan. Múa cổ điển Thái Lan có đến 3 loại và thường được trình diễn, biểu diễn trong những dịp lễ hội khác nhau và hầu đều mang đậm văn hóa Thái Lan.

thái lan, văn hóa thái lan, dấu ấn phật giáo trong nền văn hóa xứ chùa vàng

Trong những điệu múa của Thái Lan thì trang phục và cách trang sức là một yếu tố không thể thiếu để làm nên vẻ đẹp uyển chuyển say đắm lòng người. Những bước chân điêu luyện, hòa cùng điệu nhạc, những vũ công như tiên nữ trong các trang phục lấp lánh, độc đáo, tất cả làm nên một điệu múa Thái hoàn mĩ. Không chỉ có giá trị nghệ thuật cao, múa Thái còn tượng trưng cho tấm lòng thật thà, đôn hậu, mến khách của người dân nơi đây.

4. Chào Wai – Nét văn hóa đặc trưng tạo sự thân thiện.

Điều dễ nhận thấy trong đặc trưng của văn hóa Thái Lan truyền thống đó là cử chỉ chào Wai, một cử chỉ chắp tay như đang cầu nguyện, cùng với một nụ cười ấm áp. Đó chính là một biểu hiện tôn trọng mà ta có thể thấy ở bất cứ đâu trên đất nước Thái Lan.

thái lan, văn hóa thái lan, dấu ấn phật giáo trong nền văn hóa xứ chùa vàng

Chào Wai là một kiểu chào truyền thống có ảnh hưởng từ văn hóa Hindu của Ấn Độ thể hiện sự tôn trọng và tôn kính. Theo đó, hai tay sẽ chắp trước ngực và làm động tác gập nhẹ người, hai tay đưa càng cao càng thể hiện sự tôn kính của bạn.

Điều đặc biệt đáng chú ý là cách chào cũng khác nhau đối với địa vị xã hội, mỗi địa vị xã hội có kiểu chào riêng để phân biệt. Thông thường, người có địa vị xã hội càng cao thì tay càng phải để cao và thời gian vái cũng lâu hơn. Khi chào nhau, người nhỏ tuổi cúi chào thấp hơn người lớn tuổi để thể hiện sự kính trọng.

Đối với khách du lịch, những người không biết về Wai, người Thái vẫn rất lịch sự nếu họ không hiểu về tập tục này. Một cái cúi đầu nhẹ là đủ nếu có ai đó cúi chào Wai đối với du khách. Đối với công việc kinh doanh và gặp mặt các doanh nhân nước ngoài, người Thái lại thường chỉ bắt tay và không Wai theo thông lệ.

5. Tính nhẫn nhịn trong văn hóa Phật giáo của người Thái

Triết lý đạo Phật đã hàn gắn những rạn nứt trong xã hội. Du khách hãy thử tưởng tượng, mình đang đứng giữa một khu chợ và chùa ở trên đất nước Thái Lan. Một nơi là đường đời xôn xao với lối sống ồn ào mang nhiều sắc thái, một nơi là đường đạo trong không gian tĩnh lặng chỉ có những âm thanh vô thường của tiếng cầu kinh. Nhìn qua du khách tưởng chừng sẽ thấy sự đối lập, khác biệt giữa chúng nhưng sâu thẳm bên trong là một sự tương đồng trong tâm mỗi con người dù họ có là ai sống trên đất nước Thái.

thái lan, văn hóa thái lan, dấu ấn phật giáo trong nền văn hóa xứ chùa vàng

Ngay cả khi vào năm 2007, đất nước Thái Lan chịu sự ảnh hưởng của cuộc biểu tình chính quyền giữa phe áo đỏ và áo vàng. Trước tình thế hỗn loạn của một đất nước có nhiều đảng phái, người dân Thái Lan vẫn ôn hòa, bình đẳng. Trong một cuộc biểu tình lớn của phe áo vàng trước khách sạn Siam City tại thủ đô Bangkok, cảnh sát vẫn đứng đó không đàn áp hay bắt bớ. Chủ khách sạn Siam City còn mang nước, bánh trái phục vụ người biểu tình và cảnh sát, sau đó họ chắp tay cúi chào và tiếp tục hô hào theo người cầm loa.

Nhân đây cũng nhắc lại về văn hóa chắp tay cúi đầu của người Thái (còn được gọi là Wai). Wai có nhiều ý nghĩa: là lời chào khi gặp nhau, lời cảm ơn để bày tỏ lòng biết ơn với người khác và còn là hành động xin lỗi chân thành nhất khi ta mắc lỗi với ai đó. “Wai” là để tay trước ngực và cúi đầu hướng về người đối diện, hành động này khá giống với cử chỉ cúi đầu gập người của người Nhật Bản. Thử hỏi đã có bao nhiêu dân tộc biết cúi đầu khi cảm ơn hay xin lỗi ai đó mà không sợ bị cho là hạ mình, thay vì việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

thái lan, văn hóa thái lan, dấu ấn phật giáo trong nền văn hóa xứ chùa vàng

Vào thủ đô Bangkok, vấn đề kẹt xe, tắc đường xảy ra hàng giờ thế nhưng người tham gia giao thông vẫn giữ thái độ bình tĩnh điềm đạm. Thật hiếm khi du khách nghe thấy tiếng còi xe ôtô, xe máy vì họ biết nhường nhịn. Nếu bạn bắt gặp một vụ va chạm giao thông trên đường phố thì bạn sẽ cảm thấy rất khâm phục về cách giải quyết của họ. Điều đầu tiên, ai có lỗi tự động xin lỗi đối phương và hỏi chủ xe có bảo hiểm hay không? Nếu có bảo hiểm họ bắt tay vui mừng chào nhau ra về. Nếu không có bảo hiểm, thì họ chỉ xin số điện thoại rồi đem xe đi sửa. Bao giờ sửa xong, gọi điện chủ xe đến nhận. Tuyệt nhiên sẽ không có những lời nói chửi bới hay gây gổ để đổ lỗi cho ai sai, ai đúng. Đặc biệt cũng không có tình trạng người dân xúm lại xem, đó là nét đẹp về tính nhẫn nhịn trong văn hóa Phật giáo của người Thái.

Người Thái cũng rất coi trọng sự kiềm chế trong tiếp xúc, vì vậy trong việc đàm phán với người Thái, điều kiêng kỵ nhất là hành động bức xúc hay tức giận.

6. Dấu ấn Phật giáo trong phong tục tang ma của Thái Lan

Hiếm có đất nước nào trên thế giới mà hiến pháp lại quy định vua phải là Phật tử như ở Thái Lan. Tại đất nước này, Phật giáo đã ăn sâu bám rễ trong tư tưởng người dân và tác động đến mọi mặt trong đời sống xã hội. Một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng khá đậm nét từ Phật giáo đó là phong tục tang ma của người Thái Lan.

Trong cuộc đời của mỗi người dân Thái Lan, ngay từ khi chào đời đến lúc rời cõi, họ vẫn luôn gắn bó và chịu ảnh hưởng đậm nét bởi tinh thần Phật giáo. Điều này thể hiện ngay trong quan niệm giao đứa trẻ cho nhà sư nuôi trong một giai đoạn nào đó và khi sinh con, cha mẹ thường thỉnh y các vị sư đặt tên cho con mình, vì họ tin rằng tên được chọn từ các thầy tu sẽ vừa đẹp về mặt ngôn ngữ lẫn ý nghĩa.

Khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, chúng phải trải qua Lễ Thọ giới. Đây là nghi thức rất quan trọng và bắt buộc đối với mọi thanh niên Thái, kể cả các bậc vua chúa. Thông thường, họ vào chùa tu tập ba tháng, một năm hoặc ba năm, tùy theo sở thích và ước nguyện của mỗi người. Nhiều bậc cha mẹ muốn con cái của họ được dự Lễ Thọ giới này trước khi lập gia đình hoặc khi bắt đầu một nghề nghiệp chính thức. Vì rằng, buổi lễ này sẽ giúp cho người ấy có được một tâm hồn rộng lớn hơn được kèm với giới luật, những lời phát nguyện trong buổi lễ này sẽ khiến cho người ấy phải trân trọng và gìn giữ suốt một đời người.

Khi đến tuổi kết hôn, trong quan niệm của thiếu nữ Thái dù ở giai cấp nào, các cô bao giờ cũng thích kết hôn với các thanh niên đã tu ở chùa ra. Bởi họ tin rằng, chỉ có những người chồng hiểu biết và thực hành giáo lý Đức Phật ít hay nhiều sau này mới có thể xây dựng được hạnh phúc cho gia đình. Và Phật giáo cũng đóng vai trò quan trọng trong hôn lễ, buổi lễ sẽ giúp cho hai người có một sự kết hợp thiêng liêng trong lễ cưới.

Đến khi mất, lễ tang được xem là nghi lễ rất quan trọng trong đời sống của người dân Thái. Tang lễ được tổ chức tùy theo phong tục của từng địa phương nhưng phần lớn vẫn được áp dụng theo nghi thức Phật giáo.

Thông thường, khi một người đã qua đời, sau nghi thức tắm rửa người ta sẽ quấn vải trắng quanh thi thể (trừ tay để người viếng rảy nước thiêng) và để trong nhà suốt ba đêm đầu tiên. Thi hài được nhập tẩm liệm vào buổi chiều và được trang hoàng với nhiều vòng hoa tươi xung quanh quan tài. Ngay đêm đầu tiên, các nhà sư và bạn bè thay phiên nhau tụng kinh cầu siêu ở nhà, đồng thời hàng xóm tới thăm không quên mang theo tiền gạo để đỡ cho gia chủ. Đến buổi chiều ngày thứ hai, các sư lại đến tụng kinh để cầu cho linh hồn sớm siêu thoát.

Đối với hình thức hoả táng thì vào sáng ngày thứ ba, gia chủ sẽ dựng giàn thiêu. Đến trưa gia đình sẽ mang thức ăn tới chùa dâng sư, sau khi dùng bữa xong các sư sẽ tới tiến hành nghi lễ cuối cùng tại nhà.

Để hồn khỏi nhớ đường về nhà quấy quả, người Thái có tục đưa quan tài qua cửa sổ hay một lối vừa mở qua vách tường hoặc khênh qua cửa chính nhưng các bậc thang được trải lá chuối để đánh lừa hồn, tránh việc hồn nhớ đường quay về.

Trong lễ đưa tiễn, các nhà sư là những người dẫn đầu đám tang. Các tiểu đi theo nắm tay vào sợi dây thiêng buộc cáng đặt quan tài. Dàn thiêu ở một khu đất hoang có dáng kim tự tháp ngược. Người ta bổ dừa non lấy nước tưới lên vùng đất gần chỗ đặt quan tài để cầu cho linh hồn được tái sinh nơi mảnh đất màu mỡ, đủ nước sinh hoạt và trồng trọt. Khi tụng kinh, các sư đẩy dần những mảnh vải buộc sẵn vào sợi dây thiêng đặt dưới chân quan tài xuống đất. Phật dạy rằng: Sư phải mặc quần áo may từ vải liệm người chết lấy từ nghĩa địa. Vì vậy, trong đám tang, các nhà sư thường nhặt vải cùng dây thiêng về, trong đó, vải dùng may quần áo và sợi dây thiêng sẽ được gia công thành bấc nến.

Trước lúc hoả táng, khi các sư tụng kinh, người ta thường vỗ nhẹ vào quan tài để nhắc hồn hãy chú ý nghe các sư tụng lời Phật dạy. Tụng kinh xong, sư về nhà. Những người tham gia đám tang châm những ngọn lửa nhỏ từ ngọn lửa gần đó và tới đốt giàn thiêu. Khi giàn thiêu bốc lửa, khoảng 10 người ở lại còn tất cả về nhà dự lễ Sankaba do các nhà sư chủ trì. Khi tụng kinh, các sư ngồi quanh bát nước nóng chứa một thứ đậu chưa khô đã dầm nát. Tiếp sau bài sankaba, các sư tụng một đoạn kinh Pali rồi về chùa. Người ở lại thường lấy cành lá nhúng vào bát đó, vẩy khắp nhà, rửa tay, vuốt lên đầu và rửa mặt để tẩy uế.

Trước đây, sau vài ngày sẽ có một vị sư cùng người nhà thu nhặt hài cốt về và tiến hành một nghi lễ ngắn. Ngày nay, sau lễ hỏa táng, tro cốt của người mất được thu nhặt lại, một ít được đặt vào bình đựng cốt, thờ tại nhà hoặc chùa và phần còn lại được rải xuống biển hay được ném vào trong gió, biểu hiện việc làm lợi ích cho môi trường xung quanh.

Ngày thứ tư sau khi chết, các nhà sư lại được mời tới nhà tiến hành nghi lễ ban phúc cho gia đình, họ hàng lối xóm cũng mang đồ ăn, cau, thuốc, hương, nến… đến cúng dường trai tăng để hồi hướng công đức siêu độ vong linh.

Riêng hình thức địa táng chỉ được tiến hành đối với những gia đình quá nghèo không có tiền làm tang ma và những người chết do dịch bệnh, chết bất đắc kì tử và phụ nữ chết lúc đang mang thai vì họ quan niệm đây là những cái chết do ác ma gây ra. Với hình thức địa táng thì vào ngày thứ tư các sư không tới nhà tụng kinh nhưng người nhà vẫn phải mang thức ăn tới chùa.

Mỗi năm đến ngày giỗ của người mất, các sư và bè bạn được mời đến nhà để tụng kinh siêu độ, ban phúc lành lên tro cốt của người mất và trong dịp này những lễ cúng dường cho nhà sư được tổ chức để tạo phước duyên cho người quá cố.

Có thể thấy rằng, hầu như trong tất cả các công đoạn của một lễ tang của người Thái đều có sự tham gia của các sư, đây là nét đặc biệt trong phong tục văn hoá người Thái, khác với quan niệm của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam cũng có nhà sư tham gia của trong tang lễ của các gia đình theo đạo Phật nhưng tính chất phổ biến và hình thức lại có nhiều điểm khác biệt so với Thái Lan. Có cảm giác như đối với mỗi người dân Thái Lan, Phật giáo đã trở thành một phần máu thịt, không thể tách rời. Vì vậy, nếu ai đó có tham vọng bóc tách rạch ròi giữa Phật giáo và văn hoá ở Thái Lan sẽ rất khó khăn, vì trên đất nước xinh đẹp này Phật giáo là văn hoá và văn hoá là Phật giáo.

Đăng bởi: Nguyễn Văn Tin

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก