Điểm Đẹp Trải nghiệm

Đến ngôi làng có phiên bản cây cầu ngói ở Hội An

Ở Hà Nội, có một cây cầu được “mệnh danh” là phiên bản chùa Cầu ở Hội An. Đó là cầu ngói ở làng Bình Vọng, xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Tp. Hà Nội, một cây cầu hội tụ nhiều trầm tích văn hóa của vùng đồng bằng Bắc Bộ.

Đến ngôi làng có phiên bản cây cầu ngói ở Hội An

Các mố cầu đều được điêu khắc hình đầu rồng

Là một ngôi làng cổ, vì vậy mà Bình Vọng lưu giữ nhiều di vật quý, tiêu biểu như tấm bia “Bình Vọng xã đình bi” được tạo năm Vĩnh Tộ thứ ba (năm 1613) ghi rõ 6 điều lệ làng sẽ xử người phạm tội trộm cắp, nói tục, cố ý gây thù kết oán… Ngoài ra, bia khắc năm Phúc Thái thứ 4 (năm 1646) nêu rõ quy ước của làng về ruộng đất “Ai cậy quyền thế lấn chiếm đất công sẽ bị xử tội, ai trốn chạy thì bắt anh em thay thế và tịch thu ruộng đất hoặc phạt 100 quan tiền”. Bia tạc năm Khánh Đức thứ hai (năm 1650) kể về bà đồng Nguyễn Thị Ngọc Vĩnh giỏi tiên tri, được Chúa Trịnh phong tước hầu, lại cấp cho 92 mẫu 3 sào đất. Trước khi mất, bà đã hiến cho làng số ruộng đó và mua thêm 21 mẫu ruộng tư cho làng phụng thờ tế tự…

Đến ngôi làng có phiên bản cây cầu ngói ở Hội An

Cầu nhìn từ phía Tây phản chiếu bóng dưới mặt nước trong vắt

Đình Bình Vọng có một cái ao rất lớn, xung quanh rất nhiều cây cổ thụ rợp bóng mát. Đình có một cây cầu bắc qua ao có kiến trúc độc đáo, đặc trưng cho làng quê Bắc Bộ. Cây cầu không có tư liệu chính thức ghi rõ năm xây dựng nhưng theo các cụ cao niên trong làng thì có lẽ vào thời nhà Lê, thế kỷ XVI. Năm 1940, do ảnh hưởng của chiến tranh nên cầu bị hư hại nặng, đến năm 2000 thì được tu sửa lại theo đúng phong cách cũ.

Đến ngôi làng có phiên bản cây cầu ngói ở Hội An

Các đầu đao được điêu khắc chi tiết như trong đình

Cây cầu được xây theo kiểu “Thượng gia hạ kiểu” tức là trên là nhà dưới là cầu truyền thống, gồm bảy gian trong đó năm gian thông thủy và hai gian ở hai đầu cầu. Thân cầu được làm bằng gỗ lim, có chiều rộng hơn 3m và chiều dài gần 20m. Bên trong cầu có hai bục gỗ để khách nghỉ chân, ngắm cảnh. Hệ thống vì kèo, cột được chạm khắc rất công phu, ghép nối với nhau chắc chắn. Các cột ngang đỡ sàn cầu đều được chạm hình đầu rồng, ngói được lợp bằng ngói mũi hài, bốn góc mái đều được làm cong vút và có đan xen một số biểu tượng Phật giáo như bánh xe kinh luân, chữ “Vạn”…. Ngoài ra hai bên đầu cầu còn có cặp ghế đá làm theo kiểu cổ, lạnh buốt cả bốn mùa…

Đến ngôi làng có phiên bản cây cầu ngói ở Hội An

Hồ nước rộng lớn nhìn từ hướng Nam lên đình Bình Vọng

Ở đầu cầu và cả hồ nước rộng lớn là hàng cây cổ thụ có tuổi trên 200 năm, cao chừng 30m, bóng rợp mát quanh năm nên không khí rất trong lành. Đặc biệt, vào độ tháng 5, hoa sen nở ngát, thơm nức cả làng, ngồi trên cầu ngắm sen nở mang đến một cảm giác yên bình đến lạ thường. Không gian văn hóa này vẫn được dân làng Bình Vọng bảo tồn nguyên vẹn từ hàng trăm năm nay. Đến Bình Vọng vào ngày mùa Thu, du khách sẽ được thưởng thức tuyệt phẩm “lá vàng rơi” lả tả trên ao đình xanh biếc, nhâm nhi chén trà trên cầu sẽ làm bạn đắm chìm trong cảm giác yên bình, đậm sắc văn hóa làng quê.

Đến ngôi làng có phiên bản cây cầu ngói ở Hội An

Cầu nhìn từ phía chính diện, thông tuông hai đầu cầu

Đến ngôi làng có phiên bản cây cầu ngói ở Hội An

Khu vực hồ, cầu là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân làng

Nguyễn Văn Công

Đăng bởi: Tùng Bùi

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก