Khám Phá

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang: Phải làm sao để du khách muốn khám phá một Hà Nội quen mà lạ

(HNMCT) – Kích cầu du lịch nội địa được xem là giải pháp cơ bản nhằm khôi phục và duy trì hoạt động của ngành Du lịch sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Du lịch Thủ đô đặt ra với kỳ vọng thu hút khách nội địa đến với Hà Nội nhiều hơn trong thời gian tới. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội.

Kích cầu du lịch nội địa, du lịch nội địa, du lịch

– Thưa bà, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng như thế nào đến ngành Du lịch Thủ đô?

– Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành Du lịch bị ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn. Năm 2020, số lượng khách du lịch đến Hà Nội chỉ bằng 30% so với năm 2019 (đạt 8,65 triệu lượt khách). Từ cuối tháng 1-2021 đến nay, do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, hoạt động du lịch tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Quý I-2021, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội vào khoảng 1,93 triệu lượt, giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2020; tổng thu từ khách du lịch (chỉ bao gồm khách du lịch nội địa) ước đạt 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 65,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, đã có 95% đại lý lữ hành dừng hoạt động; 267/1.191 doanh nghiệp lữ hành quốc tế đóng cửa, 11/103 doanh nghiệp lữ hành nội địa phải rút giấy phép kinh doanh; số lao động nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 90% tổng số lao động doanh nghiệp, đại lý lữ hành, tương đương với 12.168 người; doanh thu của dịch vụ vận chuyển khách du lịch ước giảm 90 – 98% so với cùng kỳ năm 2020.

– Trước tình hình đó, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động ứng phó thế nào để giảm thiệt hại do dịch bệnh gây ra?

– Để giảm thiệt hại do dịch gây ra, ngành Du lịch Thủ đô đã chủ động kết nối giữa cơ quan quản lý – hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, các đơn vị dịch vụ hàng không, đường sắt, ô tô, khách sạn, lữ hành, điểm đến… triển khai các chương trình tái cơ cấu ngành Du lịch, tập trung xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch nội địa, các sản phẩm du lịch mới, độc đáo, phục vụ khách du lịch trong nước đồng thời triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã có các kiến nghị đến các cơ quan có thẩm quyền triển khai các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp kinh doanh hoạt động du lịch (như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm giá điện, hỗ trợ lực lượng lao động du lịch thất nghiệp…), qua đó giúp các doanh nghiệp giảm bớt một phần khó khăn, yên tâm triển khai các chương trình, hoạt động du lịch trong thời gian tới.

– Kích cầu du lịch được xem là giải pháp hồi phục ngành Du lịch. Hà Nội đã và đang có kế hoạch kích cầu như thế nào để thu hút du khách đến với Thủ đô? Những lợi thế nào sẽ được tập trung khai thác để thu hút khách đến và lưu trú ở Hà Nội lâu hơn, thưa bà?

– Ngành Du lịch Thủ đô sẽ tăng cường liên kết với các địa phương xây dựng các tour du lịch liên kết hấp dẫn, độc đáo, thu hút khách du lịch tại các thị trường lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh Tây Nam Bộ.

Ngành Du lịch Thủ đô sẽ khuyến khích các đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú triển khai các chương trình giảm giá, khuyến mãi lớn, xây dựng các tour du lịch liên kết các điểm đến trên địa bàn Thủ đô hỗ trợ, khuyến khích các khu/ điểm du lịch xây dựng sản phẩm du lịch mới, có sức hấp dẫn cao như du lịch trải nghiệm đêm, du lịch thể thao mạo hiểm…

Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các đơn vị quản lý nhà nước, hiệp hội du lịch, các đơn vị lữ hành, vận chuyển, cơ sở lưu trú, điểm đến du lịch trên địa bàn tổ chức các chương trình, sự kiện lớn để thu hút khách du lịch. Sở cũng sẽ phối hợp với Trung tâm Xúc tiến, Đầu tư Thương mại, Du lịch Hà Nội tổ chức Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021, đồng thời tổ chức sự kiện “Công bố sản phẩm kích cầu du lịch nội địa năm 2021” nhằm hâm nóng và kích cầu du lịch trong thời gian tới.

Để thu hút khách du lịch lưu trú dài ngày hơn, ngành Du lịch Thủ đô sẽ tập trung khai thác các sản phẩm du lịch về đêm. Hiện nay, các hoạt động du lịch đêm tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, trải nghiệm chương trình du lịch đêm tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò và Hoàng thành Thăng Long đã đem lại hiệu quả tích cực, kéo dài thời gian lưu trú của du khách. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nhiều hơn tại các điểm này cũng như triển khai một số điểm đến mới như phố đi bộ tại khu vực Thành cổ Sơn Tây…

– Song song với việc thu hút khách bằng các sản phẩm đặc trưng, Sở Du lịch Hà Nội sẽ đổi mới cách quảng bá thông tin và liên kết xúc tiến như thế nào để lan tỏa hình ảnh du lịch Thủ đô đến với du khách?

– Sở Du lịch Hà Nội luôn coi công tác quảng bá, liên kết xúc tiến du lịch là nhiệm vụ trọng tâm giúp thu hút khách du lịch đến với Thủ đô. Hiện nay, Sở đang tập trung tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá trên hệ thống báo đài, cổng thông tin điện tử. Sở đã tham mưu UBND Thành phố triển khai thực hiện Chương trình tuyên truyền quảng bá du lịch Thủ đô trên kênh truyền hình quốc gia VTV (VTV Travel, S-Việt Nam; Ẩm thực đường phố; V-Việt Nam; Chuyển động 24h) giúp lan tỏa hình ảnh đẹp, đặc trưng của Thủ đô đến cả nước, trong đó có chính những người đang làm việc và sinh sống tại Hà Nội. Bên cạnh đó, Sở cũng đang tham mưu với UBND Thành phố triển khai quảng bá hình ảnh Hà Nội, hợp tác với kênh truyền hình quốc tế CNN vào nửa cuối năm nay nhằm đón làn sóng du khách quốc tế từ năm 2022.

– Được biết, thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phát động chiến dịch kích cầu “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Bà kỳ vọng chiến dịch này sẽ giúp ngành Du lịch Thủ đô “vượt bão” Covid-19 như thế nào?

– Chúng tôi xác định, người Hà Nội là một bộ phận quan trọng trong việc thúc đẩy sự phục hồi của ngành Du lịch Thủ đô. Do vậy, chúng tôi đang tăng cường triển khai các chương trình, kế hoạch trong chiến dịch kích cầu “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”, làm nóng lại thị trường du lịch Thủ đô trong bối cảnh chưa thể thu hút khách du lịch quốc tế. Nếu triển khai hiệu quả, ngành Du lịch Thủ đô sẽ từng bước hồi phục, có thể tăng trưởng nhanh vào cuối năm, qua đó đạt mục tiêu đón lượng khách nội địa đạt mức 50% – 70% so với năm 2019, tương ứng đạt từ 10,96 triệu đến 15,34 triệu lượt khách, gấp đôi so với lượng khách năm 2020.

Tôi tin rằng, nếu có các sản phẩm hấp dẫn, chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, người dân Hà Nội sẽ sẵn sàng “xách ba lô lên và đi”. Sở đang làm việc với các hãng hàng không, đơn vị lữ hành và cơ sở lưu trú để có giá tốt nhất cho du khách. Những chương trình ưu đãi này sẽ giúp các công ty lữ hành xây dựng các gói combo chuyên nghiệp, chất lượng, giá cả hấp dẫn hơn là khách tự đi. Đây cũng là các sản phẩm nằm trong chương trình kích cầu “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội”. Người dân nên tận dụng cơ hội tốt này để đi du lịch và đăng ký mua tour qua các công ty lữ hành để có giá và chất lượng dịch vụ tốt hơn là tự tổ chức đi.

Vấn đề là phải làm sao để du khách tò mò, muốn khám phá một Hà Nội quen mà lạ với rất nhiều điểm đến thú vị. Chúng ta cần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa Hà Nội để người dân đi du lịch Thủ đô. Tôi tin rằng, chiến dịch kích cầu du lịch “Người Hà Nội đi du lịch Hà Nội” sẽ góp phần giúp ngành Du lịch “vượt bão” Covid-19 và lấy lại được phong độ, vị thế của mình.

– Trân trọng cảm ơn bà!

Đăng bởi: Mạnh Lê

YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Hà Nội

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก