Dấu Chân Điểm Đẹp

Kiệt sức dọn phòng khách sạn trong đại dịch

"Sạch sẽ" là chìa khóa sống còn của khách sạn trong đại dịch, nhưng đó lại là nỗi ám ảnh với những nhân viên dọn phòng.

Suốt 4 tháng qua, hầu hết thương hiệu khách sạn lớn trên thế giới đều nhắc đến quy trình khử trùng trong các chiến dịch quảng cáo. Tất cả đều cố gắng truyền tải thông điệp khách sạn chưa bao giờ sạch hơn hiện tại để thu hút du khách.

Quy trình làm sạch sâu và nhiều bước như hiện tại có thể làm yên lòng khách hàng vì giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm nCoV, nhưng lại mang đến những nỗi vất vả mới cho nhân viên vệ sinh. Nhiều người trong các khách sạn Mỹ cho biết Covid-19 là “cơ hội” khiến số lượng nhân công bị cắt giảm, việc tăng lên, trong khi tiền lương và phúc lợi lại giảm.

Kiệt sức dọn phòng khách sạn trong đại dịch

Các dọn phòng ở Mỹ phải tuân thủ việc làm sạch theo quy trình mới, nhiều công đoạn và vất vả hơn. Ảnh: New York Times

Wanda White, một nhân viên dọn phòng ở Sheraton Philadelphia Downtown cho biết trước tháng 3, mỗi ngày bà dọn 16 phòng và làm toàn thời gian. Từ tháng 6, mỗi tuần bà chỉ làm 3 – 4 ngày. Trong các ngày làm việc, Wanda chỉ cần phải dọn trung bình 13 phòng nhưng công việc vất vả hơn, vì các phòng này không có người ở, bụi phủ đầy. Ngoài ra, bà cũng phải thường xuyên lau chùi những căn phòng nơi khách tổ chức tiệc tùng.

Thông thường, thời gian dọn mỗi phòng là 20-30 phút. Nếu lâu hơn, bạn sẽ phải làm thêm giờ mà không được tính lương. Người phụ nữ 53 tuổi này cho biết bà thường phải lao vào quét nhặt rác, hút bụi sàn nhà trước khi lau chùi, cọ rửa mọi thứ, dọn giường… một cách nhanh nhất. Tuy nhiên, việc dọn những căn phòng bẩn hơn trong thời gian như bình thường khiến lưng và đầu gối của bà đau nhức. Ngoài ra, tiêu chuẩn làm sạch mới của khách sạn cũng khiến công việc của Wanda khó khăn hơn.

Vào tháng 6, ba tháng sau khi tạm nghỉ việc tại một khách sạn bên bãi biển Miami vì dịch, Pauline Petit-Homme được gọi đi làm lại. Thay vì dọn phòng mỗi ngày, bà sẽ chỉ dọn sau khi khách trả phòng. Căn phòng sau đó được khóa kín, không ai ra vào cho đến khi có khách mới.

Kiệt sức dọn phòng khách sạn trong đại dịch

Homme cống hiến ở đây 22 năm, và là một trong số ít được gọi đi làm lại. Ảnh: New York Times

Quản lý nói rằng không có nhiều khách để cần nhiều nhân công. Tuy nhiên, Homme tin rằng khách sạn có nhiều việc và họ cần phải thuê thêm nhân công. “Họ không coi trọng công việc dọn dẹp. Chúng tôi làm việc rất chăm chỉ và giờ phải làm nhiều việc hơn trong cùng một thời gian. Điều đó thật khó khăn”.

Homme tin rằng hiện tại chỉ là giai đoạn đấu tranh mới nhất trong cuộc chiến kéo dài hơn một thập kỷ giữa khách sạn và nhân viên dọn phòng. Các khách sạn muốn tiết kiệm tiền, vì vậy họ tạo ra các chương trình khuyến khích khách không yêu cầu dọn phòng. Nhưng họ lại gọi đó là sáng kiến bảo vệ môi trường, và tặng điểm thưởng cho khách khi họ làm điều này. Trong dịch, họ lý giải điều này nhằm ngăn sự lây nhiễm dịch bệnh giữa nhân viên và khách. Và điều này giúp họ thuận lợi hơn trong việc cắt giảm ngân sách trả lương cho nhân viên.

Tuy vậy, các chủ khách sạn cho biết, họ không đủ khả năng trả công cho nhiều nhân viên trong mùa dịch. Việc hạn chế dọn phòng cốt để giữ an toàn cho mọi người và đó là những gì khách muốn. Nia Winston, Phó chủ tịch Unite Here, (Hiệp hội công nhân nhà hàng và khách sạn Mỹ – Canada, đại diện cho hơn 300.000 nhân viên) cho biết việc dọn phòng hàng ngày là vũ khí chống lại dịch bệnh trong khách sạn.

Nhưng theo Robert Kline, CEO của Chartres Lodging Group, một công ty trong lĩnh vực lưu trú, cho biết phần lớn khách thuê không muốn phòng được dọn hàng ngày. “Họ muốn nhận một căn phòng sạch sẽ khi check-in. Nhưng khi vào ở, họ không muốn chúng tôi ngày nào cũng dọn cho đến khi rời đi”.

Vào tháng 7, San Francisco áp dụng một quy tắc nghiêm ngặt nhất nước Mỹ về quy trình vệ sinh các căn phòng, khách sạn. Theo đó, các khách sạn phải đẩy mạnh công tác khử trùng, làm sạch các khu vực công cộng nhiều lần trong ngày, các phòng nghỉ phải được dọn mỗi ngày trừ khi khách từ chối. Kết quả là nhiều khách sạn đã cùng nhau đệ đơn kiện sắc lệnh này và đang đợi tòa án giải quyết.

Các chủ khách sạn lập luận rằng, luật mới sẽ làm suy yếu ngành hơn nữa, khi 2/3 khách sạn có công suất 50% hoặc ít hơn – dưới ngưỡng hòa vốn của khách sạn. “Nó thực sự là vấn đề sống còn. Hiện tại, nhiều khách sạn không có lợi nhuận, hoặc thua lỗ”, Chip Rogers, CEO của Hiệp hội khách sạn A.H.L.A. của thành phố chia sẻ.

Ông Rogers cho rằng khách sạn nên để khách tự quyết định xem liệu họ có cần vệ sinh phòng ốc hàng ngày. Tại nhiều khách sạn, nhân viên dọn phòng được trả tới 27 USD/giờ và nhiều quyền lợi chăm sóc sức khỏe khác.

Bên cạnh đó, nhân viên dọn phòng cũng phải đối mặt với nhiều nỗi lo lắng khác trong đại dịch: sợ mất việc, không có tiền nuôi sống gia đình và đối mặt với môi trường làm việc độc hại.

Erica Hayes là dọn phòng ở khách sạn DoubleTree by Hilton Chicago, đang sống bằng tiền trợ cấp thất nghiệp. Cô lo lắng khoản trợ cấp này sớm hết, nhưng lúc đó vẫn chưa được gọi đi làm lại. Chồng Hayes qua đời vào mùa hè năm nay, và cô phải một mình nuôi 4 đứa con đang tuổi dậy thì. Nỗi sợ hãi về tài chính, công việc luôn tràn ngập tâm trí cô.

Kiệt sức dọn phòng khách sạn trong đại dịch

Erica Hayes thất nghiệp vì dịch bệnh và phải một mình nuôi 4 người con. Ảnh: New York Times

Bên cạnh đó, tình trạng thiết bị bảo hộ lao động cũng là vấn đề nhức nhối. Những người dọn phòng được New York Times phỏng vấn phản ánh, họ cần nhiều khẩu trang và găng tay hơn. Lisa Brown, người vừa nghỉ việc ở khách sạn Detroit Marriott hồi tháng 3, cho biết các hóa chất tẩy rửa bắn lên mặt và da cô.

Ofelia Cardenas, một dọn phòng tại Hyatt Regency Sonoma Wine Country, nói rằng nếu không yêu cầu khẩu trang mới, các nhân viên có thể phải đeo cùng một chiếc trong một tuần. Và chiếc khẩu trang đó có thể lưu cữu hóa chất, mồ hôi của trong thời gian dài mà không được thay. Cardenas mong muốn khách sạn phát cho nhân viên nhiều đồ bảo hộ hơn. Hiện tại, cô chỉ đeo găng tay phải khi cọ rửa vì muốn tiết kiệm: “Họ không quan tâm đến người lao động. Nếu có, họ đã đến xem chúng tôi đang phải lao lực như thế nào”.

Nhưng đại diện khách sạn Hyatt phủ nhận điều này và cho biết nhân viên dọn phòng luôn được phát khẩu trang và găng tay riêng vào mỗi ca làm. Khi găng tay gần hết, họ sẽ được cấp hộp mới.

Gần 50% trong số 16,9 triệu nhân công trong lĩnh vực khách sạn, giải trí Mỹ mất việc trong tháng 3 và 4 do ảnh hưởng của Covid-19. Hơn 25% trong số đó đến nay vẫn thất nghiệp.

Anh Minh (Theo New York Times)

Đăng bởi: Hương Giáp

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก