Tây Nguyên

Nét ẩm thực Tây Nguyên độc đáo, níu chân du khách

Có thể nói, ẩm thực Tây Nguyên là một trong những điều hấp dẫn khách du lịch thập phương. Mỗi nơi lại có cách chế biến món ăn khác nhau nhưng chung quy lại, nền ẩm thực vùng đất bazan vẫn mang đặc trưng của núi rừng, hoang sơ nhưng lại gần gũi. 

Ai đến Tây Nguyên cũng đều tấm tắc khen ngợi về văn hóa ẩm thực nơi đây. Gà nướng sa lửa, bún đỏ hay tục lệ uống rượu cần…. trong ẩm thực Tây Nguyên không giống với bất kỳ nơi nào mà mang nét rất riêng, níu chân mọi du khách. 

Ẩm thực Tây Nguyên: Nét độc đáo của đại ngàn

Đặc trưng ẩm thực Tây Nguyên

Tây Nguyên được mẹ thiên nhiên ưu ái với thiên nhiên kỳ vỹ, hoang sơ… Đây cũng chính là nét thú vị, kích thích những trái tim ham khám phá. Ngoài vẻ đẹp của núi rừng, ẩm thực cũng là một điều mà bất kỳ ai cũng thích thú khi kể về Tây Nguyên.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Tây Nguyên đại ngàn hấp dẫn khách du lịch không chỉ bởi cảnh quan mà còn bởi ẩm thực. Ảnh: _im.rot_

Món ăn đặc sản Tây Nguyên rất phong phú đa dạng, cùng cách chế biến đậm chất núi rừng, có thể đơn giản có lúc lại cầu kỳ, khó thể bắt chước. Người dân vùng đại ngàn thường sử dụng những vật dụng như lá chuối, nứa, tre, vầu, bếp than củi… để nấu ăn.

Các loại gia vị để tẩm ướp cũng đều từ tự nhiên, từ các loại cây rừng. Do đó, khi thưởng thức, du khách có thể dễ dàng cảm thấy thân thuộc nhưng vẫn có vị rất riêng, khó lẫn lộn với các vùng khác.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Ở Tây Nguyên, món nào cũng độc đáo và ngon miệng. Ảnh: Việt ngon

Thật khó để tìm kiếm tài liệu ghi chép các công thức nấu ăn của bà con Tây Nguyên. Việc tạo nên các món ăn ngon đa phần đều dựa vào kinh nghiệm và phong tục truyền thống từ đời này truyền đời khác.

Vùng đất Tây Nguyên rộng lớn gồm Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng. Với hơn 40 dân tộc cùng chung sống như Gia Rai, Ba Na, Ê-đê, M’Nông, Xơ-đăng… sự giao thoa văn hóa để tạo nên sự giao thoa trong ẩm thực Tây Nguyên. Sự đa dạng, phong phú trong các món ăn đặc sản Tây Nguyên này vừa lạ, vừa quen, vừa đầy cuốn hút.

Các món ăn ngon nhất định phải thử khi đến Tây Nguyên

Gỏi lá

Gỏi ở Việt Nam được chế biến nhiều kiểu, có nơi ăn như đồ cuốn, có nơi lại làm thành món nộm… Tới Tây Nguyên, món gỏi lại càng khác biệt bởi món ăn này được làm từ 60 loại lá khác nhau, còn tôm, thịt chỉ là nguyên liệu phụ thêm vào để tăng thêm gia vị cho gỏi lá.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Gỏi lá với hàng chục loại lá rừng. Ảnh: ancancuku

Khi gọi gỏi lá, du khách không khỏi choáng ngợp khi bưng ra bàn lại là một khay rất nhiều các loại lá xanh mướt, trong đó có cả những loại lá hiếm, phải vào tận sâu trong rừng mới tìm thấy như mật gấu, từ đại bi, lá bứa, xầm xương, me rừng, chòi mòi… Bên cạnh đó cũng là những loại lá quen thuộc với cả người vùng đồng bằng như tía tô, bạc hà, đinh lăng, diếp cá, hành lá, rau má, kinh giới, lá sung…

Món ăn đặc sản Tây Nguyên này có thể thưởng thức quanh năm nhưng vào mùa mưa hay mùa khô lại có sự khác biệt về số lượng lá. Việc hái lá không đơn giản, bởi người dân phải băng vào rừng, đôi khi sẽ gặp rắn rết, trơn trượt và phải có kinh nghiệm không hái phải những cây lá độc… ảnh hưởng tới sức khỏe thực khách.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Với những ai thích ăn rau thì đây chắc chắn là món ăn không thể bỏ qua. Ảnh: Vntravellie

Nguyên liệu chính đã đầy đặn và khó kiếm, các nguyên liệu phụ cũng tốn không ít tâm huyết của người làm bếp. Thịt ba chỉ phải thái thật mổng, tôm rất rang phải chín vàng, cắt đầu tỉ mỉ, bì heo thái sợ mỏng trộn với gia vị và thính. Ngoài ra, để món gỏi lá trọn vị, người ta còn cho kèm muối hạt, tiêu sọ đen, ớt xanh.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Món ăn nhìn đơn giản nhưng lại cực cuốn. Ảnh: Măng Đen

Khi ăn gỏi lá – tinh hoa trong nền ẩm thực Tây Nguyên – du khách phải gói đúng trình tự, lá to gói bên ngoài, cuộn thành hình phễu rồi cho các nguyên liệu khác vào bên trong. Thực khách chấm vào bát nước chấm màu vàng ươm, sền sệt ăn càng thêm bon miệng. Gỏi lá là món ăn đặc sản của Kon Tum, có giá từ 100.000 – 200.000 đồng/suất, lành tính, có rất nhiều lợi ích với sức khỏe.  

Gà nướng sa lửa

Một món ăn đặc sản Tây Nguyên khác nhất định phải thử khi có cơ hội vi vu đại ngàn là gà nướng sa lửa. Ngay cái tên đã khiến khách du lịch phải thích thú, tò mò. Đây vốn là món cực nổi tiếng của Buôn Đôn – một huyện biên giới của Đắk Lắk. Do đó, khách du lịch Đắk Lắk đừng bỏ lỡ gà nướng sa lửa khi tới đây nhé.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Gà nướng sa lửa – nhìn thôi đã thấy thòm thèm. Ảnh: anuongrachgia68

Gà nướng được chế biến từ gà thả vườn, có tẩm ướp gia vị với ngũ vị hương, mật ong, hành, tỏi, muối… và không thể thiếu các loại lá rừng. Sau đó, người ta đem nướng chín bằng hơi lửa. Khi nướng, hương thơm lan tỏa nghi ngút cùng làn khói trắng cũng đủ kích thích vị giác khách du lịch Đắk Lắk.

Gà được chọn làm món nướng sa lửa phải là gà tơ nặng trên dưới 1kg nướng lên thịt sẽ mềm hơn, ướp từ 30 phút tới một tiếng sau đó dùng thanh tre kẹp chặt cho lên bếp nướng. Cứ vài phút, đầu bếp lại phải trở gà một lần để gà chín đều, chuyển thành màu vàng sậm bắt mắt. Những giọt mỡ gà chảy nhẹ nhàng trên bếp, tỏa mùi thơm nức khắp xung quanh.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Khách du lịch nhất định phải thử gà nướng khi tới Đắk Lắk. Ảnh: dulich3mien

Để món gà nướng sa lửa ngon đạt chuẩn phải kể đến chén muối lá é chấm kèm. Bạn ăn đến đều, ngất ngây đến đấy, vị cay cay mặn mặn hòa quyện cùng vị ngon ngọt ngon khó diễn tả thành lời. Theo thời gian đi qua, gà nướng sa lửa dần phổ biến khắp Tây Nguyên. Mỗi nơi lại có cách chế biến khác nhau nhưng vẫn giữ được hương vị đặc trưng nhất. Khách du lịch Đắk Lắk có thể thưởng thức gà nướng sa lửa tại TP Buôn Ma Thuột hay các khu du lịch Buôn Đôn. 

Rượu cần

Rượu cần cũng là một nét độc đáo trong nền văn hóa ẩm thực Tây Nguyên. Đây là loại rượu ủ men trong bình/chóe, không chưng cất, khi uống phải dùng cần làm bằng tre thông lỗ để hút rượu. Trong bất kỳ gia đình nào ở Tây Nguyên cũng đều có cọc để uống rượu và thường được dùng trong các dịp lễ, hội làng hay đãi khách.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Uống rượu cần là một nét văn hóa của người Tây Nguyên. Ảnh: ẩm thực xanh

Các nguyên liệu làm rượu cần không phải là những thứ quá cao sang cầu kỳ, đơn giản là gạo nếp, mỹ, khoai, sắn… những sản vật có sẵn trên núi rừng Tây Nguyên. Quan trọng nhất chính là men rượu, được chắt lọc từ những gì tinh túy nhất của lá cây, rễ cây rừng quý. Mỗi chóe rượu chỉ cần một viên men.

Không cay như các loại rượu khác, rượu cần uống vào đưa con người tới cảm giác thăng hoa, êm dịu và ngọt ngọt. Không chỉ đàn ông, ngay cả phụ nữ ở Tây Nguyên cũng uống rượu cần. Rượu của người dân tộc Ba na được khen ngon nhất khu vực Tây Nguyên.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Rượu cần có hương vị đặc trưng, khó lẫn lộn. Ảnh: vivugialai

Có dịp ghé thăm Tây Nguyên, khách du lịch nào cũng muốn thử qua thứ đặc sản này để hiểu hơn về văn hóa và con người nơi đây. Quây quần bên chóe rượu cần, tiếng cười, tiếng nói, tiếng trò chuyện giúp mọi người thêm gắn kết. 

Bún đỏ

Tại Đắk Lắk, bún đỏ là một món đặc sản quen thuộc gây ấn tượng mạnh không chỉ bởi tên gọi mà còn bởi hương vị thơm ngon, màu sắc hấp dẫn. Nhiều người thường nhầm lẫn bún đỏ với bún riêu bởi cũng có gạch cua nhưng khi nếm thử, bạn sẽ thấy hương vị khác biệt hoàn toàn.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Bún đỏ có màu sắc bắt mắt. Ảnh: foodholic

Sợi bún đỏ to hơn bún thông thường, ban đầu có màu trắng nhưng qua quá trình chế biến chuyển sang màu đỏ một cách tự nhiên và an toàn. Nước dùng bún ngọt thanh, không tạo cảm giác ngấy. Khi ăn, sợi bún giòn giòn dai dai, ăn cùng rau, tóp mỡ, thịt heo và trứng cút luộc thì không còn gì bằng.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Bún đỏ ăn mãi không chán. Ảnh: _trooismeeee_

Một bát bún đỏ khá đầy đặn nhưng chỉ có giá từ 20.000 đồng. Theo kinh nghiệm du lịch Đắk Lắk, người dân thường ăn bún đỏ vào buổi chiều để lót dạ. Du khách có thể tìm các hàng quán bán bún đỏ ở trong chợ, hay các con đường Lê Duẩn, Nguyễn Văn Cừ… 

Cơm lam

Có lẽ khi được hỏi về ẩm thực Tây Nguyên, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến cơm lam. Món này đã quá nổi tiếng và có thể trở thành đặc sản Tây Nguyên làm quà sau chuyến du lịch. Cơm lam là món ăn truyền thống, trước kia được dùng để làm lương thực lên rẫy cùng bà con.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Cơm lam dẻo thơm thích hợp làm quà cho người thân sau chuyến du lịch. Ảnh: diadiemanuong 

Theo thời gian, cơm lam đã trở thành thức quà được khách thập phương yêu thích bởi sự gần gũi, mộc mạc và ngon miệng. Để tạo nên được món cơm lam thơm ngon, người ta phải chọn lọc gạo nếp cẩn thận. Hạt nếp thuôn dài, trắng, kích thước vừa phải sẽ cho ra món cơm lam dẻo thơm ngon nhất. Sau đó, gạo được ngâm qua đêm trong nước rồi mới cho vào ông tre, nứa.

Việc chọn ống tre cũng rất đáng chú ý, ống không được già quá cũng không được non quá, phải tươi để khi nướng có mùi thơm kích thích khứu giác. Gạo được đổ đầy vào trong ống rồi dùng lá chuối bịt đầu lại và đem nướng trên bếp rực hồng.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Cơm lam dễ ăn, ăn cùng gà hay thịt xiên nướng thì tuyệt vời. Ảnh: vietnamesegod

Khi nướng đặc sản Tây Nguyên làm quà này, người đầu bếp phải chú ý lật ống đều tay để không bị cháy, xém, giữ trọn vẹn được hương vị cơm lam. Khi ăn, thực khách bóc lớp tre bên ngoài và thưởng thức. Món này ăn cực hợp với thịt gà nướng sa lửa hay các món thịt xiên nướng, chấm muối é.

Giữa khung cảnh núi rừng hùng vĩ, được thưởng thức món cơm lam thơm nức mũi, nóng hổi, ta càng thêm yêu thiên nhiên và hiểu hơn về nét văn hóa độc đáo của Tây Nguyên. Du khách có thể mua cơm làm – đặc sản Tây nguyên làm quà tại bất kỳ đâu trên khu du lịch hoặc tại các quán ăn địa phương. 

Những món côn trùng độc đáo

Tới Tây Nguyên đại ngàn, bạn sẽ được “mục sở thị” các món làm từ côn trùng cực độc đáo và hấp dẫn. Tuy nhiên, thoạt nhìn, nhiều khách du lịch chưa dám nếm thử nhưng một khi đã thưởng thức, bạn sẽ rất dễ “nghiện” đấy.

Sâu muồng được ví như “tôm rừng” của Tây Nguyên, có màu xanh lá cây. Sau khi bắt về, người ta bỏ thêm lá cho sâu ăn và chờ nửa ngày để tiến hóa thành nhộng sâu muồng. Con nhộng được đem rửa sạch, rang trên chảo nóng già. Họ bỏ thêm hành tỏi cho thơm và có thể thêm ớt, lá chanh thái nhỏ để món ăn thêm dậy mùi.  Món sâu muồng ăn có vị béo ngậy, lạ lạ.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Món sâu muồng chiên vàng béo ngậy. Ảnh: Laodong

Tại cao nguyên cà phê này, những món ăn chế biến từ kiến vàng hay trứng kiến được nhiều người biết đến, thường xuyên xuất hiện trên mâm cơm của người dân địa phương. Bởi vậy mới nói ẩm thực Tây Nguyên cực đa dạng và độc đáo. Kiến vàng được đem ngâm vào nước sôi, rồi vớt ra đem rang lên cùng muối, ớt. Khi kiến chín, muối khô, người ta cho vào cối giã. Vị nồng, chua, ngậy của kiến hòa quyện với vị cay của ớt, vị mặn của muối tạo nên một món ăn cực thú vị và hấp dẫn.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Kiến vàng cũng là món ăn côn trùng phổ biến ở cao nguyên. Ảnh: dienmay

Ve sầu chiên vàng cũng rất được yêu thích tại Tây Nguyên. Cũng như món sâu muồng, ve sầu chiên có màu sắc và hương thơm quyến rũ, khi ăn lại bùi bùi, khiến thực khách phương xa nhớ mãi không quên. 

Canh thụt

Đồng bào Mnông ở Tây Nguyên thường dùng món canh thụt để thiết đãi khách đến nhà chơi hay những dịp lễ quan trọng. Nghe tên thôi, không ít du khách đã tò mò về món ăn này.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Canh thụt có cách chế biến thú vị, rất đáng thưởng thức. Ảnh: VOV

Canh thụt được nấu từ cà đắng, nấm mối và cá trê hoặc lươn. Cách chế biến món canh thụt không cần quá cầu kỳ. Cá trê làm sạch ruột, ướp muối cùng hạt cà ri. Người ta dùng thanh tre xiên vào giữa cá và đem nướng trên bép than. Khi cá trê dậy mùi thơm và chín thì được róc bỏ xương, lấy phần thịt.

Người Mnông không nấu canh thụt trên nồi mà thay bằng một chiếc ống lồ ô dài khoảng 50cm cho thêm một ít nước và đặt lên bếp lửa. Nước sôi cho cà đắng vào ống và tiếp tục nấu khoảng 5 phút thì cho thêm nấm mối. Khi cà và nấm chín, đầu bếp mới cho cá vào rồi thêm gia vị để món canh thụt thêm đậm đà.

nét ẩm thực tây nguyên độc đáo, níu chân du khách
Canh thụt là món ăn truyền thống của người dân Mnông. Ảnh: Báo Đắk Nông

Sau khi nấu chín trên bếp, họ dùng một thanh tre thụt vào ống lồ ô liên tục nhiều lần cho đến khi các nguyên liệu nát nhuyễn và hòa trộn vào nhau. Bởi vậy cái tên canh thụt ra đời.

Trên đây là đôi nét thú vị và nền ẩm thực Tây Nguyên giới thiệu tới bạn bè bốn phương. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều nét văn hóa độc đáo, điểm đến mới cùng kinh nghiệm du lịch hữu ích cho chuyến đi sắp tới nhé.

Yến Yến

Theo Báo Thể Thao Việt Nam

Đăng bởi: Vân Đào Thị

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก