Chùa

Những điều được khám phá tại núi Cardamom ở "xứ Chùa Tháp"

Dãy núi Cardamom (Dãy núi Bạch đậu khấu) nằm ở Tây Nam Campuchia và Miền Đông Thái Lan. Dãy núi nằm theo trục Đông Nam – Tây Bắc từ tỉnh Koh Kong ở Vịnh Thái Lan đến huyện Veal Veang ở tỉnh Pursat, và mở rộng về phía Đông Nam đến dãy núi Damrei (Con Voi). Đỉnh cao nhất của Cardamom là đỉnh Phnom Aural với cao độ 1.813 m và đây cũng là đỉnh núi cao nhất Campuchia.

Rừng rậm mưa nhiệt đới chiếm ưu thế tại các sườn núi ẩm ướt ở phía Tây, vốn hàng năm nhận được lượng mưa từ 3.800 – 5.000 mm. Trong khi đó, một số nơi chỉ có lượng mưa từ 1.000 – 1.500 mm như Vườn Quốc gia Kirirom bên dốc phía Tây. Trên sườn núi phía Đông, bạch đậu khấu và hạt tiêu được trồng với mục đích thương mại.

Trên dãy núi có nhiều di tích từ thế kỷ XV – XVII như một bình gốm cao 60 cm và những áo quan được đẽo tròn, các gờ đá tự nhiên, nằm rải rác quanh dãy núi. Chôn cất cùng các chiếc bình là một nét độc đáo của khu vực, và là một nghi lễ chôn cất trước đây của lịch sử văn hóa Khmer song không được ghi chép. Khu vực dãy núi là một trong những thành lũy cuối cùng của Khmer Đỏ, và nhiều nơi không thể tiếp cận được song điều này cũng giúp bảo tồn khu vực.

Khu vực cũng mới phát triển du lịch. Năm 2008, Liên minh Động vật hoang dã đưa ra một chương trình du lịch sinh thái mang tính cộng đồng tại làng Chi-Phat, với tên là “cửa ngõ đến Phnom Kravanh”. Tuy nhiên số khách quốc tế vẫn còn thấp nếu so với Siem Reap (nơi có Angkor Wat) hay thủ đô Phnom Penh.

NGHĨA ĐỊA KỲ BÍ TRÊN VÁCH NÚI CAO TRĂM MÉT

Các nhà khoa học Campuchia đã sớm phát hiện ra những cổ vật quan trọng chứa những bộ xương được đặt trong những chiếc bình và 12 chiếc quan tài ở khu rừng hẻo lánh trong nhiều thế kỷ qua. Số hiện vật được tìm thấy trong vách núi cao 100 m thuộc dãy núi Cardamom gần biên giới Thái Lan.

Dựa theo chất liệu của những chiếc bình này các chuyên gia tin rằng đó là xương cốt của những người có xuất xứ từ vương quốc Xiêm La (ngày nay là Thái Lan). Số còn lại thuộc một dân tộc thiểu số, sống trong thời kỳ cai trị của vương triều Angkor. Vương triều này đã cai trị đất nước Campuchia trong 6 thế kỷ và xây dựng nên quần thể đền Angkor Wat nổi tiếng.

Đối với một quốc gia Đông Nam Á, hình thức mai táng như thế này rất hiếm hoi, và hầu như không có, chính vì thế điều này không chỉ làm đau đầu các nhà khoa học mà còn là điều thích thú cho các du khách đam mê khám phá.

Những câu hỏi luôn được đặt ra, tại sao xương cốt lại được đặt trong bình, và còn để trên vách đá cao 100 m? Những bộ xương này thuộc về loài người nào, họ là ai, họ đến từ đâu? Trong suốt 7 năm, một nhà khảo cổ Nancy Beavan đã dùng phương pháp xác định niên đại bằng carbon, để tìm kím câu trả lời cho những bí ẩn trên. Cô đã ghép các manh mối từ trong lịch sử cũng như những truyền thuyết dân gian về một tộc người sống bí ẩn trong thời kì Angkor.

Các xét nghiệm đã chỉ ra những mảnh xương này có niên đại tới 600 năm. Những chiếc bình có niên đại từ thế kỷ XV – XVII và 12 chiếc quan tài cũng nằm trong giai đoạn đó (chiếc lâu đời nhất có từ thế kỷ XIV). Thật ra tục mai táng như trên không hiếm gặp ở Châu Á, nhất là ở Trung Hoa nơi có các hang quan tài treo nổi tiếng.  Và còn một điều bí ẩn nữa mà cho đến tận ngày nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải tại sao hài cốt lại được bảo quản trong bình. Bởi ở một quốc gia Phật giáo như Campuchia, hỏa táng đã và đang là một phong tục được đại bộ phận dân chúng tuân theo. Mặt khác, cho tới giờ không có bất kỳ ghi chép nào về việc người Campuchia có tục lệ huyền táng như thế này.

NHỮNG SINH VẬT LÀ ĐƯỢC PHÁT HIỆN TẠI DÃY NÚI CARDAMOM

Vào năm 2012, các nhà nghiên cứu bò sát phát hiện một loài rắn màu đỏ với những vòng tròn màu trắng và đen trên cơ thể trong rừng nhiệt đới tại Campuchia.

AFP cho biết, các chuyên gia của tổ chức Fauna & Flora International (FFI) tìm thấy loài rắn mới trong rừng trên dãy núi Cardamom. Chúng thuộc nhóm rắn đỏ Kukri. Môi trường sống của loài rắn này đang thu hẹp dần trong những năm qua.

Theo FFI, nhóm rắn Kukri có một số điểm đặc biệt. Chúng sở hữu những răng nanh cong có hình dạng giống dao kukri của người Nepal, vì thế mà người ta gọi chúng là rắn Kukri. Chúng dùng răng để châm thủng trứng.

“Phần lớn loài trong nhóm rắn Kukri chỉ có lớp da màu đỏ nhạt. Song da của loài rắn mà chúng tôi mới phát hiện có màu đỏ thẫm cùng những vòng tròn trắng và đen. Những yếu tố đó khiến chúng trở nên đẹp hơn”, Neang Thy, một trong những nhà nghiên cứu bò sát đã tìm thấy loài rắn mới, phát biểu.

Đến năm 2014, thêm một sinh vật mới nhất được phát hiện tại vùng núi Cardamom là loài rắn sói (Lycodon zoosvictoriae). Chúng có những chiếc răng nanh sắc nhọn và có màu da nâu sáng với những đốm nâu đen, khác biệt so với những loài rắn sói khác. Phần lớn các loài rắn sói thường có màu nhạt với những đốm trắng hoặc màu nâu đốm tía đậm.

Các nhà khoa học tin rằng màu sắc khác thường của loài rắn sói Lycodon zoosvictoriae giúp chúng không bị phát hiện, cho dù các nhà nghiên cứu nỗ lực tìm kiếm những sinh vật mới tại vùng núi Cardamom trong suốt 1 thập kỷ qua.

Rắn sói là loài không có nọc độc, nhưng được cho là có khả năng tự vệ khi bị mắc bẫy và chúng có thể gây tổn thương cho da bằng những chiếc răng nanh sắc nhọn. Thức ăn của chúng phần lớn là thằn lằn và ếch. Chúng sử dụng những chiếc răng nanh sắc nhọn để giết con mồi.

Con cái có thể lớn hơn nhiều con đực và chúng thường đẻ trứng trước mùa mưa, trung bình từ 4 – 11 quả. Sau khoảng 3 tháng, trứng sẽ nở thành rắn con có chiều dài từ 14 – 19 cm. Khi trưởng thành, rắn sói có thể đạt chiều dài 50 cm.

Lycodon zoosvictoriae là loài rắn mới thứ 8 được phát hiện tại vùng núi Cardamom từ khi cuộc khảo sát của Vườn bách thú Victoria ở Melbourne và Tổ chức FFI bắt đầu năm 2000.

Năm 2015, các nhà nghiên cứu lại tiếp tục phát hiện một loài lưỡng cư không chân mới, với hình thù kỳ dị, vừa giống giun đất khổng lồ, vừa giống rắn. Chúng được đặt tên khoa học là Ichthyophis cardamomensis.

Các chuyên gia phân loại Ichthyophis cardamomensis là caecilian – một loài lưỡng cư không có chi, giống giun đất với mắt nhỏ hoặc không mắt, chuyên đào hang ẩn náu dưới mặt đất. Các cá thể caecilian có một vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, kể cả vai trò cung cấp thức ăn cho rắn đuôi đỏ Cylindrophis ruffus. Các sinh vật này ăn động vật không xương sống, chẳng hạn như giun đất, kiến và mối.

Mặc dù các loài caecilian khác có thể phát triển kích thước cơ thể tới 1,5 m, nhưng Ichthyophis cardamomensis chỉ dài 30 cm. Việc khám phá ra chúng được coi là bằng chứng cho thấy, khoa học vẫn chưa thể nghiên cứu đầy đủ tính đa dạng sinh học của Campuchia.

Một loài tắc kè mới “siêu ngụy trang” cũng được các nhà khoa học phát hiện ẩn náu tại những vùng đồi thấp dưới chân dãy núi Cardamom. Theo BBC, loài tắc kè mới có tên là Cnemaspis neangthyi, được đặt theo tên của nhà bảo tồn người Campuchia, Neang Thy, người có công lớn trong phát hiện loài tắc kè này vào tháng 6/2007.

Tắc kè Cnemaspis neangthyi có màu lục vàng, trên cơ thể có những vết màu sáng với một đốm đen nằm ngay trung tâm mỗi vết, ngoài ra cái đầu phẳng, rộng của loài tắc kè này giúp nó ngụy trang khéo léo vào bề mặt đá và thân cây.

Hiện có 75 loài tắc kè Cnemaspis được biết đến, trong đó 30 loài được khám phá tại Đông Nam Á và chỉ có một loài khác sống tại Campuchia.

Nhà bảo tồn học Neang Thy nói: “khám phá trên thu hút sự quan tâm của mọi người trong việc nghiên cứu và bảo vệ đa dạng sinh học khu vực Cardamom, Campuchia”, nơi đang bị đe dọa bởi các hoạt động nông nghiệp, cháy rừng và khai thác gỗ bất hợp pháp.

Dãy núi Cardamom là một trong những nơi ở Đông Nam Á có nhiều vùng rừng rộng lớn và phần lớn chưa được con người khám phá. Đây là khu vực có ít nhất 62 loài động vật và 17 loài cây bị đe dọa trên toàn cầu, trong đó có nhiều loài đặc hữu của Campuchia.

Đăng bởi: Hiệp Trần

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก