Trung Quốc

Sơn Hải Quan - địa danh du lịch nổi tiếng của Trung Quốc

Sơn Hải quan (cũng gọi là Du quan), cùng với Gia Dục quan và Cư Dung quan, là một trong các cửa ải chính của Vạn lý trường thành. Di tích này thuộc quận Sơn Hải Quan, Tần Hoàng Đảo, Hà Bắc. Năm 1961, Sơn Hải quan được Quốc vụ viện phê chuẩn là một đơn vị bảo hộ văn vật trọng điểm toàn quốc hạng nhất.

Đây là một địa điểm du lịch nổi tiếng, là cực đông của tuyến Trường thành chính vào thời nhà Minh, cũng được gọi là “thiên hạ đệ nhất quan” – tương ứng với tên gọi “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” của Vạn lý trường thành. Nơi mà bức tường thành chạm giáp với Bột Hải có biệt danh là “Lão Long Đầu.”

Cửa ải nằm cách 300 km về phía Đông của Bắc Kinh và có thể tiếp cận bằng đường cao tốc Kinh Thẩm chạy từ thủ đô về phía Đông Bắc, tới Thẩm Dương.

LỊCH SỬ

Trong lịch sử Trung Quốc, Sơn Hải quan là một cửa ải biên giới nhằm phòng thủ Trung Nguyên trước các dân tộc du mục tại Đông Bắc như Khiết Đan, Nữ Chân và Mãn Châu.

Sơn Hải quan nằm ở phía nam Yên Sơn, và ở phía bắc Bột Hải. Trong các thế kỷ, cửa ải trấn giữ lối đi hẹp, yếu đạo giao thông giữa Đông Bắc và Hoa Bắc. Cả Bắc Tề và nhà Đường đều từng cho xây cửa ải tại đây. Năm 1381, tướng nhà Minh là Từ Đạt cho xây dựng Sơn Hải quan, tên gọi này xuất phát từ vị trí nằm giữa núi và biển.

điểm đẹp, trung quốc, sơn hải quan - địa danh du lịch nổi tiếng của trung quốc

Những năm cuối thời nhà Minh, Liêu Ninh là nơi tranh giành của quân Hậu Kim, Mông Cổ và Minh. Sơn Hải quan có vị trí chiến lược để Hậu Kim xâm nhập Trung Nguyên.

Về sau, tướng nhà Minh là Thích Kế Quang bắt đầu cho củng cố và xây dựng một thành quanh Sơn Hải quan, tường thành và pháo đài ở phía đông, nam và bắc của cửa ải. Sơn Hải quan trở thành một trong những cửa ải được củng cố vững mạnh nhất tại Trung Quốc và cho đến ngày nay, đây cũng là một trong những cửa ải được bảo tồn tốt nhất của Vạn lý trường thành.

Vào thời nhà Thanh, Sơn Hải quan, với vị trí nằm giữa Bắc Kinh và Thẩm Dương, là cửa ngõ để đến kinh đô. Trong thời Dân Quốc, cũng như trong chiến dịch Liên quân 8 nước và Chiến tranh thế giới lần thứ 2, Sơn Hải qua là nơi diễn ra nhiều cuộc xung đột.

điểm đẹp, trung quốc, sơn hải quan - địa danh du lịch nổi tiếng của trung quốc

Encyclopædia Britannica năm 1911 viết rằng: Sơn Hải quan, một thị trấn đồn trú ở cực Đông của tỉnh Trực Lệ, Trung Quốc, dân số khoảng 30.000 người. Nó nằm ở điểm mà dãy các ngọn đồi bao gồm Vạn lý trường thành dốc xuống biển, tạo thành một quan hay cửa ải giới hạn phạm vi của Trung Quốc bản thổ và Mãn Châu. Vì thế đây là một đồn quân sự quan trọng, và là một tuyến đường thương mại giữa Mãn Châu và Trung Nguyên của Trung Quốc. Tuyến đường sắt Bắc Hoàng đế từ Thiên Tân và Đại Cô 174 m. từ nơi trước đó, chạy qua cửa ải, và men theo bờ biển vịnh Liêu Đông xa đến cảng hiệp ước Ngưu Trang, nơi nó được kết nối với một tuyến đường sắt đi tử cảng Arthur (Lữ Thuận) đến tuyến đường chính Siberi. Cửa ải tạo thành giới hạn phía nam của phạm vi ảnh hưởng của Nga theo quy định trong hiệp ước giữa Anh và Nga vào ngày 28/4/1899.

Tháng 7/1904, 15.000 quân Nhật đã đổ bộ lên Sơn Hải quan, trước khi hành quân đến Bắc Kinh để kết thúc cuộc bao vây các công sứ của Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn. Một cuộc oanh tạc trước khi đổ bộ là không cần thiết do chỉ có một ít lính Trung Quốc hiện diện tại đây. Quan hệ đồng minh đã bị giáng một đòn mạnh khi một cuộc ẩu đả xảy ra tại Sơn Hải quan giữa quân Nhật Bản và quân Pháp. Trong vụ xung đột, ba lính Pháp và bảy lính Nhật đã bị giết, năm lính Pháp và 12 lính Nhật đã bị thương.

NHỮNG CÂU CHUYỆN NỐI TIẾNG

Xung quanh cửa ải này có nhiều câu chuyện nổi tiếng mà được biết đến nhiều nhất là tích Ngô Tam Quế mở Sơn Hải Quan để hàng quân Mãn Châu.

Sử liệu ghi chép rằng, thời nhà Minh, tướng Ngô Tam Quế đã gần như chấp thuận đầu hàng và tham gia quân nổi dậy của Lý Tự Thành. Tuy nhiên, sau khi nghe tin người thiếp yêu quý là Trần Viên Viên bị họ Lý chiếm đoạt, Ngô Tam Quế đã nổi giận và liên lạc với Đa Nhĩ Cổn của Mãn Châu, dẫn đến việc mở Sơn Hải Quan cho quân Mãn. Liên quân Ngô Tam Quế và Mãn Châu đã chiến thắng trong trận Sơn Hải quan chống lại Lý Tự Thành.

Chiến thắng của quân Mãn Châu không chỉ tiêu diệt quân nổi dậy của Lý Tự Thành mà còn chấm dứt cả nhà Minh, thiết lập một triều đại cai trị mới của người Mãn trên đất Trung Quốc là nhà Thanh.

Ngoài ra, còn một tích khác khá thú vị liên quan đến chữ “Nhất” trong bức hoành phi “Thiên hạ đệ nhất quan” treo ở cổng phía Đông cửa ải. Bức hoành phi dài 5,9 m, rộng 1,6 m, trong đó chiều cao của chữ là 1,45 m, rộng 1,09 m do Tiêu Hiển – nhà thư pháp nổi tiếng của nhà Minh viết, nhưng dưới bức hoành phi lại không đề tên ông.

Truyền thuyết kể rằng khi viết bức hoành phi này, Tiêu Hiển đã viết một mạch là xong, nhưng khi ngắm lại ông không hài lòng với chữ “Nhất”, tuy viết lại nhiều lần nhưng vẫn không như ý. Ông quẳng bút và vào quán rượu dưới chân núi vừa uống rượu vừa nghiền ngẫm.

Ngay lúc đó, một người hầu trong quán quen tay vạch một đường trên bàn, để lại vệt nước. Tiêu Hiển trông thấy vệt nước liền đứng dậy khen không ngớt “tuyệt quá”. Thì ra vệt nước đã vẽ nên chữ “Nhất” kỳ diệu. Tiêu Hiển liền viết chữ nhất này lên bức hoành phi và trở thành bức hoành phi thiên cổ.

Vì lý do trên, Tiêu Hiển đã không ghi tên vào chỗ lạc khoản, khiến bức hoành phi này là một trong số rất ít bức hoành phi không có lạc khoản.

Được biết, lạc khoản là thành tố không thể thiếu trong tác phẩm thư pháp – là phần trên bức Thư pháp để ghi tên, tên hiệu, ngày tháng, lời giải thích, thơ văn… đồng thời có đóng ấn chương.

CẤU TRÚC

Cửa ải Sơn Hải quan là một hình vuông, với chu vi khoảng 4 km. Các bức tường cao đến 14 m, và dày 7 m. Các mặt phía Đông, Nam và Bắc có một hào sâu và rộng bao quanh. Có các cầu bắc qua hào. Ở trung tâm của cửa ải có một tháp chuông cao.

điểm đẹp, trung quốc, sơn hải quan - địa danh du lịch nổi tiếng của trung quốc

Tất cả bốn mặt của Sơn Hải quan đều có cổng: Trấn Đông môn (Đông), Nghênh Ân môn (Tây), Vọng Dương môn (Nam), và Uy Viễn môn (Bắc). Do trải qua nhiều thế kỷ, chỉ Trấn Đông môn còn lại cho đến ngày nay. Trấn Đông môn là cửa quan trọng nhất của Sơn Hải quan do vị trí đối mặt với phía ngoài cửa ải.

Viết trên một tấm bảng treo trên cổng thành là một tên thay thế của Sơn Hải quan, “Thiên hạ đệ nhất quan” (天下第一关). Không nên nhầm lẫn với “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” (天下第一雄关), biệt danh của một cửa ải khác nằm ở cực Tây của Vạn lý trường thành.

NHỮNG ĐIỂM THAM QUAN Ở SƠN HẢI QUAN

Cổng thành phía Đông

điểm đẹp, trung quốc, sơn hải quan - địa danh du lịch nổi tiếng của trung quốc

Cổng thành phía Đông của Sơn Hải Quan, được nối liền với Vạn Lý trường thành bằng một đoạn tường kéo dài từ trên núi xuống biển đã trở thành điểm du lịch được yêu thích nhất. Đây là tháp canh chính của Sơn Hải Quan với cao lâu 2 tầng và 68 lỗ nhỏ để bắn tên. Tháp cao 13,7m.

Lão Long Đầu

Địa danh nổi tiếng toàn Trung Quốc, Lão Long Đầu, cách Sơn Hải Quan 4 km về phía Nam chính là nơi tiếp giáp giữa Vạn Lý trường thành và biển Bột Hải. Cuối năm 1980, đoạn tường thành này đã bị phá hủy và người dân Sơn Hải Quan đã khôi phục lại dáng vẻ vốn có của nó và trở nên kiên cố hơn rất nhiều.

điểm đẹp, trung quốc, sơn hải quan - địa danh du lịch nổi tiếng của trung quốc

Hiện tại, xung quanh Lão Long Đầu xuất hiện rất nhiều bãi tắm nhỏ, thậm chí có nhiều người còn trèo lên tường thành và nhảy xuống. Tuy nhiên, nước biển ở đây khá bẩn và không thích hợp để bơi lội nên các dịch vụ thuyền buồm (80¥/người) trở nên phổ biến.

Lộc Sơn

điểm đẹp, trung quốc, sơn hải quan - địa danh du lịch nổi tiếng của trung quốc

Đối với nhiều du khách, được đi dạo trên một đoạn trường thành là trải nghiệm vô cùng thú vị, nhưng cảm giác đứng trên đỉnh Jiao Shan và phóng tầm mắt quan sát toàn bộ Sơn Hải quan lại thi vị hơn rất nhiều.

Bảo tàng Trường thành

điểm đẹp, trung quốc, sơn hải quan - địa danh du lịch nổi tiếng của trung quốc

Mang đến cái nhìn toàn cảnh về Sơn Hải quan cũng như mức độ trọng yếu của cửa ải Đông Bắc bằng các mô hình. Trong bảo tàng trưng bày rất nhiều tranh ảnh lịch sử liên quan tới Vạn Lý trường thành và các đồ tạo tác. Có biển chỉ dẫn bằng tiếng Anh.

Đăng bởi: Nguyễn Ngọc Minh

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก