Thành Phố Hồ Chí Minh có gì?

Thành phố Hồ Chí Minh, trước đây gọi là Sài Gòn, đã từng là hòn Ngọc của Viễn Đông là thành phố lớn thứ hai tại Việt Nam (lớn nhất là Hà Nội). Đây là thành phố đông đúc nhất trong cả nước với dân số chính thức hơn 8 triệu người trên tổng diện tích hơn 2.095 km2. Không chỉ là một thành phố hiện đại, sôi động, đa sắc màu, Thành Phố Hồ Chí Minh đem theo chặng đường 300 năm mang đậm dấu ấn thời gian và lịch sử. Mỗi lần du khách trong nước và nước ngoài ghé thăm thành phố mang tên Bác phần nhiều thích thú với sự thay đổi nơi đây. Thành Phố Hồ Chí Minh có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Thành Phố Hồ Chí Minh trong bài viết sau đây nhé.

Chợ Bến Thành – Thành Phố Hồ Chí Minh

Nhắc đến Sài Gòn ta không thể không nhắc đến một danh lam thắng cảnh nổi tiếng, là biểu tượng của thành phố Hồ Chí Minh được mang tên chợ Bến Thành  – khu chợ cổ mang nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Sài Gòn.

thành phố hồ chí minh có gì?

Chợ Bến Thành – Thành Phố Hồ Chí Minh

Chợ Bến Thành nằm tại quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng vào thế kỉ XX, nhưng thực chất chợ có lịch sử hình thành từ thế kỷ XVII, lúc đó chợ nằm gần sông Sài Gòn và là nơi mua bán của các tiểu thương.

Đến thời kỳ chống thực dân Pháp, chợ nằm bên bờ sông bến Nghé cạnh một bến sông gần thành Gia Định. Bến này dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành, vì vậy mới có tên gọi là Bến Thành, và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, kiến trúc của chợ Bến Thành ngày nay mang diện mạo hoàn toàn khác so với thời kỳ đầu hình thành chợ. Chợ Bến Thành thời kỳ đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, được người xưa mô tả như là “phố chợ nhà cửa trù mật ở dọc theo bến sông.

Chỗ đầu bến này có lệ đến đầu mùa xuân gặp ngày tế mạ, có thao diễn thủy binh, nơi bến có đò ngang chở khách buôn ngoài biển lên. Đầu phố phía Bắc là ngòi Sa ngư, có gác cầu ván ngang qua, hai bên nách cầu có dãy phố ngói, tụ tập trăm thứ hàng hóa, dọc bến sông ghe buôn lớn nhỏ đến đậu nối liền”.

Tuy nhiên, sau cuộc nổi loạn của Lê Văn Khôi, thành Quy bị triệt hạ, phố chợ Bến Thành cũng không còn sầm uất như trước. Trước thời điểm Pháp đánh chiếm Gia Định thì khu vực quanh thành có rất ít dân cư trú và chợ Bến Thành là đông đúc nhất.

Cạnh khu chợ, dọc theo bờ sông Bến Nghé, các ghe thương thuyền thường đậu chen chúc nhau, tạo thành một thành phố nổi trên mặt nước. Tuy vậy sau khi Pháp chiếm thành Gia Định bắn hỏa công thiêu rụi cả thành, thiêu hủy cả ngôi chợ ấy,tuy có được dựng lại nhưng đến thế kỷ XIX ngôi chợ trở nên cũ kỹ và lâm vào tình trạng có thể bị sụp đổ.

Để tránh tai họa, người ta phải phá chợ, chỉ còn gian hàng thịt, vì mái tôn nhẹ, nên chưa bị phá. Đồng thời người Pháp đã chọn một khu vực khác để xây dựng lại một khu chợ mới với kiến trúc tốt hơn để phục vụ nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển, địa điểm được lựa chọn nằm gần ga xe lửa Mỹ Tho, và cũng là chợ Bến Thành ngày nay.

Trước mặt chợ Bến Thành là công trường Quách Thị Trang – trước kia là cái ao sình lầy gọi là Bồ-Rệt do viên xã Tây lúc ấy cho lấp năm 1912 và xây chợ Mới Sài Gòn. Cửa chính của chợ Bến Thành là cửa Nam, rất phù hợp với tiêu chí mở cửa chính trong kiến trúc Việt: Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng Nam.

Mặt Bắc chợ mới là đường Lê Thánh Tôn. Mặt Tây chợ mới là đường Phan Chu Trinh. Mặt Đông chợ mới là đường Phan Bội Châu. Chợ Bến Thành có 16 cửa gồm 4 cửa chính và 12 cửa phụ.Cửa Nam là mặt tiền của chợ Bến Thành hướng ra công trường Quách Thị Trang.

Phía Nam chợ Bến Thành ngoài cửa Nam còn có cửa số hai, cửa số mười sáu.Điểm nổi bật nhất của cửa Nam đó chính là tháp đồng hồ, tháp có ba mặt và được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp.

Phía dưới tháp đồng hồ, ở mặt tiền, có ba chữ “CHỢ BẾN THÀNH”, bên trong nhà lồng là nơi bày bán các mặt hàng vải vóc và thực phẩm khô. Nếu như cửa Bắc rực rỡ với những gian hàng hoa tươi và trái cây thì cửa Ðông lại bày bán các loại mỹ phẩm và bánh kẹo đầy màu sắc.

Cửa Tây nổi bật với sự đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ của giày dép, hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm… Khi trăng lên, chợ như khoác lên một tấm áo mới với sắc màu rực rỡ, tráng lệ trong không khí đông đúc, tấp nập, nhộn nhịp người qua lại, chợ đêm thường tập trung trên hai con đường Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh bên hông chợ chính.

thành phố hồ chí minh có gì?

Chợ Bến Thành – Thành Phố Hồ Chí Minh

Có thể nói đây là thời gian “ sống thật” của chợ với nhiều hoạt động giao thương, thưởng thức ẩm thực đa dạng dành cho du khách và người dân bản địa.

Có thể nói, chợ Bến Thành chính là chứng nhân của lịch sử , chứng kiến xuyên suốt công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước của người Việt, tuy đã được tu bổ nhưng nơi đây vẫn giữ được nét kiến trúc ngày trước gợi cho chúng ta nhớ về một thời kỳ đầy khốn khó và gian khổ. Không chỉ vậy chợ còn mang dấu ấn văn hóa rõ nét, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Việt.

Ta có thể thấy giữa nhịp sống nhanh, tấp nập, hối hả, mang hơi thở hiện đại của Sài Gòn, đâu đó vẫn lưu giữ những nét đẹp truyền thống ,cổ xưa như chợ Bến Thành để ta có những giây phút sống chậm lại, hòa mình vào không khí náo nhiệt mà bình dị, gần gũi của nơi đây.

Chợ Bến Thành đã trở thành niềm tự hào của người dân Sài Thành, quảng bá những nét đẹp văn hóa, truyền thống của Việt Nam ra thế giới.

Chợ Bình Tây – Thành Phố Hồ Chí Minh

Chợ Bình Tây (còn được gọi là Chợ Lớn, Chợ Lớn Mới) với lối kiến trúc cổ, mang đậm phong cách Á Đông, được thành lập trong những năm đầu tiên hình thành vùng đất Sài Gòn xưa. Nơi đây là điểm buôn bán, giao thương quan trọng giữa Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như với một số nước trong khu vực như Campuchia, Lào, Thái Lan…

thành phố hồ chí minh có gì?

Chợ Bình Tây – Thành Phố Hồ Chí Minh

Chợ Bình Tây được khởi công từ năm 1928 và hoàn thành năm 1930. Chợ được xây dựng bằng xi măng cốt thép theo kĩ thuật phương Tây nhưng lại mang đậm nét kiến trúc Á Đông. Cổng chợ có hình một tháp lầu cao, kiến trúc gần giống kiểu cách của một ngôi chùa, mái lợp ngói âm dương, bốn phía có đồng hồ lớn, trên góc mái và đỉnh tháp có hình rồng đắp nổi, mặt trước có bức phù điêu khảm sành màu xanh hình “lưỡng long chầu châu”. Bốn góc chợ có 4 chòi nhỏ, toàn bộ mái chợ lợp bằng ngói âm dương theo kiểu chồng lớp để tạo sự thông thoáng. Chính giữa chợ có khoảng sân trời rộng rãi, thoáng mát.

Chợ Bình Tây bốn phía tiếp giáp với đường Lê Tấn Kế, Tháp Mười, Trần Bình, Phan Văn Khỏe. Chợ có 12 cổng nhỏ thông ra bốn hướng và một cổng chính nhìn về xa lộ Tháp Mười, trực diện bến xe Chợ Lớn, là cửa ngỏ về các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thuận lợi cho giao thông, vận chuyển hàng hóa.

Chợ Bình Tây có 2.358 sạp hàng. Riêng khu vực nhà lồng có 1446 sạp, trong đó tầng trệt có 698 sạp, tầng lầu có 748 sạp. Trong chợ có khoảng 876 gian hàng chuyên về thực phẩm và gia vị, đây là mặt hàng chiếm tỉ lệ cao nhất ở chợ. Ngoài ra còn có các mặt hàng về đồ dùng gia đình, hàng may sẵn, lương thực và các ngành hàng khác.

thành phố hồ chí minh có gì?

Chợ Bình Tây – Thành Phố Hồ Chí Minh

Hàng hóa trong chợ phần lớn được phân phối dưới hình thức bán sỉ cho mối lái các tỉnh và những tư thương mua về bán tại các chợ nhỏ trong thành phố. Chợ Bình Tây là nơi làm ăn buôn bán chính của đồng bào người Hoa ở Tp. Hồ Chí Minh, nhất là người Hoa ở các quận 5, 6 và 11. Tại đây, số lượng tiểu thương người Hoa chiếm khoảng 25% tổng số lượng hộ kinh doanh buôn bán.

Chợ hoạt động từ 3 giờ sáng đến 9, 10 giờ đêm. Tờ mờ sáng, chợ đã bắt đầu náo nhiệt với những gian hàng thực phẩm, quần áo. Người bán, kẻ mua từ khắp nơi đổ về rất nhộn nhịp và sôi động. Tiểu thương người Việt và người Việt gốc Hoa kinh doanh buôn bán ở chợ Bình Tây có truyền thống tương trợ, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau.

Dọc theo khuôn viên chợ, có những quầy ăn uống bày bán nhiều món ăn Nam Bộ với giá rất bình dân để phục vụ khách đi đường và tiểu thương trong chợ. Thức ăn ở đây cũng phong phú và không kém phần hấp dẫn như các món cháo, bún măng, bánh ướt, vịt tiềm… Đặc biệt, các sạp bán thức ăn ở đây rất biết chiều lòng thực khách bằng cách thường xuyên thay đổi món cho phù hợp với khẩu vị.

Về đêm, chợ Bình Tây cũng nhộn nhịp và thơ mộng dưới màu đỏ của những chiếc đèn lồng đong đưa trước gió. Lúc này, du khách có thể đi dọc bên hông chợ để xem những quầy trái cây bày bán rất nhiều loại đặc sản được đưa từ miền Tây về như: xoài cát Hoà Lộc, bưởi Năm Roi, chôm chôm Vĩnh Long…

Không chỉ là nơi giao thương quan trọng, chợ Bình Tây còn là một trong những điểm đến của khách du lịch trong nước và quốc tế. Nhiều công ty du lịch đã đưa chợ Bình Tây vào danh mục tour tham quan của mình. Vì vậy, hàng năm, chợ Bình Tây đón khoảng trên 100.000 lượt khách du lịch nước ngoài đến đây tham quan, mua sắm và thưởng thức nghệ thuật ẩm thực đất phương Nam…

Nhà thờ Đức Bà – Thành Phố Hồ Chí Minh

Mỗi thành phố đều mang trong mình nét đẹp riêng với những công trình, kiến trúc, di tích, thắng cảnh riêng. Nếu Hà Nội nổi tiếng với phố cổ thì Hồ Chí Minh lại thu hút du khách đến nhà thờ Đức Bà. Với kiến trúc độc đáo, ẩn chứa ý nghĩa lịch sử và tôn giáo sâu sắc, nhà thờ Đức Bà đã trở thành một di tích thắng cảnh đặc trưng của Sài Gòn ngày nay.

thành phố hồ chí minh có gì?

Nhà thờ Đức Bà – Thành Phố Hồ Chí Minh

Tọa lạc tại số 1, Công xã Paris, phường Bến Nghé, giữa trung tâm Quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, Nhà thờ Đức Bà đồ sộ với kiến trúc cổ của Pháp, không gian thông thoáng với cây xanh tươi mát, là một trong những biểu tượng tiêu biểu của Sài Gòn.

Về nguồn gốc lịch sử, Nhà thờ được xây dựng cách đây đã nhiều năm. Năm 1960, sau khi chiếm Sài Gòn, Pháp cho sửa lại một ngôi chùa của người Việt bị bỏ hoang ở đường số 5 thành nhà thờ để làm nơi cử hành Thánh Lễ cho người theo đạo Công giáo. Sau đó, qua từng năm phụ thuộc vào nhu cầu mở rộng, nhà thờ ban đầu được cải tạo và xây dựng lớn hơn, cầu kỳ hơn. Đến tháng 8/1876, thống đốc Nam Kỳ Duperré đã tổ chức một cuộc thi đồ án thiết kế kiến trúc cho một nhà thờ mới. Kiến trúc sư J.Bourad giành chiến thắng với bản thiết kế mang phong cách kiến trúc Roma cải biên pha lẫn đặc trưng Gothic. Ông chính là người xây dựng lên nhà thờ sau này. Công trình của J.Bourad khởi công từ 10/1977 đến 4/1880, khi hoàn thành có tên là nhà thờ Nhà Nước vì được nhà nước đầu tư và xây dựng. Tháng 2/1959, bức tượng Đức Mẹ được tạc tại Pietrasanta mang đến đặt phía trước nhà thờ, nhà thờ đổi tên là nhà thờ Đức Bà cái tên đó vẫn duy trì cho đến hôm nay.

Với thiết kế đặc biệt, khu vực nhà thờ được đánh giá là nơi đẹp nhất thành phố Hồ Chí Minh. Nó nằm giữa quảng trường, không hề có hàng rào che chắn và khuôn viên bên cạnh, không bị che khuất bởi các công trình kiến trúc khác, có góc nhìn tuyệt đẹp từ mọi phía, thực sự là điểm nhấn nổi bật giữa không gian đô thị. Mặt trước thánh đường là một công viên (Công trường Công xã Paris) với bốn con đường giao nhau tạo thành hình thánh giá, gần đó là Bưu điện Sài Gòn. Ở trung tâm công viên là bức tượng Đức Mẹ Hòa Bình. Tượng có thế đứng thẳng, tay cầm Quả Địa Cầu có đính cây thánh giá, đôi mắt Đức Mẹ đăm chiêu nhìn lên trời xanh như đang nguyện cầu. Chân Đức Mẹ đạp đầu con rắn.Trên bệ đá, phía trước bức tượng, người ta có gắn một tấm bảng đồng với hàng chữ Latinh: “REGINA PACIS – ORA PRO NOBIS – XVII. II. MCMLIX. Nghĩa là: NỮ VƯƠNG HÒA BÌNH – CẦU CHO CHÚNG TÔI – 17.02.1959”. Giữa hai tháp chuông trước đó, dưới mái có một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ loại lớn, đến tận hôm nay vẫn chạy và chỉ giờ chính xác. Vào đêm vọng Lễ Giáng Sinh, tiếng chuông sẽ ngân vang.

thành phố hồ chí minh có gì?

Nhà thờ Đức Bà – Thành Phố Hồ Chí Minh

Gần 140 năm đã qua đi nhưng nhà thờ Đức Bà vẫn đứng vững, thách thức với sự tàn phá của thời gian. Nhà thờ được thiết kế theo dạng thánh thất Basilica với mặt bằng hình chữ thập dài, gồm một gian lớn ở chính giữa, hai hành lang cánh và hậu cung hình bán nguyệt, mang đậm kiến trúc La Mã. Bên ngoài cải tiến với cuốn vòm gãy mang đặc trưng Gothic. Bên trong có kết cấu vòm thép hiện đại chống đỡ cả công trình. Móng của thánh đường được thiết kế đặc biệt, chịu được tải trọng gấp 10 lần toàn bộ kiến trúc ngôi nhà thờ nằm bên trên. Và một điều rất đặc biệt là nhà thờ không có vòng rào hoặc bờ tường bao quanh như các nhà thờ quanh vùng Sài Gòn – Gia Định lúc ấy và bây giờ.

Nội thất thánh đường được thiết kế thành một lòng chính, hai lòng phụ tiếp đến là hai dãy nhà nguyện. Toàn bộ thánh đường dài 93m, có 56 ô cửa kính với những họa tiết tinh xảo. Trên cửa mô tả các nhân vật hoặc sự kiện trong Thánh Kinh, 31 hình bông hồng tròn, 25 cửa sổ mắt bò bằng kính nhiều màu ghép lại với những hình ảnh rất đẹp. Chiều ngang nơi rộng nhất là 35m. Chiều cao của vòm mái thánh đường là 21m. Sức chứa của thánh đường có thể đạt tới 1.200 người, không gian thông gió. Tuy không rộng lớn bằng các công trình khác nhưng thánh đường nhà thờ Đức Bà được xem là kiến trúc độc đáo và đẹp nhất trong các công trình tại thuộc địa Pháp lúc bấy giờ.

Toàn bộ chất liệu xây dựng và các phụ kiện kim khí khác đều được chuyển từ Pháp sang. Bề mặt công trình được ốp hết bằng gạch trần và đá xanh, được tính toán tỉ mỉ, chính xác đến từng đường nét. Thời gian trôi đi, một vài bộ phận bị xuống cấp, hư hại và được thay thế bằng vật liệu trong nước, tuy nhiên vẫn đảm bảo được tính thẩm mỹ ban đầu của nó. Kiến trúc thánh đường đã tạo nên hiệu ứng ánh sáng tuyệt vời trong nội thất, mang đến cho con người cảm giác thanh thản, yên tĩnh và trang nghiêm.

Nhà thờ Đức Bà có giá trị đặc biệt. Nhà thờ được đánh giá là công trình văn hóa, tinh thần hài hòa kiến trúc Đông – Tây, truyền thống và hiện đại. Sự hòa hợp giữa kiến trúc và khung cảnh xung quanh cùng với phong cách độc đáo đã giúp nhà thờ Đức Bà trở thành công trình kiệt tác của lịch sử, tiêu biểu cho vẻ đẹp thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây là điểm đến quen thuộc của giới trẻ đất Sài Thành, là địa điểm nằm trong danh sách ghé thăm đầu tiên của khách du lịch trong và ngoài nước khi lần đầu đặt chân đến Hồ Chí Minh.

Năm tháng cứ trôi đi, nhà thờ Đức Bà vẫn kiên cường đứng vững giữa lòng thành phố, trở thành một biểu tượng cho chốn Sài Thành sầm uất, đồng thời cũng trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây.

Bến Bạch Đằng – Thành Phố Hồ Chí Minh

Sài Gòn không có những khu du lịch sinh thái nổi tiếng, không có biển xanh hay núi cao mà ấn tượng với những công trình kiến trúc độc đáo, mang dấu ấn lịch sử, một trong số đó là Bến Bạch Đằng. Nép mình bên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng từ lâu đã trở thành một trong những điểm tham quan ở Sài Gòn có sức hấp dẫn với người dân thành phố và khách du lịch khi đến thăm TP Hồ Chí Minh.

thành phố hồ chí minh có gì?

Bến Bạch Đằng – Thành Phố Hồ Chí Minh

Tọa lạc tại số 2 đường Tôn Đức Thắng, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, bến Bạch Đằng được xem là có một vị trí khá đẹp tại khu vực trung tâm thành phố. Bến Bạch Đằng đã trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử và gắn liền với đời sống của bao thế hệ tuổi trẻ Sài Gòn.

Dù sở hữu một vị trí đẹp, nhưng trong suốt nhiều năm bến Bạch Đằng gần như bị lãng quên. Thế nhưng, trong những năm gần đây, bến Bạch Đằng đang dần được “thay da đổi thịt” với những công trình, dự án phát triển du lịch, khác hẳn với khu vực bờ sông vắng vẻ trước đây, khiến cho nơi này trở thành một trong những địa điểm thăm quan thu hút rất đông khách du lịch ở Sài Gòn.

Bến Bạch Đằng gồm bến cảng và công viên Bạch Đằng nằm bên bờ sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1,3km với diện tích khoảng 23.400m2, là một mảng không gian xanh của thành phố. Bên kia đường là bức tượng đài Trần Hưng Đạo, đứng sừng sững, uy nghiêm, chỉ tay về phía bến Bạch Đằng.

Hiện nay, quanh bến Bạch Đằng đang phát triển rất nhiều các dịch vụ đường thủy như nhà hàng, tàu du lịch trên sông, tạo nên một khu tổ hợp hiện đại và mở ra một “bộ mặt mới” của Sài Gòn.

Khu bến cảng kết hợp với các dịch vụ nhà hàng nổi, du lịch đường sông cùng với nhiều dịch vụ tiện ích công cộng khác đã trở thành một điểm đến vui chơi giải trí, tham quan cho khách du lịch cũng như người dân nơi đây.

Bến phà Thủ Thiêm trước kia nay đã tràn ngập sắc vàng chủ đạo của những tuyến xe bus trên sông hiện đại nhất tại Việt Nam.

Những tuyến bus trên sông đã góp phần làm giảm mật độ xe cộ qua lại giữa quận 1 và các quận ven sông Sài Gòn cũng như sẽ giảm lượng khí thải ô nhiễm ra môi trường từ các phương tiện cá nhân.

Hơn thế nữa, những tuyến xe bus trên sông còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển du lịch sông nước cũng như thay đổi bộ mặt của một Sài Gòn văn minh, hiện đại nhưng vẫn có chút gì đó gần gũi, thân thuộc với thiên nhiên.

Ngoài ra, hệ thống sông nước mênh mông tại bến Bạch Đằng cũng rất thích hợp để phát triển loại hình dịch vụ nhà hàng nổi. Nếu như muốn thay đổi không khí, tìm đến cảm giác thư giãn cho tầm hồn thì bạn lên những nhà hàng nổi trên sông với thiết kế cực kì bắt mắt.

Tại đây, bạn có thể vừa thưởng thức những món ăn Âu – Á do những đầu bếp chuyên nghiệp chế biến, vừa tận hưởng làn gió mát mẻ lênh đênh trên những con sóng, ngắm nhìn vẻ đẹp hoàng hôn của thành phố.

Kế bên bến Bạch Đằng là công viên Bạch Đằng có diện tích là 23.400 m2, với tổng chiều dài là 1325m, chạy dọc ven sông Sài Gòn. Công viên này trước đây là bãi giữ xe và một phần của bến phà Thủ Thiêm, nối giữa quận 1 và quận 2.

thành phố hồ chí minh có gì?

Bến Bạch Đằng – Thành Phố Hồ Chí Minh

Có thể nói, bến Bạch Đằng đẹp nhất là khi về đêm. Nơi đây sở hữu một gian đẹp với phong cảnh sông nước hữu tình, nên khi thành phố lên đèn, bến Bạch Đằng trở nên rực rỡ bởi những ánh điện, khiến cho khung cảnh trở nên lãng mạn và thơ mộng hơn bao giờ hết.

Người dân Sài Gòn, đặc biệt là những cặp tình nhân, thường lựa chọn lui tới đây vào buổi tối để tận hưởng không gian trong lành, thoáng mát từ bến sông thổi vào. Nhìn từ phía bờ sông, bạn có thể thu trọn vào tâm mắt những tòa nhà cao tầng chọc trời, nơi tỏa ra những ánh đèn lấp loáng, rực rỡ.

Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn đi lên những chiếc du thuyền để khám phá hành trình về phía Thủ Thiêm, sau đó xuôi dòng Sài Gòn qua bến Nhà Rồng, dọc theo các bến cảng Sài Gòn để ngắm nhìn quang cảnh thành phố tuyệt đẹp về đêm.

Những chiếc thuyền lớn nhiều tầng và đủ loại màu sắc, hình dáng và ca nô luôn sẵn sàng rẽ sóng đưa khách du ngoạn trên sông để ngắm phố thị về đêm với vẻ đẹp huyền ảo, lung linh.

Hiện nay, bến Bạch Đằng đã và đang dần nổi mới, từ một bến đò xưa trở thành một trạm xe bus trên sông hiện đại nhất giữa trung tâm Sài Gòn. Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, bến Bạch Đằng đã, đang và sẽ luôn là biểu tượng phát triển của thành phố Hồ Chí Minh.

Bến Nhà Rồng – Thành Phố Hồ Chí Minh

Bến Nhà Rồng là một trong những điểm du lịch nổi tiếng ở thành phố Hồ Chí Minh. Không những vậy còn mang nét kiến trúc hết sức độc đáo của lịch sử. Chính nơi đây là địa điểm khởi đầu cho con đường giải phóng dân tộc của Bác Hồ vĩ đại, gắn liền với con đường cách mạng nên đã sớm là niềm tự hào của người dân Việt Nam nói chung, người dân Sài Gòn nói riêng.

thành phố hồ chí minh có gì?

Bến Nhà Rồng – Thành Phố Hồ Chí Minh

Đã một thế kỉ rưỡi trôi qua với biết bao biến cố thăng trầm nhưng bến Nhà Rồng vẫn đứng uy nghiêm trên con đường Nguyễn Tất Thành quận 4 thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây cũng chính là bến ra vào của một thương cảng sầm uất nhất nước, hay được gọi là cảng Sài Gòn. Ngay trước mặt bến Nhà Rồng chính là bến Bạch Đằng lộng gió nằm ngay trung tâm. Với danh xưng là “hòn ngọc Viễn Đông” thì hình ảnh khu vực này khi thành phố lên đèn hết sức lung linh và huyền ảo.

Khi thực dân Pháp chiếm được thành Gia Định vào ngày 4/3/1863 thì liền tiến hành mở cảng Sài Gòn. Bọn chúng cho xây dựng trụ sở công ty vận tải Hoàng Đế là một tòa nhà 3 tầng xây dựng với lối kiến trúc phương Tây. Thế nhưng lại trang trí trên nóc nhà 2 con rồng lớn bằng đất hình dáng trái cầu, chúng được miêu tả theo mô típ “Lưỡng long chầu nguyệt”. Bởi vì vậy có tên gọi là Nhà Rồng và bến cảng được gọi là Bến Nhà Rồng. Tuy nhiên cho đến thời kì Mỹ xâm chiếm thì chúng đã cho sửa đầu rồng quay qua 2 phía. Cho đến năm 1979 nơi đây được Ủy ban nhân dân thành phố trao cho Sở văn hóa thông tin thành phố để xây dựng thành khu lưu niệm Bác Hồ kính yêu. Vào tháng 10 năm 1995 nơi đây tiếp tục được chỉnh lý và nâng cấp trở thành bảo tàng Hồ Chí Minh.

Nói về kiến trúc thì tòa nhà là sự kết hợp giữa cả hai lối kiến trúc phương Tây và phương Đông. Phía trên nóc nhà được thiết kế và trang trí với những kiến trúc đền chùa. Đến tháng 10 năm 1865 nơi đây được xây dựng cột cờ thủ ngữ để có thể treo cờ hiệu cho tàu thuyền thấy và cập bến. Mãi cho đến năm 2001 khi đất nước đã hòa bình, ngay chính diện của tòa nhà đã có thêm bức tượng Nguyễn Tất Thành được tạc nên tạo thêm sự uy nghi của bảo tàng.

thành phố hồ chí minh có gì?

Bến Nhà Rồng – Thành Phố Hồ Chí Minh

Bến Nhà Rồng không chỉ là một nơi mang kiến trúc lịch sử mà còn là nơi lưu giữ những kỉ niệm về Bác đối với người Việt Nam. Nơi đây, bến cảng Nhà Rồng là một địa điểm đánh dấu bước ngoặt lịch sử của dân tộc ta. Là nơi mà một người thầy đã xả thân đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc ta. Khi rời trường Dục Thanh thì thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã xin học tại trường Bách nghệ. Ngôi trường này có chuyên môn chính là chuyên đào tạo công nhân tại Sài Gòn. Người đã nuôi dưỡng giấc mơ của mình bằng cách từ bỏ công việc ổn định để chuẩn bị tìm tòi công cuộc cứu nước như thế. Vào ngày 5/6/1911, chỉ với hai bàn tay trắng người thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu hành trình “30 năm ấy chân không nghỉ” khi đặt bước lên con tàu Latouche Treville.

Trong khoảng thời gian không ngừng tìm tòi và kiếm tìm những điều mới lạ tại nước ngoài, cuối cùng người đã tìm thấy ánh sáng cho con đường giải phóng của mình. Ánh sáng đó chính là ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê Nin. Tháng 8 năm 1945, sau khi người trở về liền lãnh đạo cả dân tộc tổng khởi nghĩa thắng lợi và lập ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Từ đó nhân dân liền theo tư tưởng của Người và tiếp tục “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Nhờ có vậy mà từ mùa xuân 1975 non sông gấm vóc thân thương của ta đã nối liền một dải.

Trong xuyên suốt lịch sử chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mĩ thì bến Nhà rồng là địa điểm được nhân dân chọn để tổ chức những cuộc mít-ting, bãi công, biểu tình,… Những cuộc vận động này được đông đảo người dân mọi tầng lớp tham gia để chống đối bọn tay sai và chính quyền thực dân. Vào ngày 13/5/1975 đã xảy ra sự kiện mang ý nghĩa lịch sử quan trọng trong năm tháng gắn liền hai miền Nam-Bắc đó là con tàu sông Hồng cập bến chính thức đã nối con đường biển thương giữa 2 miền.

Có biết bao tư liệu lịch sử và hiện vật quý hiếm đã được lưu giữ tại bến Nhà Rồng để giúp cho mọi người có cái nhìn gần gũi và chân thật nhất về sự nghiệp cách mạng và cuộc đời của vị lãnh tụ vĩ đại. Trải qua nhiều lần chỉnh sửa và gia cố thì đến nay bảo tàng được xây dựng thành 12 phòng trưng bày. Bao gồm khoản 170 tư liệu, hiện vật, hình ảnh,… Nếu đã từng đến xem những hiện vật thì bạn sẽ phải lặng người trước những hiện vật về Người. Đôi dép cao su mòn vẹt, đôi dép mà Bác đã bước trên đó để mở ra con đường giải phóng cho dân tộc ta. Nó chính là biểu tượng cho sự bình dị và gần gũi với đời sống nhân dân của Bác. Đặc biệt hơn nữa chính là những vết bút người đã ghi chép lại trong văn kiện đã góp phần làm thay đổi số mệnh của cả dân tộc. Ngày nay bảo tàng là nơi để nhân dân đến nghiên cứu về lịch sử và giao lưu, tìm hiểu về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Bác. Không ồn ào náo nhiệt như những khu du lịch nổi tiếng thế nhưng hằng năm bảo tàng vẫn thu hút hàng triệu người đến tham quan từ trong và ngoài nước.

Ngoại trừ diện tích xây dựn tòa nhà thì có 1200 mét vuông có hàng trăm các loại cây tạo nên bầu không khí xanh mát và cũng góp phần thanh lọc không khí của thành phố. Trong đó nổi bật là cây đa Tân trào do cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mang từ Bắc vào, chậu mai chiếu thủy trồng từ năm 1946 hay cây bồ đề của Tổng thống Ấn độ tặng trong chuyến thăm nước ta vào năm 1946 . Không chỉ vậy còn có 23 cây Hoàng nam được sứ quán Thái Lan tặng.

Bến Nhà Rồng đã được chọn làm biểu tượng của thành phố nhân kỉ niệm 300 năm Sài Gòn. Thời gian qua đi thế nhưng lòng tôn vinh của tầng lớp nhân dân vẫn luôn như vậy, không hề phai nhạt đi với Người. Ngày ngày vẫn có tầng tầng lớp lớp các thế hệ đến cúi đầu để bày tỏ sự tri ân tới Người đã đem lại một đất nước Việt Nam tự do như ngày nay.

Nhà hát lớn – Thành Phố Hồ Chí Minh

Nằm ở một vị trí thuận lợi tại trung tâm thành phố, nhà hát lớn được xem là nhà hát trung tâm, đa năng chuyên tổ chức biểu diễn sân khấu nghệ thuật đồng thời cũng được sử dụng để tổ chức một số sự kiện lớn. Đây cũng là nhà hát thuộc loại lâu đời theo kiến trúc Flamboyant và được xem như một địa điểm du lịch của thành phố này, tọa lạc trên con đường đắt đỏ trung tâm thành phố Sài Gòn bên cạnh là hai khách sạn lớn Caravelle và Continental.

thành phố hồ chí minh có gì?

Nhà hát lớn – Thành Phố Hồ Chí Minh

Nhà hát thành phố có kiến trúc cổ kính, uy nghi với 1 tầng trệt, hai tầng lầu, 1800 ghế, không khí thoáng, hệ thống âm thanh ánh sáng hiện đại, là nơi tổ chức biểu diễn sân khấu chuyên nghiệp như: biểu diễn kịch nói, cải lương, ca nhạc, múa Balê, dân tộc, Ôpêra cho tất cả các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.Ngoài ra, những đêm trình diễn thời trang đã thu hút bao khách thanh lịch ở Sài Gòn và nước ngoài, đặc biệt những nhà trình diễn thời trang quốc tế cũng chọn nhà hát Thành Phố làm nơi phô diễn những kiểu quần áo đặc sắc đang được thế giới ưa chuộng. Tại đây có thể tổ chức những buổi mít tinh, kỷ niệm những ngày lễ lớn, các hội thảo chuyên đề…

Ngay từ năm 1863 đã có những đoàn hát từ Pháp sang trình diễn cho quân viễn chinh Pháp xem, lúc đầu họ trình diễn tại ngôi nhà bằng gỗ của vị Ðô Ðốc tại Công trường Ðồng Hồ (Place de L’Horloge) ở góc Nguyễn Du- Ðồng Khởi hiện nay, sau đó một nhà hát tạm được lập ở vị trí khách sạn Caravelle ngày nay. Nhà hát lớn (Nhà hát Thành phố ngày nay) được khởi công xây dựng từ năm 1898. Ðầu năm 1900, nhà hát được khánh thành trọng thể. Mặt tiền của nhà hát được trang trí bằng nhiều tượng và tượng đắp nổi (như ở tòa nhà Ủy ban nhân dân thành phố) theo kiểu cách kiến trúc thời bấy giờ, giữa chiến tranh thế giới lần thứ I và chiến tranh thế giới lần thứ II, để đưa các đoàn hát từ Pháp sang trình diễn, thành phố phải trợ cấp nhiều. Vì thế nhiều người đã phản đối và có ý muốn biến nhà hát thành nhà hòa nhạc (salle de concert). Mặt tiền nhà hát bị đánh giá là quá rườm rà. Dự án sửa đổi đã được đưa ra vào năm 1943, sau đó mặt tiền nhà hát được sửa chữa lại như ta thấy ngày nay, sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, do hoàn cảnh chiến tranh, nhà hát không được tu bổ nhiều.

Kiến trúc của nhà hát lớn Sài Gòn là một đối trọng về mặt kiến trúc với Nhà hát lớn Hà Nội (cất năm 1911, kiến trúc theo mẫu Opéra Garnier tại Paris, 900 chỗ ngồi, kiến trúc sư Broger et Harloy). Nhà hát Sài Gòn giữ riêng nét đặc thù có một không hai. Tác giả của tòa kiến trúc này là các kiến trúc sư Félix Olivier, Ernest Guichard và Eugène Ferret xây dựng năm 1900 theo lối kiến trúc “flamboyant” của thời Đệ tam cộng hòa Pháp. Cửa mặt tiền chịu ảnh hưởng nghệ thuật khá rõ nét của Petit Palais cất cùng năm tại Pháp. Thiết kế bên trong tân tiến với đầy đủ thiết bị cho âm thanh và ánh sáng. Ngoài tầng trệt còn 2 tầng lầu tổng cộng 1800 chỗ ngồi. Toàn bộ các mẫu trang trí, phù điêu mặt tiền và nội thất đều được một họa sĩ tên tuổi ở Pháp vẽ giống như mẫu của các nhà hát ở Pháp cuối thế kỷ 19 và gửi từ Pháp qua ,tuy vậy, về phần trang trí ở mặt tiền nhà hát cũng có nhiều lời chỉ trích theo phong cách Pháp (sau được trang trí thêm theo phong cách Beaux Arts, rồi giản tiện hóa kiểu Art Deco), mặt tiền nhà hát được trang trí nhiều phù điêu và tượng đắp nổi (giống như Tòa Thị chính), nên bị chỉ trích là khá rườm rà và rối rắm. Vì vậy vào năm 1943, một số chi tiết trang trí này đã bị dỡ bỏ nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc.

thành phố hồ chí minh có gì?

Nhà hát lớn – Thành Phố Hồ Chí Minh

Vào năm 1998, nhân dịp kỷ niêm 300 thành lập Thành phố Saigon chính quyền đương thời phục hồi chức năng cũ là nhà hát thành phố cũng như đã cho phục hồi một số trang trí như tượng 2 nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn… trong đợt cải tạo và nâng cấp nhà hát. Tổng kinh phí trùng tu phục chế vào khoảng 25 tỉ đồng thời giá bấy giờ.

Giữa hai cuộc Thế chiến thứ nhất và Thế chiến thứ hai, việc đem gánh hát từ Pháp sang đây biểu diễn hoàn toàn do sự trợ cấp của chính quyền thành phố. Tuy có dự định nơi đây sẽ trở thành một khu trung tâm giải trí dành riêng cho những nhân vật sang trọng, nhưng Nhà Hát Tây càng ngày càng mất khách, vì các tay ăn chơi bị các hộp đêm, các quán ăn có nhạc và khiêu vũ giúp vui thu hút hầu hết… Sau thời gian đầu hoạt động sôi nổi, nhà hát chỉ còn sinh hoạt cầm chừng với các buổi ca hát, hòa nhạc và cải lương. Do có nhiều chỉ trích về kiến trúc rườm rà và chi phí tổ chức tốn kém, nên chính quyền thành phố đã từng có ý định chuyển nhà hát thành nơi hòa nhạc (Salle de Concert). Tuy nhiên, ý định này đã không được thực hiện. Thay vào đó, năm 1943 phần trang trí, điêu khắc ở mặt tiền nhà hát bị xóa bỏ (tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa, hai cây đèn…) nhằm trẻ trung hóa phong cách kiến trúc. Tuy nhiên, vào năm 1944, nhà hát bị phi cơ Đồng Minh oanh tạc, làm hư hại hại nặng, phải ngưng hoạt động.

Sau khi Pháp tái chiếm Đông Dương, do hoàn cảnh chiến tranh, nhà hát không được tu bổ nhiều. Năm 1954, nơi đây được sử dụng làm nơi ở tạm trú cho các thường dân Pháp từ miền Bắc di cư vào Nam theo Hiệp định Genève năm 1954. Năm 1955, nhà hát được tu bổ cải tạo nhưng lại được sử dụng với chức năng tòa Trụ sở Quốc hội (sau gọi là Hạ nghị viện) của chính quyền Việt Nam Cộng hòa.

Sau năm 1975, Nhà hát được trả lại chức năng ban đầu là tổ chức biểu diện nghệ thuật. Năm 1998, nhân dịp 300 năm khai sinh Thành phố Sài Gòn, chính quyền thành phố đã cho tu bổ lớn với phương châm bảo tồn phong cách kiến trúc ban đầu, với một số trang trí, điêu khắc nổi ở mặt tiền nhà hát như tượng nữ thần nghệ thuật, các dây hoa… được phục chế.

Bảo tàng chứng tích chiến tranh – Thành Phố Hồ Chí Minh

Nằm trên con đường Võ Văn Tần, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng chứng tích chiến tranh là một bức tranh sống động về đất nước Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh chống lại Mỹ – Ngụy. Những hiện vật, những hình ảnh còn sót lại như những bằng chứng đanh thép tố cáo tội ác của bọn thực dân xâm lược, đồng thời phản ánh ý chí chiến đấu, chiến thắng để giành lại độc lập dân tộc của nhân dân ta.

thành phố hồ chí minh có gì?

Bảo tàng chứng tích chiến tranh – Thành Phố Hồ Chí Minh

Thời nhà Nguyễn, vị trí của Bảo tàng chứng tích chiến tranh là nơi xây dựng chùa Khải Tường. Tới thời Pháp xây lược, ngôi chùa đã bị chính quyền Pháp phá bỏ hoàn toàn để thay thế vào đó là căn biệt thự. Trong khoảng thời gian sau đó, nơi đây đã trở thành bệnh viện sản phụ khoa, văn phòng luật sư,… Chỉ tới sau 1975, khi đất nước được giải phóng khỏi tay đế quốc Mĩ thì nơi đây trở thành bảo tàng, ghi lại những sự kiện lịch sử, dấu vết chiến tranh hay trưng bày những hiện vật liên quan tới cuộc chiến chống giặc xâm lược.

Bảo tàng gồm 3 tầng, mỗi tầng có chủ đề và những hiện vật riêng. Hãy cùng VNTRIP.VN dạo qua một vòng bảo tàng với những trải nghiệm đầy ý nghĩa và nhiều ấn tượng.

Ở tầng 1 của bảo tàng là phòng bán vé, phòng đa năng, phòng thế giới ủng hộ Việt Nam kháng chiến. Một trong những điểm dừng chân nổi bật ở tầng 1 đó chính là “Chuồng cọp” – một kiểu giam giữ của nhà tù Côn Đảo. Chuồng cọp được coi là một nơi tra tấn khủng khiếp nhất của quân Mỹ đối với những tù nhân yêu nước. Ở đây, những người cộng sản cách mạng yêu nước bị kìm hãm trong những phòng giam chỉ rộng khoảng 5m2, không có giường nằm, hay cửa sổ lớn. Tất cả những gì họ phải chịu đựng là bóng tối, không khí ẩm thấp, ngột ngạt khiến người bình thường cũng cảm thấy phát điên huống hồ gì những con người kia bị gông cùm kèm cặp. Không những thế, “Chuồng cọp” còn là nơi diễn ra những màn tra tấn hết sức đau đớn, dã man, nhằm phá tan ý chí và sức mạnh của những con người yêu nước. Có được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm ở những nơi khủng khiếp như vậy với thấy ý chí của những người con Việt Nam quật cường và kiên định đến nhường nào.

Tầng 1 còn là nơi trưng bày những hiện vật lớn như máy bay, xe tăng hay ngọn pháo của những chiến sĩ hay của quân Mĩ trong những ngày tháng chiến tranh. Những người trẻ khi tới đây cũng rất thích thú khi được tận mắt chứng kiến những sự vật chiến tranh vốn chỉ xuất hiện trong những câu chuyện mà ông bà kể lại.

Hai tầng trệt của bảo tàng là thế giới của những hình ảnh, những dốc mốc lịch sử tải hiện lại cả một quãng thời gian lịch sử đầy máu lửa. Với nhiều chủ đề hấp dẫn như Thế giới với chiến tranh ở Việt Nam hay Câu chuyện của những nạn nhân chất độc màu da cam đã khiến biết bao con người phẫn nộ hay đau xót. Có không ít những người Mĩ tới đây, chứng kiến những điều dã man mà nhân dân đất nước họ đã làm đối với những người Việt Nam mà phải nhỏ giọt nước mắt ân hận, xót thương.

thành phố hồ chí minh có gì?

Bảo tàng chứng tích chiến tranh – Thành Phố Hồ Chí Minh

Bên cạnh những hoạt động thường ngày, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có gì nữa, đó là thường xuyên tổ chức các hoạt động với chủ đề khác có liên quan như: Các chương trình ẩm thực sẽ giới thiệu các món ăn thời chiến tranh như khoai mì, cơm nắm, bánh tét, vừng… Những chương trình văn hóa như tình yêu trong chiến tranh rất thu hút công chúng.

Bảo tàng này còn là thành viên của Hội đồng các bảo tàng thế giới và Các bảo tàng vì hòa bình thế giới. Năm 2013, trang du lịch nổi tiếng thế giới Trip Advisor đã bình chọn Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Việt Nam lọt top 5 trong số 25 bảo tàng hấp dẫn nhất Châu Á.

Hiện nay, Bảo tàng lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, hơn 1.500 trong số đó đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề trưng bày thường xuyên, với các chủ đề như: tra tấn, tù đày, rải chất độc hóa học, rải bom… và các hiện vật như máy bay, đại bác, xe tăng, máy chém và hai ngăn “chuồng cọp” được xây dựng đúng kích thước như ở nhà tù Côn Đảo. Ngoài ra, bảo tàng còn có các phòng trưng bày về chiến tranh biên giới Tây Nam, chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, vấn đề quần đảo Trường Sa…

Đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, cảm nhận đầu tiên là nơi đây luôn đông khách. Nhưng ở đó, người ta không thấy sự ồn ào của một điểm du lịch, mà là những khoảng lặng, những nét mặt trầm tư xúc cảm. Hình ảnh những vị khách quốc tế đứng lặng người trước một bức ảnh, một hiện vật dường như đã trở thành quen thuộc nơi đây. Bởi trong suy nghĩ, trong tưởng tượng của nhiều người, dù họ có biết về chiến tranh Việt Nam trước đó nhưng họ khó có thể tưởng tượng nổi hậu quả nặng nề và tàn khốc đến như vậy.

Bảo tàng mỹ thuật – Thành Phố Hồ Chí Minh

Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ chí Minh được thành lập theo quyết định số 194/QĐ-UB ngày 05 tháng 9 năm 1987 của Ủy Ban Nhân dân TP. Hồ Chí Minh và tọa lạc số 97A Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận I, TP. Hồ Chí Minh. Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ra đời là một nhu cầu thiết yếu đối với một thành phố lớn, một trong những trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị… của cả nước. Hoạt động của Bảo tàng là để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng thành phố, đồng thời là nơi tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu của giới yêu nghệ thuật và giới thiệu với du khách nước ngoài về nền Mỹ thuật của khu vực nói riêng và của Việt Nam nói chung.

thành phố hồ chí minh có gì?

Bảo tàng mỹ thuật – Thành Phố Hồ Chí Minh

Khu nhà của Bảo tàng Mỹ thuật trước đây là của dòng họ Hui Bon Hoa – một thương nhân người Hoa, người Sài Gòn quen gọi là Chú Hỏa. Khu nhà được xây dựng không phải với công năng của một bảo tàng, mà là nhà ở và làm việc. Toà nhà được xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp cuối thế kỷ XIX – đầu thế kỷ XX kết hợp một cách hài hòa của kiến trúc phương Đông trong trang trí bên ngoài, mái ngói, cột ốp gốm và các trang trí bằng gốm trên mái nhà … Trong các toà nhà này đã từng tồn tại nhiều đồ vật có giá trị mỹ thuật bằng nhiều chất liệu và có giá trị thẩm mỹ; từ đồ gỗ cẩn ốc xà cừ, đồ gỗ chạm tinh xảo, đồ gốm …

Sau một thời gian chuẩn bị về cơ sở vật chất và hiện vật, cuối tháng 5 năm 1989 Bảo tàng đã chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Đến nay Bảo tàng đã có hơn 21.000 hiện vật được phân chia thành những bộ sưu tập quý giá. Hiện vật của Bảo tàng chia thành 02 mảng chính: mỹ thuật cổ, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống và mỹ thuật đương đại với những sưu tập quí như Ký họa kháng chiến, tác phẩm các họa sĩ trường Đông Dương, Gia Định, hay của các tác giả Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Diệp Minh Châu, Kim Bạch, Đinh Rú, Quách Phong… phản ánh những nét đặc trưng cơ bản của mỹ thuật khu vực TP. Hồ Chí Minh và khu vực Nam bộ.

Công tác trưng bày là một trong những khâu được chú trọng nhằm giới thiệu một cách hệ thống sự phát triển của mỹ thuật khu vực TP. Hồ Chí Minh và các vùng lân cận, thu hút khách tham quan ngày càng đông (hơn 200.000lượt người/năm).

Hàng năm Bảo tàng thường xuyên tổ chức triển lãm của các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Mỗi năm trung bình từ 10 -25 đợt trưng bày; trong đó có nhiều triển lãm quốc tế: tác phẩm của các nước khối ASEAN, tranh của các họa sỹ Nga, Trung Quốc, Mỹ, Italia, Canada, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Indonesia …

Tháng 5 năm 2012 Bảo tàng đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố .

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập – Thành Phố Hồ Chí Minh

Di tích Dinh Độc Lập tọa lạc tại số 135, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận I, thành phố Hồ Chí Minh, có tổng diện tích là 12ha, bốn mặt là 4 trục đường bao quanh – phía Đông Bắc giáp đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa; phía Tây Nam giáp đường Huyền Trân Công Chúa; phía Tây Bắc giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai; phía Đông Nam giáp đường Nguyễn Du. Di tích còn được biết đến với nhiều tên gọi khác, như Dinh Norodom, Dinh Thống đốc, Dinh Toàn quyền, Hội trường Thống Nhất.

thành phố hồ chí minh có gì?

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập – Thành Phố Hồ Chí Minh

Dinh Độc Lập và những sự kiện lịch sử liên quan

Năm 1858, Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Năm 1867, Pháp chiếm xong 6 tỉnh Nam Kỳ (Biên Hoà, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên). Ngày 23/02/1868, Thống đốc Nam Kỳ Lagrandière đã làm lễ đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Dinh Thống đốc Nam Kỳ mới tại Sài Gòn, thay cho dinh cũ, được dựng bằng gỗ vào năm 1863 (cả dinh cũ và dinh mới đều ở khu vực di tích hiện nay). Dinh mới được xây dựng theo đồ án do kiến trúc sư Hermite phác thảo.

Kiến trúc này được xây cất trên một diện tích rộng 12ha, bao gồm một dinh thự lớn, với mặt tiền rộng 80m, bên trong có phòng khách chứa được 800 người và một khuôn viên rộng, với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Phần lớn vật tư xây dựng dinh được đưa từ Pháp sang. Do chiến tranh Pháp – Phổ (1870) nên việc xây dựng công trình này phải kéo dài đến 1873. Sau khi khánh thành, dinh này được đặt tên là Dinh Norodom và đại lộ trước dinh cũng được gọi là Đại lộ Norodom, lấy theo tên của Quốc vương Campuchia lúc bấy giờ là Norodom (1834 – 1904). Từ năm 1871 đến năm 1887, dinh này được dành cho Thống đốc Nam Kỳ (Gouverneur de la Cochinchine) nên được gọi là Dinh Thống đốc. Từ 1887 đến 1945, các Toàn quyền Đông Dương đã sử dụng dinh thự này làm nơi ở và làm việc, nên được gọi là Dinh Toàn quyền (nơi ở và làm việc của các Thống đốc được chuyển sang một dinh thự gần đó).

Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, dinh trở thành nơi làm việc của chính quyền Nhật ở Việt Nam. Nhưng đến tháng 9 năm 1945, Nhật thất bại trong Thế chiến thứ II, Pháp trở lại chiếm Nam Bộ, dinh này lại trở thành trụ sở làm việc của Pháp ở Việt Nam.

Sau năm 1954, người Pháp rút khỏi Việt Nam. Đất nước ta bị chia cắt thành hai miền: miền Bắc là nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, còn ở miền Nam chính quyền tay sai lập nên cái gọi là “Quốc gia Việt Nam” (sau thành Việt Nam cộng hòa). Ngày 07/9/1954, dinh được bàn giao giữa đại diện Pháp – tướng 5 sao Paul Ely, và đại diện quốc gia Việt Nam – Thủ tướng Ngô Đình Diệm.

Năm 1955, sau một cuộc trưng cầu dân ý, Thủ tướng Ngô Đình Diệm phế truất Quốc trưởng Bảo Đại và lên làm Tổng thống. Ngô Đình Diệm quyết định đổi tên dinh này thành Dinh Độc Lập. Từ đó, Dinh Độc Lập trở thành nơi đại diện cho chính quyền cũng như nơi ở của tổng thống chính quyền tay sai và là nơi chứng kiến nhiều biến cố chính trị. Thời kỳ này, Dinh Độc Lập còn được gọi là Dinh Tổng thống. Theo cái nhìn phong thủy, dinh này được đặt ở vị trí đầu rồng, nên còn được gọi là Phủ Đầu rồng.

Ngày 27/02/1962, hai viên phi công thuộc Quân lực Việt Nam cộng hòa (Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú Quốc) lái 2 máy bay AD6 ném bom làm sập dinh. Do không thể khôi phục lại, Ngô Đình Diệm đã cho san bằng và xây một dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo đồ án thiết kế của kiến trúc sưNgô Viết Thụ – người Việt Nam đầu tiên đạt giải Khôi nguyên La Mã.

thành phố hồ chí minh có gì?

Di tích lịch sử Dinh Độc Lập – Thành Phố Hồ Chí Minh

Dinh Độc Lập mới (di tích hiện còn) được khởi công xây dựng ngày 01/7/1962. Trong thời gian xây dựng, gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm tạm thời chuyển sang sống tại Dinh Gia Long (nay là trụ sở của Bảo tàng Thành phố Hồ Chí Minh). Công trình đang xây dựng dở dang thì Ngô Đình Diệm bị phe đảo chính ám sát (ngày 02/11/1963). Sau đó, ngày 31/10/1966, Nguyễn Văn Thiệu đã dứng ra làm chủ lễ khánh thành dinh… Cũng từ ngày này, Dinh Độc Lập mới xây trở thành trụ sở của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Tổng thống Việt Nam cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu sống, làm việc ở dinh này từ tháng 10 năm 1967 đến ngày 21/4/1975.

Ngày 8/4/1975, chiếc máy bay F5E do Nguyễn Thành Trung lái, xuất phát từ Biên Hòa, đã ném bom vào dinh, nhưng gây hư hại không đáng kể.

Đúng 10 giờ 45 phút, ngày 30/4/1975, xe tăng mang số hiệu 843 của quân Giải phóng, thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 dẫn đầu đội hình đã húc nghiêng cổng phụ của Dinh Ðộc Lập. Tiếp đó, xe tăng mang số hiệu 390 đã húc tung cổng chính, tiến thẳng vào dinh. 11 giờ 30 phút cùng ngày, Trung úy Bùi Quang Thận – Ðại đội trưởng chỉ huy xe 843 đã hạ lá cờ 3 sọc xuống, kéo lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lên trên nóc dinh. Cũng chính vào giờ phút đó, Tổng thống cuối cùng của chính quyền Việt Nam cộng hoà là Dương Văn Minh cùng toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện chính quyền cách mạng. Đây là sự kiện lịch sử đánh dấu thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước của quân và dân Việt Nam.

Từ ngày 16 đến ngày 21/11/1975, Dinh Độc Lập đã được chọn làm nơi tổ chức Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất hai miền Nam Bắc trong một đất nước Việt Nam thống nhất. Tiếp đó, các hội nghị hợp nhất các tổ chức quần chúng của cả nước (Công đoàn, Thanh niên, Phụ nữ) cũng đã được tổ chức tại đây. Để kỷ niệm các sự kiện chính trị đặc biệt này, Chính phủ đã quyết định đổi tên Dinh Độc Lập thành Hội trường Thống Nhất.

Ngày 25/6/1976, Bộ trưởng Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã ký quyết định số 77A/VH-QĐ, xếp hạng Dinh Độc Lập là di tích lịch sử quốc gia.

Chùa Bà Thiên Hậu – Thành Phố Hồ Chí Minh

Chùa Bà Thiên Hậu (theo cách gọi của người Việt) còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tên chữ Hán là Thiên Hậu miếu, người Hoa gọi là Phò Miếu (tức miếu Đức Bà). Do bên cạnh chùa có Tuệ Thành Hội quán là nơi quy tụ của nhóm người Hoa Quảng Đông, nên chùa còn được gọi Tuệ Thành Hội quán. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của người Hoa đã gây dựng trên đất Đề Ngạn xưa. Chùa hiện tọa lạc tại số 710 đường Nguyễn Trãi, quận 5, thành phố Hồ Chí Minh. Chùa Bà được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 7.1.1993.

thành phố hồ chí minh có gì?

Chùa Bà Thiên Hậu – Thành Phố Hồ Chí Minh

Chùa Bà Thiên Hậu được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam góp vốn và góp công xây dựng vào khoảng năm 1760 và được trùng tu nhiều lần. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập nên Chợ Lớn sau này.

Theo học giả Vương Hồng Sển thì Thiên Hậu Thánh Mẫu (vị thần được thờ chính trong chùa) có tên là Mi Châu, người Bồ Dương (Phước Kiến). Bà sinh ngày 23 tháng 3 năm Giáp Thân (1044), đời vua Tống Nhân Tông. Sau đó, tám tuổi bà biết đọc, mười một tuổi bà tu theo Đạo giáo. Mười ba tuổi, bà thọ lãnh thiên thơ: thần Võ Y xuống cho một bộ “Nguyên vị bí quyết” và bà tìm được dưới giếng lạn một xấp cổ thư khác, rồi coi theo đó mà luyện tập đắc đạo.

Một lần, cha bà tên Lâm Tích Khánh ngồi thuyền cùng hai trai (anh của bà), chở muối đến tỉnh Giang Tây để buôn, giữa đường thuyền lâm bão lớn…Lúc đó bà đang ngồi dệt vải cạnh mẹ nhưng xuất thần để đi cứu cha và hai anh. Bà dùng răng cắn được chéo áo của cha, hai tay nắm hai anh, giữa lúc đó mẹ kêu gọi bà, buộc bà phải trả lời, bà vừa hở môi trả lời thì sóng cuốn cha đi mất dạng, chỉ cứu được hai anh. Từ đó mỗi khi thuyền bè ngoài biển bị nạn người ta đều gọi vái đến bà. Năm Canh Dần (1110) nhà Tống sắc phong cho bà là “Thiên Hậu Thánh Mẫu” .

thành phố hồ chí minh có gì?

Chùa Bà Thiên Hậu – Thành Phố Hồ Chí Minh

Chùa xây theo hình ấn, là kiểu kiến trúc đặc trưng cùa người Hoa, đây là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời), giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.

Trang trí ở các điện là hình hoa lá, chim thú và hoành phi, câu đối, biển tự thường là màu đỏ, vàng tạo sự ấm áp, tin tưởng. Chùa còn có các bức tranh đắp nổi liên hoàn, các con vật thuộc “tứ linh”.

Chùa có gắn các tượng tròn, phù điêu bằng gốm dày đặc từ trên nóc chùa, mái, hiên chùa cho đến các bàn thờ, vách tường… do 2 lò gốm Bửu Nguyên và Đồng Hòa sản xuất vào năm 1908.

Tiền điện là hai trang thờ hai bên: Phúc Đức Chánh thần (phải) và Môn Quan Vương Tả (trái). Tại đây có bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và các bức tranh lớn vẽ cảnh bà đang hiển linh trên sóng nước.

Trung điện đặt bộ lư có năm món (ngũ sự) đúc năm Quang Tự thứ 12 (1886).

Chính điện, được gọi là Thiên hậu Cung, gian giữa thờ Bà Thiên Hậu, hai bên thờ bà Kim Hoa Nương Nương (phía phải) và Long Mẫu Nương Nương (phía trái).

Được biết pho tượng Bà Thiên Hậu tạc từ một khối gỗ nguyên cao 1m, có từ khá lâu, trước khi xây chùa, vốn được thờ ở Biên Hòa và đến năm 1836 mới di chuyển về đây. Hai pho tượng còn lại bằng cốt giấy sơn màu. Các pho tượng đều được khoác áo thêu lộng lẫy. Gian phụ nằm hai bên chính điện thờ Quan Thánh, Địa Tạng, Thần Tài.

Chùa Bà Chợ Lớn hàng ngày vẫn đón tiếp những người đến cúng lễ khá đông. Nhưng đông hơn là vào các ngày mùng một và rằm hàng tháng, các ngày lễ Tết trong năm của người Hoa như Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan ngọ… Đặc biệt, ngày 28 Tết, chùa tiến hành lễ cúng Bà và Lễ khai ấn, cầu mong Bà phò trợ cho “Hộ quốc an dân” và “Hợp cảnh bình an”. Riêng ngày vía Bà (23. 3âm lịch) được xem là ngày hội chính của chùa.

Vào ngày này, bà con người Hoa, người Việt đến cúng lễ rất đông. Ngay từ đêm hôm trước tại chùa đã cử hành Lễ tắm Bà. Sáng ngày 23, mọi người lại tổ chức Lễ rước Bà: Tượng Bà được đặt vào kiệu do các thanh niên nam nữ ăn mặc đẹp đẽ diễu qua các đường phố quanh chùa. Theo sau kiệu có thuyền rồng, các tấm bảng đỏ ghi tên các vị thần được thờ phụng trong chùa, các đội múa gồm: múa lân, múa sư tử, múa rồng, các đội nhạc dân tộc vừa biểu diễn vừa múa hát, tạo nên một quang cảnh náo nhiệt trong các khu phố đông đảo người Hoa…

Chính điện chùa còn 2 đại đồng chung niên hiệu Càn Long năm thứ 60 (1796) và Đạo Quang năm thứ 10 (1830). Trung điện có bộ lư phát lam lớn niên hiệu Quang Tự thứ 12 (1886). Trong tủ kính lớn ở chính điện là tượng Bát Tiên và tướng lịnh của D’Ariès vào năm 1860 cấm các binh sĩ Pháp và Y-Pha-Nho phá phách. Hai bên bộ lư là kiệu sơn son thiếp vàng, bằng gỗ tốt, dành rước Bà vào ngày vía Bà với chiếc thuyền rồng chạm hình nhân, rước theo cùng với kiệu Bà.

Ngoài ra, chùa còn khoảng 400 đồ cổ, trong đó có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 4 lư hương đồng, 1 lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi… Tất cả những cổ vật này đều được chế tác rất công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế.

thành phố hồ chí minh có gì?

Chùa Bà Thiên Hậu – Thành Phố Hồ Chí Minh

Chùa Bà Thiên Hậu là một trong những ngôi chùa miếu, có lịch sử lâu đời nhất của người Hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ, nơi đây còn có một giá trị khác, đó không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi qui tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa (Quảng Đông).

Sự tích Bà Thiên Hậu, qua người kể đôi khi có ít nhiều dị biệt nhưng chủ yếu vẫn là đề cao một người phụ nữ Hoa có lòng hiếu thảo, đức hạnh, dám xả thân vì mọi người…Sự đề cao này nhằm mục đích giáo dục.

Mặt khác trên bước đường nguy nan, nhiều sóng gió, khi sang vùng đất mới để mưu sinh, người Hoa tin tưởng sự hiển linh của bà sẽ giúp họ vượt qua được mọi trở ngại và được an cư lạc nghiệp. Để tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với sự phù trợ của Bà, Chùa Bà Thiên Hậu có vị trí quan trọng đối với người Hoa và cả người Việt.

Thành Phố Hồ Chí Minh có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Thành Phố Hồ Chí Minh – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Lâm Đỗ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก