Khám Phá Trải Nghiệm Văn Hóa

Theo dòng sông Son khám phá những kì bí quanh động Phong Nha Kẻ Bàng

Phong Nha – Kẻ Bàng không chỉ có những hang động nổi tiếng đã trở thành di sản thiên nhiên thế giới, mà còn có dòng sông Son đẹp như nàng sơn nữ giữa núi rừng hoang sơ với nhiều câu chuyện hấp dẫn.

Bình yên bên dòng sông Son

Dòng Son khởi nguồn từ Đông Trường Sơn. Mùa khô nước sông Son xanh biếc hiền hòa, hai bên bờ quang cảnh rất thơ mộng. Mùa lũ, sông Son cuồn cuộn, phù sa đỏ tươi như máu, chảy băng băng qua đại ngàn, qua những thung lũng, đồng bằng rồi nhập vào sông Gianh (Linh Giang) ra biển Đông. Đến trung tâm du lịch Phong Nha, nằm cận ngay bến đò Xuân Sơn (Bố Trạch), du khách mua vé 80.000đ/người, sau đó thuê thuyền 320.000đ cho 14 người và xuất bến. Từ bến đò Xuân Sơn, đi về phía thượng nguồn chừng 5km, du khách sẽ đến hang Phong Nha.

di sản, du lịch, khối thạch nhũ, phong nha kẻ bàng, văn hóa, theo dòng sông son khám phá những kì bí quanh động phong nha kẻ bàng

Thuyền ngược dòng. Sông Son biêng biếc chảy men theo dải núi đá vôi hùng vĩ như bức trường thành. Những xóm làng yên ả thấp thoáng trong bóng cây rừng xanh ngút. Có một ngôi thánh đường nhỏ với cây thập giá như vươn mình lên tựa vào vách núi. Những chiếc thuyền nhỏ của cư dân Kẻ Bàng ngược xuôi mưu sinh trên dòng Son với những gương mặt dãi dầu mưa nắng xen lẫn những nụ cười chân chất mến khách của các cô sơn nữ. Theo cô lái đò Hồ Thị Lan, dân tộc Vân Kiều, thì: người ta đặt tên sông Son là bởi vào mùa mưa lũ, nước sông từ thượng nguồn đổ về có màu đỏ tươi như son. Thế nhưng, cũng có truyền thuyết nói về xuất xứ tên của dòng sông liên quan đến chuyện tình giữa một cô gái con nhà giàu và một chàng trai con nhà nghèo. Dù bị gia đình phản đối do không môn đăng hộ đối, cô gái vẫn sắt son yêu chàng trai và cuối cùng hai người dẫn nhau tới dòng sông này tự vẫn.

Huyền thoại sông Son

Quốc Cường – cán bộ của Hội VHNT tỉnh Quảng Bình kể cho chúng tôi nghe: “Bến đò sông Son thời chiến tranh là điểm vượt sông, đầu tiên với con phà kéo tay 18 tấn của Công ty giao thông Quảng Bình thời ấy đã thông bến Xuân Sơn – Phong Nha, góp phần chi viện vũ khí, lương thực cho chiến trường miền Nam. Không quân Mỹ đã tập trung đánh phá rất dữ dội dọc theo dòng Son đến tận cửa động Phong Nha. Bến phà Xuân Sơn hồi ấy là điểm nối, đầu cầu của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử ở phía bắc vĩ tuyến 17. Phà Xuân Sơn thuộc địa phận xã Sơn Trạch, gắn liền với đường 20 Quyết Thắng. Cùng lúc ấy, có thêm bến phà B (bến phà Nguyễn Văn Trỗi) cách động Phong Nha 800m, ở thượng nguồn. Kẻ địch phát hiện ra điểm vượt sông vô cùng hiểm yếu này nên đã cho máy bay dội bom, đánh phá ác liệt.

Lúc ấy, động Phong Nha là một hang động thiên nhiên to lớn và chắc chắn có thể chứa cả sư đoàn trú ẩn tránh bom. Quân ta đã dùng làm nơi cất giấu khí tài quân sự, lương thực. Năm 1966, Bộ Tư lệnh Mặt trận 559 (Trường Sơn) quyết định bắc cầu phao qua sông Son ở bến Xuân Sơn. Những ngày đầu tiên đã có hàng ngàn lượt xe vượt sông, chi viện cho chiến trường miền Nam. Địch bắn phá nơi đây ngày đêm không ngớt. Phong Nha – Xuân Sơn bị bom đạn Mỹ cày xới tơi bời, tan nát. Kẻ thù đã thả xuống lòng sông Son đầy các loại thủy lôi, bom từ trường, bom hẹn giờ… Trong cuộc chiến đấu oanh liệt giữ bến, thông xe, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hi sinh. Nhiều chiến sĩ được làm lễ truy điệu sống trước khi tình nguyện đi phá bom. Và còn biết bao sự hy sinh của bà con, nhân dân Bố Trạch góp phần làm nên những chiến công vẻ vang của nhân dân và các lực lượng vũ trang Quảng Bình.

Có một điều chắc chắn rằng, nếu bạn đã đến Quảng Bình mà chưa đến Phong Nha – Kẻ Bàng thì coi như chưa đến! Thật vậy, Phong Nha – Kẻ Bàng là địa điểm thu hút nhất của du khách khi đến Quảng Bình. Quần thể Phong Nha – Kẻ Bàng đã được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Vườn quốc gia này có khoảng 300 hang động cùng với hệ sinh thái vô cùng phong phú. Các nhà thám hiểm của Anh và Việt Nam mới chỉ thám hiểm 20 km, trong chiều dài khoảng hơn 80 km hang động thuộc khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng…

Đò chèo nhẹ vào cửa hang Phong Nha. Độ sâu của dòng sông có từ 10m đến 15m. Có nơi sâu hầu như không đáy! Lòng sông trong hang khá rộng chừng khoảng 8 m, nước âm u, lạnh lét và đen nhẻm do bóng tối vĩnh cửu bao trùm. Hang có ánh sáng chập chờn nhờ những bóng đèn mắc dọc vách. Khách ngước nhìn lên và sửng sốt, ngạc nhiên với cảnh vật vô cùng kì ảo như chốn bồng lai, tiên cảnh mà lần đầu chứng kiến! Đò đi khoảng chừng 1 km rồi nhẹ nhàng dừng lại. Khách lên bờ của một hang khô khá rộng và thong thả dạo chơi, ngắm nhìn vô số những thạch nhũ thiên hình vạn trạng, lung linh trong ánh sáng mờ ảo. Có những nhũ như hình quả bí khổng lồ, có nhũ lại giống như bình rượu cổ hay giàn đèn mâm trong đại sảnh… Có khá nhiều nhũ đá mang dáng hình Phật Tổ, Phật Bà, Tam Tạng, Tề Thiên, Cá Sấu, Voi, Sư Tử… và du khách tha hồ tưởng tượng theo góc nhìn và cảm nhận riêng của mình. Quả là cảnh tiên kì vĩ, hoành tráng trong lòng núi. Và sau khi khám phá các hình nhũ, du khách sẽ ra khỏi động bằng lối đi men theo vách núi đá. Đò chờ ở trước cửa hang và đưa khách xuôi dòng Son trở về bến cũ… Du khách lại quyến luyến ngắm nhìn cảnh đẹp nên thơ bên hai bờ sông Son xanh mướt.

di sản, du lịch, khối thạch nhũ, phong nha kẻ bàng, văn hóa, theo dòng sông son khám phá những kì bí quanh động phong nha kẻ bàng

Những chén trà khổng lồ- kiệt tác của thiên nhiên

Một trong những kỳ bí làm rất nhiều người thắc mắc, vì sao trong đoạn thám hiếm “Chiều sâu bí ẩn” có nhiều tảng đá bị bào mòn hình những chiếc chén uống trà nhỏ, đều nhau như thể có thợ chạm đá cầu kỳ đẽo gọt. Có những tảng đá dày đặc những chiếc “chén” trà đều xứng tâm, có nơi xuất hiện nhiều lỗ chén lúc to, lúc nhỏ. Có nơi đá được tạo tác thành những đường mỏng như lưỡi kiếm, bén đến kỳ lạ.

Du thám ở đoạn “Chiều sâu bí ẩn” với những nhà thám hiểm địa phương, chúng tôi kinh ngạc khi được tận thấy những hình hài lỗ “chén” ấy. Thật ra, chẳng có bàn tay nào của con người nào làm ra hàng vạn lỗ “chén” như thế, chúng được tạo ra từ cuộc trường chinh của nước. Chính nước đã bào mòn đá. Nước kéo ra các dòng chảy, đưa đến những cát, sạn, cuội, sỏi, va vào các vách đá, bào mòn, chạm mạnh, trở mình, nghiêng qua nghiêng lại, lật lên lật xuống, nảy theo điệu nước chảy, nương theo điều khiển của nước mà tạo thành những lỗ chén độc đáo, bí ẩn.

Nước chảy hàng triệu năm, vô số xoáy nước qua vô vàn trận lũ nhiệt đới đã tạo nên kỳ tích đó. Các lỗ chén ấy đã xuất hiện từ lâu và được tạo ra không phải từ một vài năm mà vài nghìn đến vài triệu năm.

Lũ lụt như một bậc thầy về đẽo gọt, tạo nên vẻ huyền thoại đầy bí ẩn của Phong Nha mà càng đi sâu càng thấy chúng tinh vi hơn cả tưởng tượng của con người. Đó là câu chuyện về một huyền thoại ở Phong Nha mà chúng tôi được khám phá. Lũ có thể vùi dập nhiều thứ nhưng đã tạo ra kiệt tác Phong Nha – một phần di sản thiên nhiên được thế giới công nhận.

Khối thạch nhũ có tuổi thọ hàng trăm triệu năm tuổi

Với động Phong Nha, nhiều người dường như cho rằng, hang động này đã được khám phá hết, tuy nhiên không gian bên trong vẫn chứa đựng nhiều bí ẩn. Những phát hiện mới về các buồng hang và hai hồ treo trong lòng hang chứng minh điều ngược lại. Vào động Huyền Không (được đặt tên đầu năm 2012), chúng ta được chiêm ngưỡng kiểu kiến trúc thạch nhũ buông xuống hai bên tường hang, dài hơn 50 m, cao đến 20 m. Một bức rèm độc đáo như buông hờ trên vách với đủ khối cầu kỳ, trên đó còn điểm xuyến vô số búp măng nhũ nhỏ như một thế giới thần tiên với nhiều cảnh quan sinh động.

Đi sâu nữa, ta sẽ thấy một đại thạch nhũ khổng lồ đứng giữa một vực hang rộng lớn. Khối thạch nhũ này đã có hàng trăm triệu năm tuổi. Những đường nhũ hiện rõ dưới ánh đèn led, vô số đường vân bện chặt bởi canxi già, hình hài của ngày một đẹp lên nhờ vô số tia nước từ trần hang và không khí ẩm. Nhìn khối thạch nhũ vĩ đại này, người ta dễ liên tưởng tới biểu tượng linga ai đó tự tay nhào nặn. Nhưng tuyệt phẩm này được tạo ra bởi vô số giọt nước giàu canxi, tích tụ hàng trăm triệu năm mới có hình hài như ngày hôm nay.

Cách khối thạch nhũ này chừng 30 m là hai khối tháp khác sừng sững như tòa tháp đôi trứ danh của Malayxia. Hồn của nước cũng kết tinh khi giữa năm 2012, đội khảo sát địa phương đã phát hiện 2 “hồ treo” trang lòng hang. Một hồ nhỏ chừng 70 m2, một hồ lớn hơn khoảng 300 m2. Phía rìa của hồ treo có rất nhiều thạch nhũ mảnh khảnh và những hố lồi lõm là trầm tích để lại của lũ đã khoét sâu vào lòng đá. Điều đó chứng tỏ dòng nước mạnh đến nỗi đá cũng bị khuất phục do bào mòn theo thời gian.

di sản, du lịch, khối thạch nhũ, phong nha kẻ bàng, văn hóa, theo dòng sông son khám phá những kì bí quanh động phong nha kẻ bàng

Loài cá không mắt trong hang

Nước cũng là linh hồn cho sự sống trong không gian hang động Phong Nha. Con sông ngầm ở đây dài đến gần 10 km. Xưa kia, dòng sông là nơi đánh bắt cá của người bản địa. Từ ngày trở thành di sản, cá trong lòng hang được bảo vệ. Ở đây có rất nhiều cá trắm và cá chình. Cá chình Phong Nha nhiều đến mức, khi bóng trời khuất núi, vãn du khách, từng đàn thi nhau vùng quẫy tưng bừng, khiến lòng hang trở nên rộn ràng.

Trong lòng hang, các nhà khoa học còn phát hiện ra những loài động vật không xương sống. Chúng không cần tới mắt mà sử dụng bộ râu và chân có các cấu trúc cảm ứng vùng rung động để lẩn tránh kẻ thù và đi tìm mồi. Loài bò cạp Việt Nam có tên khác là bò cạp mù đã được tìm ra ở đây và được công nhận là loài mới. Điều đó càng cho thấy không gian Phong Nha còn nhiều bí ẩn chờ đợi được khám phá.

Nguồn: Tổng hợp.

Đăng bởi: Tuấn Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก