Tình Yêu

Tình yêu lãng mạn có thực sự tồn tại hay không?

Những người muốn tìm kiếm tình yêu lãng mạn, thực chất thứ họ kiếm tìm là mong muốn bản thân trông như người bị hại trong một câu chuyện đầy bi thương được người đời ca ngợi?

khoa học, nhận định, tình yêu, tình yêu lãng mạn có thực sự tồn tại hay không?

Nguồn: Monster Box

Tình yêu lãng mạn là thứ không có thực?

Không phải con tim, bộ não mới là động lực thúc đẩy chúng ta yêu nhau. Nhưng không phải nhờ vào tâm hồn nghĩ ra những viễn cảnh tốt đẹp, hay lý trí giúp duy trì các mối quan hệ… tôi đang nói đến bộ não theo đúng nghĩa đen: chúng ta phải chung sống với nhau qua hàng trăm nghìn năm lịch sử, bắt nguồn từ việc não của người ngày càng to ra.

Good things take time

Để sở hữu một bộ não phức tạp, các bào thai sẽ cần lượng lớn chất dinh dưỡng và lượng lớn thời gian. Đi dạo quanh cây tiến hóa, chúng ta sẽ thấy ở những loài càng đơn giản, việc sinh sản càng đơn giản. Một số loài chỉ cần phân đôi hay tự mọc ra con non như trùng roi hay thủy tức, và chúng làm việc này với thời gian gần với thời gian ở mức độ tế bào. Một số loài khác tuy cần giao phối nhưng mỗi lần sinh sản có thể cho ra hàng trăm cá thể đủ sức sinh tồn ngay khi vừa rời khỏi bụng mẹ như các loài cá. Phức tạp hơn như ở thú có vú, phải mất vài tháng mang thai và đẻ ra số cá thể ít hơn rất nhiều. Tuy vậy, thú non không cần bên mẹ quá lâu trước khi có thể bắt đầu đứng và đi loanh quanh tìm hiểu thế giới.

Nhìn chung, thứ cần chú ý đến không phải con non, chính cái giá phải trả của bố mẹ trong từng loài mới cho thấy giá trị của con non lớn đến mức nào.

Thật vậy, mọi thứ bắt đầu phức tạp hơn ở các loài linh trưởng, chúng xuất hiện cách đây 60 triệu năm và ngày càng tiến hóa theo hướng sở hữu bộ não phức tạp hơn, lớn hơn, tiêu biểu như loài người hiện đại ngày nay.

Việc bộ não ngày càng lớn và phức tạp khiến con non cần được sinh ra sớm hơn, vì nếu chúng ở quá lâu trong tử cung, bộ não sẽ lớn đến mức con cái không thể đẻ được nữa. Để dễ hình dung hơn, một con chó con có thể đã phát triển khá đầy đủ trong bụng mẹ trước khi được sinh ra, trong khi một đứa trẻ sơ sinh buộc phải ra khỏi bụng mẹ ngay cả khi mọi thứ chưa đủ cứng cáp như các loài động vật anh em của mình, vì nếu ở lâu hơn đầu của chúng sẽ to đến mức không thể chui ra khỏi bụng mẹ được nữa. Theo các khảo sát và nghiên cứu gần đây, quả thực việc sinh đẻ đang ngày càng trở nên khó khăn và rủi ro hơn vì đầu trẻ sơ sinh quá to.

Nếu như một con sói có thể chỉ mất một vài tiếng đến vài ngày bên cạnh con trước khi có thể trở lại đi săn, thì các loài linh trưởng sẽ phải trả cái giá đắt hơn cho việc giao phối thành công. Vì chó sói con tuy vẫn gặp nhiều nguy hiểm, nhưng ít nhất chúng có thể tự sinh tồn được ở một mức độ nào đó chỉ sau khi rời khỏi bụng mẹ vài chục giờ, trong khi linh trưởng sơ sinh hay trẻ sơ sinh phải mất đến vài tháng cho đến vài năm chỉ để có thể… đứng vững. Bị “xích” vào một tình thế khó khăn trong thời gian dài như thế là một cái giá quá đắt cho vài phút giây hoan lạc.

Vì thế, một vài chiến thuật đã được tạo ra. Phổ biến trong các loài thú, cũng như ở một vài loài linh trưởng (như khỉ, gorilla) là chiến thuật giết con non. Các con đực ở những loài này luôn cố gắng tiếp cận con non của mình và giết chết chúng, như một cách để tự giải thoát bản thân và đồng loại khỏi trách nhiệm được đặt lên vai bởi tạo hóa (bật mí: con người cũng có xu hướng tương tự). Nhưng chiến thuật này dường như gây bất lợi ở quy mô loài, và tiến hóa không thích thế.

khoa học, nhận định, tình yêu, tình yêu lãng mạn có thực sự tồn tại hay không?

Vì vậy, một số chiến lược khác đã được tạo ra để ngăn cản hành vi này. Chẳng hạn, ở một số loài linh trưởng như tinh tinh hay khỉ bonobo, tập tính quan hệ tình dục lăng nhăng bừa bãi khiến các con đực không biết đâu là con non của mình để giết. Một số khác lại có chiến lược thỏa hiệp hơn, khi con đực và con cái nhận ra rằng việc chúng ở cùng nhau có thể giúp nuôi dưỡng được con non và tăng cơ hội sống sót cho cả gia đình. Chiến lược ở cùng được ủng hộ bởi tiến hóa, từ đây có nhiều thứ thú vị hơn bắt đầu phát triển.

Đầu tiên, để ở được cùng nhau, bộ não của những loài này sẽ cần có các cơ chế kiểm soát sao cho việc giết con non hay lăng nhăng trở nên kém hấp dẫn đi, trong khi nhận được rất nhiều phần thưởng khi chúng gắn kết với nhau. Vẫn bằng cách sử dụng tổ hợp các chất hóa học như dopamine, oxytocin, serotonin, cortisol… các xu hướng hành vi bắt đầu được định hình. Ở một mức độ nào đó, chúng tạo ra tình yêu.

Ở chiều hướng ngược lại, các loài ở cùng nhau bắt đầu có lợi thế cạnh tranh, và não của chúng càng phát triển lớn hơn, phức tạp hơn và trở nên thông minh hơn. Điều này lại càng giúp chúng gắn kết hơn, không chỉ ở quy mô cặp đôi, còn tạo ra nhiều hình thái xã hội phức tạp khác.

Thật vậy, đã có bằng chứng thực nghiệm dựa trên di chỉ khảo cổ của loài Homo erectus, cho thấy có sự tương quan rõ rệt trong sự tăng trưởng kích thước não với sự tăng trưởng về quy mô hợp tác và sự xuất hiện của các nhóm ngày càng lớn hơn.

Tuy nhiên, quan điểm cho rằng tình yêu xuất hiện như một chiến lược chống lại tập tính sát hại con non chỉ là một trong nhiều quan điểm khác, cũng như đứng trước nhiều hoài nghi. Một vài quan điểm cho rằng chiến lược sống theo cặp là chiến lược đặc thù khi con đực không đủ khả năng để cạnh tranh tìm nhiều bạn tình và phải bảo vệ người bạn đời duy nhất của mình (dựa trên quan sát một số quần thể thú có vú nơi có ít cá thể cái), hoặc quan điểm khác lại dựa trên phát hiện rằng mô hình 1 vợ 1 chồng xuất phát từ sự cạnh tranh của các con cái (dựa trên quan sát một loài linh trưởng).

Nhìn chung, nguồn gốc thực sự của việc kết đôi vẫn chưa thực sự rõ ràng, nhưng các quan điểm đều có những bằng chứng khoa học cho riêng mình. Và chúng đáng để tôn trọng, hi vọng, cũng như khuyến khích việc tiếp tục tranh cãi để tìm ra sự thật hơn những câu chuyện kể vô thực khác cách đây nhiều nghìn năm.

Tuy động lực thực sự của việc kết đôi là gì vẫn còn gây nhiều tranh cãi, nhưng vẫn tồn tại một quan điểm tương đối thống nhất: tình yêu đôi lứa là một phần của tình mẫu tử.

Thật vậy, nếu như việc kết đôi chỉ xuất hiện ở một số loài, tình mẫu tử lại cho thấy có mức độ phủ rộng hơn cả. Bên cạnh đó, cảm giác gắn kết, sự hy sinh, niềm vui khó tả… hay hàng loạt thứ xúc cảm khác ở tình yêu đều có thể tìm thấy trong các mối quan hệ mẹ con – ngay cả với những loài không hề tồn tại các cặp đôi sống chung. Và điều này được ủng hộ bởi các bằng chứng của khoa học thần kinh.

Chẳng hạn, những bộ phận não bộ đóng vai trò quan trọng trong định hình tình yêu đã tồn tại từ rất lâu trước khi xuất hiện những loài sống theo cặp đôi, trước hết chúng được dùng để đảm bảo cho tình mẫu tử. Cảm giác sợ xa cách, xu hướng gắn bó vô điều kiện… là ví dụ. Ở khía cạnh khác, tình yêu thực chất cũng là phương tiện của tình mẫu tử. Hàng loạt cơ chế phấn khích nhờ vào dopamine trong thời gian đầu tiếp xúc, việc “tắt” phần não bộ chịu trách nhiệm tư duy logic, tiêu cực và phán xét trong giai đoạn mới yêu, tăng tiết oxytocin như một phần thưởng, hạn chế tiết ra hoocmon bình tĩnh serotonin… được nhà khoa học thần kinh Thomas Lewis tóm gọn lại rằng: “Tất cả những gì tiến hóa muốn khi tạo ra cơ chế yêu đương là để các cặp đôi liên tục quấn quýt lấy nhau và… mang thai”.

Vì sau một thời gian nhất định, quả thực sự gắn kết vẫn còn nhưng hàng loạt cơ chế đảm bảo cho sự cuồng nhiệt dần biến mất. Sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ của tiến hóa, các cặp đôi được giữ lại với nhau thông qua cơ chế của tình mẫu tử “universal” như đã nhắc đến ở trên: sợ xa cách và có xu hướng muốn ở cạnh nhau. (Chúng tôi sẽ có một bài viết chi tiết hơn về quá trình này).

Có lẽ bộ não đã chuẩn bị trước hàng triệu năm cho sự gắn kết, nhưng tình yêu lãng mạn là thứ chỉ mới xuất hiện sau khi bộ não trở nên đủ to và việc sinh đẻ trở thành thử thách mới.

Nhưng ngoài những xúc cảm mãnh liệt về mặt sinh học, chúng ta còn bị ảnh hưởng bởi các yếu tố xã hội. Sự lãng mạn kỳ vọng trong tình yêu là một trong số đó. Vì như một quan điểm phổ biến: con người trở thành con người không phải dựa trên số nhiễm sắc thể, mà dựa trên sự đánh giá của những con người khác. Chúng ta là giống loài xã hội, thật thiếu sót khi nói về tình yêu mà không nhắc đến sự tác động của các yếu tố xã hội.

Chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa tư bản đã hủy hoại tình yêu như thế nào

Về mặt sinh học, sự mãnh liệt của tình yêu sẽ nhanh chóng biến mất bất kể mọi nỗ lực, cũng như bất kể ý chí của chúng ta muốn gì. Đó là một quá trình tự nhiên, không thể đảo ngược và vô hại. Có lẽ điều này đã sớm được nhận ra bởi những người họ hàng linh trưởng, tổ tiên của chúng ta hay thậm chí bởi các cư dân chỉ sống cách đây vài thế kỷ. Nhưng mọi thứ bắt đầu trở nên mâu thuẫn và phức tạp hơn kể từ khi tình yêu được khoác lên mình những bộ cánh rườm rà và nặng nề từ kỳ vọng xã hội.

Thông qua việc tìm hiểu những vết tích còn sót lại mô tả về những nền văn minh trong quá khứ, quan điểm phổ biến cho đến nay của các nhà nghiên cứu là con người trước kia cũng yêu đương, cũng tán tỉnh và sống cùng nhau, nhưng không có những mối quan hệ lãng mạn như chúng ta ngày nay. Điều này dễ hiểu vì cơ thể và bộ não trong vài nghìn năm chưa có bất kỳ điểm khác biệt nào rõ rệt, chỉ có xã hội là có nhiều thay đổi.

Tình yêu lãng mạn phổ biến ngày nay, như ý niệm về người trong mộng lý tưởng (the one), về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc mãi về sau, về sự đồng cảm, bình yên và đồng điệu tâm hồn đến tuyệt đối, về công chúa được cứu bởi hoàng tử… là sản phẩm tinh thần mới được tạo ra gần đây.

Về mặt ngữ nghĩa, romance, hay lãng mạn, chỉ những điều đẹp đẽ không có cơ sở, không có thực thậm chí không có mối liên hệ nào với thực tế. Từ này ban đầu được dùng để chỉ những câu chuyện phiêu lưu, khắc họa tinh thần hiệp sĩ trượng nghĩa, dùng cho các bộ sử thi anh hùng, mãi đến thế kỷ 17 mới được dùng để chỉ tình yêu.

Sự tồn tại của những ảo vọng không thực tế dường như có một điểm chung: bắt nguồn từ thực tế tương đối tẻ nhạt. Như sự phổ biến của những bộ sử thi lãng mạn anh hùng ca phiêu lưu, có thể hấp dẫn đại chúng vì các độc giả nông dân phải chôn chân trong khu đất bé tí gần như cả cuộc đời ở thời cổ và trung đại. Hay cuộc tình của cô bé lọ lem và hoàng tử cũng hấp dẫn người dân vì đó là thứ không xảy ra trong thực tế, vì các gia đình hoàng gia có truyền thống chỉ giao thiệp với người cùng đẳng cấp.

Sigmund Freud khi bàn về vấn đề này cũng bảo rằng: “Có thể dễ dàng nhận ra rằng giá trị tinh thần của nhu cầu dục vọng có thể bị giảm xuống nếu đạt được dễ dàng. Cần phải có những trở ngại để nâng cao ham muốn; và người ta còn tự dựng lên trở ngại ở những thời điểm sự kháng cự tự nhiên không đủ để thỏa mãn hay tận hưởng tình yêu. Điều này đúng với cả cá nhân và quốc gia. Trong những thời điểm không có gì khó khăn cản trở sự thỏa mãn tình dục, chẳng hạn có thể trong thời kỳ suy tàn của các nền văn minh cổ đại, tình yêu trở nên vô giá trị và cuộc sống trống rỗng”.

Trùng hợp thay, sự nổi dậy của chủ nghĩa lãng mạn ở thế kỷ 19 cũng cho thấy sự kháng cự tương tự. Trong giai đoạn này, motif lãng mạn xuất hiện phổ biến hơn trong hầu hết các loại hình nghệ thuật, khắc họa hình ảnh con người hòa quyện cùng sự hùng vĩ của thiên nhiên, và những điều đẹp đẽ vô thực.

Chủ nghĩa lãng mạn được cho rằng xuất hiện dưới sự ảnh hưởng của cách mạng công nghiệp, thời điểm thế giới bắt đầu thay đổi sâu sắc, dân số tăng nhanh, cấu trúc đô thị thay đổi (theo hướng tẻ nhạt đi)… cũng như có liên quan mật thiết đến chủ nghĩa cá nhân (và chủ nghĩa cá nhân cũng chịu ảnh hưởng bởi cách mạng công nghiệp) và ảnh hưởng mạnh mẽ đến chủ nghĩa dân tộc.

Tiếp bước giai đoạn này, vào thời kỳ Victoria, tình yêu lãng mạn bắt đầu trở thành ý tưởng chính cho hôn nhân và dường như kéo dài cho đến tận ngày nay. Trước đó, mặc dù vẫn có sự tồn tại của tán tỉnh và tình yêu trang lứa, nhưng các cuộc hôn nhân hoặc là nặng tính sắp đặt bởi bố mẹ để tạo ra các quan hệ kinh tế chính trị, hoặc là tồn tại các tập tục như bắt vợ. Hôn nhân có vẻ làm khá tốt việc đan cài các mạng lưới xã hội lại với nhau cho đến tận ngày nay ở xã hội Việt Nam (đây cũng là lý do phụ huynh ở đây vẫn có sức nặng trong việc tác động đến quyết định của con cái). Vì với những ai đã trải qua, bạn sẽ biết rằng không phải sinh con, cột mốc đau đầu nhất chính là đám cưới, thời khắc kỳ diệu biến những người trước kia từng xa lạ trở nên thân thuộc và có trách nhiệm với nhau.

Do vậy, cùng với sự phát triển của chủ nghĩa cá nhân và không còn được áp đặt bởi bố mẹ, các cá nhân giờ đây phải tự tìm kiếm cho mình một người phù hợp, một tình yêu “đúng nghĩa” để gắn kết cả đời. Không phải mọi thứ đi cùng việc được tự đưa ra quyết định đều tích cực.

Điều này khá áp lực, vì chẳng ai dạy cách yêu đúng đắn, ngoại trừ… các bộ cổ tích và tiểu thuyết. Không còn được sắp đặt bởi bố mẹ, quyết định của cả nam lẫn nữ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những gì họ được nghe từ bé, có thể là câu chuyện về những nàng công chúa tìm được vị hiệp sĩ của đời mình, có thể là những mối tình oái oăm nghịch cảnh được viết bởi Shakespeare. Nhưng mọi người quên mất một điều rất quan trọng: chúng đều không thực tế.

Trong quá trình tìm kiếm một điều không có thực, sẽ chỉ có một vài thứ chúng ta có thể tìm được: sự thất vọng, sự căm ghét bản thân, sự hài lòng trong ngắn hạn và sau đó lại thất vọng, mất niềm tin và mất phương hướng… Một mặt, chúng ta lãng mạn hóa câu chuyện của người khác (thậm chí cả câu chuyện của bản thân cho người khác nhìn thấy); mặt khác lại một mình gặm nhấm sự thật đau đớn rằng bản thân không hài lòng được như “tình yêu lý tưởng” được xã hội tô vẽ.

Vì như chúng ta đã tìm hiểu ở phần 1, cơ chế sinh học đã đảm bảo rằng sự nồng nhiệt của chúng ta rồi sẽ biến mất, và tình yêu sẽ chỉ còn trơ trọi một mối quan hệ tuy không tẻ nhạt nhưng chẳng đặc biệt được như kỳ vọng được xã hội vẽ ra. Tình yêu lãng mạn có thể đạt được trong một khoảng thời gian nhất định (thường là 1 năm), nhưng theo đuổi cảm giác lãng mạn là một nỗ lực vô nghĩa, thậm chí có hại vì nó đi ngược lại với chuẩn mực của xã hội về sự chung thủy, cũng như đi ngược lại với mục đích ban đầu khi theo đuổi sự lãng mạn.

Nó giống như một con chó đuổi theo chiếc đuôi của mình, tất cả những gì đạt được chỉ là cảm giác “sắp đạt được”, cùng một trạng thái mệt lử kéo dài.

Nghịch lý về sự lãng mạn khởi phát khi các giá trị đạo đức và trật tự xã hội trở nên chặt chẽ, cứng cáp và áp đặt nặng nề hơn đến các cá nhân. Vì theo nền tảng sinh học, hôn nhân một vợ một chồng và sự chung thủy sẽ chỉ dẫn đến một tình yêu bền vững thay vì lãng mạn, còn để theo đuổi sự lãng mạn cao siêu vô thực, có thể phần nào đạt được bằng việc đổi bạn tình liên tục và đối mặt với hàng loạt rủi ro (thực chất đây cũng là cách nhiều người lựa chọn).

Tư bản chủ nghĩa dường như biết điều này, và làm mọi cách để có thể kiếm được tiền dựa trên việc khai thác khao khát tìm kiếm tình yêu lãng mạn của các cặp đôi (đồng thời vẫn giữ lấy sự chung thủy). Họ dùng truyền thông để thay thế cho những câu chuyện kể, tiếp tục sử dụng các motif lãng mạn, cùng một ý đồ rõ ràng hơn.

Họ bán những chuyến du lịch với lời hứa hẹn “hâm nóng tình cảm”, bán những món đồ nội thất, những căn nhà với cam kết rằng sẽ giúp gia đình trở nên ấm áp và hạnh phúc hơn. Thậm chí, hàng loạt quảng cáo mì gói còn mạnh dạn cài cắm thông điệp giúp đem lại hạnh phúc gia đình và Tết đoàn viên vui vẻ (?!). Nhưng sự mạnh dạn của họ là có lý do, vì suy cho cùng, cả mì gói hay đồ nội thất đều cùng bán đi một kỳ vọng không có thực và không có cơ sở như nhau.

Sự xuất hiện của các dịp lễ, nghi thức tặng quà, mua sắm và vui chơi trong các dịp lễ ấy cũng là một biểu hiện khác mà tư bản đã vẽ ra nhằm giúp các cặp đôi nghĩ rằng “làm như vậy sẽ giúp cải thiện mối quan hệ”, “đây là biểu hiện của một tình yêu lãng mạn”. Một mặt, điều này không có ích gì với những cặp đôi đang có mối quan hệ lành mạnh; mặt khác, nó đánh lạc hướng và làm mờ đi những dấu hiệu nguy hiểm thực sự trong một mối quan hệ.

Bạn rồi sẽ chi rất nhiều tiền, trước khi ngừng làm việc này vào một thời điểm nhất định nào đó, và nhận ra chúng chẳng thể thay đổi được tiến trình tình yêu vốn dựa trên yếu tố sinh học và kỳ vọng xã hội. Đó là lý tưởng. Tình huống tệ hơn, chúng có thể tạo ra những ảo vọng có hại khác về tình yêu.

Chủ nghĩa tư bản mạnh lên cùng với truyền thông, và hàng loạt nghiên cứu đã cho thấy truyền thông có tác động vô cùng mạnh mẽ đến cách cá nhân nào đó chọn bạn tình, kỳ vọng về tình yêu, thậm chí quan điểm về tình dục. Vì với đa số người hiện đại, đây có thể là người thầy duy nhất dạy cách họ phải yêu như thế nào, đồng thời cũng là một người thầy tệ hại.

Truyền thông đã, đang và sẽ tạo ra những kỳ vọng không có thực về tình yêu, về người bạn đời lý tưởng, về mối quan hệ lý tưởng, thậm chí cả tần suất quan hệ tình dục lý tưởng (thứ vốn phụ thuộc nhiều vào cá nhân), cùng lúc là ý tưởng “mua thứ gì đó” để nhanh chóng đạt được thứ tình yêu lý tưởng ấy. Như mua mỹ phẩm để xinh đẹp hơn và tìm được hoàng tử của đời mình, mua khóa học để trở nên “đàn ông” để có thể hấp dẫn hơn, mua quần áo để trở nên quyến rũ giúp hâm nóng hôn nhân… Mọi thứ diễn ra như thể nếu bạn không đạt được kiểu tình yêu đạt chuẩn sau tất cả mọi nỗ lực mua sắm, tức là lỗi do bạn.

Vấn đề này thực ra không có gì mới mẻ, nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Sẽ thật khó để chấp nhận rằng thứ tình yêu chúng ta được thấy và hướng đến từ nhỏ là một thứ không có thực (hoặc chỉ có thực một phần); càng khó khăn hơn khi kỳ vọng ấy đã ăn sâu vào tâm trí của chúng ta từ lâu.

khoa học, nhận định, tình yêu, tình yêu lãng mạn có thực sự tồn tại hay không?

Nhưng điều nguy hiểm ít người nhận ra, là hệ lụy của việc buôn bán kỳ vọng về một “tình yêu lý tưởng nên hướng tới” có thể gián tiếp đẩy hiện thực trở thành thứ đáng bị vùi dập. Chúng có thể tạo ra sự mặc cảm, tạo ra định kiến, hay xa hơn là đánh giá của xã hội với những “kiểu tình yêu không đáng tồn tại”, hay “những người không xứng đáng nhận được tình yêu”. Thật vậy, không ít câu chuyện tranh cãi xoay quanh chuyện yêu như thế nào và mang bao nhiêu tiền, nên “đầu tư” vào mối quan hệ ra sao và kỳ vọng “nhận lại được” thứ gì… Hiện thực ảo này mạnh đến mức ngay cả khi chứng kiến các câu chuyện tình trái quy luật, như hạnh phúc của những cặp đôi nghèo khó, hay scandal của những người nổi tiếng, giàu có… người ta xem đó là “kỳ quặc” và “ngoại lệ”.

Quá đắm chìm vào kỳ vọng không thực tế, mọi người có vẻ quên mất rằng thứ xuất hiện phổ biến và nhận được nhiều sự đồng cảm nhất lại là các trò đùa về hôn nhân lâu năm, những thời than thở đãi bôi về vợ/chồng của mình hay sự đánh giá cao quá mức những người chồng tâm lý biết nấu ăn (vì người ta có xu hướng chú ý đến những thứ bất thường hiếm gặp). Hay dễ thấy hơn là việc người ta luôn kỳ vọng được tham dự những buổi “đám cưới đạt chuẩn”, dù hầu như cặp đôi nào đã trải qua cũng biết đó không gì hơn sự tốn kém và mệt mỏi phiền phức.

Con người đang tự nguyện đặt mình vào những khuôn mẫu độc hại phi thực tế, ngay cả khi họ thất bại trong thước đo đó. Đây quả thực là một điều khó hiểu.

Vấn đề của một chú chó luôn đuổi theo chiếc đuôi của mình không nằm ở việc nó mãi không bao giờ bắt được, mà nằm ở việc nó luôn có thể ngồi xuống và nhặt chiếc đuôi của mình lên bất cứ lúc nào, nhưng lại không bao giờ chấp nhận làm vậy.

Có lẽ do việc đó quá dễ, và thứ từ đầu nó tìm kiếm là sự khó khăn, chứ không phải chính cái đuôi?

Giống như những người muốn tìm kiếm tình yêu lãng mạn, thực chất thứ họ kiếm tìm là mong muốn bản thân trông như người bị hại trong một câu chuyện đầy bi thương được người đời ca ngợi?

Đăng bởi: Quốc Cường Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก