Nam Mỹ

Vì sao Bolivia là cơn ác mộng với các đội bóng Nam Mỹ?

Sân nhà là điểm tựa của Bolivia, nhưng lại là cơn ác mộng của các đội bóng khác. Vì sao lại như vậy?

Ở Nam Mỹ, 9/10 nước CONMEBOL thường xuyên nằm trong top 50 trên BXH FIFA. Chỉ có Bolivia là yếu nhất, chỉ xếp thứ 70-80 trên thế giới, thậm chí có những năm còn văng ra ngoài top 100.

Chênh lệch về thứ hạng xa như vậy, nếu như ở nhiều nơi khác, 1 đội chênh đến 40 bậc trên BXH có làm khách cũng có thể giành chiến thắng không quá khó khăn. Nhưng làm khách ở Bolivia thì khác.

Ai đã đọc Yugioh, ắt hẳn cũng đã biết đến những lá bài Môi trường tăng sức mạnh cho quái thú tương ứng. Bolivia cũng vậy, mỗi khi họ đá sân nhà, họ có 1 ưu thế vượt trội đủ khiến cho các đối thủ phải choáng váng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

bolivia, bóng đá, bóng đá nam mỹ, chuyện đó đây, du lịch, kiến thức bóng đá, vì sao bolivia là cơn ác mộng với các đội bóng nam mỹ?

Bóng đá Bolivia yếu nhất Nam Mỹ, nhưng trên sân nhà của họ thì khác.

Những SVĐ cao nhất thế giới

Địa lý Bolivia có đặc điểm là nửa phía Tây ở độ cao cực kì cao: khoảng 3000m so với mặt nước biển.

Nếu phía Tây không có thành phố lớn nào thì không có gì đáng nói, nhưng ở Bolivia hầu hết các thành phố lớn lại ở phía Tây:

– Thủ đô Lập hiến Sucre: độ cao 2790m

– Thủ đô hành chính La Paz: độ cao 3640m

– 9 trong top 10 thành phố đông dân nhất nằm ở phía Tây, với độ cao khoảng 3000m

Thủ đô La Paz là thủ đô có độ cao so với mực nước biển cao nhất thế giới, và sân Estadio Hernando Siles – sân được ĐTQG Bolivia chọn làm sân nhà – toạ lạc tại đây.

Và như mọi người đã biết, càng lên cao không khí càng loãng, nếu không phải cư dân sinh sống ở đây thì sẽ là 1 cơn ác mộng với hệ hô hấp.

Các đội bóng khi làm khách trên sân Bolivia thường bị choáng vì thiếu oxy.

Chính vì thế mà 1 đội bóng yếu như Bolivia trên sân nhà lại có thể đánh tennis 6-1 trước Argentina, đè bẹp Uruguay 4-1, hay hạ gục Brazil 2-1 khi Brazil đang là ĐKVĐ Nam Mỹ.

Vô đối trên sân nhà

Và để thấy được Bolivia được tiếp sức khủng khiếp khi chơi tại Estadio Hernando Siles như nào, ta so sánh kết quả các trận chính thức của Bolivia:

Copa America:

  • Sân khách:

Các kì Copa từ 1999 đến nay: chơi gần 30 trận, chỉ thắng duy nhất 1 trận trước Ecuador năm 2015, còn lại là hoà và thua (riêng số trận thua chiếm 2/3). (Copa America các kì này đá ở các nước không phải Bolivia).

  • Sân nhà:

Copa America 1997, Bolivia chủ nhà, họ toàn thắng vòng bảng, thắng 1 lèo các vòng knock out và chỉ chịu thua ở Chung kết trước 1 Brazil cực mạnh với những Ronaldo, Carlos, Cafu.

Tính rộng ra trong lịch sử tham dự Copa, Boliva cực kì hiếm khi vượt qua vòng bảng.

Tuy nhiên, 2 kì Copa tổ chức tại Bolivia, họ đều vào Chung kết với 1 lần vô địch (1963) và 1 lần Á quân (1997)

Vòng loại World Cup:

  • Sân khách:

Từ năm 2000 đến nay, đá hơn 40 trận sân khách, hoà được 7 trận, còn lại thua tất, không thắng trận nào

  • Sân nhà:

Từ năm 2000 đến nay, đá hơn 40 trận sân nhà, thắng được 18 trận.

Đấy là còn tính chung thành tích sân nhà, khi Bolivia vẫn thỉnh thoảng đá ở Santa Cruz – chỉ cao hơn mực nước biển có 400m.

Cơn ác mộng của các đội khách

Sân nhà là điểm tựa của Bolivia, nhưng lại là cơn ác mộng của các đội bóng khác.

bolivia, bóng đá, bóng đá nam mỹ, chuyện đó đây, du lịch, kiến thức bóng đá, vì sao bolivia là cơn ác mộng với các đội bóng nam mỹ?

Di Maria phải thở bằng bình oxy trong một trận đấu ở Bolivia.

Vì thế, có 1 số liên đoàn bóng đá từng đưa ra ý kiến, trong đó phản đối mạnh mẽ nhất về việc thi đấu ở La Paz là liên đoàn bóng đá Brazil.

Các CLB của Brazil thường xuyên phàn nàn và đòi tẩy chay việc thi đấu ở các sân với độ cao 3000m, vì họ thường xuyên mệt mỏi và thiếu oxy khi đá ở đây.

Tháng 5/2007, FIFA áp lệnh cấm tổ chức các trận đấu vòng loại World Cup ở độ cao 2500m so với mực nước biển, tức là trừ Santa Cruz, không có thành phố nào của Bolivia có sân đạt tiêu chuẩn trên.

Tổng thống Bolivia phản đối dữ dội, Maradona cũng liên tiếng ủng hộ.

Maradona thậm chí còn tổ chức 1 trận giao hữu ở đây, với các cựu cầu thủ tham dự, để chứng minh rằng nếu các cựu cầu thủ gần 50 tuổi còn chơi được ở đây thì các tráng niên không lý gì không chơi được.

Tháng 6/2007, FIFA nhượng bộ, nâng độ cao cấm thi đấu lên 3000m, tức là coi như chỉ cấm sân Estadio Hernando Siles.

Thế nhưng, hài hước ở chỗ là mấy hôm sau, FIFA lại thêm sân Estadio Hernando Siles như 1 ngoại lệ không bị cấm.

Tháng 5/2008, LĐBĐ Nam Mỹ CONMEBOL với sự ủng hộ của đa số các liên đoàn thành viên (trừ Liên đoàn Brazil) lên tiếng phản đối lệnh cấm của FIFA.

Cuối cùng, sau 1 cuộc bỏ phiếu của hội đồng FIFA, lệnh cấm sân theo độ cao được dỡ bỏ.

Năm 2009, khi Argentina phơi áo 1-6 trên sân Bolivia, FIFA lên bài với tiêu đề: “1 thất bại kinh hoàng ở độ cao siêu cao trước 1 đội thứ hạng rất thấp”.

Nhưng HLV Argentina khi đó là Maradona lại không đổ lỗi cho độ cao.

Maradona thậm chí còn khen ngợi đây là 1 chiến thắng xứng đáng cho Bolivia, với sự xuất sắc của tất cả các cầu thủ, từ tiền đạo cho tới thủ môn Bolivia.

Đăng bởi: Thủy Tiên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก