Cần Thơ Lễ Hội

Cần Thơ có lễ hội gì?

Cần Thơ, trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài những điểm đến du lịch đặc sắc, những món ăn đậm chất miền Tây thì nơi đây còn có rất nhiều lễ hội với các hoạt động văn hóa cộng đồng hấp dẫn, thu hút đông đảo người địa phương và du khách tham dự. Cần Thơ có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Cần Thơ mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ Kỳ Yên – Cần Thơ

Lễ Kỳ yên được các ngôi đình ở Cần Thơ tổ chức cúng vào 3 ngày khoảng giữa tháng ba, tháng 4 âm lịch. Cá biệt có nơi cúng vào tháng Bảy âm lịch, như đình thần Vĩnh Trinh. Còn lễ Kỳ yên Thượng Điền được tổ chức vào khoảng 2 hoặc 3 ngày giữa tháng 11 âm lịch.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Kỳ Yên – Cần Thơ

Kỳ yên tức là cầu an, mỗi đình tổ chức lễ cúng vào một ngày khác nhau. Lễ cúng thần dâng lễ vật để tỏ lòng tôn kính đối với Thành Hoàng. Thượng điền và Hạ điền là hai kỳ lễ lớn trong năm. Lễ Hạ điền tổ chức vào đầu mùa mưa, có ý nghĩa như là lễ xuống đồng, khai trương việc cày cấy. Lễ Thượng điền cử hành vào cuối mùa mưa, lúc đã thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp. Do lễ Kỳ yên và lễ Thượng điền, Hạ điền có nghi thức cúng tế gần giống nhau nên các ngôi đình ở Cần Thơ đã nhập hai kỳ lễ này thành một, gộp lại để cúng chung. Trong các dịp cúng đình, ban tế tự thường ghi trên thiệp mời là lễ Kỳ yên Thượng điền hoặc lễ Kỳ yên Hạ điền.

Trịnh Hoài Đức ghi lại trong “Gia Định thành thông chí” như sau: “Tế xã: mỗi làng xây dựng một ngôi đình, kỳ tế phải trước lựa ngày tốt, đến buổi chiều ngày ấy lớn nhỏ đều nhóm lại đình, suốt đêm ấy gọi là túc yết sáng sớm ngày mai áo mão trống chiêng làm lễ chính tế, ngày sau nữa làm lễ dịch tế, gọi là đại đoàn, lễ xong lui về. Dùng ngày giờ cúng tế tùy theo hương tục không đồng nhau, hoặc chỗ dùng tháng giêng là thủ nghĩa Xuân kỳ, hoặc chỗ dùng tháng 8, 9 là thủ nghĩa thu báo, hoặc chỗ dùng trong 3 tháng mùa đông, thủ nghĩa là trọn năm thành công, tế chưng tế lạp là đáp tạ ơn thần, sự tế có chủ ý, đều gọi là Cầu an. Ngoài hương lệ, tọa thứ có nghi tiết thứ tự đều nhượng cho vị hương quan ngồi trên, hoặc làng nào có người học thức làm theo lễ “Hương ẩm tửu”, giảng quốc luật và hương ước, ấy gọi là làng có phong tục tốt. Đồng thời trong ngày ấy xét sổ sách trong làng coi một năm ấy thâu nạp thuế khóa, diêu dịch, lúa tiền dư thiếu thế nào, nông điền được mất thế nào, giữa hội đồng trình bày tính toán; cùng bầu cử người chức sự coi làm việc làng cũng bàn giao trong ngày ấy”.

Lễ vật cúng thần Thành Hoàng trong dịp này tùy tình hình tài chính của đình, cũng như tùy vụ mùa hàng năm, trúng mùa hay thất mùa mà có sự gia giảm khác nhau, nhưng nhất thiết trên bàn lễ vật phải có một con heo quay, có nơi thì cúng thêm ngỗng, vịt. Ngoài ra, còn có bánh trái, trà rượu và một thứ nữa cũng không thể thiếu trong dịp này đó là xôi. Xôi này phần lớn do dân làng ở địa phương nấu sẵn đem vào cúng. Ngày xưa, đất đai của đình rộng nên thường cho dân làng mướn làm lúa để đình thu huê lợi. Cho nên, trong những dịp cúng đình, những người mướn đất của đình để canh tác mới nấu xôi đem vào đình để cúng, nhằm tạ ơn thần đã cho họ được no ấm, mùa màng tốt tươi. Những người không mướn đất của đình cũng đem hoa quả trong vườn của mình, cũng đem xôi, thịt đến đình để cúng thần Thành Hoàng làng mình. Bởi họ cho rằng, chính vị Thành Hoàng làng này trong năm đã che chở cho dân làng, phù hộ cho dân làng được yên ổn làm ăn, có cuộc sống no đủ. Truyền thống này ngày nay vẫn còn được duy trì trong mỗi dịp cúng đình ở Cần Thơ.

Trong lễ hội Kỳ yên này, hầu hết các ngôi đình ở Cần Thơ đều có tổ chức lễ rước sắc thần và lễ hồi sắc.

“Sắc thần là một tờ giấy súc khá tốt, dai, khổ giấy từ 1m20 đến 1m50 với chiều dài, từ 0,50m đến 0,60m với chiều rộng, dày, màu vàng. Mặt giấy có in nền chìm bằng dụ ngân hình rồng ẩn trong mây, chung quanh có khung hồi văn chữ vạn, nên gọi long đằng chỉ (giấy hình rồng dùng để sao chép), hoặc chữ đinh hay hoa lá dây chéo nhau. Mỗi sắc thần thường có từ 5 đến 11 hàng dọc, chép từ phải qua trái. Dòng cuối cùng đề niên hiệu, tháng, ngày cấp sắc. Ấn vàng của nhà vua dùng son phụng màu đỏ đóng lên hàng chữ đề niên hiệu, ngay giữa dòng chữ này, kể từ chữ (niên) trở xuống, ấn hình vuông, có bốn chữ viết theo lối triện là Sắc Mệnh Chi Bửu”2.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Kỳ Yên – Cần Thơ

Ngày xưa, sắc thần thường để ở nhà các hương chức cất giữ, hoặc để trong nhà của những người trong ban tế tự. Đó là những người đủ uy tín, phẩm hạnh mới được giao giữ sắc thần. Bởi vì ngày xưa, thỉnh thoảng có xảy ra hiện tượng mất cắp sắc thần nên sau này người ta không dám cất sắc thần trong đình. Sắc thần là thiêng liêng cho nên đình nào có sắc thần là xem như sự công nhận hợp pháp của nhà nước đối với đình thần làng mình. Còn đình nào không có sắc thì chẳng khác nào “đình chui”, không đủ uy tín để mọi người tin tưởng đến cúng bái và cũng không đủ hiển linh để người ta đến cầu nguyện. Cho nên có những đình không có sắc thần thường tìm cách mua lại sắc thần của những kẻ trộm. Sắc thần ở Cần Thơ phong cho các vị Bổn Cảnh Thành Hoàng phần lớn là những vị thần trong ý niệm, hữu danh vô thực cho nên việc đình này mua lại sắc thần của đình kia cũng chẳng phương hại gì. Cái nào cũng là “Sắc phong Bổn Cảnh Thành Hoàng” chứ không hề có danh tánh cụ thể. Theo niềm tin của người xưa, sắc thần là thiêng liêng nên phải cất kỹ, không thể tùy tiện mở, nên không dễ mấy ai nhìn kỹ sắc thần. Một số ngôi đình ở Cần Thơ còn có lệ phơi sắc thần. Lệ phơi sắc này gồm hai mục đích: Thứ nhất, sắc thần được để trong hộp, cất kỹ suốt năm nên rất dễ bị ẩm ướt, mối mọt nên trong lễ cúng đình người ta đem sắc ra phơi là để kiểm tra xem sắc có bị hư hỏng không và cũng là để cho sắc có sự thông thoáng tránh bị ẩm ướt. Thứ hai, phơi sắc cũng là sự tự hào của đình làng mình vì đình mình có sắc. Điều này cũng để cho mọi người thấy đình làng mình là “đình chính thức” có sắc hẳn hoi, có sự công nhận đàng hoàng.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Kỳ Yên – Cần Thơ

Nghi lễ thỉnh sắc thường bắt đầu bằng một hồi trống để báo cho dân làng biết để đến cùng đi thỉnh sắc và cũng là một cách báo cho dân làng biết để bày hương án hai bên đường cúng tạ ơn thần (Lệ bày hương án hai bên đường ở Cần Thơ ngày nay đã không còn). Kế tiếp là chiêng, trống gióng lên báo hiệu cho cuộc rước bắt đầu. Đi đầu đám rước thường là chiêng, trống, kèn, kế đó là các vị chức sắc, những người trong Ban tế tự – những người này có nhiệm vụ như là những người dẫn đầu đám rước. Kế đó là hai viên chức trong làng. Một ôm ấn kiếm – kiếm của thần và một ông kia bưng dàn lỗ bộ nhỏ.

Tiếp sau là những người ăn mặc như lính hầu đi hai bên, mỗi bên khoảng 4 đến 5 người, tay cầm cờ phướn, đao, kiếm, thương… sau đó là bè thủy lục dùng để rước sắc thần nếu rước bằng đường thủy, hoặc long đình nếu rước bằng đường bộ.

Bè thủy lục được ghép từ 2,3 chiếc ghe lại thành một bè, trên bè đặt kiệu đỏ, trang trí đèn lồng, múa lân biểu diễn trên bè. Trên bè có để hộp sắc thần, có các viên quan hương chức áo trang nghiêm hầu sắc thần, có thêm lễ nhạc ở trước, sau và hai bên. Dân làng ngồi cầm dầm để bơi bè.

Một cái bè nhỏ khác cũng được trang hoàng đẹp đẽ, nghiêm trang đi trước cái bè lớn khoảng 30 thước. Trong bè để trống chiêng, dàn đồ bắc cấu trổi điệu nhạc. Các chấp sự và hương chức có phận sự đi tiên phong ở trên bè nhỏ này. Khi đi rước, trống chiêng, bắc cấu đánh lên rập ràng, inh ỏi. Hai bên bờ sông, mỗi nhà đặt trước cửa một bàn hương án, đèn nhang nghiêm chỉnh, để tỏ lòng thành kính của mình đối với thần linh. Dưới sông ghe xuồng của hương chức đi hầu hạ đông nghẹt và những người hiếu kỳ chèo ghe theo để xem chật ních cả khúc sông. Sắc thần sẽ được để vào Long đình là ngôi đình thu nhỏ, thường làm bằng gỗ, chạm trổ và sơn son thếp vàng – qua một cửa nhỏ ở bên hông, để rước về đình. Long đình đặt trên bàn do bốn người ăn mặc như lính hầu khiêng kiệu.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Kỳ Yên – Cần Thơ

Đi sau bè thủy lục hoặc long đình là những người theo kiệu, các thành viên trong hội đình hoặc dân làng đi theo để thỉnh sắc.

“Khi đám rước đến nơi giữ sắc thần thì các vị chức việc vào tế một tuần hương, ba tuần rượu, đọc một bài văn tế (hay khấn cũng được), gọi là lòng văn nghinh, ngắn gọn, rồi chức việc đứng đầu bưng hộp đựng sắc trao cho chánh hội (hay chánh ban quí tế…) để ông đem ra đặt vào long đình, để đưa sắc về đình.

Đến đình, cử hành một nghi thức an vị: tế một tuần hương, ba tuần rượu và một tuần trà. Sau lễ này, các chức việc dâng hương ra mắt thần theo sự chỉ đạo của lễ sinh xướng. Trong thời gian sắc thần để ở đình, dân chúng đến lễ bái và dâng hoa quả, bánh trái và tiền bạc góp phần tài chính cho việc tế lễ kỳ yên.

Sắc thần được để tại đình ba ngày lễ và đến chiều ngày cuối cùng lại đưa sắc thần về nơi cất giữ gọi là lễ hồi sắc. Nghi hồi sắc: tế một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà, đọc một bài văn tế gọi là lòng văn tống. Nghi trượng hồi sắc giống như nghi trượng thỉnh sắc. Khi sắc tới nơi cất giữ cũ lại cử hành lễ an vị: một tuần hương, ba tuần rượu, một tuần trà. Sau đó đám rước tự giải tán để cử hành nghi lễ cúng đưa khách, nếu có”.

Ngày nay, nghi thức thỉnh sắc thần vẫn còn. Ở Cần Thơ, một số địa phương vẫn để sắc thần tại đình. Đến kỳ tế lễ, người ta có lệ thỉnh sắc thần đi “du ngoạn”. Trong buổi cúng, người ta dâng phẩm vật cùng trà rượu, dâng hương khấn vái xin phép thần ngay bàn thờ thờ Thần, sau đó lấy hộp sắc ra để vào xe rước, gọi là long xa phụng tán, rồi đưa Thần đi một vòng quanh các phố chợ. Mục đích của chuyến “du ngoạn” này là để Thần thưởng ngoạn khắp nơi, đồng thời xem xét cuộc sống của dân tình để Thần có những biện pháp bảo trợ cho phù hợp. Sau đó quay về làm lễ an vị sắc thần, coi như đám rước đã xong.

Lễ Vu Lan – Cần Thơ

Lễ hội Vu Lan được tổ chức vào ngày 19 và 20/7 âm lịch hàng năm, tại nghĩa trang người Hoa huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Đây là một trong những lễ hội được tổ chức quy mô, thu hút được sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Vu Lan – Cần Thơ

Trước ngày diễn ra lễ Vu Lan thắng hội do Quảng Triệu hội quán tổ chức đã có rất nhiều người đến hội quán để đăng ký cúng cho cha mẹ, người thân mình. Trong dịp lễ, khi đến nghĩa trang người Hoa ở huyện Phong Điền, sẽ thấy ngay một tấm bảng lớn treo giữa cổng với bốn chữ Hán to: Vu Lan Thắng Hội. Trong nghĩa trang tấp nập người qua kẻ lại… Bên phải là hình vẽ một vị thần trấn cửa, vẻ mặt oai phong; bên trái là hình vẽ vị thần đảm nhận công việc bố thí, tay vị thần này cầm một cây quạt to, trên đó có bốn chữ: phân y, thí thực – với ý nghĩa là phân phát quần áo và bố thí lương thực cho các vong nhân. Phía sau vị thần này là điện Địa Tạng – nơi dùng để đặt bài vị của những người quá cố và cũng là nơi để trai đàn, tụng kinh. Phía trước điện Địa Tạng là một cây phướn cao mang ý nghĩa dùng để dẫn đường cho các linh hồn đến nghe kinh và đi đầu thai. Bên trong điện, bày mâm lễ vật trước các bài vị để cho đội nhạc lễ tụng kinh. Đặc biệt, phía trước bàn cúng có hình một chữ “đạo” được làm từ những hạt gạo trắng ngần trông thật tinh khiết và tạo ấn tượng thiêng liêng. Những hạt gạo được sắp xếp một cách hết sức khéo léo tạo nên chữ “đạo” rất thanh thoát, mềm mại lại vừa đẹp mắt.

Lễ Vu Lan diễn ra như sau:

Đến giờ làm lễ, vị chủ lễ mặc một chiếc áo màu vàng, viền đen điều khiển buổi lễ, rồi sau đó tụng kinh. Nhạc trỗi lên, tiếng mõ, tiếng chiêng, tiếng tụng kinh… tất cả hòa vào nhau tạo thành một âm thanh thật êm tai, thoát tục, làm lòng ta lắng lại, bao nhiêu bon chen của cuộc sống đời thường chợt tan biến, để lòng hướng thiện. Những người đến đây trong ngày lễ hoặc là cùng nghe kinh kệ, hoặc là viếng mộ người thân. Buổi lễ diễn ra đến khoảng 11 giờ trưa thì tạm nghỉ để dùng cơm. Cơm xong, những người trong Ban trị sự hội quán bắt đầu phát gạo cho những gia đình nghèo khó.

Vào chiều ngày 20 tháng Bảy âm lịch, sau khi tụng kinh xong, người chủ trì buổi lễ cùng với đoàn nhạc lễ hướng dẫn khách đi qua Cầu Tiên để đưa ông bà, cha mẹ mình đi đầu thai. Buổi lễ qua cầu diễn ra thật nhộn nhịp, mọi người đứng chật cả sân. Trên tay ai cũng cầm bài vị của người thân mình, cố tìm một chỗ đứng tốt. Đoàn nhạc lễ đi trước, quan khách theo sau, đi qua một vòng sân trong nghĩa trang, vào viếng từ đường, rồi mới qua cầu. Khi qua cầu, người ta thả tiền xuống như là một hình thức hối lộ cho âm binh. Trẻ con đứng chật ních ở chân cầu, chen nhau lượm tiền, tránh nhau náo nhiệt. Đứa trẻ nào mình mẩy cũng lấm lem, nhưng mặt thì hớn hở tươi cười, khoe nhau tiền vừa lượm được. Qua cầu xong, người ta mới lấy bài vị của người thân đốt, xem như ông bà, cha mẹ mình đã siêu thoát, đã được đầu thai.

Vu Lan thắng hội ở Phong Điền hằng năm là một ngày lễ lớn không chỉ của cộng đồng người Hoa ở Cần Thơ mà còn của cả người Việt vì trong nghĩa trang này, có rất nhiều hài cốt, bài vị của người Việt. Lễ hội Vu Lan ở đây thể hiện sự gắn bó bền chặt, tinh thần đoàn kết và sự giao lưu văn hóa giữa cộng đồng người Hoa và các dân tộc anh em trên đất Cần Thơ. Vu Lan thắng hội ở Phong Điền thể hiện một nét đẹp nhân văn của cộng đồng người Hoa – là tinh thần tương thân tương ái thể hiện qua việc phát gạo cho người nghèo

Lễ Đấu đèn ở Chùa Ông – Cần Thơ

Chùa Ông còn được gọi là Quảng Triệu Hội Quán – Chùa Ông có nhiều lễ hội trong năm, nhưng tiêu biểu nhất là ngày vía Quan Thánh Đế Quân được tổ chức vào ngày 26 tháng 6 âm lịch và ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch, tại đường Hai Bà Trưng, bến Ninh Kiều, phường Tân An.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Đấu đèn ở Chùa Ông – Cần Thơ

Trong các ngày vía đó, đông đảo bà con người Hoa và dân làng địa phương đến tham dự tạo nên một không khí rất sinh động và vui tươi. Người đi lễ đều thành kính dâng hương, thể hiện ước vọng an lành, bình an trong cuộc sống. Cạnh lễ chính, Ban trị sự chùa còn tổ chức đấu giá đèn lồng, múa lân, sư, rồng, hội diễn văn nghệ… tạo được một không khí sinh hoạt văn hóa lành mạnh và sân chơi bổ ích cho địa phương.

Đấu đèn là một trong những nét văn hóa đặc sắc của người Hoa được lưu giữ và phát triển đến ngày nay. Nó có nguồn gốc từ rất lâu đời, được các thế hệ người Hoa lưu giữ và bảo tồn trong nhiều thế kỷ qua. Tục đấu giá đèn lồng thường không theo định kỳ, có khi năm ba năm không tổ chức. Nhưng cũng có nơi tổ chức hằng năm. Thông thường, tập tục này ít khi được tiến hành riêng biệt mà hay tổ chức theo một ngày kỷ niệm nào đó.

Mục đích của việc tổ chức đấu giá đèn lồng nhằm làm tăng thêm sinh khí cho các ngày lễ hội, tạo sự vui tươi, tình đoàn kết trong cộng đồng. Ngoài ra, nó còn mang ý nghĩa từ thiện. Số tiền đấu giá được đều dùng vào việc công đức như: xây nghĩa trang, trường học, giúp đỡ trẻ mồ côi… Tục đấu giá đèn lồng thường được tổ chức vào các ngày thành lập chùa, thành lập trường, hội, các ngày vía Bà, vía Quan Thánh Đế quân… Người Hoa làm đèn lồng rất đẹp, mỗi đèn đều có tên riêng: đèn Thiên Hậu Thánh Mẫu, đèn Quan Thánh Đế, đèn Phước Đức Chính Thần… Đèn cao khoảng 60cm, chu vi khoảng 40cm, hình trụ có 6 mặt, mỗi mặt là một miếng kính, có vẽ hình phong cảnh, núi sông, mai, điểu, trúc, sen… và kèm theo những câu chúc phúc bằng chữ Hán như: “Sinh ý hưng long”, “Hiệp gia bình an”, “Tài lai lộc tấn”… Sáu góc đèn là hình 6 con rồng được thếp vàng lộng lẫy, đầu chầu vào nhau, 6 đuôi rồng hơi dang ra, tạo thế chân đèn, các cạnh xung quanh đều treo tòn teng các miếng ngọc bội màu xanh và nơ màu đỏ, phía dưới cùng treo lủng lẳng một miếng thẻ bằng nhựa màu vàng ghi chữ đỏ tên từng loại đèn, phía trong gắn một bóng đèn tròn, khi đèn nóng thì lồng đèn tự động xoay từ từ. Người Hoa quan niệm: đấu được đèn, là vinh dự cho mình, cho gia đình và cho cả làng xóm. Người ta cũng tin khi đấu được đèn, rước đèn về nhà là một sự may mắn, bình an, sẽ làm ăn phát đạt…

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Đấu đèn ở Chùa Ông – Cần Thơ

Đấu giá đèn lồng luôn là sự kiện sau cùng của lễ hội. Khi các nghi thức của ngày lễ được cử hành xong là cuộc đấu giá đèn lồng bắt đầu. Mọi người tập trung ở chính diện của hội quán. Tất cả các đèn lồng đều được treo lên trần theo thứ tự giá khởi điểm từ thấp đến cao. Tùy theo địa phương thờ vị thần nào là chính thì giá của đèn lồng mang tên vị thần đó sẽ cao. Ngoài ra, cũng tùy thuộc vào tâm lý của từng người. Người nào thích vị thần nào thì cho giá đèn đó cao để quyết tâm đấu được. Đa phần chiếc đèn mang tên Quan Thánh Đế Quân là có giá cao nhất.

Giờ đấu đèn đến. Người trong hội quán của địa phương bước lên bục, giới thiệu dẫn chương trình bằng tiếng Hoa và tiếng Việt về mục đích, ý nghĩa của việc đấu đèn, cách thức đấu đèn. Người trong Ban Trị sự của Hội quán đứng ra điều khiển buổi đấu giá. Từng loại đèn được đọc tên, nêu giá khởi điểm. Một người nữa đứng kế bên, chờ đếm số lần định giá. Mọi người bàn tán xôn xao, xầm xì to nhỏ khi người điều khiển cho biết giá, mọi người hớn hở reo hò, những cánh tay nối nhau giơ lên… Cứ thế, giá mỗi chiếc đèn ngày càng được tăng cao cho đến khi không còn ai trả hơn thì chiếc đèn đó thuộc sở hữu của người đặt giá cao nhất.

Thông thường, những người tham gia đấu đèn ít khi là những cá nhân mà là một tập thể, đại diện cho một tỉnh, một xóm, một phường… Người thắng cuộc sẽ được trang trọng mời lên phía trên để nhận đèn, được xướng tên họ, quê quán, đại diện cho địa phương nào, đơn vị nào…, và người trao đèn, phần nhiều là khách mời ở các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương… Cảnh trao đèn diễn ra rất long trọng với tiếng hò reo, vỗ tay tán thưởng của mọi người. Cứ thế, buổi lễ tiếp tục diễn ra cho đến khi chiếc đèn cuối cùng được đấu xong. Giữa các lần đem đèn ra đấu giá có thể có một vài tiết mục văn nghệ để tăng thêm phần hào hứng cho buổi lễ. Và cũng để cho những cá nhân, đơn vị thua cuộc ở lần đấu trước củng cố lại niềm tin để có thể thắng cuộc ở lần sau.

Buổi lễ kết thúc. Tổng kết số tiền đấu giá được và thông báo số tiền đó sẽ được sử dụng vào những mục đích gì, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân nào.

Người đấu được đèn không đem về nhà ngay, cũng không phải trả tiền liền, mà gởi lại ban tổ chức. Người ta ghi họ tên, địa chỉ của người thắng cuộc và cho xe đưa đèn đến tận nhà người thắng cuộc rồi mới thu tiền. Đèn thuộc về cá nhân, đơn vị nào sẽ được treo trang trọng giữa nhà hoặc một nơi tôn nghiêm nào đó, nhằm khuếch trương sự may mắn, thành đạt, vinh hoa…

Ngoài phương diện tín ngưỡng, có thể thấy rằng chùa Ông còn là nơi diễn ra những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giữ gìn và phát huy nét đẹp của nghệ thuật truyền thống, lễ hội, phong tục tập quán, góp phần làm cho bản sắc văn hóa Việt Nam càng phong phú và giàu đẹp.

Lễ vía Quan Thánh Đế – Cần Thơ

Lễ vía Quan Thánh Đế được tổ chức vào ngày 24 tháng 6 âm lịch, hằng năm vào ngày vía, các vị cao tuổi trong Ban trị sự chùa cùng đông đảo người Hoa ở địa phương tổ chức lễ vía Ông.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ vía Quan Thánh Đế – Cần Thơ

Theo sách xưa, trong quá trình di cư sang nước ta, những lưu dân người Hoa đã gặp phải không ít khó khăn do sóng to gió lớn trong chuyến đi, cuộc sống cơ cực nơi đất khách quê người. Tín ngưỡng mang theo từ quê nhà kết hợp với tín ngưỡng bản địa nơi họ đến sống làm cho đời sống tinh thần của người Hoa thêm phong phú, tạo nên sự hỗn dung văn hóa trong đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh đó được thể hiện qua các Hội quán – dân gian quen gọi là chùa Hoa. Có thể nói Hội quán là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa. Những gì thiêng liêng cao quý, tôn kính đều được đặt trong Hội quán. Tiêu biểu nhất là tín ngưỡng thờ Quan Công và Thiên Hậu Thánh Mẫu. Đặc biệt Quan Công là vị thần được bà con người Hoa hết lòng tôn kính về lòng trung, hiếu, tiết nghĩa, gắn liền với câu chuyện kết nghĩa của ông với Lưu Bị và Trương Phi ở vườn đào. Họ tôn ông là Quan Thánh Đế Quân và thờ ông ở khá nhiều nơi.

Theo thông lệ, buổi lễ bắt đầu lúc 9 giờ, mọi thức ăn, đồ cúng đã được chuẩn bị sẵn sàng trước đó. Đúng 9 giờ, tiếng chuông chùa vang lên, báo hiệu đã đến giờ hành lễ. Tất cả mọi người (chủ yếu là những người trong Ban trị sự và những người có liên quan đến việc bảo quản Hội quán) khoảng 7- 8 người cử ra một người chủ lễ, tập trung, xếp hàng trước chánh điện. Thức cúng cũng được dọn sẵn ra trên bàn đặt trước chánh điện gồm: chính giữa là một con heo quay, thân heo được trang trí đẹp mắt, trên lưng heo có cắm một con dao, với ngụ ý là mời các vị thần dùng dao xẻ thịt ăn. Bên phải là con gà luộc, bên trái là một dĩa trái cây gồm chôm chôm, nho, chuối,… phía trước là những cốc trà cùng với hai bình trà, rượu được đặt kề bên.

Khi mọi người tề tựu xong, lại một hồi trống vang lên (người đánh trống phải là một ông cụ). Chủ lễ đọc bài văn tế thần bằng tiếng Hoa với nội dung: Hôm nay là ngày vía Quan Thánh Đế Quân, chúng tôi tổ chức buổi lễ gồm: Trà, rượu, heo, gà, bánh trái… dâng cúng thần, cầu thần ban cho phúc lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn phát đạt… Đọc văn tế thần xong, mọi người xá ba xá. Xá xong, có hai người rót trà và rượu đổ một tí xuống đất cúng thần. Sau đó, khiêng bàn đựng đồ cúng quay ra hướng cổng chính để cúng Thiên Địa. Tiếp một hồi trống nữa. Bài văn tế thần được đọc lại (chỉ có việc thay tên vị thần sắp cúng mà thôi) rồi mọi người xá ba xá. Xong, châm trà rượu. Cứ thế, nghi lễ lần lượt cúng các vị thần: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Thần Tài, Phật Bà Quan Âm, Phước Đức Chính Thần, Mã Tiền Tướng Quân. Riêng Phật Bà Quan Âm, thức cúng là đồ chay, hoặc trái cây.

Lễ cử hành xong, người vào bếp phụ nấu ăn, người dọn bàn, dọn ly để chuẩn bị đãi khách. Lúc này khách tấp nập đến cúng nhang, đèn ở Hội quán. Có người cúng tiền, số lượng ít thì để vào thùng phước thiện, nhiều thì gởi trực tiếp cho người tiếp nhận ghi tên người cúng vào sổ công đức. Có người đem nhang khoanh đến cúng (loại nhang này cọng nhỏ, uốn cong thành nhiều vòng tròn từ nhỏ đến lớn). Một cụ bà dùng cây móc để đưa cuộn nhang treo lên trần nhà. Sau đó, bà đưa một cây bằng gỗ dài trên có đặt một cây nến cho khách đốt nhang của mình. Từ trên trần, những vòng nhang từ nhỏ đến lớn buông xuống tạo thành một hình xoắn ốc, giữa vòng xoắn ốc ấy có treo lủng lẳng một miếng nhựa màu vàng, trên có ghi tên người cúng bằng chữ Hoa. Khói nhang bay phảng phất, tỏa mùi thơm tạo thành một bầu không khí trang nghiêm và huyền ảo.

Tất cả khách đến cúng đều được mời dùng bữa cơm thân mật hoặc nán lại bên bàn trà, trò chuyện dăm ba câu, bàn chuyện làm ăn, thời sự, thế thái nhân tình…

Lễ vía Quan Thánh Đế Quân là một lễ hội mang đậm tính văn hóa và nhân văn sâu sắc trong cộng đồng người Hoa ở Nam bộ đóng góp vào tạo bản sắc văn hóa Nam bộ phong phú và đa dạng.

Lễ Cholchonam Thomay – Cần Thơ

Lễ Cholchonam Thomay Cần Thơ được coi như là ngày tết của người Khmer nơi đây. Đây là ngày lễ vô cùng quan trọng với ý nghĩa chào đón năm mới, báo hiếu và thể hiện lòng biết ơn. Lễ hội được diễn ra trong ba ngày và mỗi ngày lại là một lễ khác nhau. Vì đồng bào Khmer khá sùng tín đạo Phật nên những nghi lễ đều có liên quan tới các tín ngưỡng, nghi thức của Phật giáo. Lễ chào đón năm mới này cũng có một câu truyện truyền thuyết khá thú vị để giải thích nguồn gốc của mình. Chính vì thế nếu có dịp tới cần thơ những ngày tháng ba âm lịch bạn không nên bỏ lỡ lễ hội này. Nó là một nét đẹp văn hóa của người Khmer mà chúng ta nên gìn giữ và phát huy.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Cholchonam Thomay – Cần Thơ

Như đã giới thiệu, Tết Chol Chnam Thmay hay còn gọi là Tết đón năm mới của người Khmer. Đây là lễ lớn và được mong đợi nhất trong năm. Người Khmer chờ đón 3 ngày Tết để đến chùa cầu nguyện mọi người trong gia đình được an vui; mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu. Và cũng là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với ông bà, cha mẹ.

Ngày tết này bắt nguồn từ một câu chuyện xa xưa như thế này. Thuở xa xưa có một người tên là Dhammabal Palakumar. Ông là một người cực kỳ thông minh có thể trả lời tất cả những câu hỏi cho dù là câu hỏi khó nhất. Đại Phạm Thiên MahaBrahma biết được rất tức giận. Một hôm ông xuất hiện và đưa ra 3 câu hỏi cực kỳ khó cho Dhammabal. Đó là “buổi sáng có thể tìm hạnh phúc ở đâu, buổi chiều và buổi tối thì tìm ở đâu?”. MahaBrahma nói rằng nếu không trả lời được thì sẽ bị mình chặt đầu. Còn nếu ông trả lời được thì MahaBrahma sẽ tự chặt đầu mình.

Dhammabal Palakumar nghe xong rất buồn và đi vào rừng. Đột nhiên ông nghe hai con chim đại bàng nói với nhau rằng “vào buổi sáng hạnh phúc hiện diện ở trên mặt, buổi chiều ở trên thân thể và buổi tối thì nằm ở đôi chân”. Đây chính là nguồn gốc tập tục người Khmer vào ngày tết dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng; tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ông trở về và đem câu trả lời đó đối đáp với MahaBrahma. Đại Phạm Thiên chịu thua và phải tự chặt đầu. Ngày rước đầu lâu là ngày thiên hạ thái bình nên đó cũng là ngày đầu năm mới của người Khmer.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ Cholchonam Thomay – Cần Thơ

Hàng năm vào ngày 13,14,15 tháng 3 âm lịch. Đông đảo đồng bào người Khmer Nam Bộ. Nhất là các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ lại nô nức đón mừng lễ Cholchonam Thomay. Ngày lễ này được xem như ngày tết cổ truyền của dân tộc Khmer. Nó mang nhiều tên gọi khác nhau như lễ vào năm mới hay lễ chịu tuổi. Nếu năm nào rơi đúng vào năm nhuận thì ngày bắt đầu của lễ hội lùi lại một ngày.

Hoạt động của ngày tết này kéo dài liên tiếp trong 3 ngày. Ngày thứ nhất gọi là “Maha Songkran”, đây là ngày mọi người đến chùa dâng hương, cúng tế tổ tiên. Vào ngày này, người Khmer sẽ dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng; tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ngày thứ hai gọi là “Virak Wanabat”, đây là ngày mọi người sẽ bố thí cho những người bất hạnh, cơ nhỡ. Ngày thứ ba gọi là “Tngay Leang Saka”, đây là ngày mọi người dung nước thơm để tắm Phật. Trẻ nhỏ dùng nước thơm để rảy lên người các bậc trưởng bối. Họ cho rằng làm như thế sẽ đem đến sự trường thọ và hạnh phúc.

Thời gian này mọi công việc đồng áng đều đã xong, nên mọi người đều có thời gian rãnh rỗi thỏa sức ăn tết. Mọi nhà đều làm bánh ngọt, bánh tét, hoa quả và hương đèn dâng lên chùa lễ Phật. Nhiều gia đình vào ở trong chùa làm công quả, vừa vui chơi vừa được dự lễ. Những nghi thức quan trọng trong ngày đầu năm mới cũng đều diễn ra tại chùa. Cũng như ngày lễ tết cổ truyền của bao dân tộc khác trên đất nước Việt Nam, ngày lễ Cholchonam Thomay còn giữ được rất nhiều nét văn hóa độc đáo, đậm đà tín ngưỡng tâm linh. Sẽ rất thiếu sót nếu du khách nào về miền Nam bộ mà không ghé thăm các chùa Khmer nếu đúng dịp lễ hội diễn ra.

Lễ hội bánh dân gian  – Cần Thơ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ là một sự kiện văn hóa, lễ hội cấp quốc gia mang tính thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá và bảo tồn các sản phẩm bánh dân gian đặc trưng của Nam Bộ với du khách trong nước và quốc tế; đồng thời tạo điều kiện cho du khách có cơ hội trải nghiệm văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ hội bánh dân gian  – Cần Thơ

Thông qua lễ hội để quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người, văn hóa Nam Bộ nói chung và ngành du lịch Cần Thơ nói riêng. Giới thiệu các loại bánh đặc trưng và góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa ẩm thực của người dân Nam Bộ, từng bước xây dựng thành thương hiệu quốc gia.

Lễ hội khuyến khích sự sáng tạo của nghệ nhân làm bánh dân gian, tạo điều kiện hỗ trợ nghệ nhân liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước để mở rộng thị trường, thúc đẩy ngành chế biến, sản xuất bánh dân gian sớm trở thành đặc sản Nam bộ, từng bước xây dựng thương hiệu Quốc gia. Thu hút du khách trong nước và nước ngoài đến Lễ hội Bánh dân gian trải nghiệm văn hóa ẩm thực Nam Bộ; đồng thời, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa ấm thực, nhất là các loại bánh dân gian truyền thống của người dân Nam Bộ nói chung, người dân Cần Thơ nói riêng. Đây cũng là một trong những sự kiện thiết thực chào mừng các ngày Lễ lớn của thành phố Cần Thơ: Ngày giỗ tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), 44 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2019), ngày Quốc tế Lao động (1/5).

Lễ hội bánh dân gian Nam bộ là sự kiện thường niên cấp quốc gia tại TP. Cần Thơ. Đến lễ hội, du khách có dịp trải nghiệm nhiều hương vị hấp dẫn trong văn hóa ẩm thực Nam bộ, đặc biệt là các loại bánh dân gian, tìm về ký ức tuổi thơ, sống trong không gian hoài niệm thời cha ông mở cõi, tìm hiểu văn hóa truyền thống dân tộc.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ hội bánh dân gian  – Cần Thơ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ năm 2021 sẽ có quy mô khoảng 400 gian hàng bao gồm 200 gian hàng bánh dân gian, 100 gian hàng đặc sản vùng miền, đặc sản các nước, sản phẩm công nghiệp phụ trợ cho bánh dân gian, 50 gian hàng ẩm thực và 50 gian hàng xúc tiến, quảng bá du lịch.

Ngoài ra, Lễ hội còn giới thiệu một số loại bánh nổi tiếng từ các nước trên thế giới, cũng như các sản phẩm phụ trợ cho bánh dân gian. Nhiều hoạt động được tổ chức tại sự kiện như: Lễ dâng bánh tại Đình Thần Tân An; lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp với nội dung là nghi thức lễ và chương trình nghệ thuật minh họa về những nét đặc trưng, độc đáo của bánh dân gian Nam bộ trong không gian văn hóa ẩm thực truyền thống dân tộc; Hội thi Bánh dân gian tại thành phố Cần Thơ, lần V năm 2020; Trình diễn cách chế biến các loại bánh dân gian; Tổ chức các gian hàng phục vụ ẩm thực; Tọa đàm: “Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam bộ”; Chương trình hướng dẫn làm Bánh dân gian và tuổi thơ; Tổ chức khu buffet bánh dân gian Nam bộ; Tổ chức khu không gian chè quê…

Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc – Cần Thơ

Cù lao Tân Lộc, Cần Thơ được thiên nhiên ưu đãi quanh năm nước ngọt, gió mát, phù sa chăm bồi cho những vườn cây trĩu quả. Thông qua du lịch sinh thái, vườn cây, ao cá, sông nước, chài lưới…đậm chất dân dã, sông nước miệt vườn trên dòng sông Hậu hiền hòa, xứ cù lao này luôn thu hút du khách gần xa.

Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc – Cần Thơ

Ngày hội vườn trái cây Tân Lộc được tổ chức thường niên vào tết Đoan Ngọ là dịp để tôn vinh nếp sống sinh hoạt văn hóa, thành quả lao động của người dân. Đồng thời đẩy mạnh quảng bá và giới thiệu tiềm năng du lịch sinh thái miệt vườn của cù lao Tân Lộc, từng bước xây dựng Tân Lộc thành một trong những điếm đến hấp dẫn của du lịch Cần Thơ.

Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc 2019 diễn ra tại cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt, Tp. Cần Thơ trong 3 ngày, từ 7 đến 9-6-2019 (nhằm mùng 5, 6, 7 tháng 5 âm lịch) với chủ đề “Sa Châu mùa trái ngọt”, do UBND quận Thốt phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ tổ chức.

Có thể nói đây là mùa lễ hội đông vui nhất trong năm ở cù lao Tân Lộc. Từ sáng sớm đã có rất nhiều nhà vườn và hàng ngàn du khách đổ về đây để thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt và tham quan triển lãm.

Hoạt động của Ngày hội được chia làm 2 nhóm: nhóm hoạt động thuộc cấp thành phố và hoạt động cấp quận. Hoạt động cấp thành phố bao gồm: gian hàng quảng bá du lịch và trưng bày sản phẩm du lịch của các quận, huyện thuộc TP Cần Thơ và các đơn vị ngoài thành phố; triển lãm ảnh, sách báo và tạp chí phục vụ bạn đọc; trình diễn và tặng chữ thư pháp; tổ chức giải vô địch Taekwondo TP Cần Thơ năm 2019; giải “Lân Sư Rồng” TP Cần Thơ mở rộng năm 2019; giao lưu, kết nối các tour du lịch của các công ty lữ hành, công ty du lịch hướng về quận Thốt Nốt…

Riêng quận Thốt Nốt có trên 20 hoạt động là những chương trình, trưng bày sản phẩm gần gũi với người dân địa phương, mang đậm văn hóa truyền thống của cù lao Tân Lộc và quận Thốt Nốt. Trong đó, nổi bật nhất là hoạt động: Hội thi “Trang trí, tạo hình trái cây nghệ thuật” trước sân Đình Tân Lộc Đông, mỗi đơn vị tham gia thực hiện tạo hình 1 mâm trái cây (bao gồm 7 loại trái cây trở lên) có trang trí nền viền, phối hợp phong cảnh xung quanh và tham gia trưng bày ít nhất 1 củ, quả lạ (hoặc đặc trưng) của địa phương.

cần thơ có lễ hội gì?

Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc – Cần Thơ

Các gian hàng trưng bày, phục vụ ngày hội, quảng bá du lịch tại địa phương, như: trưng bày, triển lãm sản phẩm các làng nghề truyền thống của quận; gian hàng bán trái cây các loại phục vụ du khách; gian hàng bán sản phẩm, quà lưu niệm Lễ hội Mùng 5 Tháng 5 âm lịch; giao lưu đờn ca tài tử; giao lưu văn nghệ, kêu số nghệ thuật (lô tô); khai thác, tận dụng bãi bồi cù lao làm bãi tắm, phục vụ khách du lịch; tổ chức phiên chợ “Hàng Việt về nông thôn”…

Quận Thốt Nốt còn thực hiện các hội thi quảng cáo nét đẹp đặc trưng của quận và cù lao Tân Lộc, như: Hội thi múa dân vũ và hóa trang trái cây; hội thi “Trang trí gian hàng ẩm thực, sản phẩm đặc trưng”; hội thi “Cây, củ, quả lạ”; trang trí, tạo hình trái cây nghệ thuật; hội thi các món ăn, sản phẩm từ dừa; hội thi cây cảnh, bon sai; trình diễn đổ bánh xèo Tết Đoan ngọ…

Nhằm tạo không khí lễ hội dọc cù lao và tạo điều kiện cho du khách di chuyển, khám phá nhiều nơi, các hoạt động của lễ hội được tổ chức ở nhiều điểm: sân bóng Minh Nhựt, khu vực Tân Mỹ 1, phường Tân Lộc; Đình Tân Lộc Đông; chùa Hảo Hào Tự; vườn dừa Tân Lộc; các trường học…

Đến với ngày hội, cả người dân địa phương và khách tham quan sẽ có cơ hội thưởng thức trái cây địa phương và các món ăn truyền thống Nam Bộ, cũng như tham gia nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn.

Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ

Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, TP Cần Thơ lần thứ 5 năm 2020 sẽ diễn ra từ 1-3/8 (lễ khai mạc diễn ra chiều tối 31-7), tại điểm dừng chân Chợ nổi Cái Răng (số 17/2 đường Võ Tánh, khu vực Yên Thuận, phường Lê Bình, quận Cái Răng).

cần thơ có lễ hội gì?

Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ

Ngày hội Du lịch Văn hóa Chợ nổi Cái Răng là hoạt động thường niên nhằm giới thiệu, quảng bá văn hóa Chợ nổi Cái Răng, tạo điểm nhấn du lịch Cần Thơ, kết nối tour tuyến, giới thiệu sản phẩm nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với chủ đề Bảo tồn và phát triển văn hóa Chợ nổi Cái Răng, ngày hội năm nay với nhiều hoạt động sôi nổi, đặc sắc. Theo đó, bên cạnh các hoạt động truyền thống như: diễu hành, trang trí ghe – thuyền, vớt rác trên sông, đua thuyền rồng,…

Ngày hội Du lịch lần này sẽ có thêm hàng loạt các hoạt động mới đậm nét văn hóa sông nước địa phương. Các sự kiện mới được mong đợi sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị cho du khách, góp phần tăng hiệu quả cho việc quảng bá du lịch Chợ Nổi Cái Răng như tổ chức buffet các loại trái cây và bánh dân gian trên bè nổi (miễn phí) góp phần thúc đẩy quảng bá ẩm thực – nông sản của vùng.

cần thơ có lễ hội gì?

Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng – Cần Thơ

Điểm nhấn của Ngày hội Du lịch năm nay là không chỉ nhằm mục đích phát triển, quảng bá du lịch mà sẽ kết hợp với những hoạt động liên quan đến phát triển an sinh xã hội của địa phương, các hoạt động phát triển và chăm lo an sinh xã hội dự kiến gồm có: ra mắt điểm cung cấp nước sạch cho thương hồ tại chợ nổi, tặng ghe cho thương hồ có hoàn cảnh khó khăn, phát động lắp nhà vệ sinh có bồn cầu tự hoại cùng nhiều hoạt động bảo vệ môi trường sông nước khác.

Ngoài ra, Ngày hội lần này còn có hội thảo Giải pháp bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng, nhằm đưa ra các kiến nghị, giải pháp để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa chợ nổi gắn với du lịch.

Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền – Cần Thơ

Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền là sự kiện do huyện Phong Điền phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cần Thơ tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27-9) cũng như tạo điểm nhấn cho chuỗi sự kiện, hoạt động lễ hội của xứ Tây Đô.

cần thơ có lễ hội gì?

Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền – Cần Thơ

Mục đích của ngày hội là góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về du lịch, phát huy thế mạnh của Phong Điền: du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn cây ăn trái, du lịch tâm linh kết hợp tham quan di tích lịch sử – văn hóa…Đồng thời để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm du lịch, thương hiệu nông sản, trái cây đặc trưng của địa phương; cũng như tái hiện nét văn hóa đặc sắc, làng nghề truyền thống, các đặc sản đậm nét sông nước Miền Tây Nam Bộ đến du khách thập phương. Đây củng cơ hội để các điểm vườn kết nối với các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch Cần Thơ.

Mỗi năm, Ngày hội đều tạo những dấu ấn mới, nâng chất với nhiều hoạt động đa dạng, thu hút du khách gần xa. Dự kiến ngày hội năm nay diễn ra từ ngày 26 đến 29-9, có khoảng 20 hoạt động tại khu vực quảng trường huyện Phong Điền. Điểm nhấn là các hoạt động: lễ khai mạc, diễu hành, trưng bày xe đạp, xe điện, chợ quê, các hội thảo, tọa đàm về du lịch Phong Điền, phát triển Phong Điền thành đô thị sinh thái…

Năm nay, ngày hội có thêm nhiều hoạt động mới: cuộc thi ảnh đẹp đặc trưng Phong Điền, hội thi chim hót, chim cảnh, biểu diễn vỏ lãi… cùng hội thi trang trí tạo hình từ trái cây nghệ thuật và củ quả lạ, đua ghe chèo, hội thi bánh dân gian, trưng bày món ngon Phong Điền, các gian hàng quảng bá, xúc tiến du lịch, thương mại, các giải thể thao, triển lãm ảnh, thư pháp…

Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền – Cần Thơ

Du lịch Cần Thơ, đến thăm miệt vườn Phong Điền những ngày này, du khách được tham quan, mua sắm, thưởng thức sản vật địa phương; chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật làm từ trái cây, xem các nghệ nhân trình diễn làm bánh dân gian; hoặc tham gia các hoạt động trò chơi dân gian: vượt sông bằng dây, nhảy bao bố, bơi đua vỏ lãi…; hòa vào không khí sôi nổi của giải việt dã, boxing… thật sự là những trải nghiệm thú vị.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố, huyện Phong Điền và các đơn vị hữu quan đã phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng để đảm bảo sự kiện được diễn ra chu đáo, an toàn, chất lượng. Các món ăn trưng bày, trái cây bày bán tại Ngày hội đều được huyện tuyển chọn từ những cơ sở uy tín, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, giá cả được niêm yết công khai.

UBND huyện Phong Điền vừa phát động cuộc thi “Ảnh đẹp đặc trưng Phong Điền”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền năm 2019. Hội thi nhằm tuyển chọn những bức ảnh đẹp về Phong Điền, bổ sung vào kho tư liệu về những nét đặc trưng văn hóa, lịch sử, nếp sinh hoạt, con người; tạo nguồn tư liệu để quảng bá Phong Điền với du khách.

Ngày hội Du lịch – Đêm hoa đăng Ninh Kiều – Cần Thơ

Ngày hội Du lịch – Đêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ sẽ diễn ra từ ngày 27 đến 29-11-2020, tại công viên Ninh Kiều, cầu đi bộ, rạch Khai Luông. Năm nay, Ngày hội có nhiều điểm nhấn mới và mở rộng với nhiều hoạt động phong phú, nhằm phục vụ tốt hơn nhu cầu thưởng thức văn hóa của người dân địa phương và khách du lịch Cần Thơ.

Ngày hội Du lịch – Đêm hoa đăng Ninh Kiều – Cần Thơ

Ngày hội có chủ đề “Hội tụ và Tỏa sáng”, với khoảng 12 hoạt động, bao gồm: lễ khai mạc, hội thi hoa đăng – mô hình, lễ hội ánh sáng, thả hoa đăng trên sông, các gian hàng quảng bá và xúc tiến du lịch, gian hàng ẩm thực Nam Bộ, trưng bày bộ ảnh ASEAN, trò chơi dân gian, âm nhạc đường phố, biểu diễn đờn ca tài tử, gian hàng trải nghiệm và trưng bày các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lễ bế mạc.

Tiêu biểu là chương trình “Lễ hội ánh sáng” với chủ đề “Đêm Tây Đô Huyền Ảo” lần đầu tiên xuất hiện tại Đồng bằng sông Cửu Long là chương trình kể chuyện nghệ thuật kết hợp giữa âm thanh và ánh sáng, thông qua việc sử dụng hàng trăm tấn thiết bị, kỹ thuật hiện đại. Lễ hội Ánh sáng có nội dung phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc với 3 phần: Huyền thoại đất thiêng; Hương sắc Tây Đô; Hội tụ và tỏa sáng, thông qua các hiệu ứng kỹ xảo âm thanh, ánh sáng, trình chiếu màn hình nước, màn hình led và công nghệ laser, chiếu hình Mapping…tạo nên một không gian nghệ thuật đa màu sắc, độc đáo, mang đậm nét văn hóa sông nước Miền Tây.

Thông qua Ngày hội Du lịch – Ðêm hoa đăng Ninh Kiều, Cần Thơ lần thứ IV – năm 2020, quận Ninh Kiều mong muốn tiếp tục quảng bá đến nhân dân, du khách về tiềm năng và lợi thế phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, du lịch đặc trưng của quận Ninh Kiều và TP Cần Thơ. Ninh Kiều cũng giới thiệu đến du khách về hình ảnh “Du lịch đô thị miền sông nước” và hình ảnh nguời dân Ninh Kiều theo tiêu chí người Cần Thơ “Trí tuệ – Năng động – Nhân ái – Hào hiệp – Thanh lịch”.

Lễ vía Bà Thiên Hậu – Cần Thơ

Theo các nguồn tư liệu lịch sử, người Hoa có mặt ở Nam bộ cách nay đã hơn 300 năm. Có thể nói, ở đâu có người Hoa cư trú, ở đó tất có chùa Hoa, như: Hiệp Thiên Cung Ba Láng (Cái Răng), Võ Đế Cổ Miếu (Ô Môn), Quan Đế Võ Miếu (Bình Thủy)… hoặc được xây dựng ở những nơi dân cư đông đúc, như: Hiệp Thiên Cung (Cái Răng), Thất Phủ Võ Miếu (Thốt Nốt), Quảng Triệu Hội Quán( Ninh Kiều)… Ngày nay trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai muốn tìm hiểu văn hóa của người Hoa tại Cần Thơ. Cũng như các dân tộc khác, đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người Hoa rất phong phú và đa dạng. Họ có rất nhiều lễ hội và thờ các vị thần khác nhau. Tiêu biểu nhất là lễ vía Ông hay còn gọi là Lễ vía Quan Thánh Đế và lễ vía Thiên Hậu Thánh Mẫu mà người ta quen gọi là “vía bà”.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ vía Bà Thiên Hậu – Cần Thơ

Bà con người Hoa quan niệm rằng: Chính các vị thần sông, thần biển, các vị thần chuyên cứu người trên biển như Bà Thiên Hậu đã phù hộ cho họ rất nhiều trong những chuyến hải trình xa xôi đến Việt Nam, cũng như trong công việc mua bán sau này. Nên các ngôi chùa thường được xây cất ở cặp mé sông chính là để các vị thần trấn giữ, ngăn chặn mọi điều xui xẻo, đem những điều may mắn, tốt lành.

Thiên Hậu Thánh Mẫu thường hiển linh trợ giúp kịp thời những thuyền tàu mỗi khi gặp gió to sóng lớn, phù hộ cho dân chài có cuộc sống an lành, bình yên. Hình ảnh của bà luôn được cộng đồng người Hoa suy tôn là một vị thần – một vị thần theo lệnh trời phò tá cho muôn dân.

Lễ vía Bà Thiên Hậu được tổ chức vào ngày 23 tháng 3 âm lịch hàng năm. Đây được xem là một nét đẹp văn hóa cần được bảo tồn và phát huy trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng người Hoa. Lễ vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu có giá trị về nhiều mặt trong đời sống văn hóa cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ. Ngoài ra lễ hội này còn là dịp để bà con gặp gỡ nhau, thắt chặt tinh thần cố kết cộng đồng, yếu tố không thể thiếu trong xã hội Á Đông xưa và nay. Lễ hội vía Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu mang đậm màu sắc, dân tộc. Qua lễ hội này, thể hiện tình đoàn kết, tương thân, tương ái: Kinh – Hoa trong khối đoàn kết đại gia đình dân tộc Việt Nam.

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ vía Bà Thiên Hậu – Cần Thơ

Để tổ chức tốt cho kỳ lễ vía, bà con người Hoa đã chuẩn bị nhiều ngày trước đó. Khoảng 18 tháng 3 âm lịch là bà con người Hoa đã tập trung ở Hội quán để sửa sang, quét dọn, chuẩn bị. Người ta tổ chức tắm bà sạch sẽ, thay quần áo mới cho Bà. Lễ tắm bà được tổ chức rất trang trọng, nơi bà ngự được quét dọn, căng màn che lại, hai cô gái được cử tắm cho Bà. Người ta nấu nước sôi để nguội rồi đổ vào thau, hái lá bưởi để vào dùng tắm cho Bà. Lá bưởi được người Hoa tin như một thứ bùa hộ mệnh dùng để tẩy sạch bụi trần, bao điều phiền muộn, những thứ xui xẻo, không may mắn.

Khoảng 6 giờ sáng, ngày 23 tháng 3 âm lịch, những người trong Ban trị sự của Hội quán đã đến chuẩn bị lễ vật cho ngày vía Bà. Lúc này cũng có nhiều người đến cúng. Người ta mang theo nhang đèn, trà, rượu… gà vịt đã làm sẵn để cúng. Cúng xong, người ta mang lễ vật về, nhưng cũng có người để lại. Đúng 9 giờ là chính thức làm lễ vía Bà. Số 9 được người Hoa quan niệm là con số may mắn, 9 giờ là giờ tốt. Đúng 9 giờ, tiếng chuông trong chùa vang lên, báo hiệu đã đến giờ hành lễ, tất cả mọi người (chủ yếu là những người trong Ban trị sự và những người có liên quan đến việc bảo quản Hội quán) khoảng 7,8 người trong đó cử ra một người chủ lễ, tập trung, xếp hàng trước chánh điện. Thức cúng được dọn sẵn ra trên bàn đặt trước chánh điện gồm: chính giữa là một con heo quay, thân heo được trang trí một cách đẹp mắt, trên lưng heo có cắm một con dao, với ngụ ý là mời các vị thần dùng dao xẻ thịt ăn. Bên phải là con gà luộc, bên trái là một dĩa trái cây gồm chôm chôm, nho, chuối,… phía trước là những cốc trà cùng với hai bình trà, rượu được đặt kề bên.

Khi mọi người tề tựu xong, một hồi trống vang lên (người đánh trống phải là một ông cụ). Hồi trống vừa dứt, chủ lễ đọc bài văn tế thần bằng tiếng Hoa với nội dung: Hôm nay là ngày vía Bà, chúng tôi tổ chức buổi lễ gồm: trà, rượu, heo, gà, bánh trái… dâng cúng thần, cầu thần ban cho phúc lành, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làm ăn phát đạt… Đọc văn tế thần xong, mọi người xá ba xá. Xá xong, có hai người rót trà và rượu (hai người này đã được chỉ định trước khi hành lễ) đổ một tí xuống đất cúng thần. Sau đó, khiêng bàn đựng đồ cúng quay mặt ra hướng cổng chính để cúng Thiên Địa. Vẫn như trước, hồi trống lại vang lên. Khi hồi trống kết thúc, bài văn tế thần ban nãy lại được đọc lên (chỉ có việc thay tên vị thần sắp cúng mà thôi) rồi cũng xá ba xá. Xong, châm trà rượu. Cứ thế, lần lượt cúng các vị thần: Quan Thánh Đế Quân, Thần Tài, Phật Bà Quan Âm, Phước Đức Chính Thần, Mã Tiền Tướng Quân. Riêng Phật Bà Quan Âm, thức cúng là đồ chay, chỉ cúng trái cây. Nhưng để tránh phiền phức, người ta vẫn để y bàn cúng gồm heo, gà trên đó chứ không dọn ra.

Lễ cử hành xong, mỗi người một việc, người vào bếp phụ nấu ăn, người dọn bàn, dọn ly để chuẩn bị đãi khách. Lúc này khách tấp nập đến cúng nhang, đèn ở Hội quán. Có người cúng tiền, số lượng ít thì để vào thùng phước thiện, nhiều thì gởi trực tiếp cho người tiếp nhận và người đó được ghi tên mình vào sổ công đức. Cũng có người đem nhang khoanh đến cúng. Những cuộn nhang được treo lên, những vòng nhang từ nhỏ đến lớn buông xuống tạo thành một hình xoắn ốc, giữa vòng xoắn ốc ấy có treo lủng lẳng một miếng nhựa màu vàng, trên có ghi tên người cúng bằng chữ Hoa. Nhiều khoanh nhang được đốt lên, khói bay phảng phất, tỏa mùi thơm tạo thành một bầu không khí trang nghiêm và huyền ảo.

Tất cả những người khách đến cúng đều được mời ở lại dùng bữa cơm thân mật. Người rảnh rang một chút thì nán lại bên bàn trà, trò chuyện dăm ba câu, bàn chuyện làm ăn, thời sự, thế thái nhân tình…

cần thơ có lễ hội gì?

Lễ vía Bà Thiên Hậu – Cần Thơ

Trước đây, khi lễ vía Bà ở Hội quán xong, bà con người Hoa còn tổ chức đưa bà đi du ngoạn quanh các đường phố, các con đường lớn, người ta khiêng tượng bà đi vòng quanh các con phố gọi là thỉnh Bà hành cung. Trong buổi du ngoạn đó, có đại diện Ban trị sự Hội quán, đông đảo bà con người Hoa đi cùng, mặc đồ lễ, có lọng che, cờ phướn, cờ lệnh, trống kèn… thật nô nức, nhộn nhịp. Trên đường Bà du ngoạn, có một vài gia đình người Hoa đặt bàn cúng trước nhà – nơi Bà sẽ đi qua để hộ tống Bà và cũng cầu bà ban cho phước lộc, tiền tài… Ngày nay, lệ này dường như không còn vì tổ chức rất rườm rà và tốn kém.

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Cần Thơ mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Cần Thơ có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Cần Thơ vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Dũng Phạm

YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Cần Thơ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก