Tình Yêu

Hôn nhân không phải là mồ chôn tình yêu, tình yêu phim ảnh cũng là thứ không tồn tại

Câu nói “Hôn nhân là mồ chôn tình yêu” thường được dùng như một nghịch lý để mỉa mai về mối quan hệ giữa hôn nhân và tình yêu, với ngầm giả định rằng tình yêu và hôn nhân nhất thiết phải là yếu tổ tương hỗ và tôn vinh nhau. Điều này dường như được mọi người điềm nhiên chấp nhận đến nỗi không mấy ai đặt câu hỏi. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu liệu tình yêu và hôn nhân có tương hỗ không, hoặc thậm chí có liên quan đến nhau không.

hôn nhân, nhận định, tình cảm vợ chồng, tình yêu, hôn nhân không phải là mồ chôn tình yêu, tình yêu phim ảnh cũng là thứ không tồn tại

1. Thủy tổ loài người có lẽ chưa bao giờ yêu nhau như cách chúng ta đang làm.

Không có định nghĩa cứng về tình yêu lãng mạn, chỉ có các đặc trưng. Ngày nay chúng ta thường nhìn nhận tình yêu với những đặc trưng: (1) Mối quan hệ riêng tư chỉ giữa hai người dựa trên tinh thần tự nguyện; (2) Trong mối quan hệ này tình yêu chỉ chia sẻ giữa hai người, và tình dục (nếu có) cũng chỉ chia sẻ giữa hai người; (3) Đặc trưng cho thứ tình cảm này là sự hấp dẫn lẫn nhau không thể giải thích được.

Đây là những điểm tối thiểu mà một tình yêu ngày nay cần có. Chẳng hạn, nếu thiếu (1) ta sẽ nghĩ mối quan hệ ấy do ép buộc, thiếu (2) ta sẽ nghĩ đó là mối quan hệ phức tạp thay vì tình yêu, thiếu (3) ta sẽ nghĩ đó là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi và sẽ kết thúc khi lợi ích không còn.

Về hôn nhân, thường được ngầm hiểu rằng là kết quả theo sau như quả ngọt của tình yêu, đó là khi hai người yêu nhau về sống chung một nhà và chia sẻ cùng nhau (hoặc chia chác với nhau nếu chẳng may hôn nhân đổ vỡ, còn gọi là li hôn) gần như mọi lợi ích của cả hai. Hôn nhân tạo nên hạt nhân của xã hội là gia đình, một đơn vị quan trọng về cả chính trị, kinh tế và xã hội. Vì tính thiết yếu của tình yêu và hôn nhân, người ta dễ nghĩ chúng là thứ thuộc về tự nhiên, không thể thiếu với con người.

Nhưng khoa học vẽ nên một bức tranh khác. Đầu tiên nói về hôn nhân. Bằng chứng tốt nhất về hôn nhân cho thấy nó xuất hiện lần đầu cách đây khoảng 4300 năm ở khu vực Lưỡng Hà. Trước đó, theo các nhà nhân học thì gia đình với người nguyên thuỷ (ngoài trẻ em) thì về cơ bản là một cộng đồng khoảng 30 người với nhiều nam và nhiều nữ chia sẻ tình dục với nhau. Cách mạng nông nghiệp nổ ra, dân số tăng lên và loài người cần tổ chức chặt chẽ hơn, đây mới là lúc hôn nhân giữa một nam và một nữ bắt đầu. Việc này khởi đầu ở Lưỡng Hà và dần xuất hiện ở nhiều nơi khác.

Bấy giờ hôn nhân không liên quan nhiều đến tình yêu, theo Stephanie Coontz, hôn nhân lúc ấy không phải vì mối quan hệ của người nam và người nữ mà vì mục đích hợp pháp hoá cho hành động mở rộng liên minh và gia tăng lực lượng lao động cho gia đình. Ở Hi Lạp, hôn nhân là cách chắc chắn để đàn ông có con thừa kế. Trong hôn lễ, cha cô dâu trao con gái cho chú rể với lời hứa con gái ông sẽ sinh ra những đứa con hợp pháp cho chồng. Ở xã hội Hebrew, người anh/em chồng sẽ lấy em/chị dâu của mình nếu chồng của người phụ nữ ấy chết. Tựu trung, có thể nói hôn nhân bấy giờ phục vụ mục đích kinh tế, thế lực và sinh sản hơn là tình yêu. Điều này cũng đúng với xã hội phong kiến ở một số quốc gia châu Á mãi cho đến sau này.

Tiếp đến nói về tình yêu với các đặc trưng đã miêu tả, mà sau đây sẽ gọi là tình yêu lãng mạn (romantic love) để phân biệt với các loại tình yêu khác. Nhà nhân chủng học Claude Lévi-Strauss cho biết rằng tuy có các hình thức tán tỉnh trong xã hội nguyên thuỷ, nhưng không có bằng chứng cho thấy họ có các mối quan hệ tương đồng với tình yêu lãng mạn.

Một loạt nghiên cứu của những nhà nhân chủng học khác cũng đưa ra kết luận tương tự. Lewis H. Morgan cho rằng tình yêu lãng mạn không xuất hiện trong xã hội của người săn lượm, mà nó là sản phẩm do xã hội văn minh sinh ra. Theo Margaret Mead, Nhà Nhân học Văn hóa, tình yêu lãng mạn với đặc điểm một vợ một chồng, độc quyền, ghen tuông, chung thuỷ không có ở người Samoa.

Việc thiếu tình yêu lãng mạn không gây hại đến sự ổn định xã hội, ít nhất so với những kiểu cấu trúc xã hội trong quá khứ. Tuy sinh hoạt tình dục chung chạ với nhau nhưng người săn bắn hái lượm không hề ghen tuông dẫn đến mâu thuẫn và xung đột. Họ nuôi dưỡng với nhau một thứ tình yêu khác với tình yêu lãng mạn và sử dụng tình dục như chất keo gắn kết cộng đồng, tất cả duy trì hoà bình, điều này khá giống với xã hội của loài vật có tổ tiên gần nhất với loài người là tinh tinh bonobo.

Thực tế thì tình yêu lãng mạn là thứ xa lạ hoặc cá biệt ngay cả với chúng ta cho đến mãi đến tận thế kỉ XI, thời đại của hiệp sĩ.

hôn nhân, nhận định, tình cảm vợ chồng, tình yêu, hôn nhân không phải là mồ chôn tình yêu, tình yêu phim ảnh cũng là thứ không tồn tại

2. Tầng tầng lớp lớp ý nghĩa về tình yêu được tạo ra theo chiều phát triển của nền văn minh.

Tình yêu là thứ tình cảm phổ quát của loài người. Sinh học tiến hoá chỉ ra rằng tình yêu là chiến lược sinh tồn nhằm giúp con người gắn kết để chống lại các mối đe dọa và duy trì giống loài. Tình yêu được sinh học tạo ra và nó có những giới hạn riêng của nó, một trong những giới hạn ấy là nó không lâu bền. Các nghiên cứu cho thấy tình yêu lãng mạn bao gồm hai giai đoạn là yêu cháy bỏng và giai đoạn đồng hành. Trong đó, giai đoạn yêu cháy bỏng tiết ra chất truyền dẫn thần kinh dopamine, thứ chất cũng tiết ra khi chúng ta sử dụng cocaine. Và giai đoạn yêu cháy bỏng chỉ kéo dài từ 12 đến 18 tháng trên một đối tượng mà thôi. Do vậy, kỳ vọng về một cuộc tình lúc nào cũng sôi nổi như những ngày mới yêu là một kỳ vọng thiếu thực tế.

Như đã trình bày ở phần 1, trong xã hội nguyên thuỷ, tình yêu của loài người là thứ gắn chặt với tình dục. Những mục đích thực tế và thực dụng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến quan niệm về hôn nhân ở xã hội hậu cách mạng nông nghiệp. Chỉ đến khi nền văn minh của con người phát triển thì mới kéo theo sự phát triển của tình yêu, và sau đó là cả hôn nhân. Dần dần rời xa bản năng và mục đích sinh học, ý niệm về tình yêu đã có những bước phát triển như sau.

Một trong những tác phẩm sớm nhất của nhân loại khi bàn về tình yêu là Symposium của Plato, một triết gia nổi danh của Hi Lạp cổ. Trong Symposium, Plato dưới lời thoại của nhiều nhân vật đã cho chúng ta nhiều lí thuyết về tình yêu. Dưới lời Aristophanes, Plato kể về ba dạng tình yêu tự nhiên của loài người là nam-nam, nữ-nữ, và nam-nữ. Điểm đáng chú ý là không những coi tình yêu đồng giới là tự nhiên, Plato còn coi tình yêu nam-nam là mẫu hình cao đẹp nhất.

Dưới lời Diotime, Plato đề ra 6 nấc thang của tình yêu theo thứ tự từ thấp đến cao như sau: Yêu một thể xác đẹp; Yêu mọi thể xác đẹp; Yêu tâm hồn đẹp; Yêu luật lệ và thiết chế; Yêu triết lí và sự thông tuệ; Yêu Nguyên mẫu của Cái đẹp (mọi cái đẹp cụ thể đều có liên hệ với Nguyên mẫu, một khi nhìn thấy được Nguyên mẫu này thì kẻ đang yêu có thể yêu vì chính bản chất của tình yêu). Có thể thấy ý tưởng yêu tâm vẻ đẹp hồn đã xuất hiện từ rất lâu, và thậm chí còn được tiến xa hơn nữa bằng ý tưởng “yêu chỉ vì yêu thôi”.

Thế kỉ XI, thời đại của hiệp sĩ, xuất hiện khái niệm tình yêu cao thượng (courtly love) vốn được cho là tiền thân của tình yêu lãng mạn. Đó là tình yêu phi thể xác và phi hôn nhân của một hiệp sĩ dành cho một tiểu thư thuộc tầng lớp thượng lưu. Tình yêu cao thượng ra đời một mặt như cách để thoả mãn nhu cầu tình cảm vốn thiếu thốn ở những cặp vợ chồng kết hôn không vì tình yêu thường gặp ở thời đó (đặc biệt ở giới thượng lưu), mặt khác nó cũng là công cụ để Giáo hội ngăn chặn những cuộc vụng trộm ngoài hôn nhân ở giới hiệp sĩ. Biết rằng giới hiệp sĩ vốn phải tuân thủ rất nhiều bộ quy tắc ứng xử để vinh danh Thiên Chúa và người yêu của mình bằng trái tim thuần khiết.

hôn nhân, nhận định, tình cảm vợ chồng, tình yêu, hôn nhân không phải là mồ chôn tình yêu, tình yêu phim ảnh cũng là thứ không tồn tại

Hôn nhân theo sắp đặt vì mục đích kinh tế xuất hiện độc lập ở nhiều nền văn hoá, và ý tưởng về tình yêu lãng mạn cũng thế. Ở Trung Quốc, truyền thuyết Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài xuất hiện từ rất sớm và mang đủ tiêu chí cho một tình yêu trong sáng. Tuy nhiên có một điểm chung ở tất cả chúng, dù ở phương Đông hay phương Tây, là những ý tưởng tình yêu này đều được ưa thích vì là chuyện thiểu số, khác lạ với thực tế phổ biến và được mọi người hướng tới thay vì đạt được bởi đa số.

Quan sát những vết tích quan điểm về tình yêu và hôn nhân theo thời gian, có thể nhận thấy một màu sắc phổ biến: đa phần dựa trên ý chí của giai cấp thống trị đương thời. Từ thời Plato cho đến xã hội ở thế kỷ XI, quan điểm về thế nào là yêu và vì sao phải kết hôn đều là sản phẩm của tầng lớp thượng lưu. Sự phát triển của nền văn minh thường kéo theo sự phức tạp, lễ nghi hóa nhiều hoạt động của con người, từ ăn uống cho đến chuyện yêu đương. Nhưng điểm chung là đều do tầng lớp thống trị đặt ra, và những người khác hướng tới.

Mãi đến tận thế kỉ XIX, sau khi cách mạng công nghiệp bùng nổ, sự song hành của hôn nhân và tình yêu mới bắt đầu trỗi dậy. Kể từ sau cách mạng Pháp, hay rộng hơn là chiến thắng của phe dân chủ cùng chủ nghĩa cá nhân, quyền định nghĩa về hôn nhân và tình yêu lúc này bắt đầu được trao cho đại chúng.

3. Con người hiện đại khi sống giữa liên minh của hôn nhân và tình yêu lãng mạn.

Cách mạng công nghiệp nổ ra vào thế kỉ XVII và XVIII khiến con người bắt đầu đi làm ở nhà máy, ít lệ thuộc vào đất đai, tăng khả năng tự chủ. Kết hợp với những ý tưởng về chủ nghĩa cá nhân và mưu cầu hạnh phúc của thời Khai minh, thế kỉ XVIII. Kết hợp với chủ nghĩa lãng mạn cũng ở thế kỉ XVIII, thảy điều này như cá gặp nước, cố nhiên nhân loại nắm chặt lấy tình yêu lãng mạn, không lâu sau họ tôn thờ và coi tình yêu là thiêng liêng. Hôn nhân lúc này được giảm bớt sức ép về kinh tế, cũng dần dà hoà vào làn sóng của tình yêu.

Đây đều là những mặt rất tốt mà cách mạng công nghiệp mang đến cho tình yêu và hôn nhân. Những ý tưởng và những lối sống xưa kia vốn là đặc quyền của tầng lớp thượng lưu, nay đã có cơ hội được phổ cập đến tất cả mọi người. Có lẽ nhiều người sẽ hoài nghi về điều này, nhưng hãy nhớ rằng tuyên bố “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.” chỉ mới xuất hiện gần đây.

Tuy vậy, di sản văn hóa có sức sống mãnh liệt được để lại từ tầng lớp thượng lưu ở thời đại cũ, sự non trẻ của nền dân chủ về sau này, cùng với những khác biệt về mặt cấu trúc xã hội và thời đại, ý tưởng về tình yêu lãng mạn đến nay khó tránh khỏi xô lệch và không giữ được nguyên gốc như nó từng có.

Thứ nhất, tình yêu lãng mạn hiện nay đang được truyền thông tô vẽ quá hào nhoáng. Mặc dù tôn vinh ý tưởng yêu tâm hồn đẹp và “yêu chỉ vì yêu” dựa trên ý tưởng của Plato, nhưng phim ảnh thường truyền tải ý tưởng về thân xác đẹp trước bằng cách vẽ ra những cặp đôi trai xinh gái đẹp trên màn bạc. Sự khác biệt giữa thông điệp và phương tiện truyền tải thông điệp khiến người xem trong vô thức tin rằng thân xác đẹp là thiết yếu của tình yêu. Những câu chuyện về tình yêu thường cố ý kịch tính hoá mối quan hệ này bằng những kịch bản tình tay ba, những cuộc tranh giành người tình, hay những cuộc phiêu lưu để giải cứu hoặc mua vui cho người yêu. Trong khi tình yêu ở thực tế không phải lúc nào cũng có những kịch tính ấy, và thậm chí là không cần đến những kịch tính ấy.

hôn nhân, nhận định, tình cảm vợ chồng, tình yêu, hôn nhân không phải là mồ chôn tình yêu, tình yêu phim ảnh cũng là thứ không tồn tại

Tất cả điều này càng được chủ nghĩa tiêu thụ hỗ trợ thêm bằng cách thuyết phục những kẻ đang yêu hãy mua đồ trang sức, mua gói du lịch, đi ăn nhà hàng đắt tiền để khiến đối phương yêu mình hơn, trong khi thực tế rằng những hành động càng nặng về tính vật chất thì càng đẩy tình yêu đi xa khỏi ý tưởng gốc về tình yêu lãng mạn hơn. Hoặc là những khoá học dạy người ta cách tán tỉnh theo công thức, với ngầm giả định rằng mỗi người đều là một con cá, chúng ta chỉ cần chọn đúng mồi câu phù hợp là tình yêu sẽ về tay. Thú vị ở chỗ, tư tưởng này chỉ có thể là đứa con lai giữa tình yêu lãng mạn và cách mạng công nghiệp, bởi ý tưởng phổ cập giáo dục một kiến thức nào đó chỉ trở nên cấp thiết khi ngành công nghiệp cần đến những nhân công quen làm công việc rập khuôn tẻ nhạt, và có kiến thức ở mức tối thiểu để vận hành một loại máy nhất định. Và tình yêu, vốn là thứ độc đáo, nay trở thành món hàng có thể mua được một cách gián tiếp.

Thứ hai, dường như không nhiều phim ảnh hay tiểu thuyết cho chúng ta biết mối quan hệ yêu đương về cơ bản là chuỗi ngày lặp lại và đều đều vì bản chất cuộc đời mọi sinh vật trên đời này là đều đều và lặp lại. Như là đều đặn mỗi ngày ai cũng phải ăn, ăn xong thì phải rửa bát, muốn ăn tiếp thì phải đi làm. Và những điều đó không có gì bất thường. Tình yêu của giới hiệp sĩ nếu có thực thì cũng rất khác với con người ngày nay bởi tầng lớp thượng lưu thời bấy giờ có đặc quyền sinh ra đã được ngồi mát ăn bát vàng, không phải đối mặt với vấn đề cơm áo gạo tiền. Và rất có thể những mơ mộng xa vời ấy rốt cuộc được vẽ ra như một cách để cưỡng lại bản năng sinh học, bởi như chúng ta đã biết giai đoạn yêu cháy bỏng chỉ kéo dài không quá 18 tháng. Nó quá ngắn ngủi nếu so với quãng thời gian “đến đầu bạc răng long” mà loài người vẫn thường mong đợi trong mỗi cuộc hôn nhân.

Thứ ba, tuy có thể nhiều người trong chúng ta đã và đang thất vọng vì tình yêu và những ý tưởng về tình yêu lãng mạn trông thật quá đẹp đẽ, nhưng không vì thế mà có thể chắc chắn rằng hình mẫu tình yêu trong quá khứ là lời giải rốt ráo cho mọi vấn đề. Có thể thời đại nào mọi người cũng cảm thấy họ cần làm điều gì đó thì mới có thể hạnh phúc hơn hiện tại?

Những người sống trong thời đại hôn nhân bị ràng buộc có thể đã nghĩ rằng họ sẽ hạnh phúc khi được tự do lựa chọn. Ở thời đại được phép tự do, người ta lại nghĩ rằng họ phải xinh đẹp, giàu có và hơn thế để cảm thấy hạnh phúc. Tất thảy những điều này đều không thể giải quyết được gốc rễ vấn đề, vì bản năng sinh học khiến sự sôi nổi về mặt cảm xúc của tình yêu kéo dài rất ngắn ngủi. Có lẽ mọi thứ sẽ đơn giản hơn khi chúng ta chấp nhận điều này và xây dựng những chiến lược thông minh xoay quanh nó.

hôn nhân, nhận định, tình cảm vợ chồng, tình yêu, hôn nhân không phải là mồ chôn tình yêu, tình yêu phim ảnh cũng là thứ không tồn tại

Đã đến lúc chúng ta phải nhận ra rằng, một mặt ta phải chấp nhận tình yêu với những hạn chế của nó vốn được nằm sẵn trong bản năng sinh học, mặt khác phải chấp nhận những ý tưởng phù hợp với xã hội của tình yêu dọc theo quá trình phát triển của nền văn minh. Biết rằng cả tình yêu sinh học lẫn giá trị xã hội của tình yêu đều cần thiết, một cái là bản chất phải chung sống, cái còn lại là trí tuệ nhân loại đã tích lũy để hướng dẫn chúng ta sống chung với cái bản chất sinh học kia. Dựa trên hiểu biết của nhân loại, tự xây cho mình một hình mẫu, kiểu cách yêu đương phù hợp với bản thân là một điều quan trọng. Biết rằng điều này cũng đúng với hầu như mọi hoạt động khác.

Chúng ta làm những việc như ăn, ngủ, làm tình dựa trên bản năng sinh học, nhưng yếu tố văn hóa xoay quanh chúng là thứ cần được nghiêm túc xem xét xây dựng nếu muốn sống một cuộc đời dài hơi đầy ý nghĩa. Phụ thuộc vào sự chi phối của các hormone tự nhiên là một sự dựa dẫm tai hại, dễ dẫn đến sự nhàm chán vào những năm cuối của tuổi trẻ.

Quay trở lại với tình yêu, chúng ta phải hiểu là cả hôn nhân lẫn tình yêu không chỉ có mỗi tình yêu lãng mạn và giai đoạn cháy bỏng, mà nó còn sự đồng hành, lòng thương, tình nghĩa và nhiều thứ khác mà người ta thường bỏ qua vì quá mải mê chú tâm vào tình yêu lãng mạn.

(Hoặc không, hoặc bạn lựa chọn một lối sống và quan điểm yêu đương hoang dại phóng khoáng hơn, nhưng lúc ấy cũng nên tự nhận thức rằng bản thân không còn được phép kỳ vọng quá nhiều vào sự giúp đỡ của xã hội).

Sự tự do của thế giới thời hậu công nghiệp đang mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội, nhưng đồng thời cũng mang đến cảm giác hoang mang kỳ lạ. Như trong tình yêu, sự tự do cho phép người ta lựa chọn tình yêu và hôn nhân, đồng thời cũng đặt toàn bộ trách nhiệm lên các cá nhân ấy. Do vậy, theo đuổi những giá trị được xã hội tô vẽ, đồng thời không thực sự hiểu bản thân cần gì, kết hợp với sự suy tàn gần như hiển nhiên của tình yêu và hôn nhân dưới góc nhìn sinh học, nhiều người không thể làm gì hơn ngoài việc than trách bản thân, than trách bạn đời hay rộng hơn là toàn bộ cuộc đời của mình khi đứng trước các mối quan hệ đổ vỡ.

Hôn nhân không phải là mồ chôn của tình yêu, vì tất thảy hôn nhân hay tình yêu vốn đã không tồn tại ngay từ đầu. Nhân loại đã tạo ra chúng, đặt ra những quy chuẩn và kỳ vọng khác nhau ở từng thời điểm. Bạn phải hiểu chúng.

Sự thiếu hiểu biết về bản thân và về cách cuộc sống vận động là mồ chôn của tất cả mọi thứ. Và rất có thể bạn đang cầm trên tay một cái xẻng, hãy thử nhìn lại xem sao?

Đăng bởi: Tên Sơn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก