Nhật Bản

Hương đạo Nhật Bản – Nghe hương bằng cả tâm hồn

hương đạo nhật bản – nghe hương bằng cả tâm hồn

Đất nước Nhật Bản là quê hương của nhiều loại hình thưởng thức nghệ thuật có chiều sâu. Trải qua năm rộng tháng dài những thưởng thức ấy đã trở thành chuẩn mực của cái đẹp. Hương đạo Nhật Bản chính là một trong những văn hóa bạn nên biết.

Ở Nhật, những hoạt động tưởng chừng đơn giản như viết đôi câu chữ, múa vài đường kiếm, nhấp một ngụm trà, cắm một cành hoa lại là cả một phạm trù để cảm mến và giác ngộ. Ngay đến thưởng thức hương thơm cũng được người Nhật kính cẩn gọi tên “Hương đạo”. Cùng cẩm nang Nhật Bản khám phá về hương đạo Nhật Bản – “đạo” kén người thưởng thức.

Tìm hiểu về Hương đạo Nhật Bản

Khởi nguồn của Hương đạo

Sự hình thành của hương đạo Nhật Bản gắn liền với sự phát triển tôn giáo ở đất nước Nhật Bản. Cụ thể đó là Phật giáo. Nhưng theo sử sách ghi chép lại, sự khởi thủy của hương đạo Nhật Bản vào năm 595. Lúc bấy giờ có một phiến gỗ lớn trôi dạt vào bờ biển đảo Awajishima, ngày nay thuộc tỉnh Hyogo. Người dân trên đảo đã mang về làm củi. Nhưng khi nhóm bếp, họ vô cùng kinh ngạc với hương thơm tỏa ra từ phiến gỗ. Vì vậy họ đã quyết định tiến dâng lên Thiên hoàng Suiko.

Theo dòng lịch sử

Đến khoảng năm 752, cùng với Phật giáo, các công thức bào chế hương liệu được thiền sư Giám Chân của nhà Đường truyền bá vào Nhật Bản.Vào thời kỳ Heian (749 – 1185), giới quý tộc Nhật Bản bắt đầu hứng thú với việc thưởng hương. Thời Kamakura (1185 – 1333), các Samurai thâu tóm quyền lực và dần được quý tộc hóa bằng những thú vui tao nhã của giới quý tộc. Hương đạo từ thời kỳ này có sự kết hợp độc đáo giữa tinh thần võ sĩ đạo và triết lý Thiền của đạo Phật.

hương đạo nhật bản – nghe hương bằng cả tâm hồn

Lịch sử hướng đạo Nhật Bản

Trong suốt những năm 1333 – 1603, thời kỳ Muromachi, nước Nhật triền miên trong chiến loạn. Thấy rõ sự vô thường của quyền lực và kiếp người sau những mất mát của chiến tranh, những bậc hiền nhân thời bấy giờ đã kiến tạo nên nghệ thuật Hương đạo mang đậm triết lý về vẻ đẹp vô thường, cảm thức mùa của người Nhật.

Cuối thời Muromachi, hương đạo Nhật Bản được phát triển thành hai trường phái chính. Trường phái Oie do quý tộc Sanetaka Sanjonishi sáng lập chú trọng vào tính chất của hương. Trường phái Shino do một võ sĩ có tên Soshin Shino sáng lập ra thiên về nghi thức thưởng hương.

Dùng cả tâm hồn để thưởng hương

Mặc dù thưởng hương bằng khứu giác nhưng thay ngửi hương thì người Nhật gọi là “nghe hương”. Thực chất thì đây là một cách nói ẩn dụ mà thôi. Người Nhật muốn nói thưởng hương không phải chỉ ngửi mà còn phải dùng cả ngũ giác và tâm hồn. Thưởng hương không thể ngửi qua loa mà nó còn cần một quá trình ngưng lắng tâm hồn đậm Thiền tính của nhà Phật. Bởi vậy, Hương đạo là đạo kén người thưởng thức hơn cả.

hương đạo nhật bản – nghe hương bằng cả tâm hồn

Thưởng hương bằng cả tâm hồn

Để có thể “nghe” trọn vẹn một cuộc hương, người ta phải chuẩn bị cả tư thế lẫn tâm thế. Ngồi ngay ngắn, thư thái, tay đỡ chén hương trầm. Sau đó, từ từ nâng chén lên ngang mũi, tay phải che miệng chén để làn hương trôi qua khoảng không giữa ngón trỏ và ngón cái, hít ba hơi thật sâu. Làn hương thấm vào mũi và chạm đến đáy tâm hồn của người thưởng thức. Người thưởng hương khi đạt được độ tĩnh tại có thể nghe ra chất hương và gọi thành tên.

Phân loại hương trầm

Hương trầm được chia thành 6 loại, bao gồm 5 hương vị đến từ 6 nước. Kyara của Việt Nam có vị đắng, Rakoku của Thái Lan có vị ngọt, Manaban của Bồ Đào Nha có vị mặn, Sumatora của Indonesia có vị chua, Sasora của Ấn Độ có vị cay cùng với Manaka của Malacco và Malysia không vị. Để có thể nhận ra những mùi hương trầm khác nhau, người thưởng hương phải mất nhiều năm luyện tập. Họ còn cần có một khứu giác trời sinh nhạy bén với mùi hương.

Mười đức của Hương đạo Nhật Bản

Không chỉ là thú chơi thưởng hương của các quý tộc xa xưa. Cũng tách ra khỏi nghi thức dâng hương trọng vọng của tôn giáo. Hương đạo Nhật Bản ngày nay càng giống như một liệu pháp trị liệu cho tâm hồn với 10 đức của hương.

hương đạo nhật bản – nghe hương bằng cả tâm hồn

Mười đức tính khi hương đạo Nhật Bản

  1. Cảm cách quỷ thần: tăng khả năng cảm giác.
  2. Thanh tịnh tâm thân: thanh tẩy cơ thể và tâm hồn.
  3. Năng phất ô uế: tẩy rửa chất độc và chất bẩn trong người.
  4. Năng giác thụy miên: thức tỉnh linh hồn.
  5. Tĩnh trung thành hữu: chữa cô đơn.
  6. Trần lý du nhàn: làm đầu óc bình tĩnh.
  7. Đa nhi bất yếm: thừa thãi vẫn đẹp.
  8. Mộ nhi tri túc: ít vẫn đầy đủ.
  9. Cửu tàng bất hủ: nhiều năm không hỏng.
  10. Thường dụng vô chướng: dùng hàng ngày không gây hại

Nghi thức hương đạo 

Nghi thức hương đạo Nhật Bản thường được tổ chức ở các phòng chiếu Tatami dưới hình thức là một cuộc thi thưởng hương. Người tham gia thi đấu sẽ ngồi theo kiểu Seiza và xếp thành hình chữ U, mặt hướng về phía người chủ trì và người xông hương. Người chủ trì sẽ là người đầu tiên hít ba hơi thật sâu từ chén hương trầm. Sau đó sẽ chuyển sang vị khách vinh dự ngồi gần nhất và đón lấy những chén hương đầu tiên từ người chủ trì.

hương đạo nhật bản – nghe hương bằng cả tâm hồn

Nghệ thuật hương đạo

Trong cuộc thi thưởng hương, người thi đấu phải gọi đúng tên mùi hương nghe được. Cuối cùng, người có điểm số cao nhất sẽ nhận được giấy chứng nhận có ghi tên cuộc thi, đáp án và thành tích của mình. Nghi thức Hương đạo được tổ chức theo hai mùa trong năm. Cuộc thi vào mùa hè có tên gọi là Ayamekou. Còn cuộc thi vào mùa thu có tên gọi Kikuawasekou.

Trò chơi thưởng hương

Ngoài ra, còn có một trò chơi đoán hương có tên gọi là Genjikou. Đây là sự kết hợp độc đáo giữa Hương đạo Nhật Bản với “Truyện Genji” – một áng văn cổ thời Heian. Trong Genjikou, Koumoto sẽ xáo trộn 25 gói hương trầm thuộc 5 loại khác nhau. Sau đó chọn ra 5 gói bất kỳ để đốt lên và cho người chơi lần lượt “nghe” qua từng chén hương. Người chơi có nhiệm vụ xác định xem 5 mùi hương vừa “nghe” có hương nào trùng loại với nhau.

hương đạo nhật bản – nghe hương bằng cả tâm hồn

Trò chơi hương đạo

Tuy là một cuộc thi nhưng Kumikou và Genjikou lại không có tính hơn thua, phân tranh thắng bại. Người chơi chỉ nương theo làn hương để thanh tẩy tạp niệm, tận hưởng sự an yên giữa cuộc sống ồn ào. Có thể nói, hương đạo Nhật Bản khiêm nhường, thanh tao và độc đáo đến lạ kỳ.

Khi có dịp du lịch Nhật Bản, Hãy thử tham gia vào một cuộc thi thưởng hương. Có thể bạn không có khứu giác trời sinh. Nhưng hãy để làn hương trầm giúp bạn càng thêm thư thản.

Đăng bởi: Phạm Bá Huấn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก