Nhật Bản

Khám phá lễ hội Bon tuyệt đẹp ở Nhật Bản

Mọi khán giả từng xem bộ phim “Kubo và hai dây đàn” đều ấn tượng sâu sắc với phân cảnh cậu bé Kubo thả chiếc hoa đăng trong lễ hội Bon của làng. Đây cũng là một lễ hội có thật, đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Nhật và thu hút đông đảo khách du lịch Nhật bản tham dự vào mỗi độ cuối hè đầu thu.

1. Nguồn gốc lễ hội Bon Nhật Bản

2. Truyền thống trong lễ hội Bon

Thời gian tổ chức

Ba ngày lễ chính

Điệu nhảy Bon Odori

3. Lễ hội Bon tại các khu du lịch Nhật Bản

1. Nguồn gốc lễ hội Bon Nhật Bản

🔗1. Nguồn gốc lễ hội Bon Nhật Bản

Hầu như quốc gia nào cũng có một ngày lễ để các vong linh đã khuất có thể quay về nhà và đoàn tụ với người thân còn sống tại trần thế của mình. Ví dụ như lễ El Día de los Muertos của Châu Mỹ La Tinh, lễ Chuseok của Hàn Quốc, lễ Gai Jatra của Nepal, Pchum Ben của Campuchia hay lễ Vu Lan của người Việt Nam. Ở Nhật Bản, ngày lễ đó được gọi là lễ Bon hoặc Obon.

Lễ hội Bon đã có mặt ở Nhật từ khoảng 500 năm trước và có nguồn gốc từ một câu chuyện Phật giáo về tích nhà sư Mục Kiền Liên cứu mẹ. Mẹ của Mục Kiền Liên là Thanh Đề, một người phụ nữ có thói quen sống xa hoa lãng phí. Mỗi bữa cơm bà thường nấu rất nhiều món ăn, đến nỗi chẳng bao giờ ăn hết và đồ ăn thì luôn vương vãi trên mặt đất. Vì vậy sau khi qua đời, bà Thanh Đề đã đọa vào địa ngục quỷ đói vì đời sống trần gian lãng phí thực phẩm, phỉ báng tăng chúng của mình.

kyoto, tokyo, nhật bản, châu á, khám phá lễ hội bon tuyệt đẹp ở nhật bản

Lễ hội Bon mùa hè với điệu nhảy Bon Odori tại khu du lịch Nhật Bản. Ảnh: The Pinsta

Tuy có người mẹ như vậy, nhưng Mục Kiền Liên từ nhỏ đã là một cậu bé hiếu thảo. Khi trưởng thành, ông xuất gia trở thành một vị tu sĩ theo Đức Phật và cuối cùng trở thành đại đệ tử của Phật Thích Ca. Nhìn thấy mẹ mình ở dưới địa ngục bị đọa thành quỷ đói, người con hiếu thảo Mục Kiền Liên rất đau khổ và quyết tâm tìm cách cứu mẹ. Dưới sự hướng dẫn của Phật Tổ, ông đã cùng chư tăng tổ chức một lễ cúng dường Tam Bảo vào ngày 15 tháng 7 âm lịch để làm phước cứu mẹ.

Cuối cùng, nhờ tấm lòng của Mục Kiền Liên, bà Thanh Đề đã được ân xá khỏi những tội lỗi của mình và được tái sinh vào cõi lành. Mục Kiền Liên cũng nhận ra được phẩm chất tốt đẹp của mẹ, bà tuy lãng phí nhưng là một người tốt bụng và hy sinh hết mình cho đứa con thương yêu. Vì quá hạnh phúc sau khi thấy mẹ được siêu thoát khỏi khổ đau, Mục Kiền Liên đã nhảy một điệu ăn mừng mà sau này được người dân Nhật Bản gọi là điệu múa Bon (Bon Odori).

Từ đó, lễ hội Bon đã được tổ chức không chỉ để tưởng nhớ công đức và tấm lòng hiếu thảo của nhà sư Mục Kiền Liên mà còn là dịp để nhắc nhở mọi người nhớ về gia đình, cội nguồn và sống thiện tâm. Nếu như bạn để ý, thì ngày lễ Bon của Nhật Bản cũng có cùng một nguồn gốc với ngày lễ Vu Lan vào rằm tháng bảy ở Việt Nam đấy!

2. Truyền thống trong lễ hội Bon

🔗2. Truyền thống trong lễ hội Bon

Thời gian tổ chức

🔗Thời gian tổ chức

Lễ hội Bon thường diễn ra trong khoảng giữa năm và kéo dài trong vòng ba ngày. Theo truyền thống, lễ Bon sẽ diễn ra vào rằm tháng bảy âm lịch. Tuy nhiên vào thời Minh Trị, lịch âm đã bị hủy bỏ ở Nhật và người dân chuyển sang sử dụng lịch dương nên nhiều địa phương đã phải tự điều chỉnh lịch các lễ hội truyền thống của mình. Điều này dẫn đến việc ngày nay có tới tận ba dịp lễ Bon ở Nhật Bản. Các bạn nên chú ý sắp xếp hành trình của mình khi đi du lịch Nhật Bản để tránh bỏ lỡ cơ hội tham dự lễ hội Bon.

kyoto, tokyo, nhật bản, châu á, khám phá lễ hội bon tuyệt đẹp ở nhật bản

Diễu hành trong lễ hội Bon. Ảnh: Google Image

Lễ Bon tháng 7 (Shichigatsu Bon) được tổ chức vào ngày rằm tháng 7 theo dương lịch tại phía Đông Nhật Bản với các vùng Kanto (bao gồm Tokyo, Yokohama), vùng Tohoku và Chugen. Lễ Bon tháng 8 được tổ chức vào ngày 15 tháng 8 dương lịch (khoảng thời gian gần trùng với ngày rằm tháng 7 âm lịch) là lễ hội Bon phổ biến nhất tại Nhật. Còn các tỉnh phía Bắc vùng Kanto, vùng Chugoku, Shikoku và Okinawa thì lại ăn mừng lễ Kyu Bon (lễ Bon cũ) vào đúng ngày rằm tháng 7 theo lịch âm hàng năm.

Mặc dù Bon không phải là một ngày lễ quốc gia (giống như rằm tháng 7 ở Việt Nam), tuy nhiên các công ty tại đất nước mặt trời mọc vẫn cho phép nhân viên được nghỉ vào những ngày này để có thời gian trở về đoàn tụ với gia đình.

Ba ngày lễ chính

🔗Ba ngày lễ chính

Ba ngày lễ Bon là ba ngày người Nhật Bản tạm gác lại mọi công việc và dành toàn tâm ý cho gia đình mình. Trong ngày đầu tiên, họ sẽ mang theo những chiếc đèn lồng chochin (đèn lồng giấy) tới thăm mộ những người thân đã khuất. Con cháu trong nhà cũng sẽ làm lễ mukae-bon để mời tổ tiên về đoàn tụ. Đèn chochin được treo khắp mọi nơi, nhằm soi đường dẫn lối cho các vong linh có thể trở về nhà dự lễ. Ở một số vùng, người ta đốt một đống lửa gọi là muake-bi ở trước cửa nhà thay cho đèn chochin.

kyoto, tokyo, nhật bản, châu á, khám phá lễ hội bon tuyệt đẹp ở nhật bản

Okonomiyaki, món bánh bạch tuộc yêu thích trong các lễ hội Bon. Ảnh: jpnest.com

Trong những ngày Bon, mọi người sẽ tham gia các lễ hội lớn được tổ chức tại địa phương với các lễ rước kiệu, các điệu múa truyền thống, các cuộc thi đấu hay trò chơi hấp dẫn. Và vì được tổ chức vào mùa hè, bạn sẽ có dịp được thấy rất nhiều các chàng trai cô gái Nhật Bản diện những bộ Yukata xinh xắn kéo nhau đi dự lễ. Dọc các con đường ven chùa, người dân sẽ dựng lên các quầy hàng bán đồ ăn với những món ăn đường phố thơm ngon như tayoyaki, yakisoba, các loại đá bào hay chè đậu đỏ,… Các nhà chùa cũng tổ chức những buổi cầu kinh để siêu độ chúng sinh, thu hút nhiều người dân tới tham dự để lấy phước.

Vào ngày cuối cùng của lễ hội, người ta sẽ tiễn đưa vong linh người thân đã khuất trở lại thế giới bên kia bằng lễ okuri-bon. Cũng như muake-bi, nhiều vùng sẽ đốt một đống lửa có tên là okuri-bi ở trước cửa nhà để hướng dẫn người đã khuất lối về cõi vĩnh hằng.

Và hình ảnh mọi người dân trong làng thả những chiếc hoa đăng lung linh có viết lời nhắn nhủ với người thân đã khuất của mình trên dòng sông trong phim hoạt hình Kubo chính là lễ thả đèn lồng toro nagashi ở ngoài đời thật. Toro nagashi cũng là một trong những khung cảnh đẹp nhất trong lễ hội Bon. Mỗi chiếc đèn lồng sẽ được đặt một ngọn nến bên trong, có lúc người ta cũng viết những điều ước hay lời mình muốn nhắn gửi trên thân đèn từ giấy rồi thả theo sông. Từng hàng từng hàng toro nagashi lung linh ánh lửa dịu dàng trong đêm tối trông giống như một con đường sáng đèn tiễn bước những người đã khuất về thế giới bên kia an nghỉ cho đến lễ hội Bon năm sau, khi họ một lần nữa được quay về dương gian để đoàn tụ cùng con cháu.

kyoto, tokyo, nhật bản, châu á, khám phá lễ hội bon tuyệt đẹp ở nhật bản

Yakisoba, một món ăn vặt nổi tiếng khác trong lễ hội. Ảnh: blog panemanela

Điệu nhảy Bon Odori

🔗Điệu nhảy Bon Odori

Nếu có cơ hội đi du lịch Nhật Bản vào đúng dịp lễ hội Bon, bạn hãy thử khoác lên mình một bộ yukata mùa hè xinh xắn để đi dự hội, thưởng thức những món ăn ngon bày bán tại các quầy hàng ven đường và đặc biệt, đừng bỏ qua lễ diễu hành và múa điệu Bon Odori truyền thống nhé.

Điệu Bon Odori được sáng tạo bởi nhà sư Mục Kiền Liên để ăn mừng việc cứu được mẹ khỏi kiếp ngọa quỷ cho đến nay vẫn là điểm nhấn đặc sắc nhất trong lễ hội Bon. Mặc dù ở mỗi tỉnh có một điệu nhảy trên nền nhạc khác nhau nhưng tựu chung, các vũ công sẽ nhảy múa xung quanh một giàn gỗ gọi là yakura. Các điệu nhảy được biên đạo với nhiều động tác lặp lại giống nhau để người dân tham gia lễ hội có thể nhảy theo một cách dễ dàng nhất.

kyoto, tokyo, nhật bản, châu á, khám phá lễ hội bon tuyệt đẹp ở nhật bản

Các vũ công Bon Odori. Ảnh: The Pinsta

Một trong những điệu Bon Odori phổ biến nhất là Soran Bushi (hò kéo biển) với các động tác diễn tả lại cảnh ngư dân đang kéo lưới. Tỉnh Kyushu lại chuộng điệu Tanko Bushi nói về ngành khai thác than tại mỏ Miike truyền thống ở nơi đây với cảnh đào than, treo đèn lồng, đẩy xe kéo được lồng ghép tinh tế trong điệu nhảy. Trang phục của các vũ công đều được lấy cảm hứng từ các trang phục và hoa văn truyền thống của Nhật. Có nơi dùng quạt, khăn, lắc chuông để phụ họa, có nơi lại dùng thêm hoa để trang trí mũ rơm như các vũ công nhảy điệu Hanagasa Odori.

3. Lễ hội Bon tại các khu du lịch Nhật Bản

🔗3. Lễ hội Bon tại các khu du lịch Nhật Bản

Có khá nhiều lễ hội Bon đặc biệt được tổ chức trên khắp Nhật Bản nên các du khách đến thăm Nhật vào ngày 13-15 các tháng 7, 8 dương lịch hàng năm sẽ có dịp được tham gia vào các lễ này. Trong đó nổi bật nhất phải kể đến lễ hội Daimonji hay còn gọi là Gozan no Okuribi nằm trong khuôn khổ lễ Bon ở cố đô Kyoto. Lễ Daimonji cũng là một trong những màn trình diễn đặc sắc nhất Nhật Bản để ăn mừng Bon với những ngọn tháp đuốc được sắp đặt thành hình các chữ hán ngữ cháy rực rửa trên năm ngọn núi tại Kyoto.

Vào ngày cuối cùng của lễ hội Bon ở Kyoto (16 tháng 8 dương lịch), chữ cái đầu tiên là chữ “đại” (大) sẽ được đốt lên vào lúc 8h tối tại ngọn đồi Higashiyama phía sau Đại học Kyoto. Tới 8h10, chữ “diệu” trong từ “diệu pháp” (妙) sẽ được đốt tiếp ở vị trí phía bên trái của chữ đầu tiên. Sau đó, từ “chu hình” tức hình dáng của chiếc thuyền (舟形) được đốt lúc 8h15 tại vị trí cách chữ “diệu” 200m. Từ thứ 4, “tả đại văn tự” (左大文字) được đốt ở phía sau đền Kinkakuji và từ cuối cùng, “điểu cư hình”, tức hình dạng của chú chim (鳥居形) được đốt cách đó 72m.

Chỉ cần không bị nhà cao tầng che chắn mất tầm nhìn, người dân tại Kyoto đều có thể ngắm nhìn năm chữ rực lửa này bùng cháy. Đây là một cảnh quan kỳ thú chỉ xảy ra mỗi năm một lần tại Nhật thôi nên các bạn có cơ hội đi du lịch Nhật Bản thì đừng nên bỏ lỡ nhé.

kyoto, tokyo, nhật bản, châu á, khám phá lễ hội bon tuyệt đẹp ở nhật bản

Ngọn lửa hình chữ đại ở đồi Hiyashiyama. Ảnh: ure.pia.co.jp

Ngoài Kyoto, ở tỉnh Gifu cũng có hội Gujo Odori ở Odori là một lễ hội nhảy múa cổ truyền với các vũ công tham gia biểu diễn từ 8h tối đến 5h sáng hôm sau suốt cả tuần. Đây là điểm đến cho các du khách yêu thích âm nhạc và sự sôi động. Với những người thích những văn hóa truyền thống, hãy đến tham dự lễ Hokkai Bon Odori tại Hokkaido, thành phố xinh đẹp nơi đã sinh ra rất nhiều những bài ca dao truyền thống của Nhật.

Cuối hè đầu thu đang tới, và đó cũng là thời điểm mùa lễ hội Bon sắp bắt đầu tại Nhật Bản rồi. Những du khách yêu thích du lịch Nhật, chớ quên trải nghiệm lễ Bon hết mình với nhiều sự kiện cực kỳ hấp dẫn nha. Và các bạn nhớ ghé qua website Yeudulich.com của chúng mình để tìm những tour Nhật giá rẻ cực hấp dẫn nhé. Chúc các bạn sẽ có một chuyến đi thật vui và nhiều trải nghiệm lý thú!

Đăng bởi: Nguyễn Trường Việt

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก