Nhật Bản

Nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản (P3)

nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở nhật bản (p3)
Nhật Bản là một trong những quốc gia có số lượng ngày nghỉ lễ nhiều nhất trên thế giới. Tính ra trung bình mỗi tháng ở Nhật đều có một ngày nghỉ, chưa kể đến những kỳ nghỉ kéo dài 4-5 ngày. Vậy tại sao Nhật Bản lại có nhiều ngày nghỉ lễ như vậy, hãy cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của từng ngày nghỉ lễ để biết được lý do tại sao bạn lại được nghỉ nhé!

12. Ngày thu phân (22 hoặc 23/9)

nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở nhật bản (p3)

Người Nhật trước nay thường có tập quán thờ các vị thần tự nhiên để cầu mong cho mùa màng bội thu, đặc biệt vào những thời điểm giao mùa như ngày Xuân phân hay Thu phân. Tuy nhiên, cùng với sự du nhập của Phật giáo, ý nghĩa của Ngày Thu phân cũng dần dần thay đổi và trở thành dịp để mọi người bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên và tưởng nhớ đến những người đã mất.

Vào thời Minh Trị, ngày giữa mùa thu được quy định là ngày thờ cúng tổ tiên của Thiên hoàng vào mùa thu, dần dần tập tục này được phổ biến và hình thành trong đời sống của nhân dân. Đến năm 1948, Ngày Thu phân chính thức được quy định là ngày lễ quốc gia.

Cũng giống như xuân phân, thu phân là thời điểm giao mùa khi mặt trời chiếu thẳng trên đường xích đạo, vào ngày này thời gian ngày và đêm gần như sẽ bằng nhau ở mọi nơi trên thế giới. Ngày Thu phân trên thế giới thường rơi vào khoảng thời gian từ 21/9 – 24/9. Còn tại Nhật Bản, Ngày Thu phân được quy định là ngày 22 hoặc 23/9. Như vậy kết hợp với Ngày Kính lão trước đó, thông thường người Nhật sẽ có 4 ngày nghỉ liên tiếp và kỳ nghỉ này cũng là kỳ nghỉ lễ dài thứ hai ở Nhật được gọi là Tuần lễ bạc (Silver Week).

Khoảng thời gian 3 ngày trước và sau Ngày Thu phân cũng được gọi là “Higan”. Vào dịp này người Nhật thường đi tảo mộ để bày tỏ lòng thành kính và tưởng nhớ đến ông bà tổ tiên.

13. Ngày thể thao (Thứ Hai tuần thứ 2 của tháng Mười)

nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở nhật bản (p3)

Để kỷ niệm lần đầu tiên tổ chức thành công Thế vận hội Olympic mùa hè tại Tokyo năm 1964, đồng thời giúp người dân làm quen với thể thao và đẩy mạnh tinh thần luyện tập, rèn luyện sức khỏe, chính phủ Nhật Bản đã quyết định lấy ngày 10/10 làm Ngày Thể thao. Ngày Thể thao lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 10/10/1966. Tuy nhiên, sau đó đã được chuyển sang Thứ Hai tuần thứ 2 của tháng Mười vào năm 2000 theo Luật Ngày thứ Hai vui vẻ (Happy Monday).

Vào ngày này, nhiều trường học, doanh nghiệp và văn phòng chính phủ thường tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao để nâng cao tinh thần rèn luyện sức khỏe của người dân. Ở một số nơi các hội thi thể thao diễn ra như một Olympic thu nhỏ với đầy đủ các phần rước đuốc, thắp sáng và nhiều môn thể thao thú vị như chạy nước rút, chạy tiếp sức.

14. Ngày văn hóa (3/11)

nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở nhật bản (p3)

Ngày 3/11 lần đầu tiên được tổ chức như một ngày lễ vào năm 1868 nhằm kỷ niệm sinh nhật Thiên hoàng Minh Trị. Khi đó ngày này được biết đến với cái tên “Meiji setsu”. Tuy nhiên, sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Hiến pháp mới được ban hành với 3 nội dung chính là “chủ nghĩa hòa bình”, “chủ quyền quốc dân” và “quyền cơ bản của con người”, ngày 3/11 được đổi tên thành “Ngày Văn hóa” với mục đích là phát triển, truyền bá nền văn hóa mới dựa trên ý chí hòa bình, tôn trọng Hiến pháp của người dân. Đến năm 1948, Ngày Văn hóa chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia ở Nhật Bản.

Ngày văn hóa thường được kỷ niệm bằng các cuộc triển lãm nghệ thuật và lễ hội văn hóa ở nhiều địa phương trên cả nước, một số trường cao đẳng, đại học cũng lựa chọn dịp này để công bố các đề tài nghiên cứu văn hóa mới. Ngoài ra, đây cũng là dịp để Nhà nước trao tặng các giải thưởng, huy chương văn hóa cho những người có đóng góp quan trọng cho văn hóa Nhật Bản.

15. Ngày cảm tạ lao động (23/11)

nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở nhật bản (p3)

Ngày cảm tạ lao động 23/11 hàng năm là ngày để mọi người thể hiện sự tôn trọng với hoạt động lao động, sản xuất, cũng như bày tỏ sự biết ơn đối với những người lao động xung quanh mình.

Trước chiến tranh, ngày 23/11 là có tên là “Ngày hội mới” (Niinamesai hay Shinjosai), là ngày người nông dân thu hoạch vụ mùa. Tuy nhiên, sau này khi nông nghiệp không còn là ngành sản xuất chính trong xã hội nữa, ngày 23/11 mang ý nghĩa là ngày để mọi người nhận thức rõ được mục đích và thành quả của việc lao động nói chung và từ đó, tên gọi “Ngày cảm tạ lao động” chính thức ra đời.

16. Ngày sinh nhật Thiên hoàng

nguồn gốc và ý nghĩa các ngày nghỉ lễ ở nhật bản (p3)

Trước Chiến tranh thế giới thứ hai, Thiên hoàng là người nắm giữ mọi quyền hành từ chính trị, kinh tế, cho đến văn hóa, đời sống tinh thần của người dân, do đó sinh nhật Thiên hoàng được xem như một ngày lễ quốc gia.

Tuy nhiên, sau chiến tranh, Thiên hoàng mang một ý nghĩa mới là “biểu tượng của sự thống nhất quốc gia Nhật Bản” thay vì là một vị thần như trước. Chính vì vậy sinh nhật Thiên hoàng cũng không còn mang ý nghĩa là một sự kiện tôn vinh Thiên hoàng nữa, mà là một ngày kỷ niệm để đưa Thiên hoàng đến gần với dân chúng hơn.

Tiền thân của sinh nhật Thiên hoàng là ngày lễ Tencho-setsu được tổ chức lần đầu tiên vào thời Nara, kỷ niệm sinh nhật của Thiên hoàng Kounin (năm 775). Đây là ngày lễ thay đổi theo ngày sinh của từng vị Thiên hoàng.

Từ năm 1989 đến năm 2018, sinh nhật Thiên hoàng là ngày 23/12 hàng năm do đây là ngày sinh của Thiên hoàng Akihito tại vị trong thời gian đó.

Năm 2019, sau khi Thiên hoàng Akihito thoái vị nhường lại ngôi cho con trai mình là Hoàng thái tử Naruhito, ngày lễ này cũng bị thay đổi. Vì Thiên hoàng thoái vị vào tháng Năm, trong khi đó sinh nhật của Thiên hoàng mới lại rơi vào tháng Hai, nên năm 2019 là năm không có ngày sinh nhật Thiên hoàng.

Từ năm 2020 trở đi, ngày sinh nhật Thiên hoàng được quy định là ngày 23/2. Vào ngày này Hoàng cung sẽ mở cửa cho du khách vào tham quan và bạn có thể tận mắt trông thấy Thiên hoàng cũng như các thành viên của hoàng tộc. Thật là một cơ hội hiếm có phải không nào? Hãy thử một lần ghé thăm hoàng cung vào dịp này xem sao nhé!

Tận hưởng các ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản!

Trải qua 16 ngày nghỉ lễ ở Nhật Bản, bạn ấn tượng và thích ngày lễ nào nhất? Nếu để ý kỹ, bạn sẽ thấy những ngày nghỉ lễ không cố định ở Nhật thường được quy định vào ngày thứ 2 trong tháng để giúp người dân có 3 ngày nghỉ liên tiếp, hay một số ngày nghỉ cũng được Chính phủ lựa chọn để sao cho người dân có thể có được kỳ nghỉ dài nhất.

Những sự sắp xếp này đều nhằm mục đích giúp cho người lao động Nhật Bản có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, giảm bớt tình trạng làm việc quá sức hiện nay. Mặc dù công việc có thể căng thẳng, áp lực nhưng mà được nghỉ nhiều như thế này thì cũng thích phải không các bạn? Không biết sau khi đọc xong bài viết này có bạn nào mong muốn được làm việc ở Nhật không nhỉ?

Theo tsunagujapan.com

Japan IT Works

Đăng bởi: Trứ Nguyễn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก