Thái Bình

Thái Bình có gì?

Nhắc đến Thái Bình là chúng ta sẽ nghĩ ngay đến mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi có những con người cần cù, chất phác, những cánh đồng lúa bạt ngàn, vàng óng nghiêng theo chiều lộng gió. Nhưng đó vẫn chưa phải là tất cả về Thái Bình. Về Thái Bình, bạn còn được trở về lịch sử với các ngôi đền linh thiêng và được đắm mình trong những bãi biển xanh mát, và còn rất nhiều địa danh du lịch hấp dẫn khác. Thái Bình có gì? Hãy cùng chúng tôi khám phá những địa điểm di tích, thắng cảnh đẹp tại Thái Bình trong bài viết sau đây nhé.

Chùa Keo – Thái Bình

Chùa Keo nằm ở xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình được coi là ngôi chùa lớn và đẹp vào hàng bậc nhất ở đồng bằng Bắc Bộ. Đây là một trong những ngôi chùa cổ ở Việt Nam được bảo tồn hầu như còn nguyên vẹn kiến trúc 400 năm tuổi. Chùa Keo thờ Đại sư Không Lộ – một trong đại tổ của dòng Phật giáo Việt Nam. Có từ rất lâu trong lịch sử, lại là ngôi chùa lớn và đẹp vào loại nhất Việt Nam, chùa Keo thật xứng đáng là một di tích lịch sử nổi tiếng đồng thời là một điểm du lịch cực kỳ hấp dẫn của Thái Bình.

thái bình có gì?

Chùa Keo – Thái Bình

Từ mặt đê đi xuống là tam quan ngoại. Men theo hồ sen hai bên tả, hữu là hai cổng tò vò, giữa là tam quan nội. Qua tam quan là khu thờ Phật gồm chùa ông Hộ, tòa thiêu hương và điện Phật. Phía trong khu thờ Phật là khu thờ Thánh thờ Thiền sư Không Lộ, vị đại sư thời nhà Lý. Cuối cùng là gác chuông 3 tầng nguy nga bề thế. Hai dãy hành lang Đông và Tây nối từ chùa ông Hộ đến gác chuông gồm hơn hàng chục gian là nơi để Phật tử sắp lễ và du khách nghỉ chân. Chùa Keo Thái Bình được đánh giá là công trình có qui mô rộng lớn bậc nhất trong các chùa cổ ở Việt Nam, bên cạnh đó là nhiều giá trị kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Bên cạnh kiến trúc “Nội công, ngoại quốc” thì việc chùa được xây dựng quay mặt ra hướng nam với điểm đầu là Tam quan ngoại và điểm cuối Gác chuông nằm trên một trục bắc – nam được xem là đường “thần đạo” trong phong thủy kiến trúc.

Toàn bộ ngôi chùa được làm bằng gỗ lim, không sử dụng đinh tán mà chỉ dùng mộng gỗ ghép lại với nhau. Mặc dù vậy qua mấy trăm năm, kết cấu của toàn bộ kiến trúc gỗ này vẫn rất chắc chắn. Toàn bộ mái chùa đều được lợp vảy cá mềm mại. Các kiến trúc đao loan uốn cong chạm trổ hình rồng, phượng, cá,.. rất tỉ mỉ công phu. Hàng năm chùa Keo Thái Bình có hai ngày hội chính: hội Xuân vào ngày mùng 4 tháng giêng và hội Thu vào trung tuần tháng chín âm lịch để suy tôn Thiền sư Không Lộ – là người con của làng Keo và có công dựng lên chùa Keo cũ. Với những giá trị lịch sử, kiến trúc và mỹ thuật độc đáo, năm 2012 chùa Keo Thái Bình đã được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt. Năm 2017 lễ hội chùa Keo cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khu di tích lịch sử nhà Trần – Thái Bình

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Khu di tích các vua Trần vẫn luôn hiên ngang với thời gian. Trong những năm kháng chiến, ngôi đền này cũng bị tàn phá khá nặng nề, tuy nhiên được sự quan tâm của Đảng và nhân dân của tỉnh cũng như nhân dân thập phương, ngôi đền được tái tạo và tu sửa như hiện nay. Khu di tích các Vua Trần thuộc làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Thái Bình được coi là vùng đất phát tích của thời nhà Trần. Khu di tích các vua Trần đã được Nhà nước xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa di tích khảo cổ học cấp quốc gia. Nó chẳng những thu hút các nhà nghiên cứu sử học, các nhà văn hóa mà còn là một điểm du lịch có giá trị đặc biệt, là nơi liên quan đến cội nguồn dân tộc luôn luôn hấp dẫn du khách trong và ngoài nước về thăm.

thái bình có gì?

Khu di tích lịch sử nhà Trần – Thái Bình

Đền Trần bao gồm có khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, ngôi đền được chính phủ phong tặng khu di tích lịch sử quốc gia quan trọng. Đền Trần có diện tích 5.175 mét vuông, được xây dựng công phu, uy nghi bề thế, đúng theo nghi thức và kiến trúc thời xưa. Ngày nay, toà Hậu cung có kiến trúc chữ đinh với diện tích lên 359 mét vuông, tòa Đệ nhị, Bái đường, tả vu, hữu vu, ba ngôi mộ các vua Trần và một số công trình kiến trúc liên quan cũng mới được phục hưng và duy trì, phát triển. Vẫn giữ nét truyền thống, ngôi đền gồm có đỉnh làng, các gian hành lễ, không gian nội tự đền, không gian vườn cây xanh,… Các hình như rồng đá được chạm trổ tinh vi, sống động, đậm chất triều đình thời Trần.

Lễ hội đền Trần được tổ chức hàng năm vào 13 đến 18 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội được nhà nước công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ngày 27/1/2014. Lễ hội diễn ra trong vòng 5 ngày thu hút hàng ngàn khách du lịch viếng thăm. Khách du lịch có thể vừa ngắm cảnh, vừa dâng hương báo ơn công đức thời nhà Trần và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cùng nhiều trò chơi giải trí hấp dẫn.

Đền Tiên La – Thái Bình

Đền Tiên La là một ngôi đền có quy mô lớn và kiến trúc đẹp, độc đáo ở tỉnh Thái Bình, được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1986. Đền thờ Mẫu Tiên La – Bát Nạn tướng quân Vũ Thị Thục, nữ tướng lừng danh dưới thời Hai Bà Trưng. Bởi thế đền Tiên La là nơi lưu giữ rất nhiều vẻ đẹp văn hóa và tâm linh của vùng đất này.

Tương truyền, sinh ra trong gia đình làm nghề bốc thuốc cứu người, không chỉ đẹp người đẹp nết lại văn võ song toàn. Nợ nước thù nhà, Thục Nương đã chiêu binh dựng cờ khởi nghĩa. Sau hay tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa tại Hát Môn, Thục Nương đã đem quân hợp sức, được phong là Đông Nhung đại tướng quân. Cuộc khởi nghĩa đã toàn thắng vào năm 40. Cuối năm 43, quân ta thất bại trong cuộc kháng chiến chống xâm lược. Bà phải đưa nghĩa quân về Tiên La cố thủ. Bị quân Hán vây hãm, bà và quân sĩ đã hy sinh ở gò Kim Quy. Nhân dân vô cùng thương tiếc nên đã lập đền thờ tưởng nhớ công ơn của bà.

thái bình có gì?

Đền Tiên La – Thái Bình

Đền Tiên La có tổng diện tích khoảng 6.000m2, tọa lạc tại gò Kim Quy, mặt trước hướng ra sông Tiên Hưng. Xung quanh đền là những hàng nhãn sum suê, xanh tốt. Nơi đây được xây dựng theo đúng nguyên mẫu kiến trúc cổ tiền nhất – hậu đinh. Điều này được thể hiện từ cột, kèo đến mái đền uốn cong với dáng Lưỡng Long Chầu Nguyệt.

Kiến trúc đền Tiên La bao gồm các công trình chính như tam quan ngoại, tam quan nội, tiền tế, trung tế và hậu cung. Qua tam quan ngoại, vào sân là tam quan nội, hai bên có Lầu cậu, Lầu cô. Bước đến tòa Tiền Tế 5 gian, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những bức đại tự với các câu đối cổ ca ngợi triều Trưng Vương và nữ tướng Bát Nhan. Bên cạnh đó, kiến trúc ở đây được làm bằng gỗ thiết được chạm khắc các họa tiết vô cùng công phu, tinh xảo. Nhà Trung tế được xây theo kiểu nhà phương đình và lối kiến trúc “chồng diêm cố các”. Vật liệu hoàn toàn bằng đá từ cột, xà, kèo… Các cột, kèo đều được chạm khắc tinh xảo những họa tiết như tứ linh, long vân, tứ quý… Cuối cùng là Hậu cung với kiến trúc bằng gỗ tứ thiết. Công trình này có 3 gian: gian chính giữa có bàn thờ, ngai và tượng thờ Bát Nạn tướng quân; hai gian còn lại thờ thân phụ và thân mẫu của bà. Tương truyền ở đây có đặt mộ của tướng quân. Bên cạnh kiến trúc độc đáo, đền Tiên La còn có rất nhiều cổ vật có giá trị như đồ tế khí, đồ thờ từ thời Trần, Lê, các sắc phong thần…

Hàng năm từ ngày 10 – 20/3 âm lịch, đền Tiên La lại tổ chức lễ hội để tưởng đến công ơn Bát Nạn tướng quân, hội chính vào ngày 15 – 17/3. Đến với lễ hội Tiên La, du khách sẽ được tham gia nhiều nghi thức tế lễ và các trò chơi dân gian độc đáo như rước kiệu, rước nước, đánh đáo, đấu vật, múa rồng, chọi gà… Ngoài ra còn có văn nghệ rất hấp dẫn từ các đoàn nghệ thuật của tỉnh Thái Bình và vùng lân cận. Các tiết mục có thể kể đến như các vở chèo Quan âm Thị Kính, Lưu Bình – Dương Lễ…

Đền A Sào – Thái Bình

Đền A Sào thuộc xã An Thái, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Đền thờ Trần Hưng Đạo cùng hai tướng Yết Kiêu và Dã Tượng. A Sào không chỉ gắn liền với cội nguồn, với nhiều chiến tích trong sự nghiệp quân sự của Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, mà còn lưu giữ cuộc chia tay lịch sử. Với những giá trị lịch sử – văn hóa có một không hai đó, ngày 14/4/2011, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã cấp bằng Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia cho Khu di tích Đình, Đền, Bến tượng A Sào.

thái bình có gì?

Đền A Sào – Thái Bình

Hàng năm, vào ngày 10/2 âm lịch, tương truyền là ngày sinh của Hưng Đạo Đại Vương, dân làng A Sào mở hội tế lễ Đức Thánh Trần và Lễ hội làng A Sào. Lễ hội có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật gắn với các nghi lễ văn hóa truyền thống và các trò chơi dân gian đặc sắc như thi pháo đất, đấu vật, cờ tướng, bơi chải, màn múa kéo chữ… Nhân dân địa phương và du khách thập phương cứ đến ngày lễ hội là nô nức, hân hoan tham dự vì muốn lưu giữ và gây dựng nét đẹp văn hóa truyền thống. Tham gia lễ hội, du khách thập phương được sống với lòng tự hào dân tộc, tái hiện lại một thời kì hào hùng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Khu di tích A Sào sẽ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, khẳng định sức mạnh của dân tộc ta trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm. Đình, Đền, Bến tượng A Sào sẽ trở thành một chân kiềng trong 3 di tích: Chùa Keo – Vũ Thư (di tích quốc gia đặc biệt), Khu lăng mộ các vua Trần – Hưng Hà (di tích quốc gia) và cùng với hàng ngàn di tích khác đưa Thái Bình trở thành một điểm du lịch tâm linh hấp dẫn trên con đường du lịch tâm linh vùng châu thổ sông Hồng.

Hành cung Lỗ Giang – Thái Bình

Hành cung Lỗ Giang thuộc địa phận xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà, cách khu lăng tẩm nhà Trần ở làng Tam Đường khoảng 6 km về phía Đông. Là một trong những hành cung lớn được nhà Trần xây dựng trên đất phát tích Long Hưng, đang dần hé lộ một cung điện hoàng gia nguy nga, tráng lệ.

Nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị đặc biệt của phát hiện khảo cổ học, năm 2016, Viện Nghiên cứu Kinh thành khai quật sâu hơn tại Đền Thái Lăng, Lăng Sa trong và Lăng Sa ngoài. Tại đây, xuất lộ toàn bộ kiến trúc cung đình thời Trần. Lăng Sa ngoài cách đền Thái Lăng khoảng 120 m, tại đây có nhiều đoạn tường thành bằng sỏi sét. Đây có thể là móng của một ngọn tháp, khu mộ cổ. Tại Lăng Sa trong còn tìm thấy dấu vết của cổng, tường cung điện…

thái bình có gì?

Hành cung Lỗ Giang – Thái Bình

Hành cung Lỗ Giang tiếp tục được khai quật, nghiên cứu khảo cổ học. Trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, năm 2018, huyện Hưng Hà phối hợp với Viện Nghiên cứu Kinh thành, xây dựng Dự án điều tra, khai quật và nghiên cứu khảo cổ học tổng thể Khu di tích Hành cung Lỗ Giang và Dự án bảo tồn cấp thiết di tích kiến trúc thời Trần dưới mái che tại Đền Thái và các di tích đã xuất lộ ở Lăng Sa trong, Lăng Sa ngoài. Đồng thời, lập phương án thu hồi đất Khu di tích Hành cung Lỗ Giang phục vụ công tác khai quật, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích…

Hành cung Lỗ Giang được thiết kế theo hình chữ Công, trên diện tích 554 m2. Lần đầu tiên, các nhà khoa học Việt Nam đã tìm thấy một tổ hợp công trình kiến trúc đặc biệt tại Hành cung Lỗ Giang thời nhà Trần. Đó là hệ thống móng trụ kép hình chữ nhật có kích thước lớn gấp 3 móng trụ vuông thông thường.

Trong hành cung, còn tìm thấy nhiều viên ngói trang trí mặt sư tử, khắc chữ Vương, cùng rất nhiều di vật được trang trí đề tài rồng, phượng. Hành cung Lỗ Giang được cho là dưới thời vua Trần Nhân Tông và Trần Anh Tông và là Hành cung Kiến Xương dưới thời vua Trần Hiến Tông. Tất cả đã cho thấy, Hành cung Lỗ Giang có vai trò chính trị quan trọng không kém Hoàng thành Thăng Long thời bấy giờ.

Đền Trần và Hành cung Lỗ Giang nằm gần ngã ba sông Hồng, sông Luộc và sông Trà Lý, rất thuận hòa cho việc phát triển loại hình du lịch tâm linh – sinh thái. Trong tương lai, Hành cung Lỗ Giang không chỉ là nơi thu hút khách du lịch, mà còn là nơi lý tưởng cho du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần.

Chùa Chành – Thái Bình

Chùa Chành, hay còn gọi là Địa Linh cổ tự, nằm ở làng Giành, sau biến âm thành làng Chành, nay thuộc thôn Tú Linh xã Tân Bình. Đây là một ngôi chùa cổ linh thiêng, di tích lịch sử văn hóa cấp Tỉnh được rất nhiều các tín đồ thập phương xa gần biết đến.

Làng Giành là một làng cổ có khoảng 2.000 năm lịch sử. Trước đây vùng này là một khu sinh lầy, qua nhiều năm bồi tụ tạo nên một vùng đất cao. Trong đó nổi lên một gò cao hình con công, cây cối xum xuê, cư dân trong vùng lập nên nơi thờ tự, cầu mưa thuận gió hòa, cầu phúc, cầu an. Ngôi chùa có tên Cổ Linh, sau đổi tên là Địa Linh, cũng gọi là chùa Chành.

Chùa Chành là một trong những chi của đạo phật Trúc Lâm sớm nhất, cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam ở khu vực Thái Bình, chỉ sau chùa Keo, chùa La Vân và chùa Phúc Thắng. Nơi đây đã in dấu chân phổ độ của Đại tổ Pháp loa, đệ tử của vua Trần Nhân Tông đưa đạo nhập thế, phát triển Phật giáo theo bản sắc riêng của người Việt. Chùa còn là cơ sở của phong trào Văn thân chống Pháp của Phủ Kiến Xương và nhiều sỹ phu yêu nước trong vùng. Sau năm 1954 chùa còn là nơi hội họp, học tập văn hóa và bổ túc văn hóa của nhân dân làng Chành và xã Tân Bình. Ủy ban MTTQ tỉnh Thái Bình có ghi nhận về chùa Chành “Là nơi có phong trào phụng đạo và yêu nước”. Để giữ gìn di tích, năm 1994 UBND tỉnh Thái Bình đã công nhận chùa Chành là Di tích lịch sử văn hóa. Trong chùa còn lưu giữ được đủ tượng Phật, và cũng là một trong 2 chùa ở Thái Bình còn bảo vệ được trọn vẹn 18 vị Long thần.

Toàn bộ khuôn viên chùa hiện nay rộng trên 10.000 m2. Trong chùa cây cối xum xuê. Trong đó có 5 cây cổ thụ được Trung ương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam công nhận cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam vào năm 2015: cây đại trên 800 năm tuổi, hai cây thị trên 500 năm tuổi, cây nhãn trên 400 năm tuổi và cây gạo trên 300 năm tuổi. Ngoài ra còn có nhiều cây hàng trăm năm tuổi khác luôn xanh tốt quanh năm. Cảnh chùa thoáng đãng, môi trường sinh thái cổ kính, thâm u, tĩnh lặng làm cho bất cứ ai đến thăm đều cảm thấy tâm tư nhẹ nhõm, bình yên và thư thái hơn.

Trải qua thời gian, do phong hóa của thiên nhiên và ảnh hưởng của chiến tranh nên chùa bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều năm qua, chính quyền địa phương, Ban Quản lý, Ban Bảo vệ di tích, các tấm lòng hảo tâm như Đại đức Thích Thanh Hùng – trụ trì chùa Trừng Mại, cùng nhân dân địa phương, quý khách thập phương luôn chung tay giữ gìn, đóng góp trùng tu tôn tạo di tích chùa Chành ngày một khang trang như ngày nay, tạo nên một nơi sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo hết sức quý giá cho tín đồ Phật tử, quý khách gần xa.

Đền Đồng Bằng – Thái Bình

Đền Đồng Bằng được nhân dân biết đến là một ngôi đền linh thiêng có từ thời vua Hùng Vương thứ 18. Đền có sắc phong “Tam Kỳ Linh Ứng – Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Tục truyền rằng, vào đời vua Hùng Vương thứ 18, nước ta bị giặc ngoại bang xâm lấn, triều đình phải lập đàn để triệu Linh sơn Tú khí về giúp nước dẹp giặc. Khi ấy thủy thần làng Đào Động đã hiện thân phò vua dẹp giặc và có công đầu trong việc trấn giữ tám cửa bể phía Tây. Ngài được sắc phong là “Trấn Tây An Tam Kỳ Linh Ứng – Vĩnh Công Đại Vương Tối Thượng Đẳng Linh Thần”. Kể từ đó nơi đây là chốn địa linh được nhân dân bốn phương ngưỡng vọng và lập đền thờ.

thái bình có gì?

Đền Đồng Bằng – Thái Bình

Vào thế kỉ XIII, làng Đào Động còn là một trong những phòng tuyến quân sự quan trọng của nhà Trần, đây là nơi đóng quân và luyện tập thủy chiến của quân binh. Trước khi ra trận, Hưng Đạo Đại Vương cùng các tướng sĩ đều đến dâng hương cầu nguyện tại ngôi đền. Sau khi mất đi, ông được nhân dân phối thờ tại đây. Kể từ đó, đền Đồng Bằng còn là nơi tưởng niệm Hưng Đạo Vương và các tướng sĩ nhà Trần trong ba lần đại phá quân Nguyên Mông và lập nên tám trang Đào Động xưa.

Không chỉ mang những giá trị lịch sử đáng trân trọng, đền Đồng Bằng còn là di tích kiến trúc nghệ thuật có giá trị như một bảo tàng mỹ thuật đồ đồng, đồ đá và đồ gỗ với diện tích nội tự là 6.000m2, gồm 13 tòa, 66 gian liên hợp chặt chẽ với nhau tạo thành quần thể ngôi đền với kết cấu theo kiểu “tiền nhị hậu đinh” khép kín, bề thế. Các mảng kiến trúc hài hòa với những nét chạm trổ tinh vi, hàng trăm hoành phi, câu đối, đại tự, cuốn thư sơn son thiếp vàng về các chủ đề tứ linh, tứ quý, các bộ lư hương, án thờ, long ngai và các công trình điêu khắc gỗ tinh xảo, tuyệt mỹ từ thời Khải Định, Bảo Đại vẫn còn được lưu giữ nguyên vẹn.

Bởi những huyền tích, giá trị lịch sử, nghệ thuật mà đền Đồng Bằng được biết đến là ngôi đền linh ứng và bốn mùa hương khói. Đặc biệt, năm 1986 đền Đồng Bằng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp quốc gia, trở thành một điểm nhấn trong du lịch Thái Bình.

Theo tục lệ hàng năm, lễ hội đền Đồng Bằng được tổ chức kéo dài khoảng một tuần từ ngày 20/8 đến ngày 26/8 âm lịch, lễ hội thu hút đông đảo con nhang đệ tử, nhân dân và du khách gần xa.

Thái Bình có gì? Bạn đang muốn tìm một nơi để giải tỏa tâm hồn nhưng chưa biết đi đầu thì hãy đến với Thái Bình – chuyến hành trình tại đây hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn nhiều trải nghiệm thú vị. Tạm quên những điểm du lịch nổi tiếng trước đó và thử đặt chân đến đây xem sao nhé.

Đăng bởi: Mến Nông

YOLO! Khám phá các huyện ở Thái Bình

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก