Khánh Hoà Trường Sa

Thân thương hồn quê ở Trường Sa

Vượt qua những khó khăn, quân dân nơi đây đã “tích cóp”, vun vén từng chút tạo nên một Trường Sa hôm nay mang nhiều hình ảnh, âm thanh của đất liền để kéo gần khoảng cách… Giữa trưa trùng khơi Trường Sa, bất chợt nghe tiếng gà gáy, cảm giác của tất cả mọi người là sự thanh bình như một vùng quê nào đó giữa đất liền. Tiếng chim gù bình yên trên đảo Không chỉ có tiếng gà gáy trưa, giờ ở Trường Sa còn có cả tiếng chó sủa vào ban đêm, tiếng vịt kêu chiều. Âm thanh thân thuộc của những tiếng kêu ấy vốn thấm sâu vào tiềm thức người dân Việt. Giữa đời thường với bộn bề của cuộc mưu sinh, có lẽ ai cũng đôi lần “chợt thèm nghe một tiếng gà gáy trưa”. Tiếng chim cu, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa… không ai ngờ nó cũng gần gũi đó đây ở các đảo nổi, đảo chìm giữa biển khơi sóng gió. “Chó Sơn Ca, gà Song Tử, lợn Nam Yết…” – anh Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa, kể có vần điệu về những con vật nay đã có mặt giữa trùng khơi mênh mông biển cả. Anh nói hiện trên các đảo nổi và một số đảo chìm, gia súc, gia cầm đều phát triển khá tốt. Đặc biệt, ở Trường Sa Lớn có giống heo như heo rừng (do Công ty Rạng Đông ở Bình Phước mang tặng) chỉ to khoảng bốn, năm chục ký, sinh sản rất tốt. Vịt nhiều ở đảo Nam Yết, Trường Sa Đông.
Ở đảo giờ như giữa vùng quê, ban đêm có tiếng gà gáy, tiếng vịt kêu, tiếng chó sủa. Nó gần gũi với người lính xa nhà, giúp họ đỡ nhớ nhà hơn. Nhìn cả chục con vịt quay đầu vào cánh, rút một chân lên ngủ ở đảo chìm Đá Tây giữa mênh mông biển cả chúng ta mới cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết biết dường nào. Ít ai ngờ rằng chim cu gáy đã có mặt trên đảo An Bang. Các đảo chìm cũng có chim cu được các chiến sĩ mang từ đất liền ra. Tiếng gáy của chim cu nghe như vừa xa nhưng cũng thấy như đâu đó thật gần.

thân thương hồn quê ở trường sa
Đàn vịt giữa trùng khơi. Ảnh: M.T.HẢI

“Cứ mỗi sáng nghe tiếng kẻng hay tiếng còi báo thức là cả đàn chó cũng đồng loạt sủa vang. Chó, gà, vườn rau… tạo cảm giác cho quân dân trên đảo như lúc nào cũng có đất liền bên cạnh” – Thiếu tá Lê Văn Hà ở đảo Trường Sa Đông bộc bạch. Những chú chó dễ thương ấy vừa là niềm vui, cũng vừa là “cảnh vệ” của đảo. Chuẩn bị có đàn chó sắp sinh, đơn vị nọ, đơn vị kia hứa cho nhau và thậm chí nhường sữa cho nó để có đàn chó con bụ bẫm xinh đẹp. Chủ tịch huyện đảo Nguyễn Viết Thuân cười tươi kể: “Trước đây tên con vật còn được gọi theo tên của những ca sĩ hay những bạn nữ ra thăm đảo để anh em chiến sĩ… nhớ mãi. Những chú chó cưng ở đảo được nâng niu chăm sóc như chăm em bé và đặc biệt là không bao giờ bị… thịt”.
Đó là chuyện của ngày xưa không có điện thoại chứ bây giờ cô nào xinh xinh thì bộ đội ta không đặt tên nữa mà chuyển qua xin số điện thoại để… giao lưu. Và có nhiều đôi cũng nên vợ nên chồng. Năm 2008, một cô gái theo đoàn TP.HCM ra đảo Song Tử Tây rồi yêu một anh lính tên Huy, quê ở phường Phước Long, TP Nha Trang. Cách nay hai năm, anh này kết hôn với cô gái ấy và ra quân sinh sống ở TP.HCM.

thân thương hồn quê ở trường sa
Chuồng nuôi bồ câu trên đảo. Ảnh: T.HOA

Tre làng hiện hữu giữa Trường Sa Rau ở đảo giờ được trồng quanh năm nhờ những vườn rau di động xoay quanh nhà để tránh gió bão theo mùa. Chuột theo tàu ra đảo sinh sôi nảy nở phá phách rau cải tơi bời thì những vườn rau lại được đưa lên cao trên bốn trụ và bôi mỡ để cách ly chuột và kết hợp diệt chuột. Chút ẩn hiện một hồn quê đằng sau hình ảnh của những con vật thân thiện, gần gũi, còn có cả những vườn rau, những cây tre làng, cây chuối, cây đu đủ… được mang ra gầy dựng trên đảo. “Chúng tôi đang trồng thành công cây ăn quả như chuối, đu đủ ở nhiều đảo nổi nhưng phát triển nhất là ở Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết. Các cháu ở đảo ăn không hết còn biếu cho các chú ra đảo hoặc mang vô chùa” – chủ tịch huyện đảo kể tin vui.
Như mang hồn quê ra đảo, cứ mỗi độ ra thăm chiến sĩ đảo xa, người thân của các anh mang tre Phú Thọ, tre Cam Ranh đến với Trường Sa. Anh Nguyễn Viết Thuân nói: “Tre phát triển tốt. Hình ảnh cây tre cho ta cảm thấy gần gũi của miền quê Việt Nam ở đất liền, ấm cúng lắm! Cây ổi, cây mãng cầu… cũng đã bám rễ trên đảo. Mãng cầu có quả rồi, các cây khác chỉ mới sống”.

thân thương hồn quê ở trường sa
Và vườn đu đủ ở Trường Sa. Ảnh: TNO

Trường Sa giờ như gần hơn trong lòng mỗi người. Ở đó thoáng ẩn hiện chút bóng dáng vùng quê Việt Nam. Trường Sa gần lắm trong lời thơ mộc mạc của ông Dương Đức Quảng: “Đàn bồ câu thảnh thơi kiếm mồi đầu doanh trại/ Cây đu đủ cuối vườn quả đã ươm ươm”. Và ở đó có cả “Tiếng chuông chùa ngân nga đầu ngọn sóng/ Eo óc tiếng gà, hải đảo biên cương/ Phút bình yên sao mà quý vậy/ Khi yêu thương cả nước gửi về…” như lời thơ bất chợt của nhà báo Nam Đồng, nguyên Tổng Biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, trong chuyến thăm đảo tháng 4 rồi. Thêm nhiều đất, hạt giống cho Trường Sa Trong đoàn công tác ra Trường Sa tháng Tư vừa qua có một người lính năm xưa từ Hà Nội lẳng lặng mang năm ký đất lên máy bay, xuống tàu ra đảo chìm Tốc Tan tặng cho các chiến sĩ ở đây trồng rau. Cách đây trên 20 năm, anh từng là người lính trên đảo Trường Sa Lớn, rồi Nam Yết nên anh thấu hiểu cái cực cái khổ và sự thiếu thốn của người lính giữa trùng khơi. Anh là Bùi Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường Trung cấp xây dựng số 4 – Bộ Xây dựng. Trong đoàn gần 200 thành viên ra đảo, anh là người duy nhất mang những nắm đất từ đất liền ra đảo làm quà cho chiến sĩ. Anh chia sẻ: “Nên mang đất cho đảo, mỗi người mang chút ít đất thôi cũng giúp cho đảo có thêm nhiều rau xanh”. Không quà cáp gì cao xa – nói như chủ tịch huyện Trường Sa – anh ấy đã gửi vào đó một thông điệp về tấm lòng tâm huyết với Trường Sa thân yêu của Tổ quốc.
Như không hẹn mà lại gặp: Có người mang đất thì cũng có người mang hạt giống ra đảo xa. Một ngày trước khi đi, anh Nguyễn Văn Thuần, Phó ban Xuất nhập khẩu Công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (TP.HCM), tranh thủ tìm trên 20 loại giống rau quả như cải bẹ xanh, cải ngọt, rau dền, bí, bầu, mướp… để mang ra cho lính đảo. Anh Thuần tâm sự rằng anh muốn những hạt rau này không chỉ cải thiện cho chiến sĩ mà như một cách đem hình ảnh thân thương quê nhà ra đảo, giúp các anh phần nào vơi đi nỗi nhớ quê nhà.

Pháp luật

Đăng bởi: Đỗ Ngọc Tân

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก