Phú Yên Sơn La

Ăn gì khi đến Phú Yên?

Phú Yên hiện đang là điểm đến du lịch vô cùng nổi tiếng của du khách gần xa với những thắng cảnh được thiên nhiên ưu ái dành tặng đẹp như tranh vẽ. Có một Phú Yên vẫn yên bình lặng lẽ giữa những mùa nắng gió miền Trung nhưng cũng có một Phú Yên khiến các khách du lịch say đắm quên cả đường về khi lạc vào thiên đường các món ăn đặc sản Phú Yên nổi tiếng mà chỉ cần cảm nhận từ những giây phút đầu tiên thôi là đã khiến du khách nhớ mãi. Ăn gì khi đến Phú Yên? Trong bài viết này hãy cùng chúng tôi khám phá các món ăn ngon nổi tiếng của Phú Yên khi có dịp ghé thăm vùng đất này nhé!

Bánh bèo nóng – Phú Yên

Bánh bèo là một trong những món ăn chơi có mặt ở hầu khắp các nơi. Theo đánh giá của nhiều người, dù là bánh bèo ở Huế hay nơi khác, đều cho ra hương vị không mấy khác nhau. Nhưng nếu đã thưởng thức bánh bèo Phú Yên một lần, bạn sẽ cảm nhận được nét rất riêng của món bánh xứ này.

ăn gì khi đến phú yên?

Bánh bèo nóng – Phú Yên

Món bánh bèo Phú Yên thơm ngon hấp dẫn thực khách còn nằm ở việc chủ quán biết cách giữ chén bánh bèo nóng hổi trước khi phục vụ, phải trở tay nhiều lần mới cầm được chén bánh lên.

Một trong những nguyên liệu làm nên cái hồn của chén bánh bèo chính là chà bông, bánh mì chiên giòn và mỡ hành. Chà bông được làm bằng thịt heo, sợi mềm nhỏ, khô tơi xốp trông rất thích mắt. Vị của chà bông Phú Yên rất vừa vặn, không quá ngọt, cũng không quá mặn.

Bánh canh hẹ – Phú Yên

Một lần đặt chân tới Phú Yên là một lần bạn không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của món bánh canh hẹ dân dã mà đậm đà. Bánh canh hẹ không phải chỉ ở Phú Yên mới có những món ăn dân dã này khi được chế biến bởi người dân địa phương nơi đây lại mang một hương vị đặc trưng mà không một nơi nào có.

ăn gì khi đến phú yên?

Bánh canh hẹ – Phú Yên

Sức hút của tô bánh canh hẹ Phú Yên đến từ nguyên liệu làm bánh cho tới cách tưới nước dùng. Điểm khác biệt lớn nhất của bánh canh Phú Yên chính là hương vị nồng đượm của hẹ, đằm thắm hương vị xanh mướt quê nhà. Cùng với màu vàng ruộm của chả cá, pha lẫn màu trắng muốt của bánh canh trông thật bắt mắt.

Chỉ bấy nhiêu thôi đã giúp chúng ta hiểu được tại sao bánh canh hẹ lại nổi tiếng với du khách thập phương đến vậy. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn đặc sản này như đến với Phú Yên vì chúng được bán rất phổ biến ở các quán ăn ven đường. Một món ăn chân quê ngon, bổ, rẻ nên nhất định đừng bỏ lỡ món ăn đặc sản đậm chất Phú Yên này nhé!

Bánh tráng Hòa Đa – Phú Yên

ăn gì khi đến phú yên?

Bánh tráng Hòa Đa – Phú Yên

Từ lâu đời, bánh tráng Hòa Đa đã nổi tiếng là một thứ đồ ăn quen thuộc với người dân Phú Yên và một số tỉnh thành lân cận. Món đặc sản của Phú Yên này khác với bánh tráng ở một số địa phương khác ở điểm vỏ không quá dày mà cũng không quá mỏng, tráng rất vừa tay. Chất bánh dai dẻo rất phù hợp để làm nem hay các món cuốn ăn kèm. Bên cạnh bánh tráng cuốn, đặc sản Phú Yên còn có bánh tráng nướng thơm ngon không kém. Khi bánh được nướng lên ăn rất giòn, thơm, cũng là một món nhậu hay ăn vặt thú vị. Nếu muốn mua bánh tráng Hòa Đa về làm quà, bạn có thể tìm mua ở bất cứ khu chợ nào của Phú Yên như chợ Tuy Hòa, hay các cửa hàng, siêu thị bán lẻ với giá không quá đắt mà chất lượng thì tuyệt vời.

Bánh xèo – Phú Yên

Cùng với bánh tráng, bánh xèo món ăn truyền thống của người dân ở Phú Yên. Bánh xèo ở Phú Yên được làm từ bột gạo, giá đỗ, thịt băm và tôm hoặc mực; nếu thực khách có yêu cầu thì chủ quán có thể cho trứng vào để tăng thêm hương vị.

ăn gì khi đến phú yên?

Bánh xèo – Phú Yên

Khi khuôn đúc nóng, người ta cho mỡ, sau đó là thịt, tôm, giá đỗ và nước bột gạo xay vào, đậy nắp chờ khoảng 1 phút là bánh chín. Bánh đổ xong vừa mềm, vừa nóng, có hương vị của hải sản biển. Người ta ăn bánh xèo với rau sống bao gồm xà lách, giá đỗ và nhiều loại rau thơm khác. Nước chấm gồm có hai loại, người địa phương gọi là mắm đục và mắm trong. Mắm đục gần giống như mắm niêm, cho thêm gia vị và ớt. Mắm trong là nước mắm bình thường có thêm ớt tỏi,… Công thức pha nước mắm cũng là một bí quyết của các quán ăn ở đây vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến hương vị của món ăn.

Bánh xèo có thể ăn bằng đĩa hoặc dùng bánh tráng cuốn lại chấm với nước mắm sẽ rất ngon. Ở Phú Yên đặc biệt là tại Thành phố Tuy Hòa, du khách có thể thưởng thức bánh xèo ở nhiều nơi, từ gánh hàng rong của các chị cho đến những địa điểm có danh tiếng bánh xèo ngon lâu năm tại khu Đại nam cũ trên đường Nguyễn Công Trứ.

Gỏi rong biển – Phú Yên

Rong biển sinh trưởng và phát triển ở các rạng, gành đá. Từ lâu, người dân ven biển đã biết đến và sử dụng rong biển tự nhiên làm món ăn bổ dưỡng cho sức khỏe. Vùng biển gành Đá Đĩa là một môi trường tuyệt vời cho rong biển phát triển. Vì thế thời gian gần đây khi hàng quán mọc lên, các đầu bếp, chủ nhà hàng đã tận dụng ngay nguồn nguyên liệu tươi ngon từ thiên nhiên này để làm thành món gỏi rong biển phục vụ du khách.

ăn gì khi đến phú yên?

Gỏi rong biển – Phú Yên

Rong biển tươi vớt lên từ các rạng đá được ngâm lại nước ngọt và rửa sạch, bỏ gốc, xắt gọn cho vừa đũa gắp. Rong biển được bày ở đĩa riêng hoặc bày chung ở giữa trong một đĩa lớn, xung quanh là rau thơm các loại xắt ghém, dừa nạo, xoài băm, một lát chanh tươi, điểm thêm ít đậu phộng rang giòn; một chén mắm chua ngọt hoặc mắm nguyên chất dằm ớt xiêm xanh (những người ăn chay có thể dùng xì dầu), bánh tráng mè nướng. Chỉ vậy là đã xong món gỏi rong biển. Người ăn chỉ việc bẻ nhỏ bánh tráng mè nướng, cho rong biển cùng các loại kết hợp vào chén, chan một tí nước mắm là có thể thưởng thức. Hương vị biển đặc trưng của rong, mùi thơm hòa quyện của rau, vị béo của dừa, chua chua của xoài băm, gìn thơm của đậu phộng, bánh tráng nướng, nước mắm ngon… quyện vào nhau tạo nên một hương vị đậm đà khó quên.

Cá mương Ngân Sơn – Phú Yên

Cá mương có thân hình thon dài, độ 10-15cm, có vảy màu trắng bạc, to bằng ngón tay trỏ người lớn, sống ở sông suối. Trong các món chế biến từ loại cá này, “đỉnh” nhất là món nướng. Cá tươi được nướng trực tiếp trên lửa than hồng. Mùi thơm lan tỏa, thịt dai ngon ngọt, chín con nào ta thưởng thức con đó, ăn lai rai lúc nóng phải nói lạ miệng, thơm giòn, ngọt đặc trưng. Ngoài ra, cá mương chiên xù cũng là món dễ làm. Cá mương cuốn với bánh tráng rau sống chấm nước mắm ngon có thể ăn no bụng mà vẫn còn cảm giác thèm.

ăn gì khi đến phú yên?

Cá mương Ngân Sơn – Phú Yên

Món cá mương trước đây chỉ là món bình dân của những người ở ven sông. Bây giờ nó đã là đặc sản vào các hàng quán, mà nhiều và tươi ngon nhất là cá mương trong các quán ở huyện miền núi Đồng Xuân, khu vực hạ lưu sông Ngân Sơn. Tuy nhiên, với thương hiệu và sự lan tỏa của món ăn dân dã này, hiện nay cá mương cũng xuất hiện trong nhiều quán xá ở TP Tuy Hòa.

Sò huyết đầm Ô Loan – Phú Yên

ăn gì khi đến phú yên?

Sò huyết đầm Ô Loan – Phú Yên

Sò huyết đầm Ô Loan nổi tiếng đã định danh chất lượng trong cả nước, dù không ít địa phương cũng có loại hải sản này. Sò huyết Ô Loan thịt mềm ngọt, mùa nào cũng mập ú, căng mọng. Vị ngon đặc biệt của con sò nơi đây chính là độ ngọt và có hương thơm, bổ dưỡng. Sò huyết Ô Loan được chế biến thành nhiều món ăn từ dân dã đến cầu kỳ như: sò hấp sả, sò nướng than hồng, sò la-cót, sò rang me, sò rang muối ớt, sò nấu cháo, sò tươi nhúng lẩu chua cũng cực ngon… Dù chế biến món gì thì người đầu bếp phải giữ cho con sò vừa chín tới, không được chín quá làm khô nước huyết bên trong coi như hết giá trị.

Hàu sữa Ô Loan – Phú Yên

ăn gì khi đến phú yên?

Hàu sữa Ô Loan – Phú Yên

Hầu như con hàu được người dân ở đây lặn bắt quanh năm, nhưng hàu ngon nhất có lẽ kéo dài vào khoảng xuân hạ. Hàu được chế biến thành nhiều món ăn như nướng, um chuối cây, nhưng đặc biệt hơn phải là món cháo. Nấu cháo phải chọn loại gạo đỏ, hàu tươi sống cùng với một số gia vị thông thường. Cũng nấu như các loại cháo khác, nhưng món cháo hàu khi nêm gia vị vào lại có mùi thơm độc đáo, hương vị rất riêng. Cháo hàu được ăn bất cứ thời điểm nào trong ngày: điểm tâm sáng, ăn trưa hay kèm với một vài món khác trên bàn nhậu vào lúc chiều tà để “chữa cháy” thì “cuộc nhậu” càng trở nên hấp dẫn. Nhớ là cháo hàu ăn lúc nguội phải nói ngon hơn nóng, bởi lúc nguội nồi cháo sẽ ngọt đậm đà.

Cá mai đầm Ô Loan – Phú Yên

ăn gì khi đến phú yên?

Cá mai đầm Ô Loan – Phú Yên

Cá mai xuất hiện nhiều từ tháng 2 âm lịch đến mùa hè. Ngư dân đánh bắt, chế biến nhiều món ngon, trong đó có món gỏi. Sau khi đưa từ đầm về, cá còn tươi. Người chế biến dùng kéo cắt bỏ phần bụng và đầu, con cá chỉ còn lại phần thân mình, thịt nhiều, mập ú trong veo. Sau khi làm cá sạch, cho cá ngâm nước muối vài phút để vừa săn chắc vừa giữ được màu trắng trong. Gia vị ăn kèm với gỏi cá gồm có một tô nước chanh vắt sẵn, khoảng 300g đậu phụng rang và rau thơm nhiều loại như húng, tía tô, ngổ, ngò gai, bắp chuối thái nhỏ, cà chua sống, chuối chát, khế… Không thể thiếu trong bữa ăn này là món mắm gừng giã nhỏ pha nước mắm làng Yến với ớt rừng xanh và bánh tráng Hòa Đa nướng.

Ghẹ đầm Cù Mông – Phú Yên

Một đặc sản ở Phú Yên không thể không nhắc đến là ghẹ đầm Cù Mông (Thị xã Sông Cầu). Nhiều tỉnh duyên hải miền Trung đều có ghẹ nhưng ghẹ Sông Cầu vẫn nổi tiếng và “đóng triện” thương hiệu bởi độ chắc, ngọt. Ghẹ vùng Sông Cầu to bằng nắm tay, mình xanh thẫm, càng và yếm lốm đốm trắng, béo mầm. Ghẹ có thể hấp, luộc, rang muối hoặc nướng vỉ, làm món lai rai rất thú vị.

ăn gì khi đến phú yên?

Ghẹ đầm Cù Mông – Phú Yên

Ghẹ Sông Cầu thịt chắc, vị ngọt thơm là nhờ yếu tố môi trường, nguồn nước ở đầm Cù Mông, vịnh Xuân Đài rất ổn định về độ mặn, phong phú thực vật thủy sinh (làm nguồn thức ăn cho ghẹ). Nhờ vậy, ghẹ Sông Cầu có quanh năm và bất kể mùa nào cũng không bị xốp. Vùng này còn xuất hiện một loại ghẹ đặc biệt thơm ngon hơn, được gọi là ghẹ lột. Loại ghẹ này ăn cả vỏ, thịt mềm ngọt.

Cá ngừ đại dương – Phú Yên

Phú Yên là“ thủ phủ” cá ngừ đại dương. Loại hải sản này được chế biến thành nhiều món ăn ngon như: nướng, chấm mù tạt, “đèn pha” chưng cách thủy và các món ngon từ phụ phẩm của cá ngừ như lòng, lườn, vi….

ăn gì khi đến phú yên?

Cá ngừ đại dương – Phú Yên

Trong các món quen thuộc từ cá ngừ, ngon nhất là món chấm mù tạt mà người sành ăn gọi là ăn cá ngừ đại dương kiểu sashimi. Thịt cá thái ra thành từng lát, mỗi miếng cỡ bằng 2 hoặc 3 ngón tay người lớn rồi làm đông lạnh. Ăn cá ngừ kiểu sashimi phải có cải xanh và nước chấm pha mù tạt kèm theo chuối chát, khế chua, hành tây; các loại rau thơm kèm theo như ngò tàu, ngổ, é quế, đậu phụng rang, bánh tráng nướng. Người dùng lấy lá cải cuốn với miếng cá kèm theo ít rau thơm chấm vào chén mù tạt rồi ăn. Cảm giác ấn tượng nhất khi ăn món này là mù tạt nồng lên đến đầu. Mùi thơm của rau, cái lạnh của cá, vị cay của ớt, vị nồng của mù tạt xông lên tận đầu óc nghe khoan khoái lâng lâng lạ thường, làm cho người ăn như có cảm giác nước mắt nước mũi chảy ra.

Mắt cá ngừ đại dương – Phú Yên

ăn gì khi đến phú yên?

Mắt cá ngừ đại dương – Phú Yên

Mắt cá thường ngừ to bằng nắm tay, ướp gia vị bảo quản cẩn thận. Khi chế biến, một con mắt cá được ướp cùng với thuốc bắc, sả, ớt, tiêu… sau đó đặt vào một cái thố (om đất) rồi chưng cánh thủy. Đợi nung lửa độ hơn nửa giờ, mắt cá đã chín, thấm gia vị, người dùng có thể ăn kèm rau tía tô xắt ghém. Khi ăn món này ta sẽ cảm nhận được vị béo ngầy ngậy của mắt cá, vị thơm của thuốc bắc, vị cay nồng mằn mặn của gia vị. Có thể nói đây là món ăn có mùi vị độc đáo, độc nhất vô nhị chỉ có ở đất Tuy Hòa.

Xôi Bồ Câu – Phú Yên

ăn gì khi đến phú yên?

Xôi Bồ Câu – Phú Yên

Xôi bồ câu là một trong những món đặc sản ngon không thể không nhắc tới khi đến du lịch Phú Yên. Là đặc sản của huyện Tuy Hòa, món xôi bồ câu thường được nấu trong các dịp lễ tết quan trọng. Xôi Bồ Câu được chế biến một cách công phu cầu kì, đòi hỏi sự tỉ mỉ và chăm chút cho món ăn của người nấu. Gạo để nấu xôi là loại gạo nếp nàng hương to dẻo mềm và thơm. Bồ câu sau khi được làm sạch thì băm nhuyễn cả xương cho mềm và mịn cùng với ớt, tiêu, hành mỡ và một số loại rau gia vị. sau đó đem đi xào chín, nêm cho vừa ăn. Xôi đồ chín mùi thơm tỏa ra ngào ngạt. Lúc này người ta sẽ cho thịt bồ câu đã được chế biến trộn đều với xôi. Xôi nấu phải có độ dẻo, màu xôi trắng ngọc trộn với thịt bồ câu tạo ra một màu sắc rất riêng. Khi ăn có thể ăn kèm cùng muối vừng hoặc muối lạc để tăng thêm độ thơm bùi của xôi.

Chả dông – Phú Yên

Con dông có hình dáng như kỳ nhông nhưng lớn chỉ độ bằng ngón chân cái, sống nhiều ở vùng đất cát dọc bờ biển Phú Yên và các tỉnh miền Trung. Thịt dông được băm nhuyễn trộn với xã và ớt dùng làm nguyên liệu. Trộn đều thịt dông với một ít nấm mèo và bún khô. Dùng bánh tráng mỏng cuốn lại phần thịt đã chuẩn bị thành những cuốn đều bằng ngón tay cái người lớn và đem chiên chín vàng.

ăn gì khi đến phú yên?

Chả dông – Phú Yên

Dùng chả dông được ăn với rau sống nước mắm tỏi ớt trộn đâu phụng đăm nhuyễn rất ngon. Món chả dông làm nên dánh tiếng của các cửa hàng ăn trên đường Nguyễn Công Trứ khu Đại Nam cũ ở Thành phố Tuy Hòa. Ở đây thực khách có thể gọi một phần chả dông có thêm nem nướng được phục vụ cùng rau sống và bánh tránh để cuốn ăn kèm.

Bún bắp An Dân – Phú Yên

Bún bắp chỉ là nguyên liệu chính của món ăn, nếu kết hợp thêm nguyên liệu và cách chế biến sẽ tạo nên các món bún bắp hấp dẫn. Khô thì có bún bắp xào bò, bún bắp xào tim cật, bún bắp thịt nướng. Khách cũng có thể chọn các món nước: bún bắp giò heo, bún bắp chả cá… Đơn giản nhất là món bún bắp xào mỡ hẹ chấm với nước mắm “rin” dằm ớt hiểm ăn kèm rau sống. Dù chế biến theo cách nào thì món bún bắp luôn làm hài lòng thực khách bởi màu vàng ươm tươi tắn của nó. Ăn miếng bún bắp hương vị khác xa bún gạo, một hương vị rất đặc trưng chỉ có ở bún bắp. Cọng bún to mềm, hơi bột, và thơm thoang thoảng mùi bắp.

ăn gì khi đến phú yên?

Bún bắp An Dân – Phú Yên

Bún bắp cũng có một quá trình sản xuất khá kỳ công, hạt bắp được cho vào cối giã chung với mày cám để bóc phần mày trắng ở cuống . Khi bắp nát ra những hạt nhỏ (gạo bắp) được đem ra sàng sẩy loại bỏ cám mày, sau đó người ta mới đem “gạo bắp” ngâm nước chừng 30 phút. Gạo bắp được vớt ra đưa đi ủ 1 ngày đêm cho lên men chua rồi đem phơi cho ráo. Gạo bắp lên men được đem ngâm lại với nước cho mềm thêm và loại bỏ hết mùi chua mới cho vào cối quết thành bột. Bột bắp cho vào túi vải nén thành khối rồi cắt ra luộc lại chừng 15 phút trước khi quết nhuyễn lần cuối. Bột được nhồi lại với nước ấm, cho vào dụng cụ nặn đùn sợi, những sợi bún rơi vào nồi nước sôi nấu đến khi bún chín nổi lên mặt nước mới vớt ra bắt thành lọn…

Bánh phu thê – Phú Yên

ăn gì khi đến phú yên?

Bánh phu thê – Phú Yên

Bánh phu thê là một loại bánh ngọt cổ truyền của Việt Nam. Bánh được làm từ bột lọc, đường, lá dứa, dừa, đậu xanh, bánh vừa giòn vừa dai, cảm giác sần sật của những cọng dừa non, vừa ngậy ngậy béo béo của nhân đậu xanh, hương thơm dịu nhẹ của lá dứa và thanh mát của đường cát trắng. Điểm đặc biệt của loại bánh này là dù làm từ bột lọc những nó lại có sự giòn dai mỗi khi ăn, chỉ cần cắn một miếng bạn sẽ cảm nhận được sự béo ngậy của nhân bánh. Món ăn này không chỉ là món ăn truyền thống được người dân bản địa yêu thích mà du khách đến đây cũng thực sự bị mê hoặc bởi mùi vị mà loại bánh này mang lại.

Ăn gì khi đến Phú Yên? Trên đây là những món ăn đặc sản Phú Yên nổi tiếng nhất. Có những món rất dễ ăn nhưng cũng có những món với nhiều người tương đối khó ăn. Tuy nhiên, nếu thử ăn thêm vài lần có thể bạn sẽ rất thích đấy. Nếu bạn có dịp du lịch Phú Yên thì đừng quên thưởng thức những món đặc sản Phú Yên nổi tiếng mà chúng tôi giới thiệu trên đây nhé.

Đăng bởi: Hương Ngô

YOLO! Khám phá các huyện ở Phú Yên

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก