Chùa tiền giang

Chùa Vĩnh Tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh Tiền Giang

Nếu có dịp đi ngang vùng đất “địa linh nhân kiệt” Mỹ Tho – Tiền Giang thì bạn nên ghé thăm chùa Vĩnh Tràng một lần. Một ngôi chùa cổ kính, hài hòa với phong cách kiến trúc Đông Tây kết hợp vô cùng đặc sắc. Một ngôi chùa bề thế, lộng lẫy mà dám chắc ai ngắm một lần đều không thể quên.

Nội dung bài viết

Chùa Vĩnh Tràng và lịch sử thăng trầm trong xây dựng – kế vị

Tọa lạc trên đường Nguyễn Trung Trực, phường 8, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chùa Vĩnh Tràng xưa kia được ông bà tri huyện Bùi Công Đạt xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX (thời vua Gia Long).

Theo ghi chép, sách Phật giáo Tiền Giang – Lược sử và những ngôi chùa (Hòa thượng Thích Huệ Thông, NXB. TP. Hồ Chí Minh, 2002): Chùa là ngôi tổ đình của dòng Lâm Tế – Trí Huệ được ông bà tri huyện Bùi Công Đạt tu tại gia cũng như nơi để bà con lui tới viếng phật.

Năm 1849, Hòa thượng Thích Huệ Đăng ở chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì, nhận thấy tín ngưỡng Phật pháp nơi đây càng phát triển nên ngài đã cho tổ chức xây dựng lại thành một ngôi đại tự có quy mô lớn hơn. Cũng từ đây, tên gọi Vĩnh Tràng được đổi thành Vĩnh Trường theo ngụ ý trong câu thơ “Vĩnh cửu đối sơn hà – Trường tồn tề thiên địa”.

Trong quá trình xây dựng chùa, do thiếu thốn về vật chất lẫn nhân lực, Hòa thượng Huệ Đăng đã mời nhiều đạo hữu đến giúp. Bản thân ngài cũng vừa tham gia đắp đất vừa lo việc kinh kệ.

Công việc xây dựng chưa hoàn thành thì Hòa thượng Thích Huệ Đăng viên tịch (năm 1864) vì tuổi già sức yếu. Do sư không có đệ tử kế truyền nên bổn đạo đã thỉnh sư Minh Đề về làm trụ trì.

Sư Minh Đề về trụ trì chùa Vĩnh Tràng trong khoảng thời gian 10 năm rồi cũng viên tịch vào năm 1878. Người thay thế ngài là hòa thượng Quản Ân nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn rồi đi du học ở Thái Lan. Thấy vậy, bổn đạo thỉnh sư Minh Truyện về trụ trì nhưng chỉ được một thời gian rồi cũng chuyển đi nơi khác.

Lo sợ ngôi chùa lớn nhưng không có ai đứng đầu để quán xuyến công việc, cho nên các sư trong chùa đã hội ý với Hòa thượng Tổ Từ Trung, Hoà thượng Trung (chùa Bửu Lâm, Mỹ Tho) đến sắc tứ Linh Thứu để thỉnh Hòa thượng Trà Chánh Hậu (hiệu là Quảng Ân) về trụ trì (1852 – 1923).

Ngay khi về chùa, thấy ngôi đại tự thời Hòa thượng Thích Huệ Đăng xây phần nào chùa đã xuống cấp. Lập tức Hòa thượng Trà Chánh Hậu đã cùng các sư vận động bà con Phật tử quyên góp công sức để trùng tu lại ngôi chùa. Và công trình được sư chú trọng trong lúc này là ngôi chánh điện, chính vì thế mà sư đã tập trung vào việc hoàn thành tầng thứ 1.

Công việc trùng tu chính thức triển khai vào năm 1895 và liên tục kéo dài vài năm sau đó. Thế nhưng, một trận bão lớn năm 1904 đã làm cho ngôi chùa hư hỏng nặng nên chùa lại tiếp tục trùng tu và xây dựng thêm nhiều hạng mục mới. Cũng trong khoảng thời gian này, sư Quảng Ân viên tịch, Hòa thượng Tâm Liễu – An Lạc (tức Hòa thượng Minh Đàng, pháp danh Tục Thông, pháp hiệu An Lạc) là đệ tử kế thế của ngài lên thay (1874 – 1939).

Lên tiếp quản công việc của sư phụ, Hòa thượng Lê Ngọc Xuyên xây dựng trang nóc chùa và mặt dựng bốn phía chùa. Đến cuối năm 1930 thì công trình được hoàn tất thêm 3 gian và tầng 2 của ngôi chánh điện. Ba năm sau đó (năm 1933), sư Ngọc Xuyên tiếp tục cho xây 2 cổng Tam quan, mặt tiền, nhà tổ và xây rào xung quanh chùa. Ngày 22 tháng 6 năm 1939, Hòa thượng Quảng Ân qua đời, thọ 67 tuổi.

Năm 1955, Hòa thượng Trí Long là đệ tử được Hòa thượng Lê Ngọc Xuyên viết di chúc làm Trụ trì nhưng vì Thích Trí Long mới 19 tuổi nên thầy Yết ma Tục Chơn tự Tâm Giác, là anh ruột của hòa thượng Tục Thông thay quyền trụ trì và làm vị sư bảo hộ. Ngày 25 tháng 3 năm 1954, thầy Yết ma Tục Chơn mất (thọ 94 tuổi), Hòa tọa Thích Trí Long chính thức trụ trì chùa.

Năm 1987, Hòa thượng Trí Long viên tịch, do không có người thừa kế nên Nhà nước giao cho Tỉnh hội Phật giáo quản lý và đặt văn phòng làm việc của Tỉnh hội Phật giáo tỉnh Tiền Giang.

Từ năm 1987, Tỉnh hội bầu Ban trụ trì theo nhiệm kỳ. Các vị trụ trì qua các nhiệm kỳ là: Hòa thượng Thích Bửu Thông, Thượng tọa Thích Hoằng Từ, Hòa thượng Thích Hoằng Thông, Hòa thượng Thích Nhựt Long và hiện nay là Thượng tọa Thích Huệ Minh.

Chùa Vĩnh Tràng và phong cách kiến trúc kết hợp Đông – Tây độc đáo

Vĩnh Tràng là một trong số những ngôi chùa mang phong cách kiến trúc có một không hai tại miền Tây Nam Bộ. Với sự kết hợp cùng lúc năm lối kiến trúc gồm Pháp, La Mã, Thái, Miên và Champa; chùa Vĩnh Tràng xứng đáng là công trình phản ánh lịch sử mỹ thuật bậc nhất miền Tây của đất Tiền Giang.

Đến tham quan chùa, nhìn từ ngoài vào trong trên khoảng đất rộng gần 2ha, ngôi chùa được xây dựng theo dạng chữ Quốc gồm 4 gian nối tiếp nhau (tiền đường, chánh điện, nhà tổ và hậu điện). Bao quanh ngôi chùa là tường xi măng vững chắc xen lẫn là những bức tượng và cột được làm bằng gỗ quý. Trên nóc chùa là hình ảnh 5 mái nhô cao, tượng trưng cho Ngũ hành theo quan niệm phong thủy người phương Đông.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Tam quan chùa Vĩnh Tràng

Để đi vào không gian bên trong chùa, đầu tiên là phải qua hai cổng tam quan, hạng mục này được xây vào năm 1933 theo lối kiến trúc lầu. Điểm nổi bật của hai cổng tam quan này là nghệ thuật ghép những mảnh sành sứ nối với nhau để minh họa cho lịch sử nhà Phật với đủ hình dáng của “long, lân, quy, phụng, ngư, tiền, canh, mục” … chính vì những nghệ thuật ghép nối này đã tạo nên một cổng tam quan vô cùng đặc sắc và ấn tượng.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Hoa văn trên cổng tam quan chùa Vĩnh Tràng

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Khoảng giữa khuôn viên chùa Vĩnh Tràng

Tiếp tục đi thẳng vào trong chính điện là hình ảnh của lối kiến trúc Âu kết hợp Á. Chỉ cần quan sát kỹ thì có thể nhận ra ngay là lối kiến trúc thời Phục Hưng mà vòm cửa theo kiểu La Mã, bông sắt của Pháp, gạch men của Nhật Bản…chữ Hán viết theo lối chữ triện cổ kính, còn chữ quốc ngữ lại viết theo lối chữ Gothic.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Chính điện chùa Vĩnh Tràng

Cái hấp dẫn trong phong cách kiến trúc chính điện là sự hiện diện của các bao lam được chạm trổ rất công phu và tinh tế. Điển hình là bộ bao lam “Bát tiên kỵ thú” đặt ở gian giữa, xung quanh bộ bao lam là các hoành phi và câu đối được trạm trổ rất chi tiết, đẹp mắt. Bên cạnh đó là nét điêu khắc những đôi long trụ trên những cây cột tròn to được làm bằng gỗ quý theo kiểu “thượng thu hạ cách”.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

không gian kiến trúc bên hữu chính điện chùa Vĩnh tràng

Phía trong ngôi chính điện và nhà tổ làm theo kiểu Trung Quốc nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc Việt Nam, giữa hai ngôi nhà là giếng trời , được đặt một cụm hòn non bộ. Đứng trên hòn non bộ nhìn về mặt sau ngôi chánh điện là mặt trước nhà tổ, ta sẽ thấy lối kiến trúc Roman với những hàng đá hoa màu sắc sặc sỡ kiểu Pháp được trang trí trên thành nóc, trên những cột xây bằng xi măng kiểu cách.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Hòn non bộ giữa không gian nhà tổ và chính điện chùa Vĩnh Tràng

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Bên trong chính điện chùa Vĩnh Tràng

Ngoài các phong cách kiến trúc được thiết kế hòa nhã, ngôi chùa Vĩnh Tràng còn làm thích thú khi khuôn viên có sân kiểng của các cây cảnh, các chậu cây nghệ thuật bonsai hay ao sen cùng nhiều cây cổ thụ lớn. Yếu tố này thể hiện nét sống văn hóa đặc trưng của con người miền Tây bên địa hình sông nước.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Không gian kiến trúc bên hữu chính điện chùa Vĩnh Tràng

Không chỉ vậy, trong khuôn viên nhà chùa có nhiều khu vực được phân chia ra để thờ các bức tượng phật bằng gỗ quý như: Phật A di đà, đà quan âm, vườn háo, chánh điện chính… Đây là những yếu tố tạo nên nét cổ kính và oai nghiêm của một ngôi chùa trong tâm linh tín ngưỡng văn hóa Việt.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Kiến trúc kiểu cổ lầu phía sau chính điện chùa Vĩnh Tràng

Năm 1984 chùa Vĩnh Tràng đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích cấp Quốc gia.

Ngày 31 tháng 5 năm 2007, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục vào ngày “Chùa Vĩnh Tràng – ngôi chùa Việt Nam đầu tiên kết hợp phong cách kiến trúc giữa phương Đông và phương Tây”.

Chùa Vĩnh Tràng và điểm nhấn của những pho tượng đặc biệt

Bên cạnh nét đặc sắc trong lối kiến trúc xây dựng kết hợp châu Âu và châu Á. Phong cách bài trí tượng thờ tại chùa cũng là điều tất yếu tạo nên vẻ uy nghi đầy cổ kính và hiện đại.

Tại chùa, hiện có 60 tượng quý được tác tạo bằng các chất liệu đồng, gỗ và đất nung. Tất cả những bộ tượng này đều được sơn son thiếp vàng rực rỡ, trong đó nổi bật là bộ tượng “mười tám vị La Hán” nằm ở hai bên tường chánh điện được tạc từ gỗ mít vào đầu thế kỷ XX. Kích thước mỗi tượng cao khoảng 0,8m, bề ngang gối là 0,58m vừa tầm với không gian kiến trúc trong việc bài trí tượng thờ.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Bệ thờ bên trong nhà thờ cổ

Bộ tượng này do tài công (thợ) Nguyên cùng học trò chạm khắc mang nét riêng của khu vực, là đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng tròn của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi vị La Hán cưỡi trên lưng một con mãnh thú, tay cầm pháp bảo, tượng trưng cho các giác quan mà giáo lý nhà Phật gọi là “lục căn” (mắt, tai, miệng, mũi, thân và ý, ở ba thời quá khứ, hiện tại và vị lai).

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

4 pho tượng La Hán tại chùa

Ngoài những tượng thờ được chạm khắc bằng gỗ quý, chùa có 3 tượng đồng Di Đà, Quan Âm và Thế Chí được tạo tác giữa thế kỷ XIX. Hiện hữu bên 3 bộ tượng đồng còn là bảy bộ bao lam tuyệt đẹp thiếp vàng chạm hình Bát tiên, thần Mặt trời và thần Mặt trăng, do các nghệ nhân địa phương chạm trổ công phu vào khoảng 1907 – 1908. Đặc biệt, chùa còn có chiếc đại hồng chung mang tên Pháp Bảo Chuông cao 1,2m, nặng khoảng 150kg được đúc giữa tháng 5 năm 1854, trên thân có khắc chữ “Vĩnh Trường Tự”. Rất tiếc là chuông không còn sử dụng được vì nằm lâu dưới nước trong thời gian bị thất lạc.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Tượng phật Di Lặc cao hơn 20m

Trong chùa hiện nay còn hơn 20 bức tranh sơn thủy rất giá trị. Tuy ảnh hưởng tranh vẽ Trung Quốc nhưng những bức vẽ này mang đậm nét dân gian Việt Nam, in hình “mai, lan, cúc, trúc”, hình phong cảnh Việt Nam rất nên thơ. Đó là công trình của Long Giang cư sĩ phác họa năm 1904. Những bức hoành, câu đối trong chùa được điêu khắc chữ nổi thếp vàng như những chữ “Hoàng kim bửu điện” được khắc từ 1851 đến nay vẫn còn khá đẹp.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Tượng phật niết bàn dài gần 24m

Song song bên các tượng phật được làm bằng gỗ quý, đá quý và đồng. Điểm nhấn của chùa chính là ba tượng phật Bồ tát đứng cao hơn 24m, Phật thích ca niết bàn dài gần 20m và tượng Di Lặc ngồi cao gần 20m.

Chính vì là nơi tín ngưỡng trong tôn giáo đã có hơn 100 năm. Ngày nay, cứ vào những ngày như mồng một, mười bốn, ngày rằm… chùa đón rất nhiều đoàn khách trong và ngoài tỉnh về hành hương. Người dân đến đây không chỉ để ngắm một ngôi chùa độc đáo, mà còn đến để gửi gắm những ước vọng bình an, trải lòng mình trong một không gian yên bình, an tịnh.

Đường đi đến chùa Vĩnh Tràng

Là điểm đến chỉ cách trung tâm thành phố Mỹ Tho hơn 4km, mất khoảng 10 phút để di chuyển. Việc tìm đường đến chùa Vĩnh Tràng tương đối khá dễ dàng, chỉ cần đi theo cung đường Ấp Bắc – Nguyễn Trãi – Nguyễn Văn Giác – Nguyễn Trung Trực là đến. Cụ thể …

Xuất phát từ trung tâm thành phố Mỹ Tho (ngã tư Ấp Bắc) bạn di chuyển theo đường Ấp Bắc qua vòng xoay vào vào đường Nguyễn Trãi (qua cầu Nguyễn Trãi).

Tiếp tục trên cầu Nguyễn Trãi bạn đi thẳng đường Nguyễn Văn Giác đến ngã ba giao đường Nguyễn Trung Trực. Rẽ trái đường Nguyễn Trung Trực đi khoảng 200m nữa là đến chùa Vĩnh Tràng.

chùa vĩnh tràng – điểm tham quan hấp dẫn nhất tỉnh tiền giang

Bản đồ di chuyển đến chùa Vĩnh Tràng

Một số lưu ý khi tham quan chùa Vĩnh Tràng

  • Trang phục kín đáo, lịch sử khi đến tham quan chùa.
  • Tuyệt đối không đùa giỡn, nói to, nói tục trong khuôn viên chùa.
  • Cởi bỏ giày dép, mũ nón trước khi vào chánh điện, nhà thờ tổ, hậu đường …
  • Thoải mái chụp hình bất kỳ nơi đâu trong khuôn viên chùa, tuy nhiên khi vào tiền đường, chánh điện, nhà tổ và nhà hậu phải có sự xin phép.
  • Không đến các khu vực nghỉ ngơi của các nhà sư cũng như khu vực nhà bếp.

Thông tin tham quan

  • Địa chỉ: Chùa Vĩnh Tràng – đường Nguyễn Trung Trực – phường 8 – thành phố Mỹ Tho – Tiền Giang.
  • Thời gian: 7h30 – 21h00 hàng ngày.
  • Giá vé: miễn phí.

Blogger Trippiers Kafin

Đăng bởi: Duyên Nguyễn Lê

YOLO! Khám phá các huyện ở Tiền Giang

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก