Lễ Hội Tiền Giang

Tiền Giang có lễ hội gì?

Cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh khoảng hơn 70km về hướng Nam theo cao tốc Trung Lương. Tiền Giang, là vùng đất từ lâu đã nổi tiếng về các địa danh lịch sử, anh hùng dân tộc và văn hóa của ẩm thực, phong tục tập quán. Chính vì điều này mà với ai trên mọi miền đất nước đều muốn đặt chân đến vùng đất “Địa linh nhân kiệt” này để thỏa chí tò mò. Vậy, Tiền Giang có lễ hội gì? Dưới đây là một số lễ hội truyền thống tại Tiền Giang mời bạn cùng tìm hiểu nhé.

Lễ hội Kỳ Yên ở Gò Công Tây – Tiền Giang

Lễ hội Kỳ Yên (hay lễ hội Cầu An) được tổ chức trong các ngày từ ngày 14 đến ngày 16 tháng chạp hằng năm ở tại đình Vĩnh Lợi, thị trấn Vĩnh Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang. Lễ hội này không chỉ là một trong những lễ hội mang đậm nét văn hóa của vùng đất nông nghiệp mà còn là dịp để những người dân nơi đây vui mừng sau một năm đã qua yên ổn, thuận hòa, cầu phúc cho một năm mới được bình an, mùa màng tươi tốt, bội thu…

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ hội Kỳ Yên ở Gò Công Tây – Tiền Giang

Trong những ngày lễ hội diễn ra, đường phố ở thị trấn Vĩnh Bình nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nhà đều dọn dẹp tươm tất và chưng mâm ngũ quả ngay trước cửa nhà để đón rước “sắc thần”. Ngay từ xế chiều ngày 14 tháng chạp (âm lịch), đội lân rồng của đình đón “Bàn các ấp” của thị trấn – một nghi thức có từ rất lâu của đình để cung thỉnh các vị đang được thờ tại các miễu và thỉnh vong linh của các bậc tiền bối đã có công với địa phương. Trên bàn là những phẩm vật về nông nghiệp cùng với bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã làm nên những hình tượng tứ linh trông rất sinh động để cúng tạ thành hoàng. Sau đó sẽ là lễ đưa linh vị thần đến miếu Bà, cúng tế rồi lại đưa linh vị thần trở về lại đình. Vào ngày 15 tháng chạp diễn ra các lễ cúng Tiền hiền, Hậu hiền và vong linh liệt sĩ, cho đến nửa đêm thì cúng tế thần. Trong suốt ngày 16 tháng chạp, dân làng đến dâng lễ vật (bánh,trái, thịt, xôi) cùng du khách thập phương đến cúng tế và chiêm ngưỡng những ngày diễn ra lễ hội tưng bừng. Khi màn đêm dần buông, ánh trăng mười sáu dần ló dạng cũng là lúc đội rồng đi quanh chợ, chúc sự phát đạt và an khang thịnh vượng cho mọi người, mọi nhà. Đến nửa đêm, lễ tống gió được tiến hành. Những con tàu bằng giấy kiếng, được trang trí cầu kỳ, thắp những cây đèn cầy, thả trôi sông cùng với các nghi lễ tống gió độc, tống những điều xui xẻo ra biển và kết thúc 3 ngày 3 đêm náo nhiệt tưng bừng của những ngày lễ hội.

Bên cạnh phần lễ, trong dịp lễ hội Kỳ Yên diễn ra còn có những trò chơi dân gian kéo dài trong suốt 3 ngày như: nhảy bao bố, đẩy cây, bịt mắt đập nồi, ngâm thơ, bắt vịt trên sông, ra câu hò, câu đối, múa lân … Ở tại đình, đội múa lân, múa rồng liên tục trổ tài rất vui nhộn. Các đêm có diễn tuồng hát bội. Suốt mấy ngày đêm dân làng lũ lượt đi ra đình làng cúng bái và chiêm ngưỡng.

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng tại – Tiền Giang

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng – một trong những lễ hội lớn nhất của cư dân vùng biển tại Tiền Giang lễ hội được tổ chức tại xã Vàm Láng, Gò Công Đông, Tiền Giang. Lễ hội diễn ra trong suốt 3 ngày mùng 9, mùng 10 và 11 tháng 3 âm lịch hằng năm nhằm cầu mong cho biển lặng, gió hoà, ngư dân gặp nhiều may mắn làm ăn phát đạt an khang.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng tại – Tiền Giang

Mở đầu cho lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng là lễ rước sắc thần diễn ra vào ngày mùng 9. Đoàn rước có khoảng trên 50 người cùng với 2 xe ngựa đến đình Kiểng Phước. Cúng an vị và thỉnh sắc, nhạc lễ làm đúng theo như thủ tục từ thời xưa. Trống kèn nổi lên cho đến khi sắc thần được rước về lăng. Rồi ở tại lăng, lễ cúng an vị lại được tổ chức trong sự chờ đợi và theo dõi cũa hàng nghìn người. Vào khoảng 3 giờ chiều, lễ cúng thủy lực, có các phẩm vật dưới biển, phẩm vật trên đất để dâng lên các thần. Nhạc lễ được phục vụ cho đến khi hết cúng. Tới 8 giờ tối, trong ánh đèn đủ các màu, cờ hoa rực rỡ và lễ cúng vong linh thiên vị trước giàn thí. Trên giàn, hàng chục mâm bánh trái và được chất đầy hàng mã. Cúng xong là sẽ đến lễ xô giàn thí. Vào những năm chưa có lệnh cấm đốt pháo, thì người ta tổ chức đốt pháo ran trời. Năm nào được mùa cá thì sẽ đốt pháo bông. Nay không còn đốt pháo, nên dứt nhạc lễ là xô giàn thí, hàng mã được đem đi đốt, trẻ em tranh nhau trèo lên để lấy bánh trái, mặt mày hớn hở.

Từ xưa đến nay, ở vàm Láng, mỗi lần tổ chức lễ hội Nghinh Ông đều có rước đoàn hát bội về để biểu diễn. Năm nào mà ngư phủ khá giả thì hát bội nhiều đêm, năm nào thất bại thì diễn khoảng chừng 2 đêm. Sau lễ xô giàn thí thì đoàn hát bội diễn trên sân khấu cho đến tận canh một, canh hai thì mới kết thúc.

Rạng sáng ngày mùng 10, khoảng hơn 70 tàu có đặt hương án và được trang hoàng cờ đèn rực rỡ. Thanh niên trai tráng ăn mặc tươm tất đứng sẵn trên tàu. Tiếng trống từ Lăng Ông Nam Hải đổ hồi báo hiệu cho mọi người biết rõ rằng lễ nghinh Ông sắp được tiến hành. Ban khánh tiết, các vị bô lão, đội nhạc lễ cổ truyền và đội lân rước long đình có bài vị thủy tướng lên trên một chiếc tàu lớn, đã được trang trí đầy cờ và đèn rực rỡ. Đội lân múa trên tàu, tiếng trống lân rộn rã vang trên bến, báo cho tất cả tàu thuyền nổ máy và chuẩn bị xuất phát. 7 giờ, chiếc tàu lớn có chở đội lân, đội nhạc lễ và ban khánh tiết buông neo ra đi, theo sau là hơn 70 chiếc tàu được trang hoàng rực rỡ. Cả một vùng biển ầm ầm trong tiếng kèn, tiếng trống, tiếng máy và đặc nghẹt tàu đi, khung cảnh thật là hoành tráng. Vào những năm chưa cấm đốt pháo, phía trước các mũi tàu là một hàng dây pháo. Pháo nổ cho đến khi tàu quay về đến các bến.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ hội Nghinh Ông Vàm Láng tại – Tiền Giang

Khi đoàn tàu tiến ra biển cả, trên chiếc tàu lớn có đặt mâm heo quay, xôi và bánh trái. Đội nhạc lễ gồm có 10 người, trong đó gồm có 4 cô đào thày và có 6 nhạc công (một trống hầu, một trống cái, một đờn cò, một bạt lớn, một đầu đường và một kèn) diễn trước long đình. Tàu đi chừng khoảng 8km thì làm thủ tục rước Ông (tức là Nghinh Ông) và chờ Ông lên “vọi”.

Theo như quan niệm của cư dân vùng biển: thì năm nào mà gặp Ông lên vọi thì năm ấy là năm được mùa. Nếu chưa gặp được Ông lên vọi thì có thể chờ một chú cá lớn nào đó lên vọi để hình dung về “Ông”. Và như thế cũng dâng tràn lên niềm hạnh phú về một năm đánh cá sẽ đại thắng.

Khi tưởng tượng ra Ông vọi, thì đội lân múa để nghênh đón. Nhang đèn, trầm hương, rượu đều được dâng lên, chủ lễ sẽ đứng ra khấn vài thỉnh mời Thủy tướng. Các vị bô lão cúi lạy. Đội nhạc lễ phải biểu diễn một cách cung kính. Tàu đi đủ vòng cho đúng thủ tục, rồi sẽ quay về bến.

Đoàn tàu trở về, cờ hoa rực rỡ. Chiếc tàu nào có long đình nổi trống, sẽ đi vào các bến để chúc sự tốt lành cho các đội tàu.

Bên các bờ rạch, nhà nhà đều đặt bàn hương án ngoài trời, với đầy đủ lễ vật, hương hoa, khói nhang nghi ngút.

Khi tàu trở về lăng. Trên bờ sẽ lại có sẵn một đội lân nghênh đón (trước đây có thêm cả pháo nổ). Long đình, mâm heo quay, lư hương, bánh trái được long trọng đưa vào lăng để làm lễ an vị, trong sự chào đón hoan hỉ của hàng nghìn người.

Tiếp sau phần lễ sẽ là phần hội được tổ chức một cách tưng bừng và náo nhiệt. Đoàn hát bội thì diễn các tuồng xưa. Diễn đêm, diễn ngày tùy theo sức đóng góp của những đội tàu (Đội tàu sẽ được phân theo ngành: ngành sông cầu, ngành lưới gộc, ngành đáy chạy v.v…). Dân làng thả sức xem hát, vui chơi, ăn uống suốt 2 ngày nữa. Trong những ngày lễ hội, tại Vàm Láng, diễn ra nhiều cuộc thi thể thao, nhiều trò chơi như: bón đá, bóng chuyền, bơi lội, kéo co… làm cho không khí ngày hội càng thêm vui tươi, huyên náo.

Có thể nói, lễ hội Nghinh Ông là dịp để cho những người dân đánh cá thả hết tâm hồn mình vào những trò chơi giải trí, mà quên đi những ngày mệt nhọc, gian nguy và để hướng tới một mùa bội thu sắp đến. Tục thờ cá Ông ở Vàm Láng đã tạo nên một bản sắc riêng trong dòng chảy tín ngưỡng dân gian khá phổ biến của vùng văn hóa Nam Bộ. Những ai đã từng được tham dự vào những ngày lễ hội đầy ấn tượng này, hẳn sẽ sẽ chẳng thể nào quên.

Lễ giỗ Tứ Kiệt – Tiền Giang

Lễ giỗ bốn vị anh hùng: Nguyễn Thanh Long, Trương Văn Rộng, Trần Công Thận, Ngô Tấn Đước, bị giặc Pháp xử chém vào ngày 14 tháng 2 năm 1871, nhằm ngày 25 tháng chạp năm Canh Ngọ. Lễ giỗ bốn vị anh hùng được tổ chức tại Lăng Tứ Kiệt (thị trấn Cai Lậy, Tiền Giang). Những năm chẵn, lễ giỗ được tổ chức qui mô và có các ban ngành ở trong tỉnh tham gia.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ giỗ Tứ Kiệt – Tiền Giang

“Tứ Kiệt” hay “Bốn Ông” là một cách gọi tôn kính của nhân dân theo cách sắp xếp thứ tự ở trong quân thứ đối với bốn vị anh hùng lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp ở vùng Cái Bè, thị trấn Cai Lậy. Đó là các ông: ông Long, ông Thận, ông Rộng, ông Đước.

Ông Long có tên họ đầy đủ là Nguyễn Thanh Long, hay còn được gọi là ông Năm Long sinh ra vào năm Canh thìn (1820), ở tại nơi mà nay gọi là xóm Cầu Ván, ấp Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn, Cai Lậy. Khi ông Nguyễn Thanh Long ly khai gia đình đi kháng chiến, người chị cả của ông là bà Hai An đã bị tên Việt gian Trần Bá Lộc bắt giam nhục hình và đòn roi đến thối cả hậu môn. Em kế là ông Sáu Quang cũng đã bị chúng bắt tra khảo rất dã man, rồi đày đi Côn Đảo!

Ông Năm Long kết hôn với bà Phạm Thị Lài, sinh được hai người con gái là Nguyễn Thị Sửu và Nguyễn Thị Ngọc. Trong thời gian bôn ba ở chiến trận, ông đã có thêm một bà vợ thứ ở Vĩnh Long và sinh được một người con trai. Ông thọ 52 tuổi.

Nhân vật số 2 đó là ông Trần Quang Thận, tự là Phượng, nguyên quán ở tại xóm Đập, ấp Mỹ Phú, xã Mỹ Trang (nay là Nhị Mỹ, Cai Lậy). Ông có 8 người con là Trần Công Tú, Trần Thị Nhặt, Trần Quang Thanh, Trần Quang Nhi, Trần Văn Sanh, Trần Thị Lang và 2 người nữa thì không rõ tên. Hậu duệ của ông Trần Quang Thận hiện nay đã đến đời thứ 7, nhưng đều đi tứ tán khắp nơi nên không tìm biết được năm sinh của ông. Tuy nhiên người ta ước đoán rằng, tuổi ông và ông Long cũng tương đương nhau, lúc hy sinh thì người con thứ tư của ông là Trần Quang Thanh đã làm đến chức Quản đạo.

Có thể khi bị bắt, ông đã dũng cảm khai nhận hết trách nhiệm về phần mình, nên bọn người Pháp đã nhầm lẫn ông là một người cầm đầu, gọi là Ngươn soái. Tài liệu của các tác giả Schreiner và P.Vial viết về 4 ông cũng đều ghi như vậy – Nguon soai Than.

Còn hai nhân vật cuối, người ta chỉ biết được tên và họ là Trương Văn Rộng, người của xã Tân Hiệp, Bến Tranh (nay là Tân Hội Đông, Châu Thành), và Ngô Tấn Đước, gốc gác là ở Tân Hội, Cai Lậy.

Đặc biệt, Tứ Kiệt đều to lớn khác thường, nước da thì màu đồng đen. Truyền rằng cả bốn ông đều có võ nghệ cao cường, tướng pháp lanh lẹ, râu rậm và tóc dài chấm gót. Các cố lão ở địa phương kể lại rằng, Tứ Kiệt đều có biệt tài là chạy rất nhanh và nhảy cũng rất cao. Có một lần gặp bất trắc, để thoát thân, một trong 4 ông đã cặp thêm ở bên nách một cháu nhỏ khoảng 10 tuổi và chạy vun vút như tên, tóc xổ ra phất phới như lá cờ.

Cả 4 ông đều là lính đồn điền, thuộc cấp của Thiên hộ Võ Duy Dương và Phó tướng Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều. Khi lực lượng nghĩa quân của Thiên hộ Võ Duy Dương tan rã, các ông Long, Thận, Rộng và Đước đã tiếp tục đứng ra lãnh đạo nghĩa quân, chọn vùng Cái Bè, huyện Cai Lậy làm địa bàn hoạt động.

Tuy nghĩa binh của Tứ Kiệt chỉ được trang bị ban đầu toàn những vũ khí thô sơ, chủ yếu là giáo mác, là gậy gộc, nhưng nhờ biết áp dụng các chiến thuật dân gian, biết vận dụng nhiều những “mưu thần chước quỷ” để nâng lên thành chiến thuật và kỹ thuật trong chiến đấu theo kiểu “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, có nghĩa là về mục tiêu, nguyên tắc thì bất di bất dịch, còn về hình thức, biện pháp thì căn cứ vào tình hình thực tế để xử lý kịp thời những vấn đề đặt ra một cách linh hoạt và mềm dẻo như:

Gây thương vong tại chỗ, lấy ít đánh nhiều, hoặc nếu không may mà bị vây, ví thì biết sáng tạo những hình thức “gói quân”, đồng thời thiết đặt chướng ngại theo kiểu “ma ma phần phật”, nhằm gây sự cản trở, hoặc làm cho giặc phải nghi sợ, tiêu diệt sinh lực địch, hoặc nhẹ lắm thì cũng làm tiêu mòn dần sức hung hăng mỗi khi chúng triển khai đội hình, ruồng bố.

Những chiến thuật như gài ổ ong, làm hầm chông ở những nơi mà chúng hành quân, quen thói lục lạo và hôi của; cưa gần như đứt hẳn các chân cầu bắc ngang kinh rạch đã có phục kích hoặc cắm sẵn chông nhọn bên dưới rồi giật sập cầu lúc chúng đi qua; bày kế cho những gia đình nghĩa binh giả vờ tử tế, tạo điều kiện cho giặc vào ăn, vào ngủ rồi tùy cơ tiêu diệt, thậm chí nửa đêm tự đốt nhà sau khi đã khóa cột chặt cứng các cửa ra vào, không cho chúng có đường thoát thân và chúng phải bị nướng sống…

Hiển hách nhất phải kể đến là trận quân của Tứ Kiệt tấn công thành Định Tường (ở địa phận 2 thôn Bình Biên và Điều Hòa ngày xưa) vang động cả khu vực. Ở trận này, trước khi đánh, đích thân Tứ Kiệt đã cải trang thành người đi làm mướn và len lỏi được vào nội thành, khi đã dò xét được cặn kẽ từng đường đi nước bước và quy luật sinh hoạt của quân địch, vào lúc 3 giờ khuya đêm ngày mùng 1 tháng 5 năm 1868, lợi dụng lúc trời tối đen như mực, bọn giặc đang ngủ say, 4 ông đã cho nghĩa binh trèo tường vào thành, giết chết tên trưởng kho, rồi phóng hỏa thiêu rụi kho lương của bọn giặc.

Ngày 25 tháng 12 năm 1870, lợi dụng lúc phần lớn bọn binh lính Pháp kéo về Mỹ Tho để ăn lễ Noel và chỉ để lại 25 tên lính mã tà, nhưng thay vì cảnh giác canh giữ đồn bót, thì tên chỉ huy Đội Cơ lại tổ chức ăn uống nhậu nhẹt, nghĩa quân của Tứ Kiệt đã bất thần tấn công đồng Cai Lậy, chiếm chợ và bắt tên Việt gian Bếp Hữu, trị tội bằng cách “nướng trui”, đồng thời phóng hỏa thiêu trụi trại lính của chúng và tịch thu nhiều vũ khí, đạn dược rồi rút về căn cứ một cách an toàn.

Do liên tiếp bị tấn công và tổn thất nặng nề nên thực dân Pháp đã huy động lên đến 1.200 quân, gom ở các vùng lân cận như Mỹ Tho, Tân An, Vĩnh Long và Gò Công, quyết triệt hạ bằng được các căn cứ của nghĩa quân ta.

Chúng ruồng bố khắp nơi. Bởi quân của Tứ Kiệt hầu hết “đêm thì là lính, ngày lại là dân”, có mặt ở khắp mọi nơi nhưng lại không có mặt ở một nơi nào cụ thể, cho nên sự càn quét không mang lại kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều cuộc đụng độ nảy lửa diễn ra, nhưng cứ trầy trật và bất phân thắng bại. Cuối cùng, tên Việt gian Trần Bá Lộc đã hiến kế bắt giam và áp dụng những đòn tra khảo hiểm nghiệt đối với thân nhân gia đình của 4 ông và của 150 thường dân khác. Tuy không có ai khai báo hoặc cung cấp điều gì, nhưng 4 ông không nỡ để cho bà con mình cứ bị tra khảo đau đớn đến thối cả da thịt, nên 4 ông đã quyết định đánh đổi bằng cách tự nạp mình. Hôm ấy là ngày mùng 1 tháng 4 năm 1871.

Tên Lộc nhân danh đại diện cho chánh phủ Pháp đem vinh hoa phú quý ra để dụ dỗ suốt 45 ngày nhưng không thành, giặc Pháp đã đem 4 ông ra chợ Cai Lậy chặt và bêu đầu ngày 14 tháng 2 năm 1871, tức ngày 25 tháng 12 năm Canh ngọ.

Thân nhân gia đình chỉ được mang thân mình của các ông về quê nhà, gắn chiếc đầu giả làm bằng đất sét vào và chôn cất. Còn bốn thủ cấp của Tứ Kiệt thì 7 ngày sau đó chúng đem vùi dập ở mé rạch phía sau chợ.

Cảm kích trước 4 vị anh hùng vì nước quên thân, vì dân diệt bạo, nhân dân địa phương đã ngấm ngầm chung đậu tiền của và lập miếu thờ ngay tại ấp Mỹ Cần, xã Mỹ Trang. Nhưng để che mắt bọn thực dân, đồng bào đã tôn trí tượng Quan Công ở phía trước (nhân vật tiêu biểu trung nghĩa), còn ở phía sau thì đồng bào làm một cái khám thờ “Tứ vị thần hồn” và giải thích đó là “Chùa Ông” (Quan Công) hoặc “Miếu cô hồn”. Nhưng sâu kín tận đáy lòng, không ai không biết đó chính là miếu thờ Tứ Kiệt.

Trận bão năm Thìn (năm 1904), cũng như toàn bộ nhà cửa, dinh thự trong vùng, “miếu cô hồn” đã bị sập, nên sau được dựng lại tại Hòa Sơn (trước đây là xã Thạnh Hòa), ngày nay là thị trấn Cai Lậy – dời về cạnh mộ, vì ngay sát đó chính quyền Pháp đã xây cất bệnh viện, nhân dân không ưng thuận (cho rằng gần nơi ô uế). Còn ngôi mộ (chôn bốn chủ cấp) thì từ năm 1871 vẫn đắp nấm đất; đến năm 1935 nhân dân đã đóng góp tiền bạc và làm riêng 4 ngôi mộ bằng xi măng, song song và gần sát kề nhau, xung quanh thì có hàng rào sắt kiên cố.

Ở tại cổng “Lăng Tứ Kiệt” có chạm khắc hai câu đối:

Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm,

Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn.

Như đã được nói ở trên, Tứ Kiệt hy sinh vào ngày 14 tháng 2 năm 1871, tức ngày 25 tháng chạp năm Canh ngọ, tính đến nay (2007) đã là 136 năm, nhưng tại sao hàng năm nhân dân vẫn làm lễ giỗ 4 ông vào các ngày rằm tháng giêng, rằm tháng bảy, rằm tháng tám và 25 tháng chạp?

Xuất phát từ tấm lòng cảm mến và kính phục oai đức, nên ngay từ thời Pháp thuộc, nhân dân nơi đây đã lập đền thờ Bốn Ông và giải thích đó là miếu cô hồn để qua mắt chính quyền thực dân, thành ra không thể cúng đúng vào ngày các ông hy sinh được mà phải chọn ngày tốt và tốt nhất là ngày rằm cho được danh chánh ngôn thuận, bởi theo như truyền thống tín ngưỡng của nhân dân, vào những ngày này, đồng bào đi cúng bái ở chùa chiền là chuyện bình thường, chính quyền Pháp sẽ không dòm ngó. Thượng nguơn là ngày rằm tháng giêng, là ngày rằm gần nhất so với ngày các ông hy sinh. Còn Trung nguơn, ngày rằm tháng bảy là nhằm cầu siêu cho Tứ Kiệt, cũng phù hợp với tên miếu cô hồn. Riêng về lễ cúng vào tháng 8, là cúng ông Chủ Chợ, tuy được tổ chức tại miếu nhưng không dính dáng gì với Tứ Kiệt.

Thành ra từ cả trăm năm nay, nhân dân buộc phải tổ chức ngày lễ giỗ trật ngày. Sau năm 1975 nhân dân vẫn giữ lệ cúng vào 2 ngày rằm ấy. Cho đến năm 1993, câu lạc bộ hưu trí của địa phương đã quyết định đứng ra tổ chức lễ giỗ đúng vào ngày mà các ông hy sinh là ngày 25 tháng chạp.

Tứ Kiệt và các nghĩa dũng ở tỉnh Tiền Giang đã góp phần tạo dựng lên tầm cao của một dân tộc anh hùng, và cũng chính các vị đã góp phần điểm tô cho 4 chữ vàng “địa linh nhân kiệt” của Tiền Giang được mãi mãi ngời sáng.

Lễ giỗ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân – Tiền Giang

Lễ giỗ Thủ Khoa Nguyễn Hữu Huân được tổ chức hàng năm vào ngày 15 tháng 4 âm lịch, tại đền thờ Nguyễn Hữu Huân, thuộc xã Hoà Tịnh huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Hằng năm đều có các ban ngành ở trong tỉnh và ngoài tỉnh, nhân dân trong huyện, học sinh ở các trường và bà con dòng tộc về tham dự lễ.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ giỗ Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân – Tiền Giang

Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân sinh ra vào năm Canh Dần (1830) ở tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, Kiến Hưng, Định Tường (nay là xã Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang) trong một gia đình nông dân khá giả ở trong vùng. Từ thuở nhỏ, Nguyễn Hữu Huân đã nổi tiếng thông minh, học giỏi. Vào năm 1852, dưới triều vua Tự Đức, ông đã thi Hương tại Gia Định và đậu thủ khoa được bổ làm Giáo thụ, tức Đốc học ở huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, ông đã bỏ chức Giáo thụ, từ biệt gia đình, liên kết với các sĩ phu yêu nước, chiêu mộ nghĩa binh đứng lên chống giặc ngoại xâm.

Vào đầu năm 1862, giặc Pháp đánh úp. Ông đã bị bắt và giải về Sài Gòn. Đích thân tên việt gian Đỗ Hữu Phương (tức Tổng đốc Phương) đã dùng mọi thủ đoạn mua chuộc. Ông từ chối và khôn khéo tìm mọi cách để trở lại hoạt động, liên kết với nghĩa quân Trương Định khởi nghĩa. Tháng 6 năm 1863, giặc phát hiện ra căn cứ hoạt động của ông tại Thuộc Nhiêu – Cai Lậy nên đã bao vây càn quét. Ông và Thiên Hộ Dương đã chạy thoát về căn cứ Bảy Núi. Dựa vào điều ước Nhâm Tuất (năm 1862), Pháp gửi tối hậu thư buộc quan tỉnh An Giang phải nộp Thủ Khoa Huân và Thiên Hộ Dương. Thiên Hộ Dương trốn thoát được về căn cứ Đồng Tháp Mười còn Thủ Khoa Huân đã bị bắt (lần hai), bị kết án 10 năm khổ sai và đày ông ra đảo RéUNI0N. Sau 7 năm tù, chúng đã đưa ông về quản thúc tại nhà Đỗ Hữu Phương, cử ông làm Giáo thụ và dạy bảo “sinh đồ” ở Chợ Lớn với hy vọng lôi kéo được ông về phía chúng. Nhưng ông đã lợi dụng điều kiện dạy học để liên lạc với các sĩ phu yêu nước và chuẩn bị khởi nghĩa. Vào năm 1875, trong một trận giao tranh với giặc, Đốc binh Hương bị Trần Bá Lộc mua chuộc dẫn quân về bắt Nguyễn Hữu Huân tại Chợ Gạo ngày 15 tháng 5 năm 1875 đem giam tại Mỹ Tho (ông bị bắt lần 3). Ngày 19 tháng 5 năm 1875, giặc đem ông về quê Mỹ Tịnh An để hành quyết. Năm ấy ông được 45 tuổi.

Sau khi ông mất, để tỏ lòng tôn kính và biết ơn, những người dân địa phương đã lập đền thờ cách nơi ông bị xử trảm. Để tưởng nhớ đến ông, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã cho xây dựng một tượng đài lớn trong công viên ngay cạnh sông Tiền, thuộc trung tâm thành phố Mỹ Tho. Và công viên này cũng chính thức mang tên ông.

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định – Tiền Giang

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định được tổ chức ngày 17-20/8 âm lịch hàng năm tại đền thờ Trương Định (thị xã Gò Công), đình Gia Thuận (huyện Gò Công Đông). Lễ giỗ Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định không quá phô trương nhưng vẫn giữ được sự uy nghi, kính cẩn. Tại thị xã Gò Công tổ chức thêm lễ rước linh và dâng hoa tại tượng đài Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định – Tiền Giang

Một điều khá đặc biệt của lễ giỗ anh hùng dân tộc Trương Định không chỉ tổ chức tại Tiền Giang mà tại Quảng Ngãi quê hương ông cũng tổ chức lễ giỗ ngày 17-18/8 dương lịch hàng năm.

Anh hùng dân tộc Trương Định sinh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, Trương Định theo cha vào Nam chiêu mộ dân, lập đồn điền Gia Thuận. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, tấn công thành Gia Định, ông đem cơ binh gia nhập quân triều đình chống giặc. Trương Định lập được nhiều chiến công, điển hình là trận phục kích giết chết đại úy Barbe ngày 7/12/1860.

Năm 1862, triều đình Huế ký hòa ước năm Nhâm Tuất giao 3 tỉnh miền Đông cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh để nhận chức lãnh binh tỉnh An Giang. Ông khước từ lệnh triều đình theo yêu cầu của nhân dân và nghĩa sĩ, ở lại Tân Hòa cùng nhân dân kháng chiến chống ngoại xâm. Ông được nhan dân phong tặng danh hiệu “Bình Tây Đại nguyên soái”. Đêm 19/8/1864, tên phản bội Huỳnh Công Tấn dẫn một nhóm binh linh bao vây nơi Trương Định ở. Rạng sáng ngày 20/8/1864, Trương Định bị đánh úp tại Gò Công Đông. Trương Định bị trọng thương, quyết không để rơi vào tay giặc, ông rút gươm tuẫn tiết để bảo toàn khí tiết anh hùng.Tấm gương bất khuất của Trương Định khơi dậy tinh thần chiến đấu kiên cường cho đồng bào trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Người dân Gò Công xây dựng mộ, đền thờ và tượng Bình Tây Đại nguyên soái Trương Định, tổ chức lễ cúng tế long trọng để tưởng nhớ công ơn ông. Trương Định trở thành vị thần bảo hộ cuộc sống cho người dân trong vùng.

Lễ hội Nam Kỳ khởi nghĩa – Tiền Giang

Lễ hội Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra ngày 23/11 dương lịch tại đình Long Hưng, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ hội Nam Kỳ khởi nghĩa – Tiền Giang

Lễ hội Nam Kỳ khởi nghĩa là dịp để người dân thể hiện lòng thành kính với những bậc tiền nhân hy sinh, không tiếc xương máu kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập cho dân tộc.

Theo tài liệu lịch sử, ngày 23/11/1940, đình Long Hưng thời ấy là trụ sở Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Mỹ Tho trong cuộc khởi nghĩa Nam kỳ. Bắt đầu từ đình Long Hưng quốc kỳ, lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên được treo lên, khẩu hiệu Việt Nam Dân chủ Công hòa cũng được hô vang. Đông đảo quần chúng nhân dân từ người già, thanh niên, phụ nữ không phân biệt giai cấp tham gia vào đội quân khởi nghĩa.

Lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ là đồng chí Nguyễn Thị Thập. Dưới sự lãnh đạo tài tình của bà, cuộc khởi nghĩa diễn ra sôi nổi và quyết liệt. Ngày 23/11, chính quyền cách mạng đầu tiên trên cả nước được thành lập là chính quyền cách mạng Mỹ Tho.

Hàng năm, cứ đến ngày Nam Kỳ khởi nghĩa, bà con nơi đây tổ chức long trọng tổ chức lễ hội để kỷ niệm sự kiện lịch sử này. Những năm chẵn lễ hội Nam Kỳ khởi nghĩa được tổ chức lớn hơn, tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, pháo hoa nghệ thuật đặc sắc, cắm trại, thi làm bánh, chưng nghi. Đặc biệt là những thước phim lịch sử lưu động phát cho bà con xem tái diễn lại cuộc đồng khởi năm 1940. Khu triển lãm lịch sử về cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ cũng thu hút sự chú ý của nhân dân và du khách thập phương tới tham dự.

Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút – Tiền Giang

Rạch Gầm – Xoài Mút là trận thủy chiến lớn nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của vùng đất Nam Bộ. Để ghi nhận và kỷ niệm chiến thắng oanh liệt này của quân dân ta, cứ đến ngày 20 tháng 1 năm chẵn, tại khu di tích chiến thắng tọa lạc tại xã Kim Sơn, huyện Châu Thành sẽ diễn ra lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút – Tiền Giang

Trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, nhân dân Tiền Giang đã hỗ trợ lớn cho Anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ xây dựng căn cứ của quân Tây Sơn ở Mỹ Tho. Thường thì lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút sẽ kéo dài trong hai ngày với các hoạt động giải trí thú vị như thả diều, đua thuyền trên sông, chưng mâm ngũ quả… Bên cạnh đó, còn có các chương trình biểu diễn nghệ thuật, hội thi chim, hoa, kiểng… diễn ra hết sức sôi nổi và hấp dẫn.

Trải qua nhiều lần tổ chức, lễ hội Chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút đã trở thành sự kiện văn hóa ý nghĩa tự hào của người dân Tiền Giang.

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân – Tiền Giang

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân, diễn ra long trọng trong vòng 3 ngày (từ ngày 10 đến ngày 13 tháng Giêng âm lịch). Đây được xem là một trong những hoạt động văn hóa lớn của cộng đồng người Hoa ở Tiền Giang. Dịp lễ thu hút rất đông người Hoa ở Gò Công, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận tham dự cũng như thắp hương bày tỏ lòng thành đối với Quan Thánh.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân – Tiền Giang

Lễ hội Quan Thánh Đế Quân được tổ chức theo nghi thức truyền thống với nhiều hoạt động. Trong đó sôi nổi và trang nghiêm nhất là nghi thức Nghinh Ông xuất hàng qua tất cả các tuyến đường lớn với sự tham gia của hơn 1000 người. Ngoài ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, mùa màng tươi tốt thì lễ hội còn góp phần quảng bá và phát triển du lịch của địa phương. Có thể nói, lễ hội Quan Thánh Đế Quân là nét đẹp văn hóa của cộng đồng người Việt gốc Hoa được duy trì và gìn giữ từ xa xưa.

Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp

Làng cổ Đông Hòa Hiệp nằm tại xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè. Khu làng cổ này có đến 10 ngôi nhà mang phong cách nhà vườn Nam Bộ, 3 ngôi chùa cổ và 1 đình làng đã tồn tại hơn 100 năm. Những công trình này hiện vẫn giữ được nguyên trạng các vật dụng, bàn ghế chạm trổ tinh xảo từ thời xưa. Ngoài ra còn có các vật phẩm bằng sành sứ quý giá.

tiền giang có lễ hội gì?

Lễ hội du lịch làng cổ Đông Hòa Hiệp

Lễ hội Văn hóa, Du lịch Làng cổ Đông Hòa Hiệp thường diễn ra vào tháng 11 hằng năm nhằm phát nâng cao giá trị tinh thần và quảng bá du lịch địa phương với các hoạt động như hội chợ thương mại, triển lãm sinh vật cảnh, giống cây trồng, hội thi làm bánh dân gian, giao lưu đờn ca tài tử…

Hy vọng với những lễ hội truyền thống đặc sắc, hấp dẫn ở Tiền Giang mà chúng tôi chia sẻ trên đây sẽ giúp bạn giải đáp được thắc mắc ở Tiền Giang có lễ hội gì rồi nhé. Hãy một lần ghé thăm nơi đây và cảm nhận không khí của những lễ hội tuyệt vời này. Chúc bạn có chuyến du lịch Tiền Giang vui vẻ và trọn vẹn niềm vui.

Đăng bởi: Nhật Tân

YOLO! Khám phá các huyện ở Tiền Giang

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก