Cần Thơ

Đình Tân Lộc Đông – Cần Thơ

Có dịp đi du lịch Cần Thơ, khám phá vùng đất sông nước, bình dị mà nên thơ, bạn đừng quên dừng chân ghé đến Cù Lao Tân Lộc thuộc Quận Thốt Nốt để thăm lại những di tích lâu đời, có ý nghĩa rất thiêng liêng đối với người dân sinh sống tại đây. Cù lao Tân Lộc là dải đất màu mỡ, nằm giữa dòng sông Hậu, nơi đây không chỉ nổi tiếng với những vườn cây ăn trái quanh năm trĩu quả, mà còn lưu giữ khá nguyên vẹn những công trình mang đậm dấu ấn của nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, trong đó phải kể đến mái đình cong cong mềm mại của đình Tân Lộc Đông.

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Cổng Đình Tân Lộc Đông

Đình Tân Lộc Đông, tọa lạc tại khu vực Tân Mỹ 1, phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 40 km về hướng Tây Nam

Đình được xây cất từ năm 1787, khi các họ Cao, Nguyễn và Võ được chỉ định đến vùng này khai khẩn đất hoang, thành lập ấp xã. Ban đầu Đình được xây dựng bằng tre lá đơn sơ trên cù lao Cát (nay là phường Tân Lộc) để thờ cúng thần linh. Đến đầu thế kỷ XIX dân cư tụ hội về cù lao Cát khai hoang lập nghiệp ngày càng nhiều, thôn Tân Lộc Đông bấy giờ hình thành, Đình được tu bổ thêm và lấy tên là Đình Tân Lộc Đông.

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Cổng từ bên trong nhìn ra

Ngày 29 tháng 11 năm Nhâm Tý (1852) vua Tự Đức phong sắc thần Bổn Cảnh Thành Hoàng cho làng Tân Lộc Đông. Từ khi có sắc phong, dân làng làm ăn ngày càng phát đạt, cuộc sống yên ổn hạnh phúc hơn.

Sang đầu thế kỷ XX, khi dân cư đã đông đúc, nhận thấy Đình có diện tích quá nhỏ, đường giao thông không thuận lợi, lại không có cảnh quan và mặt bằng rộng rãi để tổ chức lễ hội, do đó bà con dân làng đã họp bàn và quyết định dời Đình về vị trí mới, trên phần đất do bà Trần Thị Triệu (Năm Triệu) hiến tặng.

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Đình được xây cất từ năm 1787

Năm 1922, Đình được khởi công xây dựng bằng vật liệu kiên cố, đến năm 1925 hoàn thành và tồn tại đến ngày nay. Sau nhiều lần trùng tu, đình Tân Lộc Đông ngày càng khang trang và được mở rộng, trở thành ngôi đình lớn nhất và tiêu biểu nhất của thành phố Cần Thơ.

Với kiến trúc đậm đà bản sắc Việt, đình Tân Lộc Đông bao gồm: Cổng tam quan, Võ ca, Võ qui, Chính điện, Nhà Tiên sư, Nhà khách, Nhà khói (Nhà bếp)…

Võ ca Đình Tân Lộc Đông là nơi các đoàn hát biểu diễn phục vụ dân làng trong những ngày diễn ra lễ hội. Nhằm tạo không khí thông thoáng, tường võ ca xây theo kiểu “thượng song hạ bản”, được gắn các song bản gỗ để lấy gió từ bên ngoài thổi vào. Đặc biệt, hai bên Võ ca có thiết kế khán đài bằng gỗ theo dạng “bậc tam cấp” để dân làng ngồi dự lễ, xem hát mà không bị che khuất bởi người ngồi phía trước. Đây là những điểm khác biệt nhất của Đình Tân Lộc Đông so với một số đình khác còn lưu lại trên vùng đất Cần Thơ.

Bên trong Võ qui là bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương và bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở trung tâm; hai bên là các bàn thờ Đại Bái, Phó Bái, Bồi Bái, Chánh Tế, Đông Hiến, Tây Hiến.

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Bên trong Võ qui

Chính điện là nơi trang trọng nhất của ngôi đình, thờ Bổn Cảnh Thành Hoàng. Ngoài ra, dọc hai bên Chính điện còn bài trí các bàn thờ: Tả Ban, Hữu Ban, Tiền Hiền, Hậu Hiền, Bạch Mã, Thái Giám và bàn thờ Tiên Thường.

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Bàn thờ trong Chính điện

Cũng như các ngôi đình ở Nam bộ, ngoài thờ vị Thần chính là Thành Hoàng Bổn Cảnh, Đình Tân Lộc Đông còn thờ các vị anh hùng liệt sĩ những người có công với quê hương đất nước, những bậc tiền nhân có công khai khẩn đất hoang, lập nên làng xã, mở mang cơ nghiệp làm cho làng xóm ngày càng trù phú, phát đạt; những vị tổ sư dạy nghề cho dân làng…

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Nghệ thuật tạo hình chạm khắc khảm vô cùng mềm mại, uyển chuyển và tinh xảo

Về mặt kiến trúc, ngôi đình có 16 cột lớn, mỗi cột có bề hoành 1,4 mét, 4 cột chính cao đến 10 mét. Trên các nóc mái đình là tượng lưỡng long chầu nguyệt, cùng các đường gờ, đường xoi, mái diềm quen thuộc của kiến trúc Phong Kiến Việt Nam xưa, mang lại nét trang nghiêm, thiêng liêng. Đặc biệt là nghệ thuật tạo hình chạm khắc khảm trên các cột, xuyên đầu kèo, trên các hoành phi câu đối, phù điêu vô cùng mềm mại, uyển chuyển và tinh xảo. Đình thần Tân Lộc Đông còn lưu giữ các ché rượu cổ từ đời nhà Thanh.

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Đình có kiến trúc đậm nét Phong Kiến Việt Nam xưa

Tất cả các chi tiết gỗ của đình được kết nối nhau bởi ngàm, miệng (miệng cột, miệng kèo) nêm chốt. Trước khi chạm trỗ hoa văn, phù điêu, cũng như làm trơn láng cột, kèo, rường người thợ phải dùng vỏ chai để cà láng, ngoài ra gắn cột, kèo, rường lại với nhau bằng lỗ mộng và phải dùng nêm, chứ không đóng đinh, bắt ốc vít.

đình tân lộc đông cần thơ, đình tân lộc đông, di tích cần thơ, cù lao tân lộc, đình tân lộc đông – cần thơ

Mái đình

Hàng năm, Đình Tân Lộc Đông long trọng tổ chức hai kỳ lễ hội lớn:

Lễ Hạ điền mang ý nghĩa: lễ xuống đồng, khai mùa cày cấy, gieo trồng, tạ ơn trời đất, thần linh đã giúp cho dân làng được mùa, lễ này được xem là lễ hội lớn nhất trong năm, diễn ra trong ba ngày 11, 12, 13 tháng 4 âm lịch. Trong thời gian diễn ra lễ hội, ngoài những âm thanh rộn ràng của tiếng kèn, tiếng trống, mõ, chiêng nổi lên khi hành lễ, Ban Tế tự còn tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống với những tuồng tích xưa có ý nghĩa trong cuộc sống tại Võ ca. Những ngày này, khách thập phương và bà con các nơi tấp nập về dự lễ cúng đình đông vui, nhộn nhịp.

Lễ Thượng điền tổ chức trong hai ngày 20, 21 tháng 11 âm lịch, đây là dịp dân làng dâng lễ vật để tỏ lòng tôn kính đối với Thần Thành Hoàng, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân, anh hùng liệt sĩ, những người có công với dân, với nước.

Người dân sinh sống trên cù lao Tân Lộc từ lâu đã có truyền thống cúng Tết Đoan Ngọ (vào ngày mùng 4, 5 tháng 5 âm lịch) rất trang trọng, với ý nghĩa xua đuổi sâu, bọ phá hại cây cối, mùa màng. Đặc biệt, từ năm 2018 Lễ hội Mùng 5 tháng 5 âm lịch tại cù lao Tân Lộc đã được nâng tầm lên quy mô lễ hội cấp thành phố: “Ngày hội du lịch vườn trái cây Tân Lộc”. Đình Tân Lộc Đông là địa điểm tổ chức Ngày hội với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn, thu hút đông đảo khách tham quan du lịch.

Đình Tân Lộc Đông là công trình văn hóa, tín ngưỡng có giá trị cần được gìn giữ, bảo lưu để làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa dân tộc tại thành phố Cần Thơ nói riêng, vùng đất Nam bộ nói chung. Với những giá trị đó, ngày 22 tháng 5 năm 2017, Đình Tân Lộc Đông đã được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 1342/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích lịch sử – văn hóa cấp thành phố.

Du lịch Cần Thơ, đến thăm đình Tân Lộc Đông để cùng chiêm bái và nghe lại những mẩu chuyện lập đất, lập làng, chiến đấu anh dũng của người dân tại đây, qua đó không khỏi yêu thêm mảnh đất Cần Thơ nhỏ bé nhưng thật anh hùng.

Đăng bởi: Nhật Lê

YOLO! Khám phá các quận/huyện ở Cần Thơ

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก