Trải Nghiệm

Thăm cù lao Phố của một thuở vàng son

Nằm cách không xa trung tâm thành phố Biên Hòa, cù lao Phố vẫn còn lưu dấu ký ức của một thuở vàng son – nơi từng là thương cảng sầm uất của cả vùng Gia Định xưa…

Cù lao Phố (còn được gọi là Đông Phố, Giản Phố, Cù Châu, hay Nông Nại Đại Phố) là tên một địa danh cũ nay là phường Hiệp Hòa, thuộc thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Trong thế kỷ XVII – XVIII, cù lao Phố đã từng là một thương cảng sầm uất, nơi thuyền bè qua lại tấp nập, phụ trách việc giao thương buôn bán của cả vùng Gia Định (tức Nam bộ ngày nay).

Thăm cù lao Phố của một thuở vàng son

Cầu Ghềnh (hay còn gọi là cầu Gành, cầu Đồng Nai Lớn) bắc qua sông Đồng Nai, nối phường Bửu Hòa và phường Hiệp Hòa (cù lao Phố) của thành phố Biên Hòa.

Người có công lớn trong công cuộc phát triển vùng cù lao Phố chính là Trần Thượng Xuyên. Theo sử sách ghi lại, Trần Thượng Xuyên (tự Trần Thắng Tài) nguyên là tổng binh ba châu Cao – Lôi – Liêm dưới triều Minh (Trung Quốc). Vì không chịu khuất phuật làm tôi tớ nhà Thanh, ông đã dẫn thuộc hạ bôn ba sang thần phục chúa Nguyễn Phúc Tần nước ta vào năm 1679 và được chúa Nguyễn cho phép cư trú, giữ chức Trấn Biên Đô đốc tướng quân.

Ban đầu nhóm người đi cùng Trần Thượng Xuyên đã đến Bàn Lân (nay thuộc thành phố Biên Hòa ngày nay) trú ngụ, khi đó, vùng đất này còn là chốn rừng rú hiểm nguy. Sau đó, họ đã phát hiện ra cù lao Phố – một bãi sa bồi hoang sơ rộng lớn nằm giữa sông Hương Phước (một đoạn của sông Đồng Nai, do sông Đồng Nai chảy đến khúc này thì tự chia hai), tuy nằm cách xa biển nhưng là nơi sông sâu nước chảy, từ đây có thể ngược lên phía Bắc khai thác nguồn hàng lâm thổ sản, hoặc xuôi theo phía Nam thì thông ra biển Cần Giờ hay sang tận xứ Cao Miên (tức Campuchia).

“Đất lành, chim đậu”, phần lớn nhóm người Trần Thượng Xuyên đã chuyển từ Bàn Lân đến cù lao Phố, cùng với nhóm lưu dân người Việt đến trước, họ đã cùng nhau tiến hành khai khẩn quy mô lớn. Với biệt tài tổ chức, chẳng bao lâu Trần Thượng Xuyên đã biến vùng đất hoang sơ trở thành một thương cảng, trung tâm thương mại và giao dịch quốc tế của cả vùng Gia Định. Sự phát đạt của thương nghiệp đã lôi kéo những ngành nghề thủ công khác phát triển theo, như dệt chiếu, dệt tơ lụa, làm gốm, đúc đồng, chạm khắc gỗ, đóng thuyền, làm pháo,…

Sau này, khi Trần Thượng Xuyên qua đời, để ghi nhớ công ơn của ông, nhân dân trong vùng đã lập ngôi miếu nhỏ thờ cúng, sau nhiều lần dịch chuyển thì đã yên vị ở đình Tân Lân (Tân Lân thành phố miếu) toạ lạc trên đường Nguyễn Văn Trị, thành phố Biên Hòa ngày nay.

Đáng tiếc là thời huy hoàng không kéo dài được lâu. Một cù lao Phố huyền thoại chỉ góp mặt được 97 năm (1679-1776) trong lịch sử, sau đó thoái trào cũng bởi những sự kiện chính trị và lịch sử.

Thăm cù lao Phố của một thuở vàng son

Cầu Hiệp Hòa dẫn qua cù lao Phố

Ngày nay, đến với cù lao Phố, du khách cảm nhận thấp thoáng đâu đây trong từng bến sông, từng góc phố, từng công trình tâm linh cổ kính vẫn còn đó linh hồn và dấu chân người xưa – những người từng có công mở cõi và dựng xây đất này. Từ thành phố Biên Hòa, du khách qua cầu Hiệp Hòa là đã đến được một vùng xanh mát của cù lao Phố.

Thăm cù lao Phố của một thuở vàng son

Chùa Đại Giác trên cù lao Phố

Thăm cù lao Phố của một thuở vàng son

Chùa Ông (Thất Phủ cổ miếu)

Cù lao Phố của hiện tại vẫn đất rộng, người thưa. Vùng tập trung dân cư đông đúc chỉ ở xung quanh các điểm di tích tham quan lịch sử – tâm linh chính như: chùa Đại Giác – ngôi cổ tự được dựng từ năm 1665 gắn với câu chuyện tình bi thương giữa công chúa Long Thành (chị ruột chúa Nguyễn Phúc Ánh, cũng là bác ruột của vua Minh Mạng) và thiền sư Thiệt Thành Liễu Đạt, chùa Ông (Thất Phủ cổ miếu), và đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (đình Bình Kính). Ở những khu vực ngoại ô, người dân trồng cây ăn trái, và ven sông, vài quán ăn, quán cà phê mọc lên phục vụ chủ yếu du khách trong tỉnh.

Thăm cù lao Phố của một thuở vàng son

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua cù lao Phố

Dừng chân bên mé sông, để mặc gió từ mặt sông thổi lên lồng lộng, người lữ khách nghe đâu trong tiếng gió văng vẳng tiếng lòng người xưa, bất giác chợt cảm khái cho một thuở vàng son từng có trong quá khứ huy hoàng…

Nguyễn Thị Bình An

Đăng bởi: Hòa Trần

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก