• Họa sĩ vẽ chân dung Từ Hi Thái hậu tiết lộ: Làn da đẹp như thiếu nữ nhờ rửa mặt bằng bột phân chim!

    Họa sĩ vẽ chân dung Từ Hi Thái hậu tiết lộ: Làn da đẹp như thiếu nữ nhờ rửa mặt bằng bột phân chim!
    Họa sĩ vẽ chân dung Từ Hi Thái hậu tiết lộ: Làn da đẹp như thiếu nữ nhờ rửa mặt bằng bột phân chim!

    Cách làm đẹp của Từ Hi thái hậu rất được giới thượng lưu trên thế giới ưa chuộng và áp dụng, trong đó phải để kể vợ chồng nhà Beckham.

    Từ Hy thái hậu (1835-1908) được xem là “nữ hoàng thứ hai” của Trung Hoa sau Võ Tắc Thiên. Trước khi qua đời, Từ Hi vẫn giữ được sức khỏe tốt, da dẻ mịn màng, mặt bóng sáng, răng chưa rụng, tinh thần mạnh mẽ, đó là nhờ bà rất chú trọng đến phương pháp dưỡng nhan sắc.

    Trong cuốn Ngự Hương Phiểu Miểu Lục (Ghi chép thực tế về sinh hoạt đời thường của Từ Hi thái hậu) do Dục Đức Linh, nữ quan thân cận Từ Hi viết và xuất bản năm 1933, dù tuổi đã cao nhưng Từ Hi vẫn giữ được làn da trắng trẻo, mịn màng và mềm mại “như thiếu nữ”.

    Trong cuốn Chân dung Từ Hi, Katharine Augusta Carl, họa sĩ Mỹ đã vẽ chân dung bà từ năm 1903 tới 1904, mô tả thái hậu nhà Thanh đã gần 70 tuổi nhưng “thoạt nhìn chưa tới 40”, “khí chất cao sang, khiến người mới gặp lập tức có cảm tình”.

    Dung mạo của Từ Hi thái hậu từ khi còn trẻ đến lúc về già.

    Bí quyết để Từ Hi thái hậu giữ da đẹp là nhân sâm, ngọc trai và đặc biệt là bột Ngọc Dung, loại mỹ phẩm bà đã sử dụng suốt đời, theo Uyển Hồng Kỳ, nguyên lãnh đạo Bảo tàng Cố Cung.

    Bột Ngọc Dung do các ngự y nhà Thanh chế tạo riêng cho Từ Hi sử dụng vào năm Quang Tự thứ 6 (1881), dựa theo công thức bột Bát Bạch mà phụ nữ cung đình thời nhà Kim sử dụng, gồm bạch đinh hương, bạch tật lê, bạch cương tàm, bạch cập, bạch sửu, bạch chỉ, bạch phụ tử, bạch phục linh.

    Bạch đinh hương là phân của chim sẻ đực, vị đắng, tính ấm, hơi độc, dùng để loại bỏ vết nhăn, làm sáng mắt, giải độc, giảm sưng tấy. Cuốn Nhật Dụng Bản Thảo thời nhà Nguyên mô tả bạch đinh hương giúp “loại bỏ tàn nhang và nhân mụn”. Nhiều công thức làm trắng da trong các sách y học cổ truyền Trung Quốc có nguyên liệu từ phân chim.

    Bột Ngọc Dung chỉ dùng 6 trong số 8 loại thảo mộc trong bột Bát Bạch, bỏ thêm 8 loại thảo dược là nhụy hoa sen trắng, ưng hi bạch (phân chim ưng), phân bồ câu, rễ cây phòng phong, cam tùng, củ địa liền, bạch liễm, bạch đàn. Các nguyên liệu được mài thành bột mịn, pha với nước thành hỗn hợp sền sệt dùng để mát xa, rửa sạch mặt với nước. Mỗi ngày dùng 2-3 lần.

    Phương pháp này giúp làn da sáng màu, ngăn ngừa nếp nhăn và vết thâm. Bác sĩ Hoàng Vịnh Tinh, phó trưởng khoa Da liễu, bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Đông, cho hay các vị thuốc cổ truyền làm từ phân chim từ lâu đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị bệnh phụ khoa, khối u và bệnh ngoài da.

    Phân chim có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, tiêu huyết ứ, thanh nhiệt, giảm sưng tấy, tán ứ. Ngoài ra, phân chim còn có tác dụng chữa trị một số bệnh ngoài da do huyết ứ, sinh nhiệt.

    “Tuy nhiên, ngày nay khó tìm các loại như bạch đinh hương, ưng hi bạch ở hiệu thuốc và cũng rất khó kiểm định chất lượng. Kể cả thử nghiệm lâm sàng cũng ít dùng”, bác sĩ Hoàng cho hay.

    Một trong số 4 tranh chân dung Từ Hi thái hậu do họa sĩ người Mỹ Katharine Augusta Carl vẽ.

    Ngày nay có một phương pháp làm đẹp từ phân chim là khử trùng phân chim và làm thành mặt nạ. Loại mặt nạ này được một số người giàu có và nổi tiếng trên thế giới sử dụng như vợ chồng nhà Beckham.

    Theo bà Hoàng, nhìn từ góc độ y học cổ truyền Trung Quốc, cần chú ý đến việc một số loại phân chim hơi độc. “Để điều trị và chăm sóc sắc đẹp, các loại phân chim hiếm khi sử dụng đơn độc mà thường kết hợp với nhiều loại thuốc thảo dược truyền thống để loại bỏ vết nám, làm trắng da”, bác sĩ nói. “Ngày nay, những loại phân chim này hầu như không được sử dụng làm thuốc trong thực hành lâm sàng vì những lo ngại về tính an toàn và rủi ro của chúng”.

    Ngoài phương pháp rửa mặt như trên, Từ Hi thái hậu còn cực kỳ chú trọng đến việc dưỡng nhan sắc bằng dược thiện, có đến hơn 200 đầu bếp và thái giám chuyên lo việc này.

    Một số bài thuốc dung nhan còn được lưu truyền đến ngày nay có thể kể đến như:

    Uống bột trân châu

    Trong “Ngự hương phiêu miểu lục” của công chúa Đức Linh có chép Từ Hy “ngoài 60 tuổi mà da dẻ mịn màng như nữ đồng trinh”, đó là nhờ Từ Hy kiên trì uống bột trân châu mỗi ngày để phản lão hoàn đồng. Trân châu đem nghiền thành bột mịn. Mỗi ngày trước khi ngủ và sau khi thức dậy, dùng 1 thìa bột điều với nước thành dạng hồ đặc rồi cho vào miệng, lấy 1 ly nước ấm uống vào nuốt bột xuống. 3 nguyên tắc uống bột trân châu dưỡng sinh của Từ Hy là: uống đúng giờ, đúng lượng và không gián đoạn.

    Bảo nguyên thang

    Đây là món canh cá chép đặc biệt, còn gọi là Trú nhan dưỡng sinh thang, do một quan thái y họ Lưu dâng lên cho Thanh triều vào đời Càn Long, xưa được coi là mật truyền. Phương pháp chế biến tuy đơn giản nhưng rất công hiệu trong việc dưỡng nhan sắc, tăng khí lực, diên niên ích thọ.

    Cách làm, dùng 1 con cá chép tươi khoảng 1kg, thịt bắp bò 1/2kg, móng giò heo 1 cái, sơn tra sống 1 – 2 lạng, táo đỏ 10 quả. Cá chép đánh vảy, bỏ nội tạng; thịt bò bằm nhỏ nhét vào bụng cá; móng heo cạo sạch lông; sơn tra và táo bỏ hạt. Tất cả nguyên liệu cho vào nồi với khoảng 2 lít nước, dùng lửa nhỏ nấu suốt 1 ngày hoặc 1 đêm. Sau đó lọc bỏ hết xác, chỉ lấy nước để vào tủ lạnh hoặc hầm đá cho đông cứng. Hôm sau lấy ra, vớt bỏ đi phần dầu mỡ đông nổi phía trên, rồi đem nấu lại cho tan chảy ra. Mỗi ngày uống nước ấy 3 lần, mỗi lần 1 chén, hết lại làm tiếp như trên.

    Ngậm nhân sâm

    Từ Hi thái hậu ngậm nhân sâm suốt đời. Mỗi sáng cung nữ đúng giờ dâng lên Từ Hy 1 đồng cân (1/10 lạng) nhân sâm. Bà không nhai hay nuốt mà ngậm trong miệng cho đến khi sâm tan ra hết. Vì thế có nhiều khi thái hậu nói chuyện không rõ ràng là do ngậm sâm chứ không phải bệnh lưỡi như nhiều lời đồn.

    Cúc hoa diên linh cao

    Từ Hi thái hậu rất thích hương hoa cúc, các ngự y đã chế ra loại cao hoa cúc này giúp thái hậu cường thân ích thọ, sáng mắt, mạnh tim. Cách làm là hái nhiều hoa cúc tươi cho vào nồi nước sắc chín nhừ, vớt bỏ xác, cô nước cho đặc lại, thêm mật ong vừa lượng vào cùng nấu thành dạng cao đặc, cho vào lọ sành. Mỗi lần lấy 15 – 20g uống với nước nguội.

    Xem thêm bài có từ khoá:

    cá chép,

    canh cá