Cẩm Nang Chùa

Cẩm nang tham quan chùa Trấn Quốc – Linh thiêng cổ tự giữa lòng Thủ đô

Chùa Khai Quốc hay Trấn Quốc cổ tự dường như là một cái tên ăn sâu vào tiềm thức người dân Thủ đô. Hãy cùng chúng mình khám phá ngôi chùa cổ 1.500 năm này để chiêm ngưỡng những giá trị tâm linh, lịch sử và kiến trúc của chùa Trấn Quốc.

“Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương. Mịt mù khói toả ngàn sương,
Nhịp chày An Thái, mặt gương Tây Hồ.”

1. Giới thiệu về chùa Trấn Quốc

Chùa Trấn Quốc có địa chỉ tại số 46 Thanh Niên, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Ngôi chùa tọa lạc trên một gò đất, nhìn xa xa giống như một hòn đảo nhỏ. Bao quanh chùa là làn nước trong xanh, tổng thể giống như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Ngôi chùa tọa lạc trên một gò đất, nhìn xa xa giống như một hòn đảo nhỏ

Chùa Trấn Quốc là một ngôi chùa cổ linh thiêng bậc nhất của Hà Nội. Dưới thời Lý – Trần nơi đây được chọn làm trung tâm Phật Giáo của đất Thăng Long. Hiện tại, ngôi chùa là điểm đến thu hút người dân bản địa và khách thập phương tới lễ bái vào các dịp lễ, tết.

Chùa Trấn Quốc được Bộ Văn hóa Thông tin Việt Nam công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962.

Năm 2021, chùa Trấn Quốc vinh dự lọt vào Top 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail của Anh bình chọn. Đáng chú ý, nơi đây được biết tới là một trong những ngôi chùa cầu duyên linh thiêng bậc nhất của Thủ đô.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Sở hữu vị trí đắc địa cùng lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo, chùa Trấn Quốc ngày nay trở thành một điểm hấp dẫn trong những chuyến du ngoạn, khám phá Hà Nội. Bên cạnh việc ngắm cảnh đẹp thì du khách có thể đến đây lễ Phật, hành hương, cầu may mắn, bình an.

1.1 Thời gian đón khách và giá vé chùa Trấn Quốc

  • Thời gian mở cửa đón khách tham quan: Từ 8h đến 16h các ngày trong tuần.
  • Ngày rằm và mùng 1 hàng tháng: Từ 6h đến 20h.
  • Đêm giao thừa: chùa sẽ mở hết đêm để đón Phật tử tới cầu nguyện cho năm mới, chia sẻ khoảnh khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới.
  • Giá vé chùa Trấn Quốc: chỉ từ 5.000 VND/ lượt tham quan.

Trước cổng chùa có khu vực gửi xe, nằm bên mặt hồ. Nếu du khách di chuyển bằng phương tiện cá nhân thì có thể gửi xe tại đây: vé gửi xe 5.000đ/xe máy/lượt; Ô tô 20.000đ – 30.000đ/ô tô/lượt.

Lưu ý: Hãy bảo quán vé xe thật kỹ vì nếu mất thì bạn sẽ phải tốn khá nhiều thời gian để được giải quyết.

Bạn nên đến chùa vào thời gian bắt đầu mở cửa để có những phút giây thư giãn, an nhiên, tận hưởng cảnh đẹp. Những thời gian còn lại trong ngày, chùa luôn đông khách tới tham quan, dâng hương.

1.2 Thời điểm lý tưởng để tham quan chùa Trấn Quốc Hà Nội

Là ngôi chùa cổ hơn 1.500 năm, linh thiêng bậc nhất Hà Nội, chùa Trấn Quốc líc nào cũng tấp nập Phật tử, du khách tới lễ bái, tham quan. Vào mùng 1, ngày rằm hàng tháng là hai thời điểm chùa đông khách nhất. Ngoài ra, Tết Nguyên đán cũng là lúc người dân đổ về tề tựu chùa.

Du khách có thể đến chùa vào bất kỳ ngày nào trong tháng. Nhưng để tận hưởng được cảm giác thanh tịnh, an yên nơi cửa Phật thì hãy tới vào các ngày thường trong tuần. Nếu thích vãn cảnh hoặc chụp ảnh check-in thì hãy đi thật sớm.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Vào mùng 1, ngày rằm hàng tháng là hai thời điểm chùa đông khách nhất

1.3 Phương tiện và cách di chuyển đến Trấn Quốc Tự

Chùa Trấn Quốc cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 4km về phía Đông. Đến tham quan chùa, bạn có thể chọn di chuyển bằng nhiều loại phương tiện cá nhân như xe máy, ô tô, taxi, xe bus. Chỉ mất khoảng 15 – 20 phút di chuyển từ trung tâm thành phố sẽ tới nơi.

Nếu bạn di chuyển bằng xe bus, hiện tại có 2 tuyến có điểm dừng gần chùa là tuyến số 33 (Bến xe Yên Nghĩa – Xuân Đỉnh) và tuyến số 50 (Long Biên – Sân vận động Quốc gia). Đây cũng là phương tiện thường được các Tăng Ni, Phật tử sử dụng khi tới chùa.

1.4 Một vài lưu ý khi tham quan chùa

Trấn Quốc Tự là địa điểm du lịch tâm linh nên bạn cần chú ý một số vấn đề về trang phục, cách hành xử sao cho phù hợp với chốn tôn nghiêm.

  • Đi lại nhẹ nhàng, không nói tục, chửi bậy hay có hành động phản cảm tại chùa;
  • Giữ gìn vệ sinh, cảnh quan chung. Không vứt rác bừa bãi, ngắt hoa bẻ cành hay hút thuốc trong khuôn viên chùa;
  • Không mặc trang phục ngắn, hở bạo như váy ngắn, áo dây, croptop, áo ba lỗ, váy xẻ, đồ xuyên thấu…;
  • Nên mặc quần áo có màu sắc nhã nhặn;
  • Vào các ngày rằm, mùng 1, lễ, tết chùa cực kỳ đông người, hãy chú ý bảo quản tư trang tránh bị trộm cắp;

2. Lịch sử, sự tích chùa Trấn Quốc

Xây dựng từ năm 541 thuộc thời Tiền Lý, chùa Trấn Quốc khi đó được gọi là chùa Khai Quốc. Ngôi chùa nằm gần bờ sông Hồng, nên khi đê bị sạt lở đã được di dời vào trong đê Yên Phụ, khu gò đất Kim Ngưu.

Ở thế kỷ thứ 17, chúa Trịnh lệnh đắp đê Cố Ngự để nối với đảo Kim Ngưu. Lúc này chùa mới đổi tên thành Trấn Quốc dưới thời vua Lê Hy Tông (1681-1705), mang ý nghĩa rằng nơi đây sẽ xua tan mọi thiên tai, mang lại bình yên cho nhân dân. Cái tên này đã được sử dụng cho tới tận ngày nay.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Chùa Trấn Quốc vào thời Tiền Lý được gọi là chùa Khai Quốc

Thời xưa, chùa Trấn Quốc là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long nên thường được các vua Lý, Trần hay tới đây vãn cảnh và ngự giá cúng lễ vào những dịp lễ, tết. Bởi vậy, nhiều cung điện trong chùa đã được xây dựng để phục vụ cho việc nghỉ ngơi của vua chúa, như cung Thúy Hoa, điện Hàm Nguyên.

Chùa Trấn Quốc đã có lịch sử hơn 1.500 năm và được coi ngôi chùa là lâu đời nhất tại đất Thăng Long – Hà Nội. Hiện nay trụ trì chùa Trấn Quốc là hòa thượng Thích Thanh Nhã.

3. Đi chùa Trấn Quốc cầu gì? Văn khấn chùa Trấn Quốc

Dưới đây là bài văn khấn chùa Trấn Quốc cầu tài, cầu lộc, cầu bình an ở ban Tam Bảo (Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo), du khách có thể tham khảo:

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy)

Đệ tử con thành tâm kính lạy Mười phương chư Phật, chư vị Bồ Tát, chư Hiền Thánh Tăng, Hộ pháp Thiện thần, Thiên Long Bát Bộ.

Hôm nay là ngày ….. tháng ….. năm …..

Tín chủ con là………………………………………………………………………………………………………..

Ngụ tại:………………………………………………………………………………………………………………..

Thành tâm dâng lễ bạc cùng sớ trạng (nếu viết sớ đặt trên mâm lễ vật) lên cửa Mười phương Thường trụ Tam Bảo.

Chúng con xin dốc lòng kính lễ:

– Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc Tây phương.

– Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giáo chủ cõi Sa Bà.

– Đức Phật Dược Sư Lưu Ly giáo chủ cõi Đông phương.

– Đức Thiên thủ, Thiên nhãn, Ngũ bách danh tầm thanh cứu khổ cứu nạn, linh cảm Quán Thế Âm Bồ Tát.

– Kính lạy Đức Hộ Pháp thiện thần Chư Thiên Bồ Tát.

Kính xin chư vị rủ lòng từ bi, phù hộ độ trì cho con, nguyện được ………………………. (công danh, tài lộc, giải hạn, bình an…).

Nguyện xin chư vị, chấp kỳ lễ bạc, tâm thành (sớ trạng) chứng minh, chứng giám cho con được tai quan nạn khỏi, điều lành đem đến, điều dữ tiêu tan, phát lộc phát tài, gia trung mạnh khoẻ, trên dưới thuận hoà an khang thịnh vượng.

Chúng con người phàm trần tục lầm lỗi còn nhiều. Cúi mong Phật, Thánh từ bi đại xá cho con (và gia đình) được tai qua nạn khỏi, mọi sự tốt lành, sở cầu như ý, sở nguyện tòng tâm.

Tín chủ chúng con lễ bạc tâm thành, cúi xin được phù hộ độ trì.

Nam mô A Di Đà Phật! (3 lần, 3 lạy).

4. Kiến trúc chùa Trấn Quốc

Kiến trúc của ngôi chùa toát lên tính thẩm mỹ của kiến trúc phương Đông, gắn với cảnh quan trời – đất – nước xung quanh. Bên trong chùa Trấn Quốc có nhiều cảnh quan và kiến trúc độc đáo, mỗi một công trình đều có một ý nghĩa riêng sâu sắc.

Ngôi chùa tọa lạc trên một hòn đảo nằm phía Đông của Hồ Tây, trầm mặc nép mình trên con đường Thanh Niên tấp nập. Trấn Quốc Tự là ngôi chùa cổ được xây dựng từ rất lâu, trải qua rất nhiều lần trùng tu nên diện mạo ngày nay có phần thay đổi, quy mô và kiến trúc hiện tại là kết quả của cuộc đại trùng tu vào năm 1915. Chùa Trấn Quốc có tổng diện tích hơn 3.000m2, bao gồm cả thượng điện, nhà tổ và vườn tháp.

Chùa thuộc hệ phái Bắc tông, có kết cấu và kiến trúc được làm theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo gồm 3 gian nhà chính: Tiền đường, nhà thiêu hương và Thượng điện, được nối với nhau thành hình chữ Công (工).

Nhà tiền đường

Bước qua cổng chùa, du khách sẽ thấy ngay nhà tiền đường. Đây là nơi các Phật tử tứ phương tới thắp hương, hành lễ. Gian nhà được xây dựng ở hướng Tây, từ nhà tiền đường có thể thấy được thượng điện và thiêu hương, rất thuận tiện để đi khấn vái.

Nhà tiền đường cũng là nơi mang giá trị Phật giáo cao bậc nhất nên được thiết kế hết sức tinh xảo. Ngay chính giữa thờ Phật Thích Ca Nhập Niết linh thiêng.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Đây là nơi các Phật tử tứ phương tới thắp hương, hành lễ

Bia đá mang dấu ấn lịch sử

Nằm ngay bên trái Nhà Tổ và cách Thượng Điện không xa chính là bia đá của chùa Trấn Quốc, có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn và lưu truyền những tư liệu cổ quý giá. Hiện tại chùa vẫn lưu giữ được 14 tấm bia. Trong đó, xuất hiện nhiều cái tên lớn như trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính (1587 – 1693) và tiến sĩ Phạm Quý Thích (1760 – 1825). Các bia đá đã trải qua 6 lần trùng tu tạo lịch sử từ năm 1624 đến năm 1842.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Bia đá của chùa Trấn Quốc cách Thượng Điện không xa

Ngôi bảo tháp lục độ đài sen

Bảo tháp là khối kiến trúc khiến du khách phải sửng sốt nhiều nhất. Nằm ngay tại vị trí trung tâm, ngôi bảo tháp bao gồm 11 tầng, mỗi tầng đặt một tượng Phật A Di Đà quý giá bằng đá quý trắng muốt. Du khách có thể thấy được từng pho tượng được đúc tỉ mỉ nằm uy nghi qua các khung cửa hình vòm. Đặc biệt, trên đỉnh tòa tháp là tòa sen 9 tầng tạo nên vẻ đẹp ưu nhã, lĩnh thiêng.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Bảo tháp lục độ đài sen hiện nay cao đến 15m

Vào năm 2003, bảo tháp lục độ đài sen được xây dựng thêm và cao đến 15m, khu vườn xung quanh tháp cũng được hoàn thiện nên tạo ra một khung cảnh đồ sộ, tráng lệ thu hút khách tới tham quan.

Cây bồ đề cổ chùa Trấn Quốc được tổng thống Ấn Độ tặng

Tiếp theo, một nhân chứng lịch sử ấn tượng mà bạn không nên bỏ qua, nằm diện bảo tháp là cây bồ đề chùa Trấn Quốc do đích thân tổng thống Ấn Độ Prasat trao tặng trong chuyến thăm Hà Nội vào năm 1959.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Cây bồ đề chùa Trấn Quốc vô cùng quý giá vì được chiết từ cây đại bồ Đạo Tràng – nơi Đức Phật Thích Ca ngồi hành đạo cách đây hơn 25 thế kỷ. Hiện nay, cây bồ đề phát triển xanh tốt, sum xuê, mang lại vẻ đẹp tươi mát cho ngôi chùa 1.500 năm tuổi. Bên cạnh đó, sự hiện diện của cây bồ đề cũng biểu thị cho trí tuệ đất Phật – từ bi, nhân ái.

Tượng Phật, Bồ Tát có giá trị lớn

Không thể không nhắc tới khối tài sản vô giá tại chùa Trấn Quốc là các pho tượng Phật, tượng Bồ Tát cũng có nhiều năm tuổi, mang tới dấu ấn tâm linh và nghệ thuật. Đặc biệt trong đó là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn được chạm khắc tinh xảo từ gỗ và được sơn son thiếp vàng. Bức tượng này cũng được công nhận là tượng Niết bàn đẹp nhất ở Việt Nam.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Các tượng Phật đều được sơn son thiếp vàng

Trải qua nhiều năm lịch sử, chùa Trấn Quốc nay đã nhuốm màu thời gian từ bức tường bạc đến rêu phong phủ kín mái. Song, ngôi chùa ngàn năm tuổi vẫn đứng sừng sững giữa lòng Hà Nội với vẻ uy nghiêm, là tượng đài của người dân Thủ đô. Vì thế, nếu bạn có hứng thú với vẻ đẹp cổ kính, muốn tìm hiểu về những giá trị lịch sử thì hãy theo chân chúng mình tới tham quan chùa Trấn Quốc một lần nhé.

5. Những địa điểm vui chơi gần chùa Trấn Quốc

Ngoài việc đi thăm, lễ bái tại chùa Trấn Quốc thì khi tới khu vực Tây Hồ, du khách đừng bỏ qua những điểm đến vui chơi, check-in tuyệt vời dưới đây.

5.1.  Thung lũng hoa Hồ Tây

Địa chỉ: Ngã 3, phường Nhật Chiêu, Nhật Tân, Quận Tây Hồ, Hà Nội

Một địa điểm check-in cực đẹp tại Hồ Tây được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm đến. Thung lũng hoa Hồ Tây ở vị trí thuộc địa phần ngã 3 Nhật Chiêu, Tây Hồ. Đây cũng là một địa điểm mà những du khách mê hoa và mê chụp ảnh nhất định phải tới nếu đã ghé qua khu vực hồ Tây.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Thung lũng hoa có rất nhiều loài hoa đa dạng, được thiết kế đan xen với nhau để tạo ra những mảng màu sắc thú vị. Bên cạnh đó, nơi đây còn có mô hình cối xay gió, xích đu, ngôi nhà nhỏ… để đem tới các góc sống ảo cực đẹp.

5.2. Công viên nước Hồ Tây

Vào những ngày hè oi ả, nếu bạn muốn tìm một nơi tránh được cái nóng rực lửa của Hà Nội thì hãy cùng gia đình, bạn bè tới công viên nước Hồ Tây để giải nhiệt cuối tuần.

Công viên nước có diện tích hơn 8ha, đã đi vào hoạt động hơn 20 năm nay. Chia làm 2 khu là khu vui chơi dưới nước và khu vui chơi trên cạn là Công viên Mặt Trời mới.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Trò chơi ở Công viên nước Hồ Tây

Hãy để ngày cuối tuần trở nên thật sôi nổi với các hoạt động bơi lội, trượt cao tốc, đu cáp treo… Ở đây đã trang bị các thiết bị đảm bảo an toàn và nguồn nước sạch được kiểm tra, lọc thường xuyên nên du khách hoàn toàn an tâm về chất lượng.

5.3. Đường ven Hồ Tây

Hồ Tây có muôn vàn góc chụp ảnh, đi dạo đẹp và đường ven hồ cũng là nơi mà người dân Hà Nội cùng khách du lịch tới rất đông. Không chỉ có không khí mát mẻ, thoáng đãng, đường xá sạch sẽ mà còn có những tán cây xanh rì thơ mộng dọc 2 bên đường hồ.

khám phá, trải nghiệm, cẩm nang tham quan chùa trấn quốc – linh thiêng cổ tự giữa lòng thủ đô

Hồ Tây rất thích hợp để ngắm hoàng hôn

Vào những buổi chiều mát mẻ, hãy cùng với bạn bè hay người yêu đi dọc đường Hồ Tây dạo mát và cùng thưởng thức các món ăn vặt đặc trưng. Đừng quên thử kem Hồ Tây và ngắm hoàng hôn lãng mạn, cùng chụp những bức ảnh thật “chill”.

Chùa Trấn Quốc – biểu tượng văn hóa tâm linh của người dân Hà Nội. Ghé đến chùa Trấn Quốc và cầu xin tài lộc, sức khỏe, bình an cho người thân và gia đình.

Đăng bởi: Vũ Hoàng Mai

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก