Khám Phá

Du học Anh có được làm thêm không

Du học Anh có được làm thêm không? Đây là câu hỏi mà rất nhiều bạn đã hỏi mình trong thời gian vừa qua. Mình xin trả lời là du học sinh Anh được phép làm thêm nhưng sẽ một số lưu ý nhất định. Bài viết sau đây mình sẽ hướng dẫn và giải đáp thắc mắc liên quan đến chủ đề Du học Anh có được làm thêm không nhé.

khám phá, du học anh có được làm thêm không

1. Du học Anh có được làm thêm không? Điều kiện cần gì?

1.1. Visa và working hours limit

Việc đầu tiên khi các bạn muốn đi làm là check visa của mình xem được phép làm tối đa bao nhiêu tiếng một tuần. Điều này rất quan trọng vì nếu bị phát hiện làm quá số giờ được quy định các bạn sẽ bị gửi thẳng về nước và cấm nhập cảnh vào Anh trong 10 năm sau đó, cũng như kéo theo vô vàn hệ lụy bất lợi khi xin visa nếu các bạn muốn tiếp tục đi học, đi công tác hay du lịch ở nước ngoài.

Ví dụ: Visa của mình – bậc Thạc sĩ, là Visa Tier 4, quy định được làm Part time tối đa 20 tiếng/tuần trong kỳ học và có thể làm full-time vào mùa nghỉ lễ như Easter, Christmas,…

Nhưng thường nếu bạn làm việc ở những nhà hàng châu Á, hoặc những nơi trả lương bằng tiền mặt thì không phải lo vì hours limit. Bạn có làm đến 70 tiếng / tuần thì cũng ko sao cả, miễn là không ai report và không trả lương qua bank.

Đối với các bậc học thấp hơn, hoặc cùng là Tier 4 nhưng dưới 16 tuổi  thì hours limit sẽ thấp hơn, ví dụ bậc cử nhân là 10 tiếng/tuần.

Cũng cần lưu ý rằng tìm việc làm thêm, tuy nhiên vẫn phải ưu tiên việc học lên hàng đầu. Mình đã thấy khá nhiều trường hợp vì làm quá nhiều nên không kịp deadline nộp bài, đến lớp muộn do làm ca đêm quá mệt…

Lời khuyên của mình là các bạn hãy chờ đến sau khi nộp bài luận của kì học cuối cùng thì hãy xin làm trên 20 tiếng/tuần. Từ lúc đó lên lúc hết visa còn nhiều thời gian, không phải vội .

1.2. Xin số NI

Trong thời gian chờ việc, các bạn nên tranh thủ đăng kí sổ bảo hiểm quốc gia (National Insurance- NI Number), có vai trò tương tự mã số thuế cá nhân.

KINH NGHIỆM XIN SỐ NI

Bước 1: Gọi cho tổng đài của Cơ quan Thuế và Hải quan

  • Tel: 0345 600 0643
  • Thời gian: 8am-6pm (giờ hành chính) –  từ Thứ 2 đến Thứ 6

Trao đổi với nhân viên tổng đài là là muốn apply NI number, sau đó đọc các thông tin cá nhân mà họ yêu cầu.

Tuy nhiên thì quá trình gọi điện này cũng khá là tốn thời gian và gian nan. Bởi các bạn sẽ phải ngồi nghe bản nhạc chờ dài ngoằng từ 10 đến 15 phút trước khi được nối máy với nhân viên tổng đài.

Điều cần làm là chuẩn bị trước các thông tin quan trọng như Passport number và BRP (thẻ cư trú), phải thật kiên nhẫn, bình tĩnh, cố gắng gọi trong một lần cho xong, đừng rề rà ngày này qua ngày khác sẽ dễ nản.

Bước 2: Điền và gửi lại form thông tin cho Cơ quan thuế

Trung bình sẽ mất khoảng 2 tuần process trước khi nhận được thư yêu cầu điền form thông tin để gửi lại cho Cơ quan Thuế và Hải quan. Sau đó, khi đã nhận được số NI, bạn đã chính thức được làm việc hợp pháp ở UK, và được trả tiền lương qua thẻ ngân hàng.

Cá nhân mình đã xin số NI thành công, nhưng gần như không dùng vào việc gì cả, vì mình làm part-time tại các nhà hàng trả lương bằng tiền mặt. Tuy nhiên, có cũng hơn không, các bạn vẫn nên xin, trong trường hợp nhỡ đâu xin được việc “ngon”.

khám phá, du học anh có được làm thêm không

2. Các công việc phổ biến 

2.1. Các công việc tại trường

Đầu tiên, hãy bắt đầu một cách đơn giản với công việc gần bạn nhất và thuận tiện nhất, đó chính là tìm việc ngay tại trường. Đây cũng là điều mà các tư vấn viên ở các trung tâm du học thường dặn dò trước khi sang UK.

Bạn có thể tham khảo các Job Vacancies tại Student Centre / Student Union, hay như trường mình là ở Employability Team (khá hữu ích vì họ sẽ trợ giúp / tư vấn những công việc khá academic liên quan đến chuyên ngành học.

Ví dụ: Bạn học về Law họ sẽ giới thiệu bạn vào vị trí Law Counselor chẳng hạn, bạn sẽ có cơ hội làm việc với các sinh viên quốc tế cần tư vấn liên quan đến luật pháp, khá là hay và thực tiễn).

Ngoài ra một số công việc phổ biến khác bao gồm International Officer (về nhiều mảng: Marketing, Finance, ..), Language Advisor, hoặc Advisor về chuyên ngành nào đó (công việc này sẽ làm ở thư viện, khi có sinh viên nào cần trợ giúp sẽ “book” slot và bạn sẽ đến vào khung giờ đó để trợ giúp). Vị trí cao hơn là Student Ambassador (được tham gia vào công tác chuẩn bị cho ngày Open days, Career Fair, Global Week hay làm công việc marketing cho trường).

Tất cả những công việc này làm khá thoải mái, đươc sử dụng tiếng Anh rất nhiều, được networking và tất nhiên là có mức lương tương đối cao so với minimum wage. Tuy công việc khá cạnh tranh và yêu cầu du học sinh có kỹ năng và ngôn ngữ tốt, nhưng mình vẫn thấy có khá nhiều bạn Việt Nam cũng như châu Á ở trường mình làm các công viêc cho trường.

2.2. Các công việc tại nhà hàng 

Lựa chọn thứ hai là lựa chọn vô cùng phổ biến của phần lớn sinh viên, đó là xin việc tại các nhà hàng, với các công việc như bồi bàn, dọn dẹp, rửa bát … Tuy nhiên thì mỗi nhà hang lại có những lưu ý khác nhau:

  • Nhà hàng châu Á: lợi thế là có làm bao nhiêu giờ tùy thích, thậm chí full time 60-70 tiếng nếu nhà hàng ít nhân viên, tuy nhiên lương hơi lẹt đẹt, dao động từ £5 đến £6/giờ và thường ưu tiên người biết tiếng Trung hơn.
  • Nhà hàng Việt Nam ở Anh: cũng có thể là một gợi ý không tồi. Ở đây bạn sẽ được giao lưu và làm việc với chính những người đồng hương để vơi bớt nỗi nhớ nhà luôn đằng đẵng, lương cũng rạch ròi hơn và đương nhiên, ưu thế lớn nhất chính là ngôn ngữ.
  • Nhà hàng châu Âu: lợi thế sẽ nhiều hơn, lương lớn hơn hoặc bằng minimum wage, có lương cho ngày nghỉ (như làm office ý), môi trường tiếng Anh, chuyên nghiệp, điểm trừ duy nhất là số giờ làm việc sẽ bị quản lý nghiêm ngặt do tiền lương chuyển qua bank và do tinh thần dân tộc thường khá cao cho nên các nhà hàng tại Anh ưu tiên sinh viên bản xứ hơn.

2.3. Các công việc khác

Nếu hai lựa chọn trên không phù hợp, các bạn có thể tham khảo các việc như làm nail, chăm sóc người già, chăm sóc thú cưng, trông trẻ, … Các địa điểm có thể tìm việc khác như các shop bán quần áo, đồ thể thao, mỹ phẩm… tuy nhiên họ thường ưu tiên người bản địa hơn vì công việc đó cần ăn nói tốt và gương mặt đẹp.

khám phá, du học anh có được làm thêm không

3. Quá trình xin việc

3.1.  Làm CV

Tương ứng với việc mà các bạn đang tìm mà CV cần được customized phù hợp. Nhìn chung, bạn cần nêu những kinh nghiệm tương tự khi bạn còn ở Việt Nam.

Với công việc academic thì khá dễ để list, nhưng những việc như bồi bàn, dọn dẹp thì hầu như mọi người không có, vậy nên cứ list là đã làm việc cho 1 hoặc 2 quán cafe / nhà hàng nào đó ở Việt Nam, cũng không ai rảnh để xác thực lại đâu nên cứ list nhanh rồi còn rải CV thôi. Hầu như các công việc chân tay đều sẽ được training từ đầu nên kinh nghiệm trong CV gần như chỉ để “cho có”.

Theo kinh nghiệm của mình, mục quan trọng nhất trong CV chính là Available working hours. Cần viết rõ bạn làm được ngày nào trong tuần, từ mấy giờ đến mấy giờ. Hầu như các nhà hàng chỉ nhìn vào phần đó thôi, vì họ sẽ cần bổ sung người ở 1 khung giờ nào đó. Nên viết có thể available vào weekday, càng nhiều càng có sức cạnh tranh cao.

3.2. Rải CV

Thông thường các quán ăn nhanh, các nhà hàng Á/ Âu, quán café là địa điểm rải CV quen thuộc bởi công việc đa dạng từ phục vụ bàn, pha chế, thu ngân, nhân viên nhận đơn hàng, nhân viên lau dọn. Khá đơn giản thôi, bạn chỉ cần in sẵn 1 tập CV và search Google Map những địa điểm cần đến để tiện đi một lần và có thể rải hết luôn.

Nếu trong đầu chưa định hình được sẽ xin cụ thể ở đâu thì cứ search kiểu “Restaurants near me” và đi rải thôi. Việc rải CV cũng không tốn thời gian lắm, chỉ cần vào nói rằng mình đang tìm việc và gửi CV cho nhân viên ở đó.

Còn đối với những chuỗi cửa hàng lớn như Starbucks, Subway, Costa, McDonalds, KFC… các bạn có thể vào website chính thức và điền thông tin cá nhân, kinh nghiệm làm việc…và xem công việc nào đang được tuyển dụng để đăng ký mà không cần mất công rải CV.

4. Đi làm và nhận lương như thế nào?

4.1. Giờ làm thêm

Thường sẽ theo ca part-time (sáng / chiều / tối), hoặc full-time là cả ngày. Một số chỗ sẽ để các bạn đăng kí ca làm trước mỗi tuần. Một số chỗ thì sẽ xếp lịch trước và các bạn sẽ phải sắp xếp công việc của mình cho phù hợp.

Một số chỗ (đặc biệt là nhà hàng châu Á) sẽ xếp ca theo “giờ cao điểm” của nhà hàng, ví dụ như trưa từ 12h – 14h hoặc chiều tối từ 18h – 20h, là lúc khách rất đông và cần nhiều nhân viên hơn. Khách vãn đi thì có thể kết thúc ca làm sớm hơn và tính giờ theo giờ làm thực tế.

Ngược lại có những ngày lễ hoặc dịp đặc biệt, khách vẫn còn đến tận 11h- 12h đêm thì ca sẽ dài hơn. Lúc đó các bạn ở xa cần để ý giờ xe buýt, ví dụ thường chuyến cuối sẽ là 11h30 đến 12h đêm (ở Nottingham)

4.2. Nhận lương

Thường sẽ được nhận lương theo tuần. Ở nhà hàng châu Á, nếu bạn làm full-time, lương theo giờ của bạn sẽ ít hơn những người làm part-time. Còn ở nhà hàng bản địa, lương sẽ bắt buộc bằng hoặc hơn minimum wage (hiện người từ 25 tuổi trở lên, sẽ tăng lên mức 8.21 bảng so với mức 7.2 bảng/giờ như các năm trước).

Các năm trước, mức lương sẽ dao động từ 5.5 bảng/giờ ở độ tuổi từ 18-21, 6.5 bảng/giờ nếu bạn ở độ tuổi từ 21-24, và 7.2 bảng/giờ nếu bạn trên 24 tuổi. Tất cả mức lương trên đều được tính đã sau thuế.

Nếu bạn làm ở nhà hàng, cửa hàng, công ty của Anh, lương sẽ theo chế độ của Anh, rất rạch ròi quy củ. Giống như bạn làm office ở VN được nghỉ 12 ngày/ năm theo chế độ của nhà nước, thì bên Anh cũng vậy, áp dụng cho part-time và full-time được nghỉ 16.8 ngày / năm (part-time) và 28 ngày/năm (full-time), và đương nhiên nghỉ có trả lương. Nếu không nghỉ thì sẽ quy đổi ngày nghỉ thành tiền và được trả lại. Bạn mình từng được hoàn trả £600 sau khi xin nghỉ việc, tính đúng theo luật.

Với một số công việc như làm nail, sẽ cần thời gian training ban đầu tầm 1-2 tháng tùy trình độ / tay nghề mà lương training sẽ thấp hơn lương chính. Lương cũng dao động giữa thợ chính và thợ phụ, thợ làm móng chân / móng tay,…thậm chí là theo mùa, khi mùa đông mọi người chủ yếu chỉ làm móng tay.

khám phá, du học anh có được làm thêm không

5. Những lưu ý khác – Giải quyết khi bị nợ lương

5.1. Nếu bạn bị nợ lương dưới 3 tháng

Bạn có thể nhờ sự can thiệp của Student Union Centre, hay cấp cao hơn là City Counselor Centre (nơi có các tư vấn viên kinh nghiệm về các vấn đề dân sự. Các bạn chỉ cần đặt lịch hẹn, brief qua cho nhân viên về case của bạn, bạn sẽ được tư vấn và support miễn phí.

Mình không rõ quy trình của họ, nhưng khả năng bạn nhận lại tiền là 90%, trừ trường hợp nhà hàng đó tuyên bố phá sản hoặc đã không còn ở thành phố đó nữa.

5.2. Nếu bạn bị nợ lương trên 3 tháng

Trong trường hợp bị nợ lương trên 3 tháng, bạn bắt buộc phải nhờ đến sự can thiệp của pháp luật, cũng như của tòa án. Bước đầu tiên sẽ là làm đơn claim online tại: https://www.moneyclaim.gov.uk/web/

Bạn sẽ phải viết claim gửi đến County Court Business Centre với issue fee là 25 bảng. Claimant ghi tên bạn và defendant(s) là chủ của cửa hàng đang nợ lương. Tòa án sẽ gửi giấy đến defendant(s) bằng first class post ngay trong ngày claim của bạn được issue.

Defendant(s) sẽ có 18 ngày sau đó để pay toàn bộ số tiền bạn claim với tòa. Với trường hợp defendant(s) not reply, không động tĩnh, không hồi đáp, bạn sẽ cần làm bước tiếp theo là làm đơn propose lên tòa để tòa bắt đầu process là judgement.

Vì các thủ tục để ra tòa khá lằng nhằng và mất thời gian đến cả tháng sau đó, nên mình quyết định dùng chính bản notice of issue để force defendant(s) trả tiền lần cuối, và đã thành công.

khám phá, du học anh có được làm thêm không

6. Tổng kết: Du học Anh có được làm thêm không?

6.1. Lời khuyên của các bạn cựu du học sinh

Trước khi kết thúc bài blog “Du học Anh có được làm thêm không”, sau đây là một số lời khuyên từ các bạn cựu du học sinh:

Anh Lê Anh Tuấn – Cựu du học sinh Nottingham Trent University

khám phá, du học anh có được làm thêm không

Tốt nhất là tìm hiểu về các nhà hàng thông qua các anh chị đã học trước bạn hoặc ở trong các hội nhóm tại thành phố của bạn.

Sau đó chuẩn bị vài kĩ năng về bưng bê, tính toán bill và làm 1 CV thật tốt về kinh nghiệm làm việc của mình có liên quan tới công việc định ứng tuyển. Nhấn mạnh không ngại khổ và đi rải càng nhiều nhà hàng càng tốt.

Thường thì các tuyển dụng rất nice và nhân viên cũng giúp đỡ bạn trong thời gian đầu nên không phải lo nhiều lắm đâu.

Chúc mọi người có thể tìm được công việc ưng ý

6.2. Tổng kết: Du học Anh có được làm thêm không?

Hy vọng bài viết sau có thể giải quyết các thắc mắc của các bạn xoay quanh câu hỏi “Du học Anh có được làm thêm không”.

Ngoài ra các bạn cũng có thể tham khảo thêm một số bài trong chuỗi chủ đề du học Anh trong blog của mình nhé:

* Lên kế hoạch du học Anh:

* Hành trình chuẩn bị du học Anh:

* Cuộc sống du học Anh:

Đăng bởi: Thiệu Phạm

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก