Khám Phá Trải Nghiệm

Giới trẻ đau đầu vì chi tiêu: Sống 1 mình ở thành phố tiêu gấp đôi gia đình 3 người ở quê

Biết con trai không có khoản dư nào, hàng tháng phải trả đến 50% thu nhập cho sinh hoạt phí, cha mẹ đã không ít lần thuyết phục con về quê làm việc.

Theo Zing News, Khánh Toàn (23 tuổi, Hà Nội) mỗi tháng dành khoảng 7 triệu đồng để dành cho sinh hoạt phí thiết yếu như thuê nhà, điện nước, xăng xe, ăn uống. Con số này tương đương với 50% thu nhập; số tiền còn lại được chàng trai trẻ phục vụ cho việc mua sắm, bạn bè và sở thích riêng. Toàn cho rằng, con số này khá phù hợp với cuộc sống độc thân ở phố thị. Tuy nhiên, số tiền này lại cao gấp đôi chi phí tiêu dùng cho 3 người của gia đình bố mẹ Toàn ở quê (Nam Định).

Toàn cho biết, mọi người đều hiểu cuộc sống một mình tại Hà Nội vô cùng đắt đỏ nhưng không ngờ lại tốn kém như thế. Vì thế, mỗi lần về quê bố mẹ Toàn đều cố gắng nhồi nhét cho con trai thịt, rau, trứng… để anh mang lên Hà Nội.

khám phá, trải nghiệm, giới trẻ đau đầu vì chi tiêu: sống 1 mình ở thành phố tiêu gấp đôi gia đình 3 người ở quê

Sự chênh lệch quá lớn về giá cả, chi phí cuộc sống đã tạo nên sự khác biệt lớn trong cách tiêu dùng và tích lũy của con cái sống ở đô thị và cha mẹ sống ở quê nhà. Ảnh minh họa: Zing

Báo cáo Chỉ số giá sinh hoạt theo không gian (SCOLI) năm 2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, Hà Nội, Quảng Ninh và TP.HCM chính là 3 địa phương có chỉ số giá sinh hoạt cao nhất cả nước. Trong đó, Hà Nội là nơi có mức sống đắt đỏ nhất; còn 5 địa phương có mức giá thấp nhất cả nước là Quảng Trị, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Nam Định.

Sự chênh lệch quá lớn về giá cả, chi phí cuộc sống đã tạo nên sự khác biệt lớn trong cách tiêu dùng và tích lũy của con cái sống ở đô thị và cha mẹ sống ở quê nhà. Một số gia đình tìm cách hỗ trợ con mình từ việc gửi thực phẩm, tiền tiêu vặt cho đến mua nhà.

Bố mẹ của Khánh Toàn cũng nhiều lần khuyên anh nên về quê làm việc và sinh sống. Họ cho biết chỉ cần một nửa thu nhập của Hà Nội là anh có thể sống tốt tại quê nhà. Thế nhưng, chàng trai trẻ vẫn mong muốn bám trụ tại thành phố vì không muốn lãng phí những nỗ lực trong nhiều năm qua. Thời điểm hiện tại, Toàn còn tìm cách tăng thu nhập bằng công việc làm thêm online.

Đầu năm nay, khi khu đất tại quê nhà Đắk Lắk thuộc diện giải tỏa, bố mẹ Hải Thanh (27 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã được đền bù hơn 2,5 tỷ đồng. Họ dự định dùng số tiền này để mua 1 căn hộ 3 phòng ngủ ở TPHCM để tặng 3 người con đang học tập và làm việc tại đây. Tuy nhiên, chị em Thanh cho biết, khoản tiền này không đủ để mua một căn nhà phù hợp tại TPHCM trong khi đó lại là khoản tích lũy cả đời của bố mẹ.

Mấy chị em Thanh bàn bạc với bố mẹ sẽ vay thêm ngân hàng để mua một căn hộ giá 3,5 tỷ đồng tại quận 7, gần công ty và trường học hơn. Khoản vay sẽ được 3 chị em chia nhau trả góp nhưng bố mẹ nhanh chóng gạt đi, bởi họ không muốn con mình phải gánh thêm khoản nợ.

Luôn cố gắng hỗ trợ con

Mẹ của Anh Tú (23 tuổi, quận 4, TP.HCM) trong một lần từ Quảng Ngãi vào TPHCM khám bệnh được con trai chiêu đãi món thịt nướng trong một nhà hàng Hàn Quốc. Hóa đơn thanh toán hơn 1 triệu đồng khiến bà bất ngờ, liên tục nhận xét món ăn quá đắt đỏ. Thậm chí, mẹ Tú còn ngạc nhiên trước giá cả thực phẩm trong siêu thị. Theo bà, mớ rau 15.000 đồng trong siêu thị thì ở quê chỉ bán 5.000 đồng, một ký ba chỉ thịt heo 180.000 đồng trong tủ mát đắt gấp đôi ở nhà.

khám phá, trải nghiệm, giới trẻ đau đầu vì chi tiêu: sống 1 mình ở thành phố tiêu gấp đôi gia đình 3 người ở quê

Bố mẹ của Khánh Toàn cũng nhiều lần khuyên anh nên về quê làm việc và sinh sống. Ảnh: Zing

Sau chuyến thăm này, mẹ Tú nhiều lần hỏi con có đủ tiền sinh hoạt hàng tháng hay không. Đồng thời, gia đình cũng thường xuyên gửi thực phẩm từ quê lên, chật ních cá khô, thịt gà, thịt heo, rau xanh, gia vị… trong chiếc thùng xốp. Từ đó, Tú cũng chăm chỉ về nhà nấu cơm và tiết kiệm được một khoản kha khá.

Nhờ sự hậu thuẫn và hỗ trợ của bố mẹ tại quê nhà Thái Nguyên, Vân Anh (24 tuổi) cũng có được một cuộc sống dễ thở hơn tại thành phố. Năm 2021, sau khi tốt nghiệp đại học, Vân Anh đã được bố mẹ mua tặng một căn hộ gần 3 tỷ đồng tại Long Biên, Hà Nội. Trước đó,  Vân Anh thuê căn chung cư mini rộng 30-40 m2 sống một mình có giá hơn 7 triệu đồng/tháng. Có nhà riêng, Vân Anh dùng số tiền thuê nhà để mua sắm nội thất, vật dụng cần thiết.

Tiêu dùng thế nào là đúng cách?

Love Frankie – tổ chức nghiên cứu và thay đổi xã hội vùng cùng với Công ty nghiên cứu IRL (Indochina Research Ltd) đã thực hiện báo cáo Nghiên cứu thế hệ trẻ Việt Nam. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.200 đáp viên trong độ tuổi từ 16-30 sinh sống tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ, An Giang…

Có đến 78% người được hỏi cho biết họ thích hoặc đã chuyển đến sinh sống ở những đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM. TPHCM được yêu thích hơn, 52% cho rằng họ thấy được nhiều cơ hội việc làm hơn. Tuy nhiên, việc sống một mình tại đô thị trong giai đoạn dịch bệnh và lạm phát đã khiến người trẻ tuổi đối diện với hàng loạt khó khăn. Về khía cạnh kinh tế, họ buộc phải có kế hoạch chi tiêu cẩn thận, chặt chẽ hơn, đặc biệt nếu không có gia đình và cha mẹ hậu thuẫn.

khám phá, trải nghiệm, giới trẻ đau đầu vì chi tiêu: sống 1 mình ở thành phố tiêu gấp đôi gia đình 3 người ở quê

Có nhà riêng, Vân Anh dùng số tiền thuê nhà để mua sắm nội thất, vật dụng cần thiết. Ảnh: Zing

Theo Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp chuyên ngành Tài chính – Kế toán tại Đại học Bristol (Anh), những người trẻ dưới 30 tuổi thường có xu hướng chi tiêu cho nhu cầu bản thân, sau đó bù trừ bằng thẻ tín dụng và ít quan tâm đến vấn đề tài chính cá nhân. Các chuyên gia khuyên rằng, mỗi người cần tập thói quen lên ngân sách hàng tháng, cân bằng chi tiêu và hướng đến việc tích lũy.

Đối với việc chi tiêu khi có một khoản lương cố định hàng tháng, ông Ngô Thành Huấn, Thạc sĩ chuyên ngành Hoạch định Tài chính cá nhân, Đại học Griffith (Australia), Thành viên Hội đồng chuyên gia – Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam VFCA, đã đưa ra 2 giả định như sau:

Trường hợp thứ nhất: Bạn 23 tuổi và còn độc thân. Thu nhập 10 triệu đồng/tháng, ở nhà thuê tại Hà Nội/TPHCM.

Nếu có mức lương cố định 10 triệu đồng/tháng, có một người phụ thuộc (con/em nhỏ hoặc phải hỗ trợ cha mẹ ở quê), người trẻ sẽ cần dành từ 1 triệu đồng/tháng cho việc tiết kiệm và cho luôn vào quỹ ngay sau khi nhận lương.

khám phá, trải nghiệm, giới trẻ đau đầu vì chi tiêu: sống 1 mình ở thành phố tiêu gấp đôi gia đình 3 người ở quê

Nếu không có người phụ thuộc, số tiền tiết kiệm có thể nâng lên mức 2 triệu đồng/tháng. Với quy tắc chi tiêu 50-30-20 (50% thu nhập dành cho tiêu dùng thiết yếu, 30% cho nhu cầu cá nhân và 20% cho tiết kiệm, đầu tư), 5 triệu đồng sẽ dùng cho việc thuê nhà, tiền chợ và sinh hoạt phí ở thành phố. Tuy nhiên với mức giá như hiện nay, giới trẻ nên cắt giảm tiền tiêu cho nhu cầu cá nhân để bù đắp cho khoản tiền sinh hoạt.

Với quỹ tiết kiệm, người trẻ nên xây dựng quỹ dự phòng khoảng 3 tháng chi tiêu. Ngoài ra, nên xem xét các cơ chế về bảo hiểm cho bản thân bởi tài chính càng ít càng phải đề phòng khi ốm đau, tai nạn.

Trường hợp 2: Bạn 27 tuổi và đang hẹn hò. Thu nhập mỗi tháng 25-30 triệu đồng, có khoản trả góp 3 triệu đồng/tháng, đang ở nhà thuê tại Hà Nội/TPHCM.

Nếu có người phụ thuộc, mọi người nên trích 20% vào quỹ tiết kiệm hàng tháng, nếu chỉ nuôi bản thân thì tăng lên 30%. Tiếp tục trích vào khoản hưởng thụ 3-4 triệu đồng; phần còn lại cho sinh hoạt thiết yếu, bao gồm cả khoản trả góp và chi phí cho việc hẹn hò.

Về phần tiết kiệm, họ cần xây dựng quỹ dự phòng cùng với các cơ chế bảo hiểm trước, sau đó mới tính đến việc đầu tư.

Đăng bởi: Phạm Tiến Đạt

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก