Phái Mạnh Tán Gái

Giúp bạn hết nhút nhát 1 – Hiểu bản chất vấn đề

Tán Gái, Phái Mạnh

Đầu tiên tôi cần khẳng định rằng, muốn hết nhút nhát, bạn cần phải hiểu bản chất vấn đề.

1. Bản chất của sự nhút nhát trong con người bạn

2. Sự thịnh hành của nhút nhát

3. Nhút nhát hình thành từ đâu?

Mình là 1 người cực kì nhút nhát, hồi nhỏ lì lắm, đánh nhau suốt, chẳng hiểu sao lớn lên lại thành ra như thế này ? Bạn bè vay tiền thì gần như ko từ chối được, mà lúc đi đòi thì ngại ko dám đòi, tiền lương tháng 9 giờ chưa dc lấy mà cũng ko dám đòi luôn.

Mà lên mạng thì mình to mồm lắm, chọc ngoáy thoải mái được, kiểu như là 1 con người đối lập hoàn toàn.

Có cách nào giúp mình không, chứ cứ thế này hoài chắc sau này khỏi lấy vợ luôn.

Những câu hỏi tương tự phía trên có bao giờ tác động tới tâm trí bạn không? Nếu KHÔNG thì xin chúc mừng, bạn không bị ám ảnh bởi cụm từ “nhút nhát” như tiêu đề bài viết. Ngược lại nếu bạn càng đọc và càng muốn tìm kiếm câu trả lời thì bạn chính là đối tượng mà tôi hướng tới trong bài viết này.

Hiện tại đang có một cô bạn cùng trường thường xuyên lấy xe cùng mình mỗi khi ra về. Bạn muốn tìm hiểu cô ta, muốn biết về cô ta nhiều hơn, nhưng chưa bao giờ dám nói “Hi” tới cô ấy.

Bạn đang đặt chân tới 1 siêu thị, vô tình nhìn thấy anh bạn khi xưa học cùng Đại Học. Thay vì tay bắt mặt mừng và hỏi han chuyện trò, thì bạn lại nhanh chóng dạt qua một bên. Chờ anh ta bước qua, rồi nhanh chóng chuyển hướng qua khu vực khác và thở phào nhẹ nhõm.

Hay bất cứ khi nào bạn định mở mồm ra để nói thì cái cảm giác đó lại ùa về. Bạn  nghĩ rằng những gì mình nói sẽ ngu ngốc và ngớ ngẩn trong mắt người khác. Sau cùng tất cả những gì bạn có thể làm là NGHĨ… NGHĨ… và NGHĨ.

Bạn bắt gặp thông tin tuyển dụng ngay trên Facebook. Công việc rất phù hợp với năng lực của một sinh viên mới ra trường như bạn. Rồi bạn quyết định sẽ nhấc máy lên và gọi. Nhưng những gì bạn nghe thấy là nhịp đập của tim mình chứ không phải giọng nói từ đầu dây bên kia. Sau cùng bạn vẫn chưa hề gọi.

Những điều trên có quen thuộc với bạn không? Nếu có, bạn cũng khá nhút nhát đấy. Và nhiệm vụ của tôi là giúp đỡ bạn thoát khỏi cảnh trên.

Nhút nhát là kẻ thù mà chúng ta phải chiến đấu hết thời điểm này đến thời điểm khác, nó dựa trên kinh nghiệm và tình huống để khoa trương sức mạnh của chính mình. Tôi có thể khẳng định với bạn rằng nhút nhát là điều hoàn toàn bình thường, kể cả những người cứng rắn nhất đôi khi sẽ cảm thấy nhút nhát trong tình huống nào đó. Tuy nhiên, nếu sự nhút nhát của bạn không được quản lý và khắc chế một cách hợp lý, nó sẽ cản trở bạn rất nhiều trong cuộc sống này.

Các nghiên cứu cũng chứng minh rằng NHÚT NHÁT là một trong những yếu tố kém thu hút nhất của đàn ông trong mắt phụ nữ. Đừng hiểu lầm, phụ nữ đôi khi cũng muốn người đàn ông của mình bẽn lẽn một chút, e thẹn một chút, hoặc nhút nhát một chút. Nhưng cái sự mong muốn đó chỉ tồn tại trong thời gian vô cùng ngắn ngủi mà thôi. Toàn thời gian còn lại, phụ nữ muốn một người đàn ông theo cách ngược lại, tự tin, mạnh mẽ, và số 1.

OK, giờ là lúc chúng ta sẽ tìm hiểu về bản chất của sự nhút nhát.

Bản chất của sự nhút nhát trong con người bạn

Nhút nhát là tập hợp của sự sợ hãi, không thoải mái, lo lắng, ngượng nghịu, và e dè khi chúng ta phải tiếp xúc hoặc tương tác với một ai đó hoặc một nhóm người nào đó. Khi chúng ta rơi vào trạng thái nhút nhát, không chỉ trạng thái tâm lý cũng bị ảnh hưởng mà cơ thể vật lý của chúng ta cũng bị tác động nữa. Chẳng hạn như mạch đập nhanh, lòng bàn tay ra nhiều mồ hôi, hoặc cơ thể cảm thấy nóng nực từ bên trong. Lúc này có thể bạn sẽ nói với nhịp điệu nhanh hơn thông thường và run hơn thông thường. Nhưng tệ hơn cả, đó là việc bạn sẽ mất khả năng tập trung, bắt đầu suy nghĩ tiêu cực, và đánh giá người khác cũng như tự đánh giá chính mình.

Nhưng kỳ thực, nhút nhát cũng chỉ là 1 tiến trình trong hàng trăm hàng vạn tiến trình của não bộ chúng ta mà thôi. Chẳng hạn như tôi đang viết trên trình duyệt Chrome, nó cũng chỉ là 1 tiến trình trong hàng trăm tiến trình mà máy tính đang chạy đấy thôi.

Có rất nhiều người nhầm lẫn nhút nhát với tuýp người Introvert (người hướng nội). Theo đó những người hướng nội chỉ đơn giản là những người KÉM THÍCH giao lưu xã hội hơn những người Extrovert (hướng ngoại) mà thôi. Mặc dù những người hướng nội chỉ có khoảng 2, 3 người bạn và chỉ thường xuyên kết giao với những người này, nhưng không vì thế mà họ cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi khi phải xuất hiện trước đám đông. Một người hướng nội sẽ chẳng bao giờ gặp vấn đề với phụ nữ cả, nhưng một người nhút nhát thì có. Thế nên đừng hiểu nhầm và đánh đồng chúng với nhau.

Tôi là một người hướng nội. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Có thời gian tôi chỉ thích làm việc hoặc nghiên cứu thứ gì đó… 1 mình. Nhưng có những thời gian tôi lại muốn gặp gỡ và giao lưu bạn bè, nhưng xét cho cùng nếu tôi đang phải giải quyết thứ gì đó yêu cầu sự tập trung cao thì MỘT MÌNH luôn là lựa chọn tối ưu nhất của tôi.

Sự thịnh hành của nhút nhát

Trong quá khứ tôi là người nhút nhát, tôi không phủ nhận điều này. Không biết bạn thế nào chứ tôi luôn phải đấu tranh tư tưởng mãi để thoát khỏi cảnh này. Nhưng kỳ thực thì tôi cũng không cô đơn. Bởi theo các nghiên cứu thì có tới một nửa dân số trên hành tinh này cho rằng mình nhút nhát, và có tới 95% cho rằng họ từng nhút nhát ở thời điểm nào đó trong cuộc sống của mình. Thậm chí 10 Pickup Artist thì có tới 6, 7 người thú nhận rằng trước kia mình từng là một người nhút nhát.

Chính vì thế nếu bạn nhút nhát thì cũng đừng lo lắng quá. Không phải chỉ mình bạn phải đối mặt với căn bệnh này. Có điều bạn cần phải tìm cách vượt qua nó càng sớm càng tốt, bởi nó có thể gây cho bạn rất nhiều phiền toái trong cuộc sống.

Nhút nhát hình thành từ đâu?

Nhút nhát hay ngại giao tiếp xuất phát từ sinh lý của mỗi cá nhân, môi trường, và những nhân tố liên quan đến trải nghiệm. Nó không xuất hiện cùng thời điểm khi bạn sinh ra mà sẽ đồng hành cùng bạn ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, như ví dụ ở phần đầu bài viết “Khi bé thì đánh nhau suốt, nhưng càng lớn thì càng nhát.”

Ngoài ra một nửa của sự nhút nhát hình thành do tính cách của từng cá nhân nữa. Ví dụ như một đứa trẻ ngay khi còn bé đã thường có những phản ứng nhút nhát thì đa phần lớn lên nó sẽ nhút nhát. Ngoài ra nó còn kế thừa bởi tính cách của bố hoặc mẹ rất nhiều. Nếu cha/mẹ của bạn nhút nhát, nó cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn trở thành người nhút nhát (nhưng cũng có thể ngược lại)

Trên thực tế nó chính là trải nghiệm của bạn tại một hoặc nhiều thời điểm nào đó trong quá khứ. Đó là yếu tố quan trọng nhất hình thành nên gốc rễ của sự nhút nhát.

Và một trong những yếu tố quan trọng cuối cùng đó còn là cơ hội giao tiếp nữa. Nếu một người nhút nhát thường xuyên được giao tiếp, thường xuyên được trò chuyện, thường xuyên được kết bạn, thường xuyên được chia sẻ ý kiến của mình tới những người khác, thì anh ta/chị ta sẽ nhanh chóng thoát khỏi sự nhút nhát chỉ trong một thời gian ngắn. Nhưng đó phải là tương tác thật, giữa con người với con người ngoài đời thực, chứ không phải qua điện thoại, qua máy tính, v.v…

READ: Cách giao tiếp bằng mắt

Tôi nghĩ bài 1 như vậy là đủ rồi. Bài 2 tôi sẽ nói về những suy nghĩ khiến bạn cảm thấy nhút nhát. Nhưng tôi muốn nói với bạn rằng chúng ta không thể thay đổi về quá khứ của mình, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cách chúng ta suy nghĩ về hiện tại hoặc về tương lai. Đó mới chính là điều quan trọng nhất giúp bạn thoát khỏi nhút nhát. Và hãy để tôi cùng làm việc đó với bạn trong những bài viết tiếp theo.

Your bro,

Lai H.

Đăng bởi: Hữu Phước Trần

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก