Phái Mạnh Phát Triển Bản Thân

Dũng cảm bước đi hay dũng cảm ở lại?

Ở lại hay bước đi, không thực sự quan trọng, mà với tâm thế gì mới là quan trọng.

phát triển bản thân, top stories, tu thân, dũng cảm bước đi hay dũng cảm ở lại?

Khá nhiều anh em hỏi câu này: đi hay ở? Tất nhiên là có kể tôi nghe chi tiết trong một tình huống cụ thể, nhưng cũng rất khó để cho anh em một lời khuyên chính xác, là nên ở lại hay bước đi.

Sẽ có người khuyên anh em, hãy dũng cảm bước ra và bắt đầu lại, hãy tin vào khả năng của chính mình. Phải đóng cánh cửa cũ lại, để cánh cửa mới được mở ra chứ.

Nghe hợp lý vô cùng, đúng không anh em?

Nhưng cũng có người khuyên anh em, hãy dũng cảm ở lại, đừng trốn chạy nữa, đối diện với cái mình sợ hãi nhất, với những ai làm mình khó chịu nhất, để tâm anh em thêm sức bền và lỳ đòn hơn nữa.

Hãy kiên nhẫn đến tận cùng, vì không nhẫn, đời không nể, câu này tôi cũng hay nói.

Nghe thế này lại cũng quá thuyết phục đó chứ, vì cứ chạy mãi, chạy mãi, cũng đâu bao giờ kiếm được nơi nào phù hợp với mình hoàn toàn. Nếu có thì nó không phải là game đời rồi.

Đa phần thì anh chị em hay kẹt ở ngay ngã ba nhất, chủ yếu ở hai mảng chính. Một là kẹt trong chuyện tình cảm, bỏ thì thương, mà vương thì tội. Hai là kẹt trong chuyện công việc, bỏ thì đói, mà ở lại thì stress. Nó sẽ luôn lẩn quẩn trong hai mảng đó, loay hoay chọn mãi, chọn đi chọn lại là xong hết một kiếp người.

Vậy rút cuộc, nên dũng cảm bước đi hay ở lại?

Sự thật, bước đi hay ở lại không thực sự quan trọng… mà quan trọng là bước đi với tâm thế gì hay mình sẽ học được gì khi ra đi, hoặc, là ở lại với tâm thế gì và mình sẽ học được gì khi ở lại tiếp.

Cách đây 7-8 năm, có một bạn làm nội dung (content) khá tốt ở phòng marketing, rồi một ngày đẹp trời, bạn làm đơn xin nghỉ, chỉ nói có lý do đơn giản là có chuyện gia đình… nói chung 99% trường hợp xin nghỉ mà không bao giờ nói lý do thật, vì ngại.

Trưởng phòng có thuyết phục bạn đó rồi nhưng không có gì thay đổi. Trước ngày bạn đó nghỉ tầm 2 hôm, tôi có bảo bạn ấy lên gặp tôi một tý, không phải thuyết phục ở lại, mà tôi muốn hiểu xem bạn có đang gặp khó khăn gì không và coi thử trong team marketing có drama gì mà tôi chưa biết nữa không.

Cuộc nói chuyện qua lại cũng gần 1 tiếng, nhưng tôi sẽ tóm lược lại những ý chính lại để anh em đi thẳng vào trọng tâm. Hỏi nhanh bạn ấy qua lại sức khoẻ và chuyện đó đât một tý, rồi đi thẳng vào vấn đề.

Em có chỗ làm mới chưa, nếu có gì khó khăn hay cần hỗ trợ gì thì anh sẵn sàng, bạn im lặng khúc đấy. Bạn ấy bảo có chỗ mới rồi, tôi hỏi vui, chắc trả gấp đôi bên anh nên em mới đi phải không. Bạn cười, dạ không.

Thật ra đến khúc đó, nếu không phải vấn đề về tiền thì nó chỉ còn rơi vào vấn đề giữa người và người mà thôi. Chứ cơ bản, công việc có khó cỡ nào vẫn có thể điều phối lại được, chứ dính đến ‘cảm xúc’ thích hay không thích giữa con người với nhau thì xử lý nó phức tạp vô cùng.

Loanh quanh một hồi, bạn mới chia sẻ là thấy không hợp với cách làm việc của team nên muốn thử sức ở chỗ khác xem sao. Thật ra, tôi ủng hộ bạn thử cái mới, chứ không cố thuyết phục bạn ở lại, dù để mất đi một nhân sự chất lượng như vậy thì cũng là một bài học mà team quản lý cần xem xét lại.

Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, tôi chỉ chia sẻ thêm với em ấy 3 điều, nói đúng hơn là 3 sự thật về game đời mà em ấy sẽ gặp nó lập đi lập lại hoài,

Thứ nhất, làm ở đâu cũng có vấn đề cả. Được cái này, mất cái khác, người này ưu điểm cái này thì người kia lại khuyết cái khác, cho nên cố gắng đi tìm một nơi hoàn hảo, hợp với mình 100% là bất khả thi. Chỉ nên mong đợi tầm 60-70% đúng ý mình thì tương đối đúng thực tế hơn.

Hai là nỗi khổ trong mình là do mình đang tự làm khổ mình hay do người khác và môi trường đó làm khổ mình, phải cần quan sát lại. Nếu làm ở công ty A thấy ngộp ngạt khó thở quá thì cứ mạnh dạn chuyển công ty B. Nếu qua cty B vẫn stress thì cứ dũng cảm chuyển công ty C… Cứ vậy đến 5-6 công ty, đến tận công ty thứ 7 mà anh em vẫn khổ, thì khả năng cái khổ đấy nó không do tác nhân bên ngoài… mà do tâm lý của anh em đã nhìn sự việc còn ảo quá.

Anh em mang nỗi khổ của mình đi rải rác khắp nơi, xả rác đủ chỗ, nhưng khi tâm anh em bốc mùi thì anh em lại đỗ lỗi do người này, do môi trường kia làm anh em ra như thế.

Phải quan sát, dù không có sự có mặt của anh em, 6-7 công ty kia họ vẫn tồn tại bình thường mà, nên phải quan sát rất kỹ cái khổ đang diễn ra, là do mình hay do người ta.

Cuối cùng là ở lại hay bước đi, không thực sự quan trọng, mà với tâm thế gì mới quan trọng.

Ở lại, mà tâm thế bực dọc, cố nhịn làm để vì tiền lo cho gia đình thì anh em đang tự giết tâm hồn đi mỗi ngày, nó vừa hại cho anh em, mà vừa hại cho tổ chức, và hại cho cả khách hàng, vì tâm anh em không yên thì kết quả công việc cứ chập chờn.

Đã ở lại thì xác định, vẫn phải đàng hoàng nhiệt tâm với công việc, vì nó không chỉ tốt cho công ty mà là tốt cho anh em nữa. Anh em đang làm cho chính mình thông qua các phương tiện và nhiệm vụ mà công ty đang giao, anh em phải nhận ra điều đó. Tâm anh em hoan hỷ thì nó sẽ thu hút những năng lượng tương tự.

Còn nếu ra đi thì sao?

Cũng tốt chứ, nhưng ra đi không phải với cái tâm thế hằn học, mà anh em đã trải nghiệm đủ ở môi trường đó rồi, anh em bước đi tiếp để học những bài học mới. Cái dấu hiệu dễ thấy nhất, khi ra đi với sự chân thành, thì lỡ có đi đâu, mà gặp lại sếp cũ hay đồng nghiệp cũ, ít nhất anh em vẫn ngẩng cao đầu cười với nhau một cái hay chỉ gật đầu nhẹ rồi lướt qua… chứ không phải cố né mặt nhau như oan gia.

Tất nhiên có vài con người, anh em không thể nhìn mặt lại được, không chấp nhận được… nhưng cuộc đời mà anh em, ai rồi cũng phải học bài học của mình với cái giá khác nhau, nên không làm gì cho nhau tốt hơn thì cũng đừng ôm hận thù làm gì. Cái gì họ cần học thì họ sẽ được học, riêng anh em tập trung những bài học của mình là được rồi.

Đến giờ bạn content đó vẫn còn giữ liên lạc với tôi, cũng trải qua đủ thứ chuyện, có nói với tôi thế này, thay vì tốn thời gian để thay đổi người thì em dùng thời gian đó để thay đổi mình nhiều hơn, tôi nghe thế, mừng cho em ấy.

Còn chuyện tình cảm, nó cũng như thế thôi anh chị em ạ. Tình cảm nam nữ, hôn nhân gia đình, anh em bạn bè, mỗi mối quan hệ là một bài học cho cả hai bên.

Nếu ở lại thì cả hai cùng học bài học A, còn đường ai nấy đi thì mỗi người sẽ học bài học khác nhau. Nên để quyết định, ở lại hay bước đi, chỉ cần bình tĩnh lại, xem tâm mình đang như thế nào khi quyết định đi hướng đó.

Khó nhất là lúc đó máu quá rồi, nên ít khi anh em nhìn lại, nên mấy chuyện đổi việc, hay đổi chồng, đổi vợ, nếu quyết bước ra lắm rồi, thì cứ viết xuống giấy, hôm nay ngày mấy, tháng mấy, tôi muốn nghỉ việc,… cứ để đó, 1 tháng sau, vẫn muốn nghỉ tiếp, cứ ghi xuống, nếu 3 lần, anh em vẫn muốn nghỉ thì nghỉ ngay lập tức đi, vì cứ ở lại mà tâm anh em ức chế thế này thì khổ cho tất cả.

Mà anh em phải luôn tự nhắc, nếu không làm được gì tốt đẹp cho nhau, thì ít nhất cũng đừng làm khổ nhau, còn ở lại hay bước đi, chủ yếu là mình học được gì khi đi con đường đó. Vậy thôi.

    Đăng bởi: Huế Thương

    ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก