Cao Bằng Hà Giang Lạng Sơn

Kinh nghiệm du lịch phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn

Trong những năm gần đây, phượt đã trở thành một trào lưu mạnh mẽ thu hút các bạn trẻ đam mê xê dịch tham gia. Đây là hình thức du lịch trải nghiệm những cung đường tuyệt đẹp theo một hành trình do mình tự nghiên cứu và sắp xếp hơn là những tour du lịch trọn gói mang tính sắp đặt. Trong các chuyến đi ấy, mỗi người lại có những mục đích khác nhau, có người đi để tự hào kể về những thành tích và chặng đường mình đã đi qua, có người miệt mài chinh phục những cột mốc mới. Còn với tôi, nhấc ba lô lên và đi chỉ vì đam mê xê dịch đã ăn vào máu, là khát khao được đặt chân và khám phá các cung đường tuyệt đẹp trên mọi miền tổ quốc. 

Chính vì vậy, khi tham gia du lịch phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn, tôi cũng chỉ cố gắng để có thể trải nghiệm và khám phá được những nét độc đáo riêng của từng điểm đến một cách trọn vẹn nhất. Tôi lên cung đường khá căng vì phải rong ruổi một quãng đường rất dài (khoảng 850km) chỉ trong vòng hơn 4 ngày.

kinh nghiệm du lịch phượt hà giang – cao bằng – lạng sơn

Phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn

Danh mục nội dung

Kinh nghiệm đi phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn 

Ngày 1: Hà Nội – Hà Giang

Đi Hà Giang bằng phương tiện gì, đi như thế nào? Chúng tôi đi xe máy nên đã chọn tuyến đường qua QL32, tổng quãng đường từ Hà Nội lên Hà Giang dài 311km và đi mất 7 giờ 20 phút. Chúng tôi xuất phát lúc 13h đi theo hướng Đại lộ Thăng Long, sau đó đi theo hướng QL21 lên Sơn Tây.

Từ đây, chúng tôi đi qua cầu Trung Hà đến Cổ Tiết, sau đó qua cầu Phong Châu đi QL32, đến địa phận tỉnh Phú Thọ thì rẽ trái vào QL2. Từ đây, chúng tôi tiếp tục chạy thẳng đến vòng xuyến tại quốc lộ 2C đến địa phận thành phố Tuyên Quang. Đến đây, chúng tôi đi theo QL2 đến Hàm Yên, Bắc Quang, Vị Xuyên là đến thành phố Hà Giang.

kinh nghiệm du lịch phượt hà giang – cao bằng – lạng sơn

Phượt Hà Giang bằng xe máy

Ngày đầu tiên là ngày phải di chuyển nhiều nhất và khá mệt mỏi, chúng tôi phải chạy men dọc khu vực biên giới phía Đông Bắc của đất nước mà không có thời gian dừng chân để ngắm bất kỳ cảnh đẹp nào. Đường khá khó đi lại nhiều đá dăm nên có đến 3 xe trong đoàn bị thủng lốp, đến tối mịt chúng tôi mới tới được thành phố Hà Giang.

Đi Hà Giang nên ở đâu, khách sạn nào? Chúng tôi đặt trước nhà nghỉ Lan Hương nên khi đến nơi chỉ việc nhận phòng. Phòng hơi nhỏ và các trang thiết bị chưa đầy đủ lắm nhưng với giá 120.000đ/đêm thì khá hợp lý và không có gì để phàn nàn. Nếu chỉ để có chỗ tắm rửa và nghỉ ngơi thì đây là một lựa chọn phù hợp. Buổi tối hôm đó chúng tôi dành cho ăn uống, nghỉ ngơi và chụp ảnh ở mốc lộ giới.

Ngày 2: Hà Giang – Quản Bạ – Yên Minh – Đồng Văn

Phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn nên đi đâu chơi? Buổi sáng, chúng tôi dậy từ 5h30 để vệ sinh cá nhân, ăn sáng, sắp xếp đồ đạc, đổ xăng và lên đường. Dưới đây là những điểm dừng chân trong ngày thứ hai của chúng tôi.

  • Quản Bạ

Men theo sông Miện, chúng tôi rời thành phố để đến Quản Bạ. Dọc đường đi có một đoạn đường đèo rất đẹp, hai bên đường là những ruộng ngô xanh mơn mởn, phía xa xa là dãy núi đá nhấp nhô được mây trắng bao phủ. Từ trên đèo nhìn xuống, con đường chúng tôi vừa đi qua như con rắn uốn lượn quanh ngọn đồi.

Từ Hà Giang đi đến Quản Bạ khoảng gần 50km, nơi đây nổi tiếng với Núi Đôi nằm ngay trên đường qua thị trấn Quản Bạ. Có hai cách để ngắm Núi Đôi, một là đi xuống phía dưới đèo một đoạn, hai là trèo lên đỉnh đèo ngay bên dưới chân cổng trời Quản Bạ. Riêng tôi thì thấy đường bên dưới khá thoáng, góc chụp ảnh đẹp hơn mà lại không phải leo trèo.

kinh nghiệm du lịch phượt hà giang – cao bằng – lạng sơn

Núi đôi Quản Bạ

  • Yên Minh

Đi qua Quản Bạ, vượt hơn 60km nữa chúng tôi đến Yên Minh. Đoạn này gần cao nguyên đá Đồng Văn nên những dãy núi đá xuất hiện nhiều hơn. Chúng tôi hăng say và miệt mài với những dốc quanh, những con đèo. Đoạn đường gần tới Yên Minh rất đẹp, nhất là một đoạn hai bên đường trồng toàn thông vô cùng lãng mạn tựa con đường ở Đà Lạt, những ngọn núi phía xa được mây trắng lượn lờ bao quanh giống đường đèo ở Sapa. Nơi đây chính là sự giao hòa giữa núi non hùng vĩ và cảnh đẹp nên thơ.

  • Cao nguyên đá Đồng Văn

Rời thị trấn Yên Minh cũng là lúc giữa trưa trời dần nắng gắt, chúng tôi đổ xăng rồi tiếp tục di chuyển tới cao nguyên đá Đồng Văn, một địa điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Giang. Khi đặt chân đến đây, tôi hoàn toàn choáng ngợp và sững sờ với khung cảnh trước mắt. Đúng như tên gọi, khắp nơi toàn là đá và chẳng có gì khác ngoài đá. Đá dọc ven đường, những quả đồi toàn đá, nước chảy qua đá, ngô mọc trên núi đá, nhà dân nằm trên đá. Những con đèo ở Đồng Văn vòng vèo quanh co như con rắn khổng lồ bò bên dãy núi đá.

Đến với cao nguyên đá Đồng Văn, tôi mới thực sự cảm nhận được sức sống của con người và thiên nhiên nơi đây mãnh liệt đến nhường nào. Những rễ cây quấn quanh đá, hiên ngang đâm chồi nảy lộc và ra hoa kết trái. Những ngôi nhà cheo leo nằm trên vách đá. Người dân Đồng Văn nằm trên núi đá và sống cùng đá.

kinh nghiệm du lịch phượt hà giang – cao bằng – lạng sơn

Cao nguyên đá Đồng Văn

Dinh Vua Mèo

Rời cao nguyên đá, chúng tôi ghé thăm dinh Vua Mèo hay còn gọi là dinh họ Vương. Ngôi nhà cổ đẹp và kiên cố nằm dưới thung lũng như một pháo đài bất khả xâm phạm. Xung quanh nhà được bao quanh bởi những cây thông mọc thẳng như muốn vươn lên trời xanh. Ngôi nhà phảng phất nét ma mị và mang vẻ đẹp liêu trai vô cùng ấn tượng.

  • Cột cờ Lũng Cú

Từ dinh họ Vương, chúng tôi phải đi hơn 26km để tới cột cờ Lũng Cú. Đoạn đường đá khá khó đi với toàn đá là đá, nhưng bù lại màu xanh mơn mởn tràn đầy sức sống của những cánh đồng ngô dọc bên đường như khiến quãng đường bớt nhọc nhằn hơn. Những dãy núi đá nhấp nhô dần xuất hiện trên đường đến Lũng Cú, có dãy như những đọt măng rừng nhọn hoắt đâm toạc bầu trời, khi lại giống những con sóng nối nhau dập dềnh ngoài biển.

Khi đặt chân đến mảnh đất địa đầu tổ quốc, niềm hạnh phúc và tự hào dân tộc ngập tràn trong tôi ngay khoảnh khắc nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên ngọn tháp, thấy ngọn núi hùng vĩ đứng hiên ngang đặt dấu mốc bắt đầu trên tấm bản đồ hình chữ S.

  • Thị trấn Đồng Văn

Rời Lũng Cú, chúng tôi rẽ về thị trấn Đồng Văn qua Ma Lé. Sau hơn 20km đường đèo, đoàn về tới quán café Phố Cổ và nghỉ lại đây. Quán là một homestay với giá tốt chỉ 50.000đ/người, tuy hơi nhiều muỗi nhưng phòng sạch sẽ và có đệm êm nên chúng tôi khá hài lòng.

Đây là một trong những ngôi nhà đẹp nhất nhì phố cổ Đồng Văn với kiến trúc rất độc đáo. Nhà được thiết kế hình vuông, từ trên cao nhìn xuống là một khoảng trống hình ô vuông, đây chính là sân chơi, uống trà và là nơi đón ánh sáng cho ngôi nhà. Buổi tối, cả đoàn ăn uống, thử rượu ngô, dạo quanh phố cổ rồi quay về homestay nghỉ ngơi. Vậy là kết thúc ngày thứ hai vô cùng tuyệt vời.

Ngày 3: Đồng Văn – Lũng Cú – Mèo Vạc – Bảo Lạc

Tiếp tục lịch trình du lịch phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn, ngày thứ 3 này chúng tôi thức dậy khá muộn. Ngay đối diện homestay là khu chợ sầm uất với những gian hàng và quán café được dựng bằng đá. Bên đường có rất nhiều hàng ăn hấp dẫn, chúng tôi chọn một gian hàng nhỏ bán bánh cuốn nóng rất thơm ngon. Sau khi ăn sáng, chúng tôi lên đường đến với Mã Pí Lèng và Mèo Vạc.

  • Mã Pí Lèng

Vẫn là những núi đá hùng vĩ nhấp nhô, Mã Pí Lèng mờ ảo trong sương sớm biến chúng tôi thật nhỏ bé giữa đất trời. Nắng đẹp trên Mã Pí Lèng khiến lòng tôi lâng lâng, cả thế giới như nhỏ lại phía sau lưng. Tôi không thể diễn tả cảm xúc bằng lời khi đứng bên đèo ngắm dòng Nho Quế ôm trọn núi đồi quanh co. Tôi như lặng đi trước vẻ đẹp hùng vỹ và hoang sơ của thiên nhiên nơi đây và chẳng muốn cất bước rời xa.

kinh nghiệm du lịch phượt hà giang – cao bằng – lạng sơn

Mã Pí Lèng

  • Mèo Vạc

Tạm biệt Mã Pí Lèng trong nắng vàng rực rỡ, chúng tôi đi tiếp đến Mèo Vạc. Ấn tượng của tôi khi đến Mèo Vạc là khung cảnh bình yên của các bản làng nơi đây. Những người phụ nữ Mông đưa thoi lách cách dệt vải lanh trước hiên nhà, tiếng khèn của người đàn ông với những làn điệu dân ca da diết, những đứa trẻ ngây thơ nô đùa trên đường, xa xa làn khói tỏa trên mái ngói chiều hôm… Đó chính là hạnh phúc bình dị và giản đơn khiến những khách phương xa như chúng tôi nao lòng.

Chúng tôi tiếp tục đi theo QL4B, sau đó qua cầu Lý Bôn, rẽ trái vào QL34 rồi đi thẳng, đến 18h là đến thị trấn Bảo Lạc. Tôi đã đặt phòng trước ở khách sạn Sông Gâm nên chỉ việc nhận phòng. Phòng ốc ở đây khá rộng rãi và sạch sẽ, chị chủ cũng nhiệt tình mà phòng chỉ có 180.000đ/đêm. Đặc biệt, khách sạn có view nhìn ra sông Gâm rất đẹp. Nhận phòng và tắm rửa sạch sẽ xong, chúng tôi chạy khoảng 1,2 km là vào trung tâm thị trấn để ăn uống. Đồ ăn ở đây khá đa dạng và ngon. Cuối cùng, chúng tôi quay về khách sạn để ngủ sớm và chuẩn bị sức cho hành trình ngày hôm sau lên Thác Bản Giốc.

Ngày 4: Bảo Lạc – Cao Bằng – Trùng Khánh

Đến Cao Bằng nên đi đâu chơi? Sau khi ăn sáng, khoảng 8h30 chúng tôi rời thị trấn Bảo Lạc đi Trùng Khánh. Hai bên đường đi là những ruộng ngô xanh bát ngát, phía xa xa đồi núi trập trùng, đường đẹp và thời tiết cũng đẹp nên chúng tôi di chuyển khá thuận lợi. Từ Bảo Lạc đến Cao Bằng khoảng 130km, trong đó 30km đầu và khoảng 40km cuối gần tới Cao Bằng thì đường khá rộng đẹp, còn lại 60km khúc giữa thì đường khá nhiều ổ gà.

Khi còn cách thị xã Trùng Khánh hơn 20km chúng tôi đến động Ngườm Ngao và quyết định leo lên khám phá động. Sau khi gửi xe, chúng tôi đi bộ khoảng 1km là đến động. Bên trong động rất đẹp, có nhiều khối đá nhũ muôn hình vạn trạng như hoa sen, cột trụ trời, ông địa, đá vàng, đá bạc lấp lánh. Ra khỏi động, cả đoàn ai nấy đều đói run chân tay nên quãng đường đi bộ ra bãi đỗ xe như dài đến 10km.

  • Thác Bản Giốc

Rời động, chúng tôi đi tiếp khoảng 5km nữa là đến thác Bản Giốc. Điều đặc biệt là thác này thuộc chủ quyền của cả Việt Nam và Trung Quốc. Thác Bản Giốc có nhiều tầng. Chúng tôi leo theo đường mòn lên trên tầng cao nhất của thác, trời vừa mưa nên khá trơn và nguy hiểm.

Tầng 3 của thác là một lòng chảo, tầng 2 như một hồ chứa đổ nước xuống hồ và chảy tiếp xuống tầng 1. Chúng tôi xuống phía dưới rồi đi thuyền tre ngắm cảnh xung quanh, có nhiều nhà chòi khá lạ mắt được dựng giữa núi rừng. Cảnh tượng nơi đây như một bức tranh sơn thủy hữu tình tuyệt đẹp và tôi đã lưu lại được khá nhiều hình ảnh.

kinh nghiệm du lịch phượt hà giang – cao bằng – lạng sơn

Thác Bản Giốc

  • Trùng Khánh

Chơi ở thác đến khoảng hơn 17h, chúng tôi trở về thị trấn Trùng Khánh để nghỉ ngơi. Trên đường đi gặp cơn mưa khá to, nhưng cũng nhờ vậy mà chúng tôi được chiêm ngưỡng cung đường tuyệt đẹp và vạn vật như được gột rửa tinh khôi sau cơn mưa.

Khu vực trung tâm thị trấn Trùng Khánh khá sầm uất và có nhiều công trình đang được xây dựng nhằm phát triển du lịch, nhất là đoạn đường đi thác Bản Giốc. Chúng tôi đi vào khu thị trấn cũ để nhận phòng ở nhà nghỉ Minh Đức. Phòng ở đây rộng rãi và khá mới, giá lại khá mềm với chỉ 250.000đ/đêm. Đồ ăn ở thị trấn khá rẻ và ngon, chi phí khoảng 50.000đ/người. Vậy là chúng tôi đã trải qua ngày thứ tư với tổng hành trình hơn 250km.

Ngày 5: Trùng Khánh – Lạng Sơn

Đường từ Lạng Sơn đi Hà Nội bao nhiêu km? 7h sáng ngủ dậy, cả đoàn dọn dẹp đồ đạc rồi lên xe chạy từ Trùng Khánh về lại thị trấn Quảng Uyên cách đó khoảng 25km. Rẽ vào chợ Quảng Uyên, chúng tôi ăn món bún thập cẩm nổi tiếng ở đây. Món này ngon, khá dễ ăn và theo tôi thấy thì người dân ở thị trấn cũng tới đây ăn rất đông.

Từ Quảng Uyên, chúng tôi đi QL3 qua Phúc Hòa rồi theo TL208 tới thị trấn Đông Khê. Từ đây, chúng tôi đi một mạch đến QL4A rồi tới Thất Khê, Na Sầm, thị trấn Đồng Đăng. Còn cách thị trấn khoảng 10km thì có một lối rẽ trái vào cửa khẩu Tân Thanh, đây là nơi buôn bán giao thương với Trung Quốc vô cùng sầm uất. Các bạn nữ trong đoàn rất háo hức và mua sắm được nhiều đồ rẻ đẹp.

kinh nghiệm du lịch phượt hà giang – cao bằng – lạng sơn

Chợ cửa khẩu Tân Thanh

Sau khi chụp vài tấm ảnh kỷ niệm ở cửa khẩu, cả đoàn chạy về thị trấn Đồng Đăng và dừng lại ăn trưa vào lúc 13h. Từ đây, chúng tôi chạy dọc theo QL1A về tới TP Lạng Sơn, tiếp tục chạy qua Bắc Giang, Bắc Ninh là về đến Hà Nội. Vậy là kết thúc hành trình du lịch phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn hơn 4 ngày với cung đường Đông Bắc tuyệt đẹp.

Những lưu ý trong lịch trình phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn 5 ngày 4 đêm

  • Nên đi Hà Giang vào thời điểm nào? Dù đi vào tháng nào thì bạn cũng có thể cảm nhận được hương vị rất riêng của núi rừng nơi địa đầu Tổ quốc mà không nơi đâu có được. Nếu muốn ngắm hoa mận, hoa đào, hoa cải vàng khoe sắc rực rỡ trên khắp sườn đồi thì bạn nên đến Hà Giang vào tháng 1. Muốn đi chợ tình Khâu Vai thì đi tháng 4 và tháng 5 là mùa nước đổ. Vào tháng 9, tháng 10 là mùa lúa chín vàng và tháng 11 là lúc hoa tam giác mạch nhuộm tím trời.
  • Đây là cung đường dài và địa hình tương đối phức tạp nên bạn cần bảo dưỡng xe kỹ càng và đừng quên mang theo săm lốp dự phòng.
  • Vùng núi phía Bắc thường hạ nhiệt vào ban đêm nên bạn cần mang theo quần áo giữ ấm ngay cả khi đi vào mùa hè. Bạn cũng nhớ mang theo đồ đi mưa vì rất dễ gặp những cơn mưa bất chợt.
  • Nên đặt trước phòng khách sạn để tránh trường hợp đến nơi không tìm được phòng hoặc phòng không ưng ý.
  • Cuối cùng, cung đường khá căng, phải di chuyển liên tục quãng đường dài nên bạn cần luyện tập và đảm bảo sức khỏe tốt trước khi đi.

Ngoài ra, một số chia sẻ liên quan khác có thể hữu ích với bạn: Du lịch Hà Giang nên mua gì làm quà, mua ở đâu tốt? Tổng hợp địa điểm du lịch, phượt nổi tiếng ở Cao Bằng thú vị

Trên đây tôi đã tổng hợp tất cả kinh nghiệm và những điều cần lưu ý trong hướng dẫn lịch trình du lịch phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn nên đi đâu, chơi gì mà tôi từng đi. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích trong chuyến đi sắp tới. Chúc bạn có hành trình thuận lợi và vui vẻ. Trên đây tôi đã tổng hợp tất cả kinh nghiệm và những điều cần lưu ý trong hướng dẫn lịch trình du lịch phượt Hà Giang – Cao Bằng – Lạng Sơn nên đi đâu, chơi gì mà tôi từng đi. Hy vọng bài viết sẽ mang lại cho bạn những thông tin hữu ích trong chuyến đi sắp tới. Chúc bạn có hành trình thuận lợi và vui vẻ.

Đăng bởi: Thành Vọng

YOLO! Khám phá các huyện ở Lạng Sơn

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก