Tâm Sự

Nhân tướng học có đúng không?

Nếu bạn còn thắc mắc nhân tướng học có đúng không thì cũng đường quên câu “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đừng trông mặt mà bắt hình dong, không phải cứ có chữ “học” thì là khoa học.

khoa học, nhận định, nhân tướng học, tâm lý học, amazon, nhân tướng học có đúng không?

Nhân tướng học liệu có chính xác không?

Trong những bộ phim đã xem, cá nhân tôi thường nhớ đến vai phản diện nhiều hơn các “the protagonist” (nhân vật chính) rập khuôn và một màu. Khả năng kiểm soát và tạo nút thắt trong phần lớn cốt truyện khiến “Kẻ phản diện” trở thành vai diễn không dành cho những tay mơ. Chẳng hề đơn giản để thể hiện được uy thế của Voldemort trong series “Harry Potter”, hoặc lột tả sự bệnh hoạn của Hannibal Lecter trong “Sự im lặng của bầy cừu”.

Bên cạnh khả năng diễn xuất và kịch bản, gương mặt “nhìn là biết đóng vai ác” của diễn viên cũng là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của nhân vật phản diện. Riêng chiếc mũi dẹt như loài rắn đã cho thấy rõ sự nham hiểm và quỷ quyệt của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Nụ cười nhếch mép bỡn cợt và cặp mắt xanh nhạt lạnh lẽo dường như là thứ không thể thiếu để khắc họa sự điên loạn của tay bác sĩ tâm thần kiêm kẻ sát nhân hàng loạt thích ăn thịt người. Đội casting dường như không thể không “trông mặt mà bắt diễn viên”, và yếu tố này đôi khi còn quan trọng hơn cả danh tiếng của người được chọn.

khoa học, nhận định, nhân tướng học, tâm lý học, amazon, nhân tướng học có đúng không?

Dưới góc nhìn khoa học, nhân tướng học có đúng không?

Không chỉ trong điện ảnh hay các loại hình nghệ thuật thị giác (điêu khắc, hội họa,…); việc mô tả chi tiết ngoại hình cũng từng rất thịnh hành trong văn học và âm nhạc, hay rộng hơn là trong bất cứ loại hình nghệ thuật nào có liên quan đến việc xây dựng hình tượng nhân vật.

Không phải tự nhiên các tác giả lại dụng công vào việc sáng tạo nhân vật với những đặc điểm ngoại hình và gương mặt cụ thể. Ngoài tác dụng phác họa chân dung bên ngoài; chúng còn là công cụ đắc lực để lột tả tính cách bên trong. Gương mặt góc cạnh đồng nghĩa với sự kiên định, đôi mắt long lanh đặc trưng cho nhân vật giàu cảm xúc, và chiếc mũi to bè thường gắn với những kẻ thô bạo.

Ý đồ này của người sáng tạo nghệ thuật; thực ra xuất phát từ tâm lý chung của số đông đại chúng, với quan niệm cho rằng có thể dựa vào ngoại hình – cụ thể là gương mặt, để đoán biết tính cách người đối diện.

Những thăng trầm và bộ mặt thật của Nhân tướng học

Và tâm lý này không phải chỉ mới xuất hiện trong thời đại của truyền thông PR và mạng xã hội nơi người ta trưng ra vẻ ngoài hào nhoáng, cũng như không chỉ bị bó hẹp trong không gian văn hóa mang đậm tính thần bí của phương Đông như lầm tưởng của nhiều người. Nhân tướng học (physiognomy) – nghĩa đen là thuật xem mặt người, thực chất có nguồn gốc từ Hy Lạp cổ đại. Nhiều học giả và triết gia uyên bác thời đó từng áp dụng rộng rãi nhân tướng học để đánh giá tính cách và năng lực người khác dựa trên vẻ bề ngoài. Nhà toán học Pythagoras thậm chí từng từ chối thu nhận một môn đệ vì tin rằng dung mạo người này thể hiện những tính cách xấu.

Trong giai đoạn này, quan niệm chủ đạo là nếu một người mang gương mặt giống với loài vật nào, họ cũng sẽ có tính cách tương tự loài vật đó. Người mặt chuột thì tinh ranh láu cá, mặt giống cừu thì nhút nhát dại khờ, đại loại thế. Không chỉ vậy, nó còn được cho là có khả năng chẩn đoán bệnh tật và cung cấp manh mối cho tương lai (tiên tri, bói toán).

Nhân tướng học từng được chấp nhận rộng rãi trong thời gian tương đối dài và nhận được sự quan tâm nghiên cứu khá đáng kể. Cho đến khi vấp phải sự chất vấn của nhiều học giả và bị coi là một thực hành phạm pháp vào cuối thời Trung Cổ, giá trị của nó sụt giảm nghiêm trọng rồi dần dần biến mất cùng thời điểm kết thúc thế kỷ XVI.

Nhưng thứ từng được xem là “trò mánh mung lang băm lừa gạt” này đã quay trở lại chẳng bao lâu sau đó. Sự tái xuất của “Nhân tướng học hiện đại” những năm cuối thập niên 1770 được đánh dấu bằng việc công bố tác phẩm “Luận về Nhân tướng học” gồm 4 tập của của mục sư người Thụy Sĩ Johann Kaspar Lavater. Dẫu cũng có những ý kiến chỉ trích phê bình, sự tái xác nhận giá trị của nhân tướng học nhìn chung vẫn được tán thành rộng rãi. Sức ảnh hưởng của nó lớn đến mức đã trở thành tiền đề cho nhiều ngành “khoa học” khác cũng dựa trên việc quan sát các đặc điểm bên ngoài để đánh giá tính cách và nhiều khía cạnh khác của một cá nhân.

Đặc biệt hơn, dưới sự hỗ trợ của những thành tựu khoa học đương thời (ví dụ như máy ảnh); và đặc biệt là các công cụ thống kê và thu thập dữ liệu hình ảnh, các nghiên cứu dựa trên nhân tướng học giờ đây đã có thể khoác lên mình hình hài của một ngành khoa học thực thụ.

Điển hình nhất có thể kể đến khoa não tướng học (tạm dịch từ “phrenology”). Người nghiên cứu não tướng học cho rằng hình dạng và các chỗ bướu lồi trên sọ đầu có thể giúp xác định kích thước của các phân khu não bộ cụ thể, từ đó đánh giá không chỉ về đặc điểm tính cách mà còn cả năng lực trí tuệ tương ứng với vùng lồi đó. Quan điểm này từng rất phổ biến trong thế kỷ XIX, nhưng đã bị bác bỏ hoàn toàn qua nghiên cứu cụ thể – cho thấy đó chỉ là một trò ngụy khoa học không hơn không kém.

Chúng ta không còn nghe bất kỳ về việc “bói đầu” này nữa và sẽ cảm thấy có chút thơ ngây, tuy vậy, trong quá khứ loại hình này từng thịnh hành và rất được tin tưởng. Quả là chuyện quái gì cũng có thể xảy ra trong quá khứ, và quả là chuyện quái gì cũng có thể không còn xảy ra trong tương lai nữa.

Sau đó không lâu, nhà tâm trắc học (psychometrics – nghiên cứu về việc đo lường tâm lý) người Anh thế kỷ XIX, Sir Francis Galton tin rằng có thể sử dụng nhân tướng học để xác định các đặc điểm về sức khỏe, bệnh lý, sắc đẹp và khuynh hướng phạm tội thông qua kỹ thuật “tổng hợp hình ảnh” (composite photography). Tuy nhiên, khi đặt các bức ảnh chụp những tên tội phạm dữ tợn xếp chồng lên nhau, kết quả thu được lại là một khuôn mặt trung bình với vẻ “đáng kính” hơn hẳn từng gương mặt riêng lẻ.

Tương tự, nhà tội phạm học (criminologist) người Ý Cesare Lombroso còn tin rằng hoàn toàn có thể xác định được đâu là kẻ phạm tội trong một đám đông. Nhưng cực đoan hơn, ông cho rằng tội phạm là những kẻ tiến hóa ngược (hay thoái hóa), tiến gần đến loài vượn hơn con người. Dựa trên công trình nghiên cứu gây chấn động vừa được công bố gần đó của Darwin, Lombroso viết: “Sự phạm tội có tính di truyền, và kẻ phạm tội có thể được xác định bởi các đặc điểm thể chất như chiếc mũi diều hâu hoặc đôi mắt đỏ ngầu”.

Ngoài ra, Lombroso còn là kẻ phân biệt chủng tộc khi quy các đặc điểm sắc tộc đặc trưng thành dấu hiệu nhận diện tội phạm: đôi mắt xếch của người Mông Cổ, phần hàm bạnh ra giống với người da đen, hay chóp sống mũi nhô cao tách biệt với lỗ mũi giống với những tộc người ở Trung Phi. Tất nhiên, quan điểm này hoàn toàn không mang giá trị khoa học. Nếu Lombroso đúng, lịch sử tội phạm thế giới đã không tồn tại tay trùm Mafia Al Capone – kẻ mang khuôn mặt bầu bĩnh của trẻ con nhưng lại không ngần ngại dùng bạo lực để đạt được mục đích, và hàng loạt những tên tội phạm khác vốn là vấn nạn của xã hội chứ không chỉ bản năng tự nhiên.

Nếu Lombroso đúng và nhân tướng học nói chung không phải trò lừa đảo khoác áo khoa học; lịch sử và tiến trình phát triển của nhân loại có lẽ đã rất khác. Có thể cuộc sống đã dễ dàng và đơn giản hơn, tôi nghĩ, có thể chỉ toàn người da trắng mắt xanh tóc vàng như mong muốn của kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy-2?

Hoặc không.

Charles Darwin suýt chút nữa đã không thể đặt chân lên con tàu Beagle để thực hiện chuyến hải trình lịch sử đưa loài người tìm về nguồn gốc của mình. Thuyền trưởng Robert FitzRoy cho rằng gương mặt và chiếc mũi của Darwin là biểu hiện của sự yếu đuối và thiếu kiên định; chứ không có vẻ gì là một chàng trai nhiệt huyết. Nhưng cũng may là vì vị sĩ quan người Anh này nhất mực tin vào nhân tướng học, ông đã cho Darwin thêm một cơ hội khi nhìn thấy vầng trán rộng thông minh của nhà tự nhiên học trẻ tuổi.

khoa học, nhận định, nhân tướng học, tâm lý học, amazon, nhân tướng học có đúng không?

Nhân tướng học đã nhiều lần thất thế, ngay cả với Charles Darwin cũng đã từng suýt là nạn nhân của nhân tướng học.

Một sự trùng hợp nhỏ, Darwin chính là anh họ của Sir Francis Galton; người đã đề ra kỹ thuật tổng hợp hình ảnh để tìm ra các đặc điểm dự đoán tội phạm, đồng thời cũng là người đầu tiên đưa ra khái niệm về thuyết ưu sinh (eugenics). Nếu quan điểm của Lombroso, dù thẳng thừng nêu ra các đặc điểm mang tính phân biệt chủng tộc, thì cũng chỉ gói gọn trong phạm vi dự đoán tội phạm với mục đích phòng ngừa cho xã hội. Trong khi đó, thuyết ưu sinh lại chính là căn nguyên quan trọng dẫn đến cuộc diệt chủng tàn bạo của Phát-xít Đức, với danh nghĩa thanh lọc sự thuần khiết của Chủng tộc Thượng đẳng dưới thời Đệ Tam Đế chế.

Nhân tướng học đã nhiều lần thất thế, nhưng cũng nhiều lần quay lại và tác động mạnh mẽ đến cách thức chúng ta nhìn nhận người khác. Nếu có điều gì đo đếm được, thì chỉ cần 1/10 giây để chúng ta đánh giá người mà mình gặp lần đầu tiên thông qua vẻ ngoài của họ. Chúng ta có thể cười chê trò lang băm não tướng học; mà không nhận ra bản thân mình là những nhà nhân tướng học ngây thơ và vô thức. Trong đa số trường hợp, tôi nghĩ chúng ta đều là những kẻ quy chụp.

Nếu tồn tại một thứ “thuộc về bản năng tự nhiên và có thể đánh giá được”, tôi nghĩ không phải đặc điểm khuôn mặt hay tính cách, mà chính là bản năng thôi thúc việc đánh giá người khác. Chúng ta luôn làm thế, và dù cho bản năng đánh giá bằng trực giác này có vẻ hiệu quả trong thời kỳ còn là những chú vượn cổ đáng yêu mải mê kiếm ăn trên đồng cỏ, chúng bắt đầu biến tướng khi xã hội chuyển biến phức tạp.

Sự xuất hiện của hệ thống định danh xã hội cùng hàng loạt yếu tố phức tạp khiến trực giác bớt hiệu quả hơn, đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đáng buồn là nó luôn hoạt động như một phần mềm chạy ngầm tốn kém bộ nhớ thỉnh thoảng mới có ích. Chúng ta đánh giá người khác qua ngoại hình, qua tên gọi, qua hành vi và qua hàng loạt những thứ “có thể nhìn thấy được” đồng thời liên hệ chúng với hàng loạt thứ “không thể nhìn thấy được” khác. Biết rằng cả thứ bên trong lẫn bên ngoài đều phức tạp và không còn đủ “thuần khiết”, đơn nghĩa để có thể xử lý bằng trực giác bản năng.

Vấn đề là, giả sử nhân tướng học đúng (giả sử thôi), bản thân nó khá vô hại; thứ nguy hiểm là những điều có thể xảy ra sau khi người ta tin vào nó. Sự hệ thống hóa các đặc điểm khuôn mặt, ẩn sau lớp vỏ thống kê và thu thập dữ liệu hình ảnh; cuối cùng sẽ không thể tránh khỏi trở thành công cụ để chúng ta phân loại người khác. Không phải chỉ có câu chuyện của Darwin hay Hitler, một điều “xưa như Trái Đất” là sự phân biệt nam nữ – vốn cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng của nhân tướng học.

Cái tên vốn chỉ là chuỗi các ký tự, đôi khi còn vô nghĩa; nhưng đã đủ sức tạo ra sự phân biệt trong giáo dục và tuyển dụng. Đặc điểm gương mặt có thể tác động lớn hơn hẳn, chẳng hạn như đến cả lá phiếu bầu quyết định vận mệnh của nhiều người. Nhận thức có thể dễ dàng bị định hướng, thậm chí đánh lừa bởi những thay đổi về hình ảnh và khuôn mặt. Muốn đắc cử tổng thống? Bí quyết là hãy cười nhiều.

Chiếc áo mới của nhà vua

Khi thôi thúc đánh giá người khác đã trở thành hành vi xã hội vô thức, không mấy bất ngờ khi nhân tướng học đang lăm le trở lại trong một diện mạo hoàn toàn mới, với sự hỗ trợ của AI và công nghệ nhận diện khuôn mặt.

Chúng đa phần vẫn xoay quanh những mục đích cũ: dự báo tính cách, phòng ngừa tội phạm, và gần đây hơn là đọc vị cảm xúc/thái độ hoặc xác định xu hướng tính dục, dựa trên việc thu thập và phân tích dữ liệu từ ảnh chụp chân dung. Nhưng như đã đề cập trong bài viết tóm lược về xác suất thống kê, chúng ta chỉ nên xem những gì liên quan đến thống kê như một mô hình mang tính dự báo hơn là sự thật chắc chắn. Không những thế, bản thân việc rút ra các dự báo cũng rất phức tạp, bởi cần có sự suy xét chính xác mối quan hệ giữa các yếu tố.

Thật ra chỉ cần dựa vào trực giác, chúng ta cũng có thể đoán biết người cười nhiều thì vui vẻ hạnh phúc, người có hành vi lịch thiệp nhiều khả năng thuộc về tầng lớp trí thức hoặc có địa vị và thu nhập cao. Sự tương quan giữa chúng dường như biểu hiện khá rõ rệt, và chúng ta có thể biết yếu tố nào nằm ở đầu nào của mũi tên nhân quả. Khi nhìn thấy nhiều trường hợp như vậy, nghĩa là thu thập lượng mẫu đủ lớn, rất dễ dàng để chúng ta đưa ra lời nhận xét về người ta chưa từng tiếp xúc.

Kịch bản khả quan nhất là vậy. Nhưng qua trường hợp của Al Capone hay việc các diễn viên hài kịch nổi tiếng như Robin Williams tự sát, lại cho thấy điều ngược lại. Trong xã hội bị chi phối bởi niềm tin vào việc đánh giá qua vẻ bề ngoài, cũng thật dễ hiểu khi cái chúng ta lựa chọn trưng ra chỉ là chiếc mặt nạ hoàn hảo không tì vết.

Không chỉ vậy, bản thân Darwin khi nhận xét về nhân tướng học từng nói đại khái rằng: việc sử dụng các cơ mặt theo tâm trạng có thể dẫn đến sự phát triển của các cơ này, tạo nên khuôn mặt với những đường nét hay đặc điểm cố định. Nhận định này từng được chứng minh qua thí nghiệm trong đó những người lớn tuổi ưa nổi giận vẫn trưng ra gương mặt nhăn nhó khó chịu, dù đã được yêu cầu thể hiện cảm xúc trung lập. Tính khí cau có và cục cằn dường như đã để lại dấu ấn hiện hữu trên gương mặt họ.

Nhân tướng học có đúng không?

Vẻ bề ngoài rất dễ đánh lừa chúng ta, nhất là khi con người luôn có xu hướng nhìn vào đó để đánh giá người lạ. Dùng máy tính và trí tuệ nhân tạo để xác định xu hướng tính dục nghe có vẻ hay ho và khách quan, ngoại trừ việc các thuật toán đằng sau vốn chỉ là sản phẩm của những cá nhân với cảm xúc và định kiến ẩn giấu. Chưa tính đến viễn cảnh xấu nhất khi AI đủ khả năng xác định chính xác 100% xu hướng tính dục qua phân tích khuôn mặt và trở thành công cụ cho những kẻ kỳ thị bảo thủ, việc nó được đặt tên là “Gaydar” (kết hợp giữa Gay và Radar) đã đủ được xem là một sự xúc phạm.

Đấy là chưa kể đến vấn đề hạn chế về mặt công nghệ. Năm 2018, hệ thống nhận diện khuôn mặt Rekognition của Amazon được mang ra thử nghiệm với kết quả không tốt cho lắm. Hệ thống này được giao nhiệm vụ nhận diện 535 thành viên Quốc hội Mỹ từ các bức ảnh – một nhiệm vụ không quá phức tạp. Kết quả thu được 28 trường hợp ghép nối sai. Con số tưởng như không đáng kể; nhưng sẽ là vấn đề nếu hệ thống này được đưa vào hỗ trợ lực lượng cảnh sát trong việc nhận diện tội phạm.

Ở phía ngược lại, liệu việc đánh giá chính xác hơn 500 người còn lại có quá cần thiết khi những chính chúng ta đã được trang bị sẵn trực giác với độ chính xác “đủ dùng”? Câu hỏi đặt ra ở đây không phải việc liệu công nghệ dùng AI để “bói” chính xác đến mức nào, mà là nó sẽ dẫn đến điều gì.

Biết rằng những vấn đề như tội phạm, tính cách… là những vấn đề có yếu tố xã hội, cách ta đối mặt với chúng cũng phức tạp và cũng là hành vi được định hình bởi các vệt xã hội. Chẳng hạn như khi ta nói về tội phạm, chẳng phải chính thước đo đạo đức và pháp luật được định ra bởi xã hội là thứ quyết định ai đó là tội phạm hay sao?

Vậy sẽ ra sao nếu chính xã hội đó lại bị chính những bản năng xã hội của mình, chẳng hạn như xu hướng thích đánh giá phân loại người khác, tạo ra một hiện thực xã hội mới khiến họ có những hành vi dựa trên nền tảng sai lầm?

Chúng ta liên tục phải dạy nhau rằng “Đừng đánh giá một quyển sách qua cái bìa”, hay “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn” đến mức chúng trở nên phổ biến và tôi cam đoan rằng ai đang đọc bài viết này cũng biết.

Chẳng ai lại đi nói lại mãi một điều hiển nhiên, trừ khi…

Trừ khi việc đó không hiển nhiên đến vậy. Và chúng ta trước nay luôn thích việc đánh giá phân loại, nhiều đến mức luôn phải tự dặn bản thân rằng đừng làm thế nữa.

Vì còn kiểu người nào lại luôn tự dặn bản thân đừng làm thế nữa, ngoài những người luôn dễ có xu hướng làm thế?

 Nguồn: facebook.com/teammonsterbox/posts/2793010114313070

Đăng bởi: Đạt Lưu

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก