Khám Phá

Những Món Bánh Truyền Thống Cực Ngon Của Việt Nam

Đất nước Việt Nam trải dài hình chữ S là một nước thiên về nông nghiệp có khí hậu nhiệt đới gió mùa và được chia thành ba miền rõ rệt: Bắc-Trung-Nam. Chính các đặc điểm khác nhau về vùng miền, địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu,..đã vô hình chung tạo nên những nét đặc sắc riêng biệt trong ẩm thực ở mỗi vùng miền. Với nền văn minh lúa nước nên rất nhiều món ăn và nguyên liệu nấu đều có nguồn gốc từ lúa gạo, nếp, bắp, mì khoai,…Nhưng mỗi nơi có một nét, một khẩu vị cũng như cách chế biến khách nhau và điều đó góp phần làm ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng.
Từ xa xưa, trong nền văn hóa, phong tục tập quán truyền thống Việt Nam thì các loại quà, bánh đã trở nên rất gần gũi, quen thuộc đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình và dần dần trở thành biểu tượng của mỗi vùng miền nói riêng cũng như Việt Nam nói chung. Theo thời gian những loại bánh ngày càng được chăm chút tỉ mỉ hơn để không chỉ đa dạng, phong phú về hình thức mà còn về hương vị do đó luôn chiếm được vị thế của mình trong lòng người yêu ẩm thực.
Hãy cùng sweets.vn tìm hiểu tinh hoa ẩm thực Việt Nam qua những loại bánh truyền thống cực ngon này nhé! Và đếm xem bạn đã được ăn qua bao nhiêu loại bánh trong tổng số những món này rồi. Let’s go!

1. Bánh Chưng – Bánh Tét đại điện cho Tết cổ truyền Việt Nam
Đây là 2 món bánh truyền thống không thể không nhắc đến trong danh sách này. Mỗi độ Tết đến xuân về thì đây là những món bánh luôn xuất hiện trong mâm cơm mâm cỗ của mọi gia đình.
Nếu Bánh Chưng là đặc sản của người miền Bắc thì Bánh Tét là đặc sản miền Nam, Bánh chưng hình vuông vức được gói bằng lá dong và Bánh Tét thì hình trụ dài và gói bằng lá chuối tươi. 
Bánh được làm với những nguyên liệu cơ bản: lá dong/lá chuối, lạt để buộc, gạo nếp, đỗ xanh, thịt heo và các loại gia vị,…Người làm bánh có thể gói bằng tay không hoặc gói theo khuôn và cần đảm bảo phải gói chặt tay để tránh bị vào nước khi luộc.
Bánh khi gói xong bánh sẽ được luộc, người ta thường luộc bánh chưng trong những chiếc nồi to, đổ đầy nước và đảm bảo lúc nào nước trong nồi cũng sôi và đầy trên mặt chiếc bánh trên cùng. Bánh chưng được luộc tầm 8 tiếng là chín, dền. Bánh được vớt ra, rửa sạch bằng nước lạnh và bảo quản trong điều kiện thoáng mát, tránh bị ôi, mốc.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

2. Bánh Giầy
Bánh Giầy là một loại bánh truyền thống của người Việt Nam nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với tổ tiên, trời và đất. Một địa danh gắn liền với bánh giầy đó là Quán Gánh-Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Bánh thường được làm bằng gạo nếp giã thật mịn, có thể có nhân đậu xanh và sợi dừa với vị ngọt hoặc mặn. Bánh thường được làm vào dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền và vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch (ngày Giỗ tổ Hùng Vương).
Để làm bánh người ta sẽ chọn loại gạo nếp ngon, đồ kỹ (có thể đồ hai lượt), rồi giã trong cối tới khi có được một khối bột nếp chín dẻo quánh. Đây là công việc đòi hỏi sức vóc, thường chỉ nam thanh niên làm vì bột nếp chín đặc biệt dính và quánh, việc nhấc chày lên cũng không đơn giản. Nếu giã không nhuyễn hẳn ăn còn hạt gạo sẽ mất ngon, dễ bị “lại” bánh.
Bánh sẽ được cắt thành từng lát mỏng, tròn, trắng ngần kẹp ở giữa là miếng giò cùng kích thước. Như vậy là được món bánh giầy giò hấp dẫn, ngon miệng. Hiện nay, bánh giầy được sử dụng phổ biến trong các ngày lễ, Tết, trong những đám cỗ, cưới hỏi và cả ngày thường.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

3. Bánh Bèo
Nhắc đến đặc trưng của ẩm thực miền Trung ta không thể bỏ qua món Bánh Bèo. Đây là một lại bánh dân dã nhưng lại ngon vô cùng. Với tôm băm hoặc xay nhuyễn, hành lá rắc lên bánh và nước dùng được dưới trực tiếp vừa thơm vừa béo vừa thanh mát lại vô cùng đậm đà. Tùy theo từng địa điểm, bánh bèo cũng có tên và đặc điểm khác nhau: bánh bèo Quãng Ngãi, Hội An, Huế (bánh bèo phố cổ), Quãng Nam, Bình Định… Nhưng nổi trội nhất bánh bèo Quãng Nam và bánh bèo Huế. Bánh bèo Quãng thường to, dày, ăn với  bột nấu nhão gồm có thịt, tôm băm, hẹ, khi ăn bỏ thêm ít hành phi, ớt băm. Bánh bèo Huế mỏng hơn, có bột tôm sấy, ăn kèm theo da heo chiên giòn ăn kèm cùng nước mắm.
Bánh bèo miền Trung đa phần đúc bằng chén gọi là bánh bèo chén. Sang tới miền Nam thì bánh bèo có nhiều kiểu cách khác nhau, nhưng thường là ăn chung với nhiều loại bánh cũng như gia vị khác, làm cho hương vị đặc trưng của bánh bèo mất đi phần nào.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

4. Bánh Xèo – “Pizza Việt Nam”
Có lẽ loại bánh này được gọi tên theo âm thanh tiếng “xèo xèo” phát ra khi người đổ bột vào một chảo nóng để làm bánh. Tùy theo sở thích và đặc điểm tự nhiên của từng vùng miền mà mỗi nơi có cách chế biến bánh xèo khác nhau. Tuy nhiên, thành phần cơ bản của bánh vẫn không thay đổi như bột bánh xèo, thịt ba rọi, tôm tép, cà rốt, nấm, giá…ăn kèm cùng các loại rau cải và chấm nước mắm làm. Khác nhau có chăng là hình thức và vị của bánh mà thôi.
Bánh xèo miền Tây với kích thước to và viền ngoài vàng ươm, mỏng đến giòn tan. Bánh xèo miền Trung với vỏ bánh gọn và dày hơn. Đặc biệt nhất là bánh xèo tôm nhảy xứ Nẫu mới lạ với kích thước nhỏ và nhiều tôm. Bánh xèo Việt Nam được khách du lịch phương Tây ưu ái gọi bằng “pizza Việt Nam”.
Ngày xưa khi còn ở quê, cứ mỗi mùa mưa đến là Ngoại, Mẹ và Dì sẽ tập trung làm bánh xèo. Mọi người sẽ ngâm gạo với nước theo tỉ lệ phù hợp, sau đó đem sang nhờ nhà hàng xóm xay nhuyễn hỗn hợp gạo và nước bằng cái cối đá cũ kỹ, để màu bánh được vàng đẹp mắt thì có thể cho thêm bột nghệ. Lúc ấy chẳng ăn được bao nhiêu nhưng cứ thích ngồi trong bếp xem mọi người làm. Nếu thích ăn giòn thì có thể để bánh lâu hơn trên bếp hoặc có một kiểu ăn khác mà mình rất thích là chỉ có đổ vỏ thôi không cần bỏ nhân, khi bánh vừa chín thì lấy ra liền, cuộn lại rồi chấm với xì dầu hoặc nước mắm. Bánh mới ra lò mềm, thơm, nóng hổi ăn kèm nước chấm cay cay vào một ngày mưa thì còn gì bằng.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

5. Bánh Cốm – Đặc sản Thủ Đô
Từ lâu, Bánh Cốm phố Hàng Than đã trở thành một đặc sản nổi tiếng của Hà Nội, không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi, giỗ chạp và là món quà được ưa chuộng của du khách thập phương.
Bánh cốm làm từ cốm, nhân đậu xanh dừa nạo và mứt bí hoặc mứt sen trần, thường dùng cho lễ ăn hỏi. Cốm được trộn nước theo tỷ lệ nhất định, đảo đều trên lửa, hoặc hấp chín trộn chút đường và nước hoa bưởi. Nhân bánh được làm từ đậu xanh hấp chín xay nhuyễn sau đó ngào đường và lại đun nhỏ lửa. Sau đó cho dừa nạo và mứt bí xắt hạt lựu hoặc mứt sen. Công đoạn cuối cùng là gói bánh, với nhân được chia ra từng nắm nhỏ và áo bên ngoài bằng cốm đã chế biến.
Nhà văn Thanh Lam đã từng viết về bánh cốm với những ngôn từ thấm đượm hương vị đồng nội:
“Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ. Lúc bấy giờ ta mới thấy thu lại cả trong hương vị ấy, cái mùi thơm phức của lúa mới, của hoa cỏ dại ven bờ: trong màu xanh của cốm, cái tươi mát của lá non, và trong chất ngọt của cốm, cái dịu dàng thanh đạm của loài thảo mộc.”

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

6. Bánh Đậu xanh
Nhắc đến Hải Dương, người ta không thể không nghĩ đến Bánh Đậu xanh. Bánh đậu xanh Hải Dương ra đời vào đầu thế kỷ 20. Hiện nay, thành phố Hải Dương có trên 50 nhãn hàng bánh đậu xanh, trong đó có những nhãn hiệu nổi tiếng như: Rồng vàng Hoàng Gia, Bảo Hiên, Nguyên Hương, Bảo Long, Bá Tiến, Hòa An, Minh Ngọc, Quê Hương… nằm dọc các phố lớn trong thành phố và nhất là dọc tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng. Bánh đậu xanh chính là món quà ý nghĩa nhất cho những người con xa quê và những vị khách tới thăm thành phố.
Bánh Đậu xanh là một loại bánh (bánh ngọt) làm từ bột đậu xanh quết nhuyễn với đường và dầu thực vật hay mỡ động vật, thường là mỡ lợn. Bánh được cắt thành từng khối vuông nhỏ, gói giấy bạc thành hộp nhỏ, lớn hay gói giấy thấm mỡ thành từng thỏi vàng. Bánh thường được dùng khi uống trà tàu hay chè xanh, khi đó sẽ tạo cảm giác thư thái.
Ngày nay, bánh đậu xanh đã thay đổi theo xu hướng thời đại, có những vị bánh mới như: bánh đậu xanh trà xanh, bánh đậu xanh sầu riêng, bánh đậu xanh khoai môn, bánh đậu xanh hạt sen, bánh đậu xanh dừa xiêm…

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

7. Bánh bột lọc
Đến với xứ Huế mộng mơ, bạn không chỉ được thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử mà còn có cơ hội được trải nghiệm những điều thú vị về ẩm thực nơi đây. Ở Huế có rất nhiều món ăn ngon như cơm hến, bún bò, bánh xèo,… nhưng trong “thiên đường” đó không thể không kể đến món Bánh bột lọc Huế. Bánh bột lọc có hai loại, bánh bột lọc gói bằng lá chuối và bánh bột lọc trần. Nếu ví bánh bột lọc trần như cô gái thành thị mang vẻ đẹp khỏe khoắn, hiện đại, luôn cởi mở, dễ gần thì ngược lại, bánh bột lọc gói lại được xem như cô gái Huế luôn e ấp, dịu dàng trong tà áo dài và nón lá duyên dáng.
Bánh được từ bằng bột sắn được lọc tinh bột, sau đó được luộc một phần nhỏ bột, hoặc dùng nước sôi nhồi kỹ và làm bánh. Nhân bánh thường bằng tôm trộn với gia vị, có thể làm nhân bằng thịt heo nạc hay hỗn hợp tôm – thịt. Sau khi vắt thành bánh, bánh được gói bằng lá chuối (hoặc có thể không gói) và hấp cách thủy hay luộc chín rồi nhúng nhanh vào nước lạnh đều được. Khi ăn miếng bánh dai dai kết hợp với nhân tôm thịt được ướp nấu dậm đà, ăn kèm thêm nước chấm chua ngọt quả thực là một sự kết hợp hoàn hảo.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

8. Bánh phu thê
Đặc sản của Bắc Ninh với ý nghĩa tượng trưng cho lòng thuỷ chung son sắt của các cặp vợ chồng chính là Bánh phu thê. Hiện tại vẫn còn nhiều đám cưới hỏi chọn bánh phu thê để làm một trong những lễ vật không thể thiếu trong mâm quả.
Đình Bảng-Bắc Ninh là nơi gắn bó với phát tích của triều Lý và là nơi đầu tiên làm ra loại bánh này. Để làm bánh, người ta phải chọn loại gạo nếp cái hoa vàng thơm ngon. Gạo đem vo sạch, để ráo nước và dùng cối giã chứ không được xay bằng máy. Sau đó, lọc lấy tinh bột gạo. Một cân gạo nếp cái hoa vàng thường chỉ lấy được 4 lạng tinh bột. Bột lọc đó lại đem xay cho thật nhuyễn rồi phơi hoặc sấy khô để qua 15 ngày mới đem ra làm bánh, nếu làm ngay thì bánh sẽ nát. Nhân bánh phu thê là đỗ xanh ngâm kỹ đãi sạch vỏ. Đem hấp chín, nghiền mịn, thắng với đường và trộn lẫn vài sợi dừa đã được nạo nhỏ. Phần bột mỏng ôm trọn nhân đậu xanh bên trong thể hiện sự ôm ấp, chở che ấm áp của tình nghĩa vợ chồng.
Theo truyền thống bánh được gói bằng hai thứ lá. Bên trong là lớp lá chuối chống dính, ngoài cùng lá lớp lá dừa, tuy trên tráp ăn hỏi có thể bánh được đặt trong hộp giấy màu đỏ. Luộc bánh tốt nhất là luộc bằng bếp củi đun vừa lửa.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

9. Bánh Khúc – Xôi Khúc
Bánh Khúc hay Xôi Khúc là loại bánh có nguồn gốc từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, làm từ lá rau khúc (có hai loại là rau khúc tẻ và rau khúc nếp có khi còn được gọi là khúc Ông và khúc Bà, nhưng khi làm bánh, người ta thường chọn lá rau khúc nếp, bởi lá khúc nếp thơm ngon hơn nhiều), gạo nếp, nhân đậu xanh, thịt lợn mỡ. Bánh thường được làm vào mùa rau khúc – dịp tháng 2, tháng 3 Âm lịch. Bánh được làm từ lá rau khúc non mềm mọc bên bờ ruộng, bờ cát, chính loại lá này đã làm nên hương vị đậm đà của bánh. Nhân bánh được làm từ đậu xanh, thịt nạc giã nhuyễn với hạt tiêu, bên ngoài phủ một lớp gạo nếp dẻo, ăn nóng sẽ rất ngon. Ở Hà Nội, bánh khúc thường được rao bán vào các buổi tối, người bán (thường là nam) đội thúng bánh trên đầu đi dọc các phố và rao “Xôi nóng bánh khúc đê, xôi nóng bánh khúc nào…” hay “Ai bánh khúc nóng đây!” cùng rất nhiều cách rao khác nhau với một âm điệu rất đặc biệt trở thành nét đặc trưng của người Hà Nội.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

10. Bánh Thuẫn – Bánh Thửng
Vào dịp Tết ngoài Bánh Chưng – Bánh Tét thì Bánh Thuẫn (hay bánh thửng) cũng là một trong những món bánh Tết có hương vị độc đáo, phổ biến ở các tỉnh miền Trung trong dịp năm mới. Từng chiếc bánh thơm nức mũi, màu vàng ươm nở bung ra như những cánh hoa luôn khiến người thưởng thức nhung nhớ. Món bánh đặc biệt này được làm từ bột, trứng và được đổ trong khuôn bánh bằng gang hoặc đồng, mỗi mẻ bánh người ta sẽ đổ được 6 – 8 chiếc bánh. Cách làm bánh thuẫn nướng nghe có vẻ đơn giản là vậy, thế nhưng để có được mẻ bánh vàng ươm, mặt bánh nở bung ra như những cánh hoa vàng ươm lại không hề dễ. Công đoạn pha và đánh bột để làm bánh thuẫn cần được thực hiện một cách cẩn thận, tỉ mỉ và đúng chuẩn thì món bánh sau khi làm mới đạt được hương vị thơm ngon. Bánh thuẫn được làm từ bột năng, bột bình tinh (huỳnh tinh) và pha với tỉ lệ nhất định.
Có lẽ một phần từ lâu bánh thuẫn đã là món bánh đặc sản, mang tính truyền thống nên không thể thiếu trên bàn thờ ông bà, tổ tiên cũng như mời khách trong những ngày Tết. Vậy nên dường như ở nhiều gia đình thì nếu thiếu bánh thuẫn, hương vị ngày tết sẽ không được trọn vẹn.

khám phá, những món bánh truyền thống cực ngon của việt nam

Đăng bởi: Hà Thuỳ Dung

ALONGWALKER Singapore: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Philippines: The channel to explore experiences of global youth ALONGWALKER Indonesia: Saluran untuk mengeksplorasi pengalaman para pemuda global ALONGWALKER Malaysia: Saluran untuk menjelajahi pengalaman global belia ALONGWALKER Japan: 発見・体験、日本旅行に関する記事 ALONGWALKER Thailand: ช่องทางในการสำรวจประสบการณ์ของเยาวชนระดับโลก